Luật
pháp xói mòn
Chủ nhật vừa rồi (10 tháng
11/2016), có hàng ngàn người Hồng Kông xuống đường, yêu cầu chính quyền đặc khu
phải có một cuộc điều tra khẩn thiết về việc một người bán sách bị mất tích.
Ông Lee Bo, 65 tuổi, là một trong 5 người của nhà xuất bản Causeway Bay Books
đột nhiên mất tích một cách lạ lùng từ tháng 10 vừa qua. Câu chuyện một công
dân không có gì là nổi bật ấy, vắng mặt trong đời sống hàng ngày, lại đang là
đề tài cho nhiều vụ bình luận của báo giới quốc tế, và cũng khiến cho mối quan
hệ ngoại giao giữa Anh và Trung Quốc bất ngờ trở nên trầm trọng.
Chỉ là một người bán sách thôi mà?
Nhưng tại sao lại trở nên lớn chuyện như vậy?
Theo lời tố cáo của các tổ chức
nhân quyền tại Hồng Kông, thì Causeway Bay Books đang trong chiến dịch ấn hành
các loại sách mà Bắc Kinh có vẻ không vui. Một trong những cuốn đó, nghe đồn
đoán là nói về cuộc đời tình ái của ông Tập Cận Bình. Ngoài ra, tiêu đề của
nhiều cuốn sách khác là những bình luận mang tính phản kháng, chỉ trích những
vấn nạn của chính quyền Trung Quốc hiện nay.
Việc tìm kiếm ông Lee Bo bất ngờ
bùng lên, sau khi có một bức fax từ đại lục chuyển về cho vợ con ông, nói rằng
đừng tìm ông nữa, vì ông ta vẫn ổn. Tuy nhiên, giới luật sư và tranh đấu nhân
quyền ở Hồng Kông nói rằng họ tin rằng Bắc Kinh đã bắt cóc ông Lee Bo và ép
buộc ông phải viết lá thư đó.
Trong dòng người diễu hành qua
trung tâm đặc khu Hồng Kông, người ta nhìn thấy biểu ngữ “Nếu luật pháp không
còn, Hồng Kông có còn là Hồng Kông không?”. Rất nhiều người Hồng Kông nói rằng
họ đã sống qua thời kỳ thượng tôn pháp luật, sự kiện đầy tính trấn áp và côn đồ
này khiến ai nấy đều cảm thấy thương tổn và lo ngại cho tương lai Hồng Kông về
sau, khi phải ngày càng gần với Trung Quốc.
Đó chỉ là một câu chuyện thoáng qua
trong đời sống. Có lẽ sẽ mau quên trong tâm trí người Việt. Nhưng nếu để dừng
lại, ngắm nghía câu chuyện đó như bài học của đời, thì quả là bất ngờ khi chúng
ta nhận ra rằng thượng tôn pháp luật là lằn ranh cuối cùng, phân chia rõ đời
sống văn minh và thế giới khuôn phép giả tạo của kẻ cầm quyền giỏi mị dân.
Một công dân bình thường của Hồng
Kông bị mất tích vô cớ, đủ gây nên một sự phẫn nộ về xã hội bất an và nghi hoặc
về tính liêm chính của chính quyền. Mọi tầng lớp hành chính, xã hội, tự pháp…
đều lên tiếng và đòi làm rõ. Vậy ở Việt Nam, hàng trăm người chết lạ lùng trong
các trại tạm giam, sau khi qua một đêm, thậm chí vài giờ với các công an viên
điều tra, sẽ nói lên điều gì?
Theo VTV ngày 8 tháng 1/2016, dẫn
lời ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho
biết, tiền dự chi bồi thường oan sai trong năm 2015 đã vượt mức 100 tỷ đồng cho
người bị hại, bất bất chấp 20 Bộ, ngành, 39 địa phương gửi báo cáo tổng kết
2015 hớn hở khẳng định rằng đã không hề để xảy ra vụ oan sai nào. Ấy vậy mà
những vụ án oan khuất như Đỗ Đăng Dư, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Nguyễn
Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén… vẫn bùng nổ, làm xáo động nhân tâm từ Bắc chí Nam.
So với Hồng Kông, người Việt đang mất tích vô cớ, tù vô cớ, bị nhục hình vô cớ,
và chết vô cớ trong tay từng chính quyền địa phương – chỉ riêng trong năm 2015
đã có 11 người chết vô cớ trong trại tạm giam được thông báo – sao mọi thứ cứ
nhẹ nhàng như chuyện con bò được đưa vào lò sát sinh cho tô phở sáng.
Michael Davis, chuyên gia về vấn đề
Luật Hồng Kông và Đại lục tại Đại Học Hồng Kông, nói với tờ Time rằng “pháp
luật bị xói mòn, đó chính là điều người dân lo lắng nhất”. Michael Davis nhắc
lại cuộc biểu tình dài 79 ngày, năm 2014, mà mục đích lớn nhất – cũng như nhục
nhã nhất – là người dân nhắc chính quyền phải biết tuân thủ nơi pháp luật của
mình bày ra, chứ không thể cai trị ngẫu hứng như những tên cướp trên hoang đảo.
“Nếu một chính quyền tự cho mình quyền thao túng xã hội, thì lúc đó người dân
trở thành luật pháp và tố cáo sự lạm dụng luật pháp”, Michael Davis nói.
Luật pháp xói mòn là như thế nào?
Hãy nghe câu chuyện về bà Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1960), bị đưa ra xử tại TAND
Bù Đăng, Bình Phước, đã quỳ xuống phiên tòa gào lên “Tôi bị oan, điều tra viên
khi dựng hiện trường đã chỉ thẳng súng vào đầu tôi nói, nếu không ký, tao bắn…”.
Nhưng thật ra bà Tâm không quỳ, bà bị điều tra viên Nguyễn Văn Huyên dùng gậy
cao su đánh hơn 20 cái đánh vào ống quyển, rồi bắt quỳ xuống và đánh vào đùi,
chân và bả vai nên bà không đứng lâu được nữa”. Bà Tâm bị cài đặt vào một vụ án
là đánh người gây thương tích, điều tra viên đánh và đưa bút bắt ký vào giấy mà
bà không biết đó là giấy tờ gì.
Đó có phải là luật pháp bị xói mòn
không? Hay luật pháp trở thành công cụ của bóng đêm, của những kẽ quay về nhà
biết cười và đùa với vợ con, nhưng quay ra thì nhe nanh múa vuốt với đồng bào
mình?
Bà Tâm liều chết gào thét được giữa
phiên tòa. Thật may mắn. Còn những ai đã chết trước khi được may mắn ra vành
móng ngựa, sẽ cất tiếng thét của mình ở đâu? Những con người vô danh chịu nạn
như bà Tâm, lại gợi nhớ chuyện ông Y Két Bdap (trú buôn Kmar, Ea Bhốk). Năm
2014, người đàn ông dân tộc thiểu số không rành tiếng Việt này, do bị nghi là
ăn cắp bò bị công xã bắt đi, trói treo lên và dùng gậy đánh đến chết. Cho đến
khi đi chôn, ông vẫn không được nói trọn vẹn tiếng Kinh rằng “tôi không phải là
kẻ cắp”. Gia đình ông Y Két Bdap được Ủy ban xã đền mạng bằng 29 triệu đồng,
chỉ bằng hơn phân nửa số tiền thưởng (50 triệu) cho việc tìm ra kẻ bắn một
người Trung Quốc tại Đà Nẳng (ngày 26/11/2015).
Viết bao nhiêu cho đủ, những chuyện
đã được đưa lên báo, và những chuyện mà người dân ngày ngày vẫn cầm những lá
đơn, bạc phơ tóc, ngơ ngác chạy khắp ngõ công đường lúc này? Viết bao nhiêu cho
đủ để đo cho đủ vực sâu của luật pháp bị xói mòn, mà chuyện xin lỗi, bồi
thường… nhẹ nhàng như một chiếc nắp vung đậy vào nỗi niềm con người, che khuất
mọi thứ đang sôi sùng sục?
Joshua Wong, nhà tranh đấu trẻ của
Hồng Kông, năm nay đã bước sang tuổi 19, nói với Time rằng “Luật pháp không
còn, Hồng Kông không còn là Hồng Kông nữa”. Hãy thử cùng tôi thay đổi chút trật
tự chữ nghĩa trong câu nói trên: Hồng Kông đổi bằng Việt Nam. Bạn đã nhận ra
điều gì chưa?
Nhạc sĩ TUẤN KHANH .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét