25 thg 1, 2016

Tết này có nên ‘cứu đói’ quan chức Việt? của Phạm Chí Dũng .


Năm hết Tết đến, vô số xe hơi bóng lộn lại gầm gào rú rít trên đường phố Hà Nội căm rét. Gã chạy xe ôm tên B đảo mắt trề môi, “Xe đông như kiến cỏ như thế là xe chạy quà cho các sếp đấy.”


Còn doanh nhân T chợt than thở, “Lo tiền trả lương thưởng cho nhân viên mà lòng như thiêu như đốt, lấy đâu ra quà cáp biếu xén cho cái lũ thối thây ấy.”

Năm nào cũng thế, chỉ mới Tết Tây, ngoài đường đã ngờm ngợp lớp quan nhỏ “chạy” quan to, rồi lớp quan to “chạy” quan to hơn...

Cả chế độ tham nhũng rần rật chưa từng xuân sắc hơn rộn vang tiếng đon đả trước mặt chửi rủa sau lưng.

Giao thừa Tết Tây, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam đăng đàn lên tiếng về vụ 5 người Việt bị bắt ở Thái Lan vì tội ăn cắp.

Muối mặt bởi báo chí và khách tài trợ quốc tế, thỉnh thoảng quan chức Việt lại tổ chức hội thảo sang trọng để tìm cách giảm bớt tỉ lệ quan chức nhận hối lộ, còn lại đổ vấy “hối lộ tăng là do doanh nghiệp.”

Chỉ có 29% doanh nghiệp triển khai chính sách liêm chính - một cuộc khảo sát gần nhất cho biết. Điều kỳ lạ là con số này lại khá phù hợp với tỉ lệ lên đến khoảng 70% doanh nghiệp sẵn sàng đưa hối lộ cho giới quan chức - theo một cuộc khảo sát khác.

Hơn bao giờ hết trong chuỗi năm suy thoái kinh tế, quan chức phải được “cứu đói.” Bất cứ một quan chức nào còn đói cũng nhân tiện kéo theo một ngàn dân nghèo ngắc ngoải.

Dòng đời bất tận. Hệt như câu ví von của một vị cách mạng lão thành trên báo nhà nước mới đây, “Biển cả bất tận thì tham nhũng cũng bất tận.”

Năm hết tết đến, “cơ chế” lót tay quan chức lại nổi lên như giặc giã ở khắp nơi, bất chấp năm nào chính phủ và một số địa phương vẫn cố tỏ ra “học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” bằng một chiến dịch phát hành văn bản cấm quan chức nhận quà.

Nhưng cũng cận tết năm nay, một số doanh nghiệp thậm chí còn phải phát hành quy định nhân viên không được tặng quà cho quan chức. Nếu tặng quà mang tính xã giao, tặng quà cho quan chức chính phủ không được quá 25 USD. Thậm chí việc mời đối tác ăn cơm hay uống cốc cà phê với quan chức chính phủ cũng phải báo cáo.

Nhục không để đâu cho hết!

Vào năm 2015, ngay cả những chuyên gia được coi là “phản biện trung thành” nhất đã phải thốt ra: để tạo ra một đồng lợi nhuận thì doanh nghiệp phải mất tương đương chừng ấy cho “bôi trơn.”

“Bôi trơn lắm thế mà dân không chết mới là lạ!” - báo nhà nước kêu lên tuyệt vọng.

Một nhà quan sát, “Trước đây tôi chỉ nghe mức độ tham nhũng nhũng nhiễu được coi là thông thường là 30%. Tỉ lệ này thường được áp dụng trong xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách nhà nước và được coi là bình thường, có nghĩa là cứ 100 đồng thì phải cắt ra 30 đồng để coi là hoa hồng, lại quả, hối lộ cho một số quan chức. Sau đó tỉ lệ 30% đó được nâng lên thậm chí có lúc tới 50% và đáng chú ý là tỉ lệ này chừng mực nào đó lại được áp dụng vào trong lãnh vực tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn ODA.”

Một câu chuyện được lan truyền trong giới “thuở ấy thời thổ tả”: tại một hội nghị về “doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ,” một chuyên gia nước ngoài đã vội vã lấy khăn mù xoa lau tay mình, mà lại chà thật kỹ, sau cái bắt tay với một quan chức Việt trơn nhẫy mặt.

Bôi trơn từ dưới lên trên, từ trên lên cao hơn nữa, để không bao giờ ngừng nghỉ và luôn được “nâng lên một tầm cao mới” như cách nói đầy tính khoa bảng của giới lãnh đạo đặc tính Lê Chiêu Thống mà không hề biết ngượng mồm.

Ngày đó chẳng còn xa nữa...

Song những kẻ đút tiền vào túi không biết ngượng tay lại phải chạm mặt với cái lạnh tê tái vào mùa Đông năm nay: Cảnh tượng kinh tế ngày càng nheo nhóc đã khiến giới doanh nghiệp không còn dồi dào “đạn” để trám miệng giới quan chức há mồm cố định như trước đây.

Trong khi thông báo về thành tựu GDP tăng vọt, cũng chính Tổng Cục Thống Kê lại cho biết số doanh nghiệp giải thể hoặc gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm 2015 lên tới 80.858, tăng 19% so với năm 2014. Riêng Tháng Mười Hai, 2015, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 15.1%, trong khi số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động tăng tới 80.6%.

Triển vọng được nhận “quà” của giới quan chức cho Tết 2016 cũng vì thế trở nên “hẻo” hơn bao giờ hết. Một doanh nhân có máu mặt lẩm nhẩm: Nếu 3 năm trước mà “quà tết” đã giảm đến 40-50% so với thời gian năm 2007-2008, thì nay còn tệ hơn, có khi chỉ còn 30%. “Đói” là cái chắc!

Dù chưa tới Tết Nguyên Đán, nhưng hẳn là vào tết năm nay, giới quan chức sẽ bị teo ruột. Nếu cả những địa phương được coi là vựa lúa như Cà Mau, Bạc Liêu mà còn rơi vào tình trạng vỡ nợ ngân sách, chẳng còn mấy sạn gạo dành cho “cán bộ trung ương.”

Tháng cuối cùng của năm 2015, báo nhà nước còn phản ánh một số công an xã chặn dân ngoài đường để “xin tiền” trắng trợn. Số tiền lên đến 90 triệu đồng.

Rồi cứ như một màn hí kịch năm nào cũng thế, tết năm nay lại lũ lượt chính quyền các địa phương từ Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa... vác rá lên chính phủ để “xin gạo cứu đói cho dân.”

Bản lý lịch “xóa đói giảm nghèo” ở Việt Nam vẫn còn trống vắng một thành phần mới: Giới quan chức còn răng còn đớp.

Song cũng chính những địa phương có truyền thống “cứu đói cho dân” lại khiến dân nghẹn uất: hàng loạt dự án theo kiểu “tổ yến” của Khánh Hòa đầy cơ may ăn ngập đến hàng vài ngàn và thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng từ tiền đóng thuế của dân.

Hiển nhiên vào thời loạn lạc này, “tổ yến” là mô hình đặc trị nhất để gầy dựng “tổ mối” phá nát chân đứng chế độ, biến lũ quan tham thành điểm đen trả thù của đám đông dân chúng không còn gì để mất.

Thời gian hữu hạn, ngày đó chẳng còn xa nữa...

Phạm Chí Dũng

(Người Việt

)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog