16 thg 1, 2016

Lời bàn ngắn về KẺ SĨ và LIÊM SỈ của Nguyễn Thái Nguyên theo Bùi Văn Bồng .

Lời bàn ngắn về KẺ SĨ và LIÊM SỈ

Đền thờ Trần Hưng Đạo ở Quận 1, Tp HCM 
Chuyện xưa và ngẫm chuyện thời nay
         
Xem bài viết nầy, liên tưởng ngay việc ông Nguyễn Sinh Hùng sang Tàu ... viếng mộ Mao Trạch Đông cách đây mấy hôm, lòng trĩu buồn .... Gót Phiêu Du . 

Nhân lúc nhàn đàm về nhân tình thế thái thời nay sau những cuộc trà dư tửu hậu, tôi muốn viết lại đây vài mẫu chuyện xưa để cùng các bạn già suy ngẫm.

+ Việc thứ nhấtKẻ được sai đi Sứ mà vì sự an nguy của dân tộc giám đốt Quốc thư.

Cả hai khoa thi Hội và thi Đình năm Nhâm Thìn 1772, đời vua Lê Hiển Tông, Hồ Sĩ Đống (1739-1785) người làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, đều đỗ thủ khoa. Năm ấy, Triều đình không lấy “Tam khôi” (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) nên Hồ Sĩ Đống chỉ đỗ Hoàng Giáp, nhưng được Vua ban cờ biển “Song nguyên Hoàng giáp” cũng là vinh hoa cao tột rồi. Sau khi đỗ Hoàng giáp, mới 34 tuổi, ông được bổ làm Hàn lâm viện Hiệu lý, những năm sau đó từng làm Bố chánh Kinh Bắc, Án sát Hải Dương rồi Tả Thị lang Bộ Hộ, Hành Tham tụng và khi ông mất, được truy phong Thượng thư Bộ Hình. Lúc ông mất, trong bài văn tế do ông Bùi Huy Bích đọc, đã đánh giá ông là “kẻ sĩ đại phu có văn học, có đức độ, có phẩm hạnh như ông ít lắm”.

Năm 1777, hai vị Hoàng giáp là Vũ Trần Thiệu được Triều đình cử làm Chánh sứ và Hồ Sĩ Đống làm Phó sứ sang Trung Quốc. Trước khi đoàn lên đường, Chúa Trịnh Sâm gọi riêng Vũ Trần Thiệu đến, đưa tờ biểu của nhà Chúa gửi vua nhà Thanh và dặn dò những việc cơ mật .

Khi đoàn đến hồ Động Đình (Nay thuộc tỉnh Hồ Nam), Chánh sứ Vũ Trần Thiệu cho mời Phó sứ Hồ Sĩ Đống và ông Nguyễn Trọng Đang sang thuyền của mình rồi đuổi hết những người khác ra ngoài, nói rõ với hai ông nội dung tờ biểu của Chúa Trịnh Sâm. Chúa Trịnh Sâm đã xin với vua nhà Thanh phế bỏ triều Lê để lập nên triều Trịnh và phong cho Trịnh Sâm làm vua. Tờ biểu không quên ngỏ lời nhờ cậy ân đức giúp đỡ của “Thiên triều” mà thực chất là một lời cầu viện ngoại bang giúp Trịnh Sâm thâu tóm quyền lực vốn đã quá lớn của nhà Chúa Trịnh. Không chỉ là tấm lòng “trung Quân” của kẻ sĩ thời đó đã bị xúc phạm nặng nề mà điều này cũng đồng nghĩa với việc bán nước cầu vinh, đẩy đất nước và muôn dân trăm họ vào vòng lệ thuộc Trung Quốc tệ hại hơn nữa. Sau khi nói rõ nỗi lòng của mình, Chánh sứ Vũ Trần Thiệu đã giao lại tờ biểu cho Hồ Sĩ Đống rồi uống thuốc độc tự tử. Không ngần ngại, Hồ Sĩ Đống đã đốt ngay thứ Quốc thư bán nước cầu vinh ấy rồi cho người quay về thông báo với triều đình rằng Chánh sứ Vũ Trần Thiệu bị cảm nặng nên đã qua đời, còn đoàn đi sứ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ được triều đình giao phó. Ngày nay, nhiều người trong chúng ta đều biết, hành động đó của Hồ Sĩ Đống sẽ bị khép vào tội “Tru di tam tộc” mà ông vẫn làm đủ biết tấm lòng “Vạn đại vị dân” (1) của những kẻ sĩ như Hồ Sĩ Đống cao thượng và trong sáng biết chừng nào. Không biết liệu Chúa Trịnh Sâm có đoán biết việc này như thế nào, nhưng sau khi Hỗ Sĩ Đống và đoàn tùy tùng về nước, không thấy có tài liệu nào nhắc tới việc này.

Trong lịch sử của dân tộc ta, dù triều đại nào, thời thịnh hay thời suy vẫn có rất nhiều kẻ sĩ biết giữ phẩm giá và khí tiết của người có học, đặc biệt rất nhiều vị Chánh sứ biết và dám giữ vững khí phách, thậm chí thà chết chứ không để nhục đến quốc thể của người đại diện cho một quốc gia dân tộc có chủ quyền, có nền văn minh văn hiến đã lâu, khiến cho triều đình phương Bắc phải nể trọng. Chuyện xưa là vậy, kẻ sĩ xưa là vậy thế mà nay không chỉ một số các Chánh sứ mà cả không ít Đại thần không còn giữ được vị thế và khí tiết trong ứng xử với chính quyền Bắc Kinh như xưa là cớ làm sao? Chả lẽ đã thành “người một nhà” quá thân thiết rồi chăng?

+ + Việc thứ hai: Vượt lên trên thù hận riêng tư, lấy Trung làm Hiếu, hy sinh tất cả vì vận mệnh quốc gia dân tộc là tâm thành của bậc Đại Thánh.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là con trai của An sinh Vương Trần Liễu. Trong lịch sử dân tộc có lẽ có một sự biến đặc biệt có một không hai là giai đoạn chuyển đổi từ triều đại nhà Lý sang triều đại nhà Trần. Khi nhà Lý đã vào thời suy mạt, Thái sư Trần Thủ Độ đã một tay sắp đặt lại triều chính để tạo dựng nên một triều đại mới, triều đại của nhà Trần.

Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng (lúc đó mới 8 tuổi) bị Trần Thủ Độ ép nhường ngôi cho chống là Trần Cảnh và Trần Cảnh trở thành vị vua đầu tiên của nhà Trần, tức là Trần Thái Tông. Nhưng sau khi Hoàng tử Trần Trịnh bị chết yểu đã 3 năm mà Lý Chiêu Hoàng chưa có thai. Có lẽ vì một thông tin tâm linh như thế nào đó mà Trần Thủ Độ đã đưa ra quyết định khủng khiếp nhất không chỉ đối với Hoàng tộc mà còn đối với gia tộc của Khâm minh Đại vương Trần Liễu, là ép Trần Liễu phải nhường vợ của mình là Thuận thiên Công chúa Lý Ngọc Oanh đang có thai 3 tháng để làm vợ của Trần Thái Tông và giáng vợ của Trần Thái Tông là Lý Chiêu Hoàng xuống làm Công chúa. Mang mối hận “Vạn cổ thâm thù” (2), Trần Liễu đã dấy binh làm loạn nhưng thân cô thế nhỏ nên bị dẹp nhanh chóng. Trần Thái Tông nể tình anh em mà cũng nghĩ mình đã lấy vợ của anh trai làm vợ của mình nên không trị tội nặng mà ban cho Trần Liễu đất “An sinh” rồi cải làm An sinh Vương”. Về sau, khi sinh hạ được người con trai là Trần Quốc Tuấn, để quyết trả mối thù nhà, Trần Liễu đã tìm khắp trong thiên hạ những người thầy giỏi văn, giỏi võ về phủ An sinh để kèm cặp và đào tạo Trần Quốc Tuấn trở thành một tài năng xuất chúng.

Năm 1251, biết mình bệnh nặng không qua khỏi, Trần Liễu đã gọi Trần Quốc Tuấn (lúc này đã 23 tuổi) lại bên giường bệnh mà trăng trối rằng: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ thì cha ở dưới suối vàng không nhắm mắt được”! Vậy nhưng, khi Trần Quốc Tuấn đã trở thành Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương thống lĩnh ba quân, Trần Hưng Đạo luôn đặt việc nước lên trên hết, một lòng trung thành phò tá vua Trần Thái Tông đánh giặc cứu nước thắng lợi.
Xưa cũng như nay, đối với người Việt chúng ta, lời trăng trối của các bậc sinh thành trước lúc đi về cõi Vĩnh hằng là hết sức thiêng liêng. Là một vị Đại tướng nhưng Trần Quốc Tuấn cũng là một người tinh thông kinh thư thì Trần Quốc Tuấn không thể không ghi lòng tạc dạ lời di huấn của cha mình. Nhưng ông đã có một lựa chọn cao thượng, vượt lên trên cả gia phong và đạo Hiếu vì sự tồn vong của dân tộc, sự an nguy của muôn dân trăm họ. Ngay cả khi ông đã nắm trọn binh quyền trong tay, hai con trai của ông đã lớn, ông đã làm một cuộc “kiểm tra” lòng trung quân ái quốc hết sức khắt khe xem thế hệ con ông cư xử thế nào đối với lời trăng trối của ông nội. Ông hỏi người con cả Hưng Vũ Vương Trần Quốc Hiếu: “Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ sao?”. Hưng Vũ Vương thưa: “Dầu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ”. Trần Quốc Tuấn cả mừng cho là phải. Một lần khác ông đem chuyện hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, Hưng Nhượng Vương thưa: “Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng đã thừa cơ dấy vận mà có được thiên hạ”. Trần Quốc Tuấn nổi giận quát lớn: Tên loạn thần tặc tử và định rút gươm chém đầu. Hưng Vũ Vương quỳ xuống xin cha tha tội cho em, Nhượng Vương mới khỏi tội chém đầu nhưng sau đó, ông dặn Hưng Vũ Vương: “Khi nào ta chết, phải đậy nắp quan tài xong mới cho Trần Quốc Tảng vào viếng”. Rất may, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Trần Quốc Tảng là một trong những vị tướng có tài thao lược, tổ chức quân sĩ chiến đấu ngoan cường và lập được công lớn.
Sau khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc tuấn qua đời, không chỉ vì ông lập được chiến công hiển hách trong cuộc chiến tranh chống giặc phương Bắc mà chính tấm lòng cao thượng,sáng trong như ngọc, chỉ một lòng vì nước vì dân của ông mới “hiển Thánh” trong lòng người dân nước Việt. Hẳn là vong linh của An Sinh Vương Trần Liễu cũng đã ngậm cười nơi chín suối bởi ông đã sinh thành và nuôi dưỡng được một vị anh hùng dân tộc, một vị Đức Thánh muôn đời trong lòng người dân nước Việt.

Ngày nay, không biết còn mấy bậc Công, Khanh đã gác tình nhà để lo đền nợ nước. Nhìn khắp trong thiên hạ, hãy gác sang bên những lời nói suông có cánh “vì nước vì dân mà xem việc các quan làm thấy không còn là “một bộ phận không nhỏ” mà đã quá nhiều, quá đông chỉ xoay xở chức quyền và tài lộc cho gia tộc mình là chính mà bất chấp lợi ích quốc gia bị phương hại thế nào, muôn dân trăm họ đang phẫn uất ra sao trước tình trạng bất công xã hội, ức hiếp dân lành và sự băng hoại ghê gớm từ gia phong đến quốc pháp. Đáng lo thay cho vận nước!

Hà Nội ngày 15/1/2016.

NGUYỄN THÁI NGUYÊN (Tác giả gửi BVB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog