Thuở còn thơ, bí tí teo,
mỗi buổi tối gia đình quây quần lại, bọn trẻ chúng tôi thường đòi bà nội kể
chuyện cổ tích. Nào chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh Lý Thông, Ăn Khế Trả Vàng, Cây
Tre Trăm Đốt… Tôi thích nhất là truyện Con Chó Đá .
Chuyện kể: Có hai anh em
nhà nọ, anh tên là Bất, em tên Hảo. Khi cha mẹ vừa qua đời, hai vợ chồng người
anh tham lam, giành quyền chia gia tài sản. Người em siêng năng lại thật thà
chất phác, vì thế ngôi nhà và mấy mẫu ruộng người anh chiếm hết, chia cho Hảo
một cái nhà chòi chật chội…
Hảo, người em vẫn vui vẽ
nhận lấy, không phàn nàn, nghĩ rằng anh mình có vợ con nên phải chi tiêu nhiều
hơn. Hảo hằng ngày đi làm thuê, làm mướn trong thôn, ngày nào không có việc thì
vào rừng đốn củi gánh xuống chợ bán độ nhật… Người trong thôn ai cũng mến,
trong số đó có cô gái tên Thục con cụ đồ dạy học, đẹp người, đẹp nết nhưng vì
còn nghèo nên hai người chưa dám hứa hẹn chi cả…
Trong thôn có miếu thờ Sơn
thần ở chân núi, buổi trưa Hảo không về nhà, ghé vào miếu lấy mo cơm mang theo
dở ra ăn. Trước cửa miếu có một con chó bằng đá, được tạc rất khéo, dáng ngồi
há miệng… Vừa ăn cơm Hảo vừa nói chuyện với chó đá, xong mượn tạm cái lưng của
chó kê đầu đánh giấc trưa. Vài ngày thấy thân chó bám bụi bậm, Hảo lấy nước tắm
rửa kỳ cọ… Quan hệ của Hảo và Chó đá xem ra khắng khít lắm...
Đêm nọ, canh ba, Hảo nằm
mộng thấy Chó đá hiện về bảo: “Ta với ngươi kết bạn mấy năm nay, thấy ngươi
siêng năng, hiền lành lại nghèo. Ngày mai, buổi trưa, sau khi ăn cơm xong,
ngươi lấy tay, thọc sâu vào trong bụng của ta, ta cho ngươi lấy đúng ba
lần thôi nhé, và không được nói lại với ai đấy!”. Tỉnh giấc bán tín, bán nghi…
Trưa hôm sau, Hảo thử làm theo giấc mộng xem sao, không ngờ cánh tay chạm đến
bụng, bàn tay móc ra một nắm, mang ra ngoài để xuống thềm miếu thì thấy toàn
vàng thỏi…. Hảo làm tiếp hai lần nữa, xong lấy mo cau đựng cơm vừa ăn
xong gói lại mang vàng về…
Có vàng, Hảo lẳng lặng mua
vài mẫu đất kế bên người anh, cất một ngôi nhà nhỏ nhắn, khang trang, xinh xắn
nhưng vẫn không cho ai biết… Đến nhà cụ đồ xin hỏi cưới cô Thục. Mặc dù biết
Hảo nghèo nhưng siêng năng, hỏi ý con gái, con gái bằng lòng, thôi thì gả, chỉ
mong hai đứa thương yêu nhau, siêng năng lam lũ thì cũng có ngày khá lên đặng…
Ngày lễ cưới, vợ chồng anh
Bất chê Hảo nghèo không đến. Bạn bè, bà con thôn xóm mến Hảo đến dự đông đủ. Họ
cứ ngỡ khi rước dâu về ở cái nhà chòi mà Hảo đang ở, không ngờ nơi cô dâu đến
là miếng vườn mới, ngôi nhà mới kế bên. Cụ đồ, cô dâu và khách mời đều ngờ ngàng , vui vẽ… chúc phúc cho đôi vợ chồng
trẻ .
Thấy Hảo tự dưng giàu
ngang hông, giàu hơn mình, Bất tới lui, hỏi đon hỏi ren… và kêu Hảo chỉ cho
mình cách làm giàu như thế nào. Vì hứa với con Chó đá, Hảo không thể thố lộ.
Không khai thác được, Bất hăm he: “Vậy là số tài sản chú đang có là của trộm,
cướp phải không?"
Thật sự, nếu Bất đi tâu
quan, thì Hảo kẹt thật, bí quá phải nói thật với Bất và cho biết, chỉ lấy vàng
đúng ba lần thôi nhé!
Bất mừng quá, trưa hôm
sau, tắm rửa sạch sẽ đến miếu Sơn thần, mang theo túi đựng vàng… Thọc tay vào
bụng Chó đá, quả thật có vàng, lấy ba lần, nhưng lòng tham không dằn được, Bất
thò tay vào một lần nữa. Lần nầy miệng Chó đá ngậm lại, cứng ngắc… Số vàng lấy
ra ba lần trước cũng tư dưng biến mất…
Việc con Chó đá ở miếu Sơn
thần tự dưng ngậm miệng lại, giữ luôn cánh tay của Bất lan truyền khắp Phủ,
Huyện... Thế là hằng ngày vợ Bất phải mang cơm đến nuôi chồng. Thương anh mình
bị nạn, Hảo cũng vào miếu đốt nhang khẩn cầu Chó thần tha tội cho anh mình,
nhưng vẫn không kết quả…
Cứ thế kéo dài mấy năm
trường, đất ruộng không người canh tác, vợ phải nuôi chồng nên kinh tế gia đình
của Bất sa sút thảm hại. Chỉ tội cái tham, tự hối cũng không kịp. Đôi khi Bất
có ý nghĩ tự tử, nhưng hơi thiếu can đảm…
Trưa nọ, khi vợ mang cơm
đến đút, ăn xong, buồn quá, Bất kêu vợ đến nói nho nhỏ… Gương mặt người vợ ửng
đỏ, lắc đầu nguầy nguậy, miệng nói: “kỳ chết, kỳ chết …” Nhưng khi thấy ánh mắt
của Bất tha thiết quá, Vợ cũng thương hại, đến ngồi sát bên chồng… cánh tay còn
lại của Bất thọc vào cái lưng quần của vợ, lần từ từ xuống phía dưới, vừa mắc
cỡ, vừa nhột …vợ Bất cười khúc khích … Bất ngờ con Chó đá cũng há miệng ra
cười… Bất mừng quá rút cánh tay kia ra khỏi miệng con Chó đá, chắp hai tay quì
lạy rối rít… Hai vợ chồng dắt nhau về nhà, từ ấy chí thú làm ăn, không dám tham
lam nữa …
Qua truyện cổ tích Con chó
đá, tôi nghĩ: Hiện nay cũng có khá nhiều người lâm vào cảnh ngộ như Bất, chỉ có
điều nó hiện đại hơn mà thôi.
Chẳng hạn, quan Tổng Thanh
tra Trần Văn Truyền, khi làm Bí thư tỉnh Bến Tre, thì nhà cửa đã được cấp đủ,
cấp dư, nào căn phố mặt tiền, nào khu Biệt thự thường vụ... Nhưng trong vòng
sáu tháng trước khi về hưu, quan ký một loạt 60 cái quyết định bổ nhiệm, rồi
vừa nghỉ đã lại xây một dinh phủ hoành tráng mà dân thường chỉ dám đứng xa mà
nhìn... Như thế có phải thọc tay vào mõm con Chó đá lần thứ tư không?
Quan Nguyễn Thành Rum,
Giám đốc Sở Văn Hoá TP. HCM cũng ký hàng loạt quyết định như thế…
Rồi Bùi Tiến Dũng vụ PMU
18, rồi Dương Chí Dũng vụ Vinalines, Huỳnh Ngọc Ngọc Sĩ – Đại lộ Đông Tây,
Nguyễn Đức Kiên Ngân Hàng ACB…
Chuyện mới nhất: Ông
Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt cùng nhiều vị cựu và
đương chức lãnh đạo Đường sắt Việt Nam vừa có lệnh ngưng chức để điều tra vì
dính tới vụ nhận hối lộ 16 tỷ đồng từ Công ty của Nhật Bản .
Xem ra ở Việt Nam ta, các nhân vật Bất trong truyện cổ
tích Con Chó Đá, bây giờ lại thấy nhiều nhiều,
mặc dù thuở còn thơ, họ cũng nghe và hiểu truyện cổ tích Con Chó Đá nầy
vậy. Nay bổ sung vào kho tàng những cổ tích hiện đại.
25/03/2014
TRỊNH KIM THUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét