4 thg 3, 2014

TẢN MẠN VỀ NHỮNG CÂY CẦU VIỆT NAM của TRỊNH KIM THUẤN


 Ví dầu cầu ván đóng đinh.
Cầu treo lắt lẻo gập ghình khó đi … (Ca dao)

Việt Nam có ai không biết những cây cầu nổi tiếng:

Cầu Long Biên :

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898-1902), đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Dân gian còn gọi là cầu sông Cái hay cầu Bồ Đề (vì nó được bắt qua bến Bồ Đề thuộc huyện Gia Lâm). Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ 1898 -1902 - Daydé & Pillé – Paris (theo Wikipedia)

Cây Cầu Long Biên đã vào sách giáo khoa cấp 1 (trường Tiểu học) mà lớp người U50 - U70 ở miền Bắc không ai không nhớ: Hà Nội có cầu Long Biên / Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng / Tàu xe đi lại thong dong / Bộ hành tấp nập, gánh gồng ngược xuôi..
.
Cây cầu đã đi vào lịch sử dân tộc, chứng kiến những cột mốc lớn như Cách mạng tháng Tám 1945, cướp chính quyền ở Hà Nội; Giải phóng, tiếp quản Thủ đô 1954; Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975...

Ấy thế nhưng hôm rày có ý kiến dời, giở, bảo tồn bảo tàng cây cầu cổ nầy, được biết kinh phí trên 7.900 tỷ đồng. Câu chuyện khiến người tán thành, người phản đối, tốn không ít giấy mực... Nhưng may quá, trên mục thời sự tối 01/3/2014 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định: Không giở, không di dời chi cả … Thế là người dân thở phào nhẹ nhỏm. Nhưng chắc có một số quan chức Bộ GTVT thì buồn.

Cầu Trường Tiền :

Cầu Trường Tiền còn được gọi là Cầu Tràng Tiền [1], là chiếc cầu dài 402,60 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67 m. Khổ cầu 6 m [2], được thiết kế theo kiến trúc Gô tích, bắc quasông Hương. Đầu cầu phía bắc thuộc phường Phú Hòa, đầu cầu phía nam thuộc phường Phú Hội; ở ngay giữa thành phố Huế thuộc Việt Nam  (theo Wikipedia)

Cầu Vĩnh Tuy :

Là một trong bốn cây cầu hiện tại của Hà Nội bắc qua sông Hồng, cầu Vĩnh Tuy có chiều dài tuyến chính 5,8 km, trong đó cầu vượt sông dài 3,7 km, đường dẫn hai đầu 1,68 km. Công trình được đưa vào sử dụng từ tháng 9/2010 với tổng giá trị đầu tư gần 3.600 tỷ đồng. Nhưng cây cầu đã có những vết nứt... Không bằng lòng với cách giải thích của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và đơn vị thiết kế, Bộ trưởng (xây dựng) Trịnh Đình Dũng khẳng định, vết nứt tại cầu Vĩnh Tuy là khá nghiêm trọng, mặc dù tạm thời chưa ảnh hưởng đến mức độ an toàn của cầu, song trong thời gian tới, các đơn vị có liên quan phải mời đơn vị tư vấn vào cuộc.

Cầu  RỒNG Đà Nẳng :

Khánh thành ngày 29/3/2013, đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng Đà Nẵng. Cầu Rồng với tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, được đánh giá là điểm nhấn du lịch của Đà Nẵng. Tuổi thọ của cầu là vĩnh cửu. Cây cầu này cũng được thành phố Đà Nẵng đăng ký kỷ lục Guinness "Con rồng thép dài nhất". Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi “hàng trăm vết nứt..." mà báo chí đã loan tin.

Mấy ngày qua, cây cầu làm đau lòng xót xa nhiều người nhất từ trong nước đến ngoài nước, cả tận xứ Đan Mạch xa xôi, đó là :

Cầu treo ở CHU VA 6 – Lai Châu :

Chỉ vì một "con ốc neo" dây cầu mà khiến một đám tang chồng lên 9 đám tang khác và 38 người đang phải vật vã với những chấn thương trong bệnh viện, có nguy cơ phải đối mặt với tàn tật suốt đời. Ai sẽ nuôi sống họ và con cái, cùng gia đình họ, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về câu chuyện bị thương này?

"Những ai đã gian dối khi chế tạo con ốc này, và những ai đã kiểm tra, giám sát, thẩm định chất lượng của con ốc này sẽ phải đối mặt với tòa án lương tâm và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Con ốc neo này, dù đã đứt làm đôi nhưng mong rằng nó sẽ được “Neo” lại như một chứng tích của sự tàn bạo do lòng tham của con người ở đâu đó". (nguyentandung.org)

Mặc dù từ Bộ Giao thông đến Chính Phủ đã phải tập trung chỉ đạo giải quyết hậu quả, nhưng người dân thì muốn lôi cổ được kẻ đứng sau con ốc neo kia ra để chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước tính mạng của người dân.

Được biết, cây cầu này được xây với sự tài trợ vốn của Đan Mạch.

Ông John Nielsen, đại sứ Đan mạch tại Việt Nam nói với BBC từ Hà Nội hôm 28/02: “Chúng tôi hôm nay đã nhận được xác nhận rằng một phần tiền của Quỹ Danida đã được dùng cho dự án cầu treo ở Lai Châu.”

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, số tiền mà chúng tôi tài trợ chính quyền địa phương đó thực ra là từ quỹ chúng tôi tài trợ qua Bộ Tài chính của Việt Nam và họ đưa tới các kênh địa phương. Và toàn bộ việc xử lý và xây dựng các cây cầu hoàn toàn nằm trong tay của chính quyền địa phương.”

Ngài đại sứ cho rằng, cho tới thời điểm này, trách nhiệm vẫn hoàn toàn thuộc về chính quyền Việt Nam
“Khi chính quyền địa phương làm theo những yêu cầu cụ thể của chính quyền Việt Nam điều đó cũng có nghĩa là chính quyền Việt Namphải chịu trách nhiệm việc giám sát và kiểm định.” (Theo BBC tiếng Việt)

Nhưng trong những năm gần đây, không phải chỉ có một cầu treo Chu Va 6 Lai Châu bị đứt cáp mà đã có không ít những vụ sập cầu treo kinh hoàng ở Việt Nam.  

Cầu sập, không phải vì... cầu sập. Cầu sập người ta liên tưởng ngay đến nguyên nhân sâu xa của nó, thủ phạm chính của nó là, từ TỆ NẠN THAM NHŨNG. Tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam đến mức độ nào rồi? “Người ta ăn của dân không từ một thứ gì!” (PCT nước Nguyễn Thị Doan). Từ các nhà vệ sinh “dát vàng” của các trường học ở Quảng Ngãi đến Trung Tâm bảo trợ trẻ em khuyết tật ở Hà Giang; từ liều vac – xin tiêm phòng cho trẻ em đến tấm phim chụp điện quang trong chẩn đoán bệnh cho người dân; từ 1 cm bê tông At phan rải đường đến con ốc làm cầu treo!... Còn các chuyện lớn hơn miễn nhắc. Nhưng chỉ một con ốc neo cầu, tưởng nhỏ mà đã giết chết gần chục người trong tích tắc, gây tang thương, rúng động lòng người cả nước...

Và, sẽ còn bao nhiêu cái chết bất đắc kỳ tử nữa với những cây cầu như thế này?:

Trong khi đó thì các "quan lục lộ" chỉ chăm chắm muốn phá những cây cầu lịch sử như Cầu Long Biên để xây mới? Có ai không biết Cầu Long Biên cũng như cầu Tràng Tiền, được bắc từ thời Pháp thuộc, Trãi qua mấy cuộc chiến tranh, cầu bị hư hại, sữa chữa, đến nay vẫn bền, vẫn đẹp, vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt "… Trong khi đó, cầu Vĩnh Tuy, cầu Rồng … những "công trình trí tuệ", "công trình thế kỷ", "vĩnh cửu"... thì vừa làm xong đã rạn nứt, khiến cho lòng người dân không thể không rạn nứt, cho dù có nhiều biện minh, biện bạch...

Ở quê tôi: miền Tây Nam Bộ, trên quốc lộ 91 vẫn còn một số cây cầu được xây từ thời Pháp thuộc. Hướng  Cần Thơ – Châu Đốc, gần tp.Long Xuyên  có cầu Cái Sao loại cầu mống. Tại trung tâm tp.Long Xuyên có cầu Hoàng Diệu, bắc ngang rạch Long Xuyên, cầu nầy được xây năm 1939, tên cầu lúc ấy là HENRY, sau nầy đổi tên là cầu Hoàng Diệu, đến nay do lưu lương giao thông lớn nên tỉnh xây thêm 1 cây cầu song song, kiểu dáng làm như cây cầu cũ …. Đường đi từ ngã ba lộ tẻ đến Rạch Giá còn nhiều cây cầu mống  xây từ thời Pháp. Người ta thường cho nước Pháp là bọn thực dân, cướp nước ta, nhưng sao trong việc xây dựng cầu đường họ làm kỷ và tốt đến thế ?

Tản mạn về những cây cầu lại liên tưởng đến cây cầu lớn nhất là bắc cho lòng tin của người dân đến với nhà nước. Đừng vì "một con ốc" mà để sập mất cây cầu lòng tin.

Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp
Tội lắm anh ơi!
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa
Cũng tại ông trời nên xa ..  

(Câu ca về cầu Tràng Tiền)

 02/3/2014  TRỊNH KIM THUẤN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog