13 thg 12, 2015

Bí ẩn tai nạn thảm khốc nhất lịch sử đường sắt Việt Nam theo Người đồng bằng .

Bí ẩn tai nạn thảm khốc nhất lịch sử đường sắt Việt Nam



 - Tôi lặng lẽ đi giữa hàng bia nhỏ. Trời nắng gắt. Không một bóng người. Dừng lại trước một ngôi mộ khá to, tôi chợt lặng người khi đọc những dòng chữ trên bia: "Phần mộ - trong 2 ngôi mộ này có phần mộ mẹ chúng tôi. Phần mộ còn lại nếu có thân nhân xin liên hệ với chúng tôi để tìm hiểu. Liên lạc số điện thoại . . . . Cám ơn".
Nghĩa trang ĐS 17.3.1982
Có lẽ đây là ngôi mộ duy nhất trong nghĩa trang này được có nấm mồ. Gần 100 mộ khác chi có một tấm bia nhỏ đứng trơ trọi trên mảnh đất trống hững hờ với tháng năm.
Dòng chữ trên bia của ngôi mộ lớn và gần 100 tấm bia nhỏ với nội dung giống nhau : mộ VD (vô danh) đã làm cho chúng tôi hết sức ngỡ ngàng vì tấm biển trước cổng ghi rõ đây là Nghĩa trang Đường Sắt.
Chuyến tàu định mệnh, nghĩa trang,  ĐS 17.3.1982, phần mộ; tai nạn đường sắt; đồng nai
 
Bên trong nghĩa trang. Những ngôi mộ không nấm mồ. Nếu không có hàng bia do ông Hoạt cắm thì đây chỉ là bãi đất hoang.
 
Một phụ nữ từ ngoài đi vào thẳng đến bàn thiên giữa nghĩa trang. Chị lấy trái cây sắp lên, đốt nhang đèn và khấn vái. Cử chỉ của chị hết sức thành kính. Đưa nén nhang lên cao miệng chị lẩm bẩm khấn vái và cuối cùng chị bái tạ.
Cúng xong, chị lấy một ít hoa, trái và nhang đến một khoảng mộ vô danh theo hướng thẳng từ ngoài cổng đi vào. Chị sụp xuống bày biện và đốt nhang. Làn khói hương bay lên cao giữa nắng gắt buổi trưa dường như có một vẻ gì rất tâm linh rất huyền thoại.

Chuyến tàu định mệnh, nghĩa trang,  ĐS 17.3.1982, phần mộ; tai nạn đường sắt; đồng nai
 
Ngoài những mộ vô danh, có những mộ có tên được khắc bia (mũi tên).
 
Tôi đến gần chị. Chị vẫn ngồi lặng lẽ. Nén nhang đã vơi đi một nửa, chị vẫn ngồi. Cây nhang đang tỏa khói. Đầu chị hơi gục xuống và mái tóc đã che mất gương mặt. Tôi lặng yên không dám khuấy động giây phút thiêng liêng của người phụ nữ này.
 "Anh tìm mộ ai trong nghĩa trang này ?". Giật mình nhìn quanh quất. Vẫn không có ai ngoài tôi và chị. Thì ra chị hỏi tôi. "Không chị ạ. Tôi không có thân nhân nằm ở đây. Tôi chỉ vào thăm vì tình cờ thôi . . ."
Tôi cũng bày tỏ với chị những thắc mắc mà chưa được ai giải đáp. Chị chỉ về hướng cuối nghĩa trang, nơi có bóng cây râm mát. Mình lại chỗ kia nói chuyện đi.
Chị là chị Trần Thị Cẩm đã ngoài 50 tuổi ngụ tại quận Phú Nhuận (TP.HCM). Nhờ chị, chúng tôi mới biết được lại lịch của nghĩa trang này. Thì ra đây không phải là nghĩa trang dành cho những người công tác trong ngành đường sắt mà là nơi chôn cất nạn nhân vô thừa nhận trong vụ lật tàu ngày 17/3/1982.
Chị Cẩm có thân nhân chết trong tại nạn này. Theo lời chị, anh Hai của chị cùng người vợ đang mang thai 5 tháng đi trên chuyến tàu này mãi mãi không về. Ngày xảy ra tại nạn, gia đình chị ở xa không biết đến khi biết thì quá muộn không xác định được ngôi mộ nào là của anh chị mình.
Chuyến tàu định mệnh, nghĩa trang,  ĐS 17.3.1982, phần mộ; tai nạn đường sắt; đồng nai
 
Chị Cẩm cúng anh chị mình theo tâm linh mách bảo
 
Bởi thế, có một lần chị khấn vái: "tính từ cổng vào anh chị nằm ở hàng mộ nào cho em biết". Chị cầm nén nhang đi khắp nghĩa trang qua nhiều hàng mộ. Đến hàng thứ 3 khoảng giữa nhìn thẳng ra cổng bất chợt nén nhang trên tay phụt lên lửa ngọn. Chị dừng lại cắm nhang xuống ngay ngôi mộ đó và khấn nếu đúng là anh chị thì tàn nhang không rơi mà khoanh tròn lại.
Chị Cẩm cho biết, lúc này gió mạnh. Nhang vẫn cháy và tàn nhang không rơi mà tạo thành một khoanh tròn kết hợp với thân nhang giống như hình chữ P. Mà P là Phương là tên anh của chị.
Nói là vậy - chị Cẩm tiếp lời - vì thương anh chị quá nên mình làm thế cũng không lấy gì làm chắc chắn. Dẫu sao thì mình cũng có chút niềm tin, anh chị và cháu mình mãi mãi nằm ở nơi đây . . .
Tai nạn thảm khốc năm 1982
Tai nạn lật tàu ngày 17/3/1982 là một thảm họa đường sắt lớn chưa từng có. Hàng trăm người chết và bị thương. Mình không biết con số nạn nhân cụ thể nhưng chỉ biết tại nghĩa trang này có 113 ngôi mộ chôn các thi thể vô thừa nhận, không xác nhận được nhân thân. Chị Cẩm kể cho chúng tôi nghe. . .
Chuyến tàu định mệnh, nghĩa trang,  ĐS 17.3.1982, phần mộ; tai nạn đường sắt; đồng nai
 
Cổng nghĩa trang trong những năm bỏ hoang (ảnh bạn đọc cung cấp)
 
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng. Từ ngoài cổng, 4 người thợ xây và một cụ già đang đi vào. Chị Cẩm nở nụ cười : "chú Hoạt, cháu là Cẩm nè ". Ông cụ đi về hướng chúng tôi. Chị Cẩm giới thiệu, chú Nguyễn Kim Hoạt, người dân địa phương đã góp rất nhiều công trong việc gìn giữ nghĩa trang này.
Chúng tôi hỏi thăm cụ về tình hình nghĩa trang, ông Hoạt cho biết, tai nạn xảy ra vào lúc 5g sáng ngày 17/3/1982 tại Km 1668+400 nơi cua chữ C gần ga Bàu Cá (trước thuộc xã Hưng Thịnh, này là xã Tây Hòa, H. Trảng Bom - Đồng Nai).
Chuyến tàu định mệnh, nghĩa trang,  ĐS 17.3.1982, phần mộ; tai nạn đường sắt; đồng nai
 
Nghĩa trang chỉ là bãi cỏ um tùm
 
Tôi không có mặt lúc xảy ra tai nạn. Năm đó tôi gần 50 tuổi được chính quyền địa phương huy động tham gia công tác khắc phục hậu quả. Khi tôi đến nơi, một cảnh tượng khủng khiếp hiện ra trước mắt. Nhiều toa tàu lật nghiêng ngả. Có toa văng ra xa. Đầu máy văng lên gò đất cao cách đường ray vài chục mét.
Tai hiện trường người chết nằm la liệt. Có những thi thể không nguyên vẹn nằm chen trong các đống hàng hóa. Chúng tôi được lệnh thu gom xác dồn về một phía.
Đến chiều nhóm người chúng tôi được điều động đến khu đất cách nơi xảy ra tai nạn không bao xa để đào 200 huyệt mộ.
Người đông, chúng tôi đào tới chiều thì hoàn tất. Thi thể những người xấu số được chôn xuống đó nhưng chỉ được hơn 100 huyệt. Số còn lại thừa ra chúng tôi lấp lại.
Trong đời tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng chôn người chết thê thảm đến thế. Hơn một trăm người, mỗi người nằm trong chiếc quan tài bằng gỗ cao su được bỏ xuống lấp vội. Không một tiếng khóc. Không một một bát nhang. Không một câu kinh, tiếng kệ, tiếng kèn, tiếng trống đưa hồn người chết tiêu diêu.
Người chết được lấp đất, đắp lên một nấm mộ sơ sài và cắm một cọc gỗ ghi số thứ tự. Khi người cuối cùng được lấp đất thì gần nửa đêm.
Chuyến tàu định mệnh, nghĩa trang,  ĐS 17.3.1982, phần mộ; tai nạn đường sắt; đồng nai
 
và tường rào xiêu vẹo
 
Sau đó, ngành đường sắt xây một hàng rào bao quanh đồng thời làm bia cho những người có tên mà không có địa chỉ và đến đây thì xem như xong việc.
Là người chứng kiến cảnh tượng đau lòng tôi thường xuyên huy động bà con anh em trong địa phương tham gia vào việc gìn giữ nghĩa trang này. Hàng năm, cứ đến tháng 10 giáo xứ Lộc Hòa tổ chức dọn cỏ phát quang nghĩa trang để đến tháng 11 tổ chức lễ linh hồn theo nghi thức Công giáo.
10 năm gần đây, việc phát quang không được tiếp tục. Cây cối cỏ hoang mọc đầy. Bên trong, những nấm mồ hoang lạnh đã bị lạn thành đất bằng và những cọc gỗ ghi thứ tự theo thời gian năm tháng đã không còn.
Đến năm 2013, sau khi biết có nhiều người ghé qua nghĩa trang không vào bên trong được do cỏ cây phủ dày tôi đã kêu gọi bà con tại địa phương cùng góp công phát hoang. Cỏ được đốt và cắt bỏ cây trả lại cho nghĩa trang một bãi đất trống đầy thảm hại.
Dấu vết của hơn 100 người nằm lại nơi đây đã không còn. Tôi đành đi vận động các nơi làm hơn một trăm tấm bia bằng xi măng. Nhờ có tham gia chôn cất đồng thời căn cứ vào vài chi tiết còn sót lại, tôi cắm bia. Mỗi huyệt là một bia và như thế đến nay, còn lại hơn 90 huyệt. Song song với cắm bia, chúng tôi cho làm thêm trên cổng hàng chữ "nghĩa trang ĐS 17.3.1982"
Công việc chúng tôi làm hoàn toàn thiện nguyện. Đến ngày 10/10/2015, một đoàn cán bộ thuộc Tổng Công Ty đường sắt đã về đây để cầu siêu cho các vong linh đã khuất . . .
Lần đầu tiên sau 33 năm lãng quên, ngành đường sắt bỗng dưng nhớ đến những người xấu số. Âu đây cũng là chút ân sùng duy nhất còn sót lại dành cho người đã khuất.
5g sáng ngày 17/3/1982, đoàn tàu mang số hiệu 183 xuất phát từ ga Nha Trang đến Km 1668+400 (gần ga Bàu Cá H. Trảng Bom, Đồng Nai) đã bị lật. 10 trong số 13 toa xe đã văng ra khỏi đường ray. Riêng đầu máy văng lên một gò đất cao cách đường ray vài chục mét. Lái tàu Đậu Trường Tỏa, phụ lái Phạm Duy Hanh, nhân viên thực tập Trần Giao Chi và hàng chục nhân viên theo tàu thương vong. Số hành khách bị chết lên đến hơn 200 người. Số nạn nhân tìm thấy danh tính và có người nhà nhận diện được đưa về nhà. Còn lại 113 người vô thừa nhận được an táng tại nghĩa trang ĐS.
Theo anh Lý Thoại Phương (53 tuổi ngụ Gò Vấp) có mẹ chết trong tai nạn nạn lật tàu cho biết, khi vào nhận tiền bồi thường 3000đ/người tại văn phòng phía nam Tổng Cục Đường sắt trên đường Hàm Nghi (Q.1 TP.HCM) vào ngày 25/3/1982, nguyên nhân tai nạn được các giới chức đường sắt xác nhận là mất thắng. Do sự cố này đã làm cho tàu tăng tốc có thể lên đến 200km/g nên khi đến cua chữ C gần ga Bàu Cá thì xảy ra tại nạn.
Hiện đến nay, sau 33 năm vẫn chưa có một thông tin chính thức nào về sự cố này được công bố.
Trần Chánh Nghĩa
(còn tiếp) 
Nguồn: Vietnamnet 
__________

Bài liên quan:
Câu chuyện bi thương và cảm động ở nghĩa trang đường sắt

Trở lại Tây Hòa... Lật tàu - trách nhiệm thuộc về ai! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog