18 thg 1, 2016

Xuân của những người vô gia cư của Trịnh Kim Thuấn/PNTB

Xuân của những người vô gia cư
Trịnh Kim Thuấn/PNTB

Hàng năm, gần Tết là tôi nhớ đến mấy câu thơ :

Hôm nay tạm nghĩ bước gian nan,
Trong lúc gần xa pháo nổ rang,
Rũ áo phong sương nơi gác trọ,
Lặng nhìn  thiên hạ đón Xuân sang .... (Giây phút chạnh lòng - Thế Lữ).

Đó là Xuân tha hương, ngày Tết không kịp về quê xum họp gia đình, nay sau 80 năm bài thơ nầy ra đời, trên nước Việt ngày nay lại có hàng nghìn người vô gia cư đón Xuân .
Dãy nhà lá tạm bợ của những người Việt
không thuộc quốc gia nào - Ảnh: Thuận Thắng/TTO
Nhìn cảnh chen nhau mua vé tàu hỏa, xe đò về ăn Tết hàng năm của những người xa quê, khiến tôi nhớ đến một bộ phận người dân mình phải đón ‘xuân tha hương’ bởi nhiều lý do khác nhau. Điều đó là đương nhiên, nhưng xót xa hơn, còn một bộ phận khác về đến quê rồi mà vẫn không có nơi đón Tết với tư cách của một công dân đàng hoàng.

Hôm 15/01/2016, tình cờ tôi được xem một phóng sự trên Đài Truyền hình Vĩnh Long 1, phản ánh về gần 100 hộ dân ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang) từ Campuchia về sống tá túc tạm bợ đến nay đã nhiều năm mà vẫn không có hộ khẩu, không CMND, nghĩa là không có giấy tờ tùy thân tối thiểu. Họ sẽ không được công nhận là công dân của nước CHXHCN Việt nam, hay họ là một thứ “công dân hạng 2” ? Đã là công dân mà không có hộ khẩu, không CMT theo quy định của nhà nước thì họ không có quyền lợi gì, ngay cả việc đi bầu cử ra cơ quan quyền lực của dân ở các cấp cũng không; đất làm nhà cũng không được cấp; thậm chí lỡ độ đường vào nhà trọ, người ta cũng không chứa!... Đi đâu khỏi nơi cư trú, không mang theo CMTND thì họ có thể bị CA tóm cổ khi cần!...

Hôm 16/1 vừa qua, trên VTC16 lại có một phóng sự phản ánh ở xã Tuyên Bình, (huyện Vĩnh Hưng, Long An) có mấy chục hộ với hằng trăm nhân khẩu cũng tương tự như vậy. Đó là những người Việt từng lênh đênh theo dòng Mê Kông từ Biển Hồ (CPC) về đến ViệtNam đã hơn ba năm nay. Những người Việt này hiện vẫn đang tá túc tạm bợ trên một nhánh kênh 79, ven quốc lộ 62 thuộc xã Tuyên Bình trong những căn chòi lá xiêu vẹo, vá víu, cùng những nhà thuyền mục lỗ chỗ… tạo nên một “xóm liều” - như cách nói của người dân địa phương.

Ông Tô Văn Đẹp - chủ tịch UBND xã Tuyên Bình - cho biết, hiện “xóm liều” này đang có 25 hộ với hơn 130 nhân khẩu.

Dù đã hình thành từ đầu năm 2012, nhưng những người dân này vẫn gần như không thay đổi, vẫn là những kẻ “chân ướt chân ráo” với thân phận không quốc tịch, không một mảnh giấy tùy thân.

Thứ duy nhất khẳng định họ là người Việt có lẽ chỉ còn là giọng nói đặc sệt phương ngữ Nam bộ từ đầu thế kỷ XX mà họ được thừa thưởng từ đời ông, bà vốn từ miền Tây ngược con nước di cư lên Biển Hồ.

Họ cũng chẳng nhớ nỗi ông, bà mình ra đi đích xác từ địa danh nào, An Giang, Đồng Tháp hay Long An… Họ chỉ biết liều thân trở về lại Việt Nam, nơi họ xem là quê nhà, nguồn cội, khi vùng Biển Hồ không còn là miền đất hứa, cá tôm đã cạn dần, cùng vô số hiểm nguy nơi xứ người.

Bà Trần Thị Hai chuẩn bị bữa tối cho chồng 
và 4 người con trai đi làm thuê về ăn. 
Hàng ngày bà đi bán vé số kiếm sống 
- Ảnh: Thuận Thắng/TTO
Theo Sở Tư pháp tỉnh Long An, để được nhập quốc tịch, những Việt kiều này phải sinh sống trong lãnh thổ Việt Nam ít nhất 20 năm. Có nghĩa nếu không có gì thay đổi, những cư dân “xóm liều” này sẽ tiếp tục một cuộc đời không mảnh giấy tùy thân, tồn tại qua ngày ít nhất 17 năm nữa! 
Gia đình bà Hai có 6 lao động làm thuê khoẻ mạnh nên là 
gia đình hiếm hoi trong "xóm liều" có ti vi 
- Ảnh: Thuận Thắng/TTO
Ông Tô Văn Đẹp cho biết ngoài việc mang “thân phận bất hợp pháp”, những cư dân này còn bị thiệt thòi bởi không được học hành, không chữ nghĩa ... (Xem phóng sự ảnh: Xóm của những người không quốc tịch  - TTO/ Thuận Thắng | 28/12/2015 18:00)

Hầu hết Việt kiều từ Campuchia trở về tổ 5, ấp Việt Quang, xã Lộc Quang, Lộc Ninh, Bình Phước chưa có hộ khẩu thường trú. Đa phần họ thuộc diện nghèo, không có đất đai, không có nhà ở, chuyên sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản. Bài toán giải quyết hộ khẩu cho họ vẫn còn vướng những lời giải lý tình…

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có hơn 100 hộ Việt kiều Campuchia hồi hương về quê sinh sống với gần 380 nhân khẩu. Đồng bào chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, làm mướn hoặc chài lưới, nuôi cá ở các khu vực lòng hồ thủy điện và các dòng sông trên địa bàn. Phần lớn đồng bào đều chưa làm được sổ hộ khẩu và cuộc sống thì hết sức khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Vương – một Việt kiều Campuchia hồi hương  từ năm 2003 và cũng sống lênh đênh trên dòng sông Bé, đoạn thuộc phạm vi quản lý của thủy điện Sroc Phu Miêng ở tổ 9 ấp Việt Quang, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh. Gia đình ông có 6 người con nhưng do không có sổ hộ khẩu, bản thân ông và các thành viên trong gia đình không có chứng minh thư nhân dân nên không thể đi xin việc làm tại các công ty, xí nghiệp, các con nhỏ của ông thì không thể đến trường. Ông Vương cho biết: Do ông không có thủ tục chuyển đến địa phương nên chính quyền xã Lộc Quang chưa thể làm thủ tục cấp sổ hộ khẩu cho gia đình ông được... (Lê Hưng Pháp luật Việt Nam / 24/6/2013).
Những đứa trẻ ở xóm "liều" biên giới không được đi học 
như những người bạn cùng trang lứa khác vì 
không có giấy khai sinh, hộ khẩu, quốc tịch và 
không thuộc quốc gia nào - Ảnh: Thuận Thắng
Nhớ lại cuốn tiểu thuyết Về Miền Đất Hứa (Exsodus) viết về dân tộc Do Thái sau đệ nhị thế chiến (1945), họ có dân tộc nhưng không có lãnh thổ, thế mà họ vượt qua được, họ tạo ra được "miền đất hứa", trở thành một cường quốc như ngày nay.
Thời gian gần đây, hằng ngày theo dõi tình hình thời sự quốc tế, tôi nhìn những dòng người từ Syri, các nước Bắc phi tràn vào Châu Âu xin tỵ nạn. Dù muốn, dù không các nước Châu Âu vẫn phải giang tay cùng gánh lấy, cho họ định cư, cho họ một đời sống mới… Phải chăng, vì họ gặp được một nền văn hóa Tây phương tiến bộ, nhân đạo, nhân văn, một nền văn hóa coi con người dù bất kỳ là dân tộc nào, màu da nào cũng cần được trân trọng, được bảo vệ?
Vậy thì tại sao ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam, một đất nước luôn hô to khẩu hiệu về đạo lý, nhân quyền… mà ngay những cư dân của mình đang khốn khổ, đều là người Việt với nhau mà nỡ bỏ rơi họ như những kẻ ăn mày vô gia cư như thế?  
Nhìn về lịch sử không xa, khoãng những năm 1975 -1985, do “hận thù giai cấp’, sản phẩm sai lầm của những người theo tư tưởng Cộng sản chủ nghĩa mà những dòng người trong cùng một đất nước, một dòng họ, thậm chí ngay trong một gia đình phải lìa nhau, một bộ phận vượt biên ào ạt để tránh thảm họa phải hứng chịu đòn thù, mà thực tế lịch sử đã có nhiều bài học… Không phải ai khác, chính một vị lãnh đạo cao cấp đã thốt ra lời nói nhẫn tâm, rằng: “Đó (những người vượt biên, trốn chạy tị nạn) là thành phần lưu manh, lũ ham bơ thừa, sữa cặn của bọn Tư bản”. Thế rồi, chính những kẻ được coi là “lũ ham bơ thừa, sữa cặn” đó đã có không ít người quay về Tổ quốc, đầu tư tiền bạc, công sức, góp phần xây dựng quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của họ… Thế nên, sau khi có vẻ nhận ra cách hành xử sai lầm về chính sách hòa hợp dân tộc, do ý thức hệ sai bảo, hay do một ý tưởng nào đó, ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước phải nói lại: “Đây là khúc ruột ngàn dậm của nước Việt Nam không thể cắt rời…”. Vậy mà trong thực tế, ngay những “khúc ruột trong nước” cũng chẳng được đoái hoài, nói chi đến sự giang tay cứu giúp “khúc ruột ngàn dặm” !
Ai đã đặt ra Luật lệ pháp lý, nếu không phải là chính chúng ta? Chẳng lẽ khi nhận ra có những điều không còn phù hợp với đạo lý dân tộc, với cái gọi là “đề cao tính nhân văn, dân chủ…” lại không có thể sửa chữa kịp thời những quy định của nhà chức trách để cứu giúp những con người khốn khổ… Đó là điều để tháo gỡ cho hằng nghìn con người đang sống vất vưởng “vô gia cư”. Chẳng lẽ phải chờ đến 18 - 20 năm sau họ mới có quyền được hưởng điều mà Hiến pháp Việt Nam từ lâu đã quy định: “Công dân có quyền tự do cư trú, quyền tự do đi lại, quyền có nhà ở…”
Được biết, ở nơi có bộ phận “công dân thứ hai”, những người vô gia cư này, đã có một đoàn cán bộ của Bộ Lao động & Thương binh – Xã hội đến làm việc, sau đó thì…. về!
Đất nước mình thật có nhiều điều lạ lùng. Việc xây dựng tượng đài, trung tâm hành chính tỉnh dẫu vấp phải quá nhiều phản đối của nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, nhưng vẫn dễ dàng thông qua nhanh chóng. Thế nhưng số phận mấy nghìn người Việt, mà các quan chức lãnh đạo thường gọi là “Đồng Bào”, lại vẫn bị đối xử bạc bẽo đến thế! Là người Việt sống trên đất Việt lại gần như không được công nhận là… con người, bởi họ phải sống như những con…người rừng, trong thiên nhiên hoang dã.
Một mùa xuân mới của đất trời đang đến gần, trên màn hình TV, các ca sĩ đang hát bài "Đảng đã cho ta một mùa Xuân", cái giai điệu và lời ca quá quen thuộc ấy không biết có vang đến được những căn lều ổ chuột của người dân Việt vô gia cư ở  Long An, Bình Phước & những nơi khác của miền Tây Nam Bộ?
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ lại thời thơ ấu nghe má tôi ru:
Nam Vang đi dễ khó về
Trai đi bạn biển, gái về tào kê...

Cứ ngỡ câu thơ ấy nói về một thời xa xôi lắm, ai ngờ…

Chủ nhật, 17/01/2016  
TRỊNH KIM THUẤN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog