|
Tôi cảm thấy không thoải mái và khó
chấp nhận khi người ta vin vào câu “Ăn cây nào, rào cây ấy” để biện minh cho
những hành động sai trái của những người mà họ từng chịu ân huệ. Báo Điện tử
ĐCSVN giải thích câu này rằng: “Đây là lời khuyên về đạo đức, lối sống, đề cập
đến quyền lợi và trách nhiệm của người được hưởng lợi ích.
|
Hễ nơi nào hoặc ai cho ta hưởng
quyền lợi gì thì ta phải phục vụ cho người ấy, nơi ấy”. Có lẽ lí giải này (hay
quan điểm?) giải thích tại sao vài quan chức VN – có thể họ từng được đào tạo ở
Nga – có xu hướng ủng hộ Nga trong tranh chấp với Ukraina. Nhưng theo tôi thấy,
đó là một thái độ mù quáng và nguy hiểm.
Hình như người Việt có xu hướng “Ăn cây
nào, rào cây ấy” rất mạnh. Có lần tôi tường thuật những hành động thô của vài
du khách Nga ở Nha Trang và kèm theo câu nói đùa (tôi nói rõ là ‘nói đùa’) rằng
họ xuất phát từ thế giới man rợ, và thế là có người phản đối kịch liệt. Họ viện
dẫn rằng họ hiểu về văn hoá Nga vì từng đi học bên Nga, nên tin rằng người Nga
không có hành động thiếu văn minh như thế. Tôi phải khâm phục tính chung thuỷ
của họ đối với nước Nga. Việt kiều Mĩ cũng thế, họ lúc nào cũng nghĩ Mĩ là số 1
trên thế giới, và sẵn sàng bảo vệ cho nước Mĩ, giá trị Mĩ, bất kể Mĩ làm đúng
hay sai. Ở Úc cũng vậy, nói chuyện với đồng hương ở Úc tôi dễ nhận ra rằng lúc
nào họ cũng nghĩ Úc là thiên đàng, và tất cả những gì Úc làm là chuẩn mực. Dù
hải quan Sydney hành hạ và kì thị khách Việt Nam cỡ nào, họ
cũng tìm lí do để biện minh cho hải quan Úc. Tôi ngạc nhiên là ngay cả người Úc
sinh đẻ ở Úc cũng không mù quáng như người Việt ở Úc. Tất cả chỉ vì câu “ăn cây
nào rào cây ấy”.
Một thái độ mù quáng như thế rất nguy
hiểm. Giả dụ rằng quân đội Nga xâm lăng các nước trong khối XHCN cũ như Hung,
Ba Lan, Tiệp, Ukraina, Latvia, v.v. thì thái độ của VN như thế nào? Có lẽ nhiều
người từng được giáo dục ở Nga sẽ ủng hộ Nga, và họ sẽ viện dẫn nhiều lí do
lịch sử (bất kể vô lí cỡ nào), nhưng có lẽ trong tiềm thức họ cảm thấy có nghĩa
vụ phải ủng hộ cái đất nước đã dạy dỗ mình. Thế có phải là nguy hiểm không. Để
cho cảm tình chi phối và ủng hộ một cách mù quáng như thế thì có khác gì mình
là người thiếu suy nghĩ và không phân biệt được đúng với sai. Tôi có thể so
sánh với một động vật khác, nhưng e rằng như thế thì quá đáng, nên xin ngừng ở
đây.
Dĩ nhiên, tôi chỉ nói số đông, chứ
không phải ai cũng thế, vì có người vẫn bình tĩnh không chạy theo tâm lí bầy
đàn. Tôi có quen và từng giúp một em nghiên cứu sinh ở Hà Nội, em này làm luận
án tiến sĩ ở China
và đạt kết quả xuất sắc. Khi tôi gặp em ở Hà Nội, em kéo tôi ra ngoài nói: Nói
để thầy yên tâm, em học với họ nhưng em lúc nào cũng cảnh giác họ, chứ không
phải “ăn cây nào, rào cây ấy” đâu. Tôi thích em bác sĩ này vì em là người Việt Nam
đích thức và không chạy theo đám đông. Riêng cá nhân tôi thì tôi biết mình
chung thuỷ với ai: đó là Việt Nam .
Cho dù tôi đã ở xứ này hơn nửa đời người, cho dù xứ này đã cưu mang tôi trong
lúc khó khăn và đã cho tôi một sự nghiệp, nhưng tôi không bao giờ xem đây là tổ
quốc. Có lẽ con tôi xem đây là tổ quốc, là quê hương của nó, nhưng tôi thì
không. Tôi có nghĩa vụ đóng góp cho đất nước này như là một lời cảm ơn, nhưng
tôi không bao giờ ủng hộ một cách mù quáng bất cứ chính sách gì của họ đối với
VN. Tôi cũng không thể nào ủng hộ VN nếu VN đi xâm lăng nước khác.
“Ăn cây nào rào cây ấy” theo tôi hiểu
là xuất phát từ Tàu (食树护树), với hàm ý chịu ơn ai thì phải bênh
vực người đó. Người Tàu còn sáng chế ra câu "Ăn cháo đái bát" để hạ
thấp người có tính khẳng khái. Người Tàu họ “sáng chế” ra quan điểm đó để điều
khiển thần dân. Có lẽ chính vì quan điểm này mà bao nhiêu người trong hệ thống công
quyền sẵn sàng đánh đập dân chúng nhân danh trung thành với cái nhà nước mà họ
được hưởng lợi. Họ muốn "ăn cây nào rào cây đó" và không muốn bị chê
là "ăn cháo đái bát". Họ bị tư duy của Tàu điểu khiển và trở thành nô
lệ. Đúng như tác giả Đào Hiếu viết (và tôi xin trích):
“Ăn cây nào rào cây nấy trở thành
lá bùa hộ mạng cho nhiều loại người: anh công an xua đuổi những người
biểu tình đòi trả ruộng vườn đất đai bị “quy hoạch” để chia lô bán
cho các công ty nước ngoài, anh công an còng tay người xuống đường chống
Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, anh bộ đội xả thân ngoài chiến
tuyến, anh công chức suốt đời im lặng trước những âm mưu tham nhũng,
hối lộ, chạy chức chạy quyền trong cơ quan nhà nước, thầy giáo cô
giáo ‘hô khẩu hiệu’ trong lớp học, sinh viên nhai đi nhai lại những sáo
ngữ trong triết học Mác Lê-nin, nhà văn nhà báo uốn cong ngòi bút vẽ
rắn thành rồng vẽ gà thành phượng, anh công nhân miệt mài trong nhà
máy đầy khói bụi với đồng lương chết đói… tất ca chỉ vì đạo lý 'ăn
cây nào rào cây nấy”.
Nhiều người Việt Nam được đào tạo từ nhiều nước trên
thế giới. Trước đây ở miền Nam thì các nước có công đào tạo chuyên gia Việt Nam
là Pháp, Mĩ, và Úc; còn miền Bắc thì Nga và các nước trong khối XHCN. Sau này
thì danh sách mở rộng hơn, và con số có thể lên đến cả trăm nước. Với lí giải
của Báo Điện tử ĐCSVN, khi thế giới có tranh chấp thì người được đào tạo từ
nước nào sẽ có nghĩa vụ ủng hộ nước đó. Nếu cứ chiếu theo quan điểm “ăn cây nào
rào cây ấy” thì có lẽ Trịnh Công Sơn phải đội mồ sống lại để ca bài “Gia tài
của mẹ / một bọn lai căng / một lũ bội tình”.
Nên dẹp bỏ thói "ăn cây nào rào
cây nấy", mà nên tôn trọng lẽ phải, bình đẳng và công lí
GS.
NGUYỄN VĂN TUẤN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét