MTG - Thật nguy hiểm cho một xã hội khi mà mọi người
đang nhìn vào những cái sai của nhau mà bắt chước. Người bé bắt chước người
lớn, người lớn học theo người lớn hơn, cứ đạp lên nhau mà sống.
1. Nhiều
khi đọc tin tức trên các báo, không biết quý vị bạn đọc có cảm thấy giống như
tôi, hoang mang vì không biết mình đang ở đâu, đang sống trong hoàn cảnh xã hội
thế nào.
Đơn cử như
tin tức dưới đây xảy ra ở một trường THPT ở tỉnh Quảng Bình.
Vào ngày
12/1, trong giờ học môn vật lý, giáo viên Lê Thị Hiền yêu cầu học sinh Huyền
(Lớp 11A2, Trường THPT Đồng Hới) đứng dậy đọc bài trước lớp. Tuy nhiên, Huyền
không những không nghe mà còn nói trước lớp những lời lẽ xúc phạm đến danh dự
của cô giáo Hiền.
Thế nên, cô
Hiền đã ghi tên Huyền vào sổ đầu bài của lớp để cảnh cáo. Bực tức trước việc bị
cô giáo ghi tên mình vào sổ đầu bài, nữ sinh này đã lên bục giảng, túm tóc và
đánh cô giáo ngay trong lớp học.
Ban giám
hiệu nhà trường vừa tiến hành kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường, buộc nghỉ học
1 tháng đối với học sinh Nguyễn Ngọc Huyền vì có thái độ và lời lẽ xúc phạm đến
nhân phẩm giáo viên.
Thật là
choáng váng với những nữ sinh vô đạo đức như Huyền. Em đã học đến lớp 11, không
hiểu trong suốt chừng ấy năm đi học, em đã học được những gì để có một lối hành
xử không ai chấp nhận được như vậy.
Mái trường
của chúng ta cũng đã không còn là nơi che chở bình yên, là nơi ươm mầm những
ước mơ xanh trong một bài hát ca ngợi về người giáo viên nhân dân từ vài chục
năm trước.
Lời bài hát
ấy, tôi còn nhớ thế này: “Ước muốn ngày nào ôm ấp trong tim mai đây là cô giáo.
Kìa đôi mắt tròn xoe, kìa đàn em thơ ngây. Hôm nay em đứng đây trong niềm mơ
ước lớn”…
Thầy cô
ngày nào như cha mẹ hiền từ của học sinh, thì nay những tấm gương trong sáng
ấy, ít nhiều có những tấm gương cũng đã nhuốm màu. Và những đàn em mắt tròn xoe
thơ ngây, nhiều em không còn thơ ngây nữa. Cá biệt có em như hổ báo (tôi biết
đôi khi kiểu so sánh thế này sẽ khiến hổ báo thấy… chạnh lòng).
Tại quận Gò
Vấp, TP Hồ Chí Minh, bà Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Phạm Ngũ Lão đã ký vào
quyết định đình chỉ học của một học sinh vì lý do, em bỏ diễn văn nghệ trong
buổi lễ sơ kết học kỳ I của trường.
Bà Lê Thị
Thanh Nguyệt, Hiệu trưởng cho rằng: “Ngày nào học sinh chưa nhận lỗi thì vẫn
đình chỉ học. Còn nhận lỗi rồi thì sẽ được đến lớp”. Bà Nguyệt nói thêm rằng
trường làm vậy vì muốn cảnh cáo về chuyện vô kỷ luật.
Chuyện vỡ
lở ra vì quyết định đình chỉ học bị đưa lên mạng xã hội. Sở Giáo dục Đào tạo TP
vào cuộc, nữ sinh đã được đi học trở lại.
Cả hai
trường hợp trên, đều là những ứng xử lệch chuẩn trong môi trường giáo dục. Một
nơi thì trò không ra trò, một chốn thì thầy chẳng ra thầy. Và vì thế, nó cũng
góp phần làm đảo lộn trật tự xã hội.
Chúng ta cứ
thường tự hỏi mình, cái ác từ đâu ra. Một phần cái ác bắt nguồn rất sâu xa từ
những ứng xử lệch chuẩn trong môi trường giáo dục như thế đấy. Chỉ cần thầy
chẳng ra thầy, làm trái những quy tắc ứng xử nhân văn và đạo lý, lẽ tất nhiên
nhà trường sẽ đẩy ra cho xã hội một thế hệ trơ lỳ, vô cảm, hành xử độc ác và
thiếu tính người.
2. Vừa mới
hôm qua, trên mạng xã hội lại ồn lên chuyện một clip ở Quảng Ninh, có một vụ
tra tấn vì bị bắt quả tang ăn trộm một con gà. Kẻ trộm bị trói vào cột điện,
lột trần ra, xung quanh người lố nhố đứng xem. Người tra tấn, hẳn là trời rất
rét, nên mặc áo trong áo ngoài, thản nhiên cầm xô nước lạnh dội lên người thanh
niên, vừa dội vừa mắng chửi.
Kẻ trộm gà
rét run cầm cập, van lậy nhưng vẫn không được tha, may mắn là cuối cùng đã được
công an xã đến giải cứu và mang về đồn. Xung quanh người vẫn lố nhố đứng xem,
quay clip để úp lên mạng.
Để có một
phân tích thấu đáo, đầy đủ về cái ác trong ứng xử của xã hội đương thời, một
bài viết là không thể. Nhưng dù sao, đọc những tin tức dạng này vẫn làm chúng
ta phải suy nghĩ, trăn trở và thấy day dứt.
Tôi nghĩ
nhiều hơn đến những mối dây đạo đức, đạo lý và tình thương vốn sinh ra để ràng
buộc và gắn kết một cộng đồng. Xã hội mà chúng ta đang sống phải chăng đã thiếu
quá nhiều những mối dây ràng buộc ấy, nên nó đang tan vỡ ra? Người ta mạnh ai
nấy sống, ai làm ác được thì cứ ác, ai làm sai được cứ làm?
Mấy ngày
trước đây, dư luận xã hội đã dậy sóng lên với chuyện ông Bí thư huyện ủy Thạch
Thành (Thanh Hóa) “giữ nhầm” 12 con dê của hộ nghèo trong trang trại mình suốt
nửa năm. Tại sao một việc sai trắng trợn như thế vẫn xảy ra? Liệu có phải vì
người ta đã nhìn thấy những cái sai khác, to hơn nhiều, trắng trợn hơn nhiều
cũng đã xảy ra, mà chẳng ai làm sao?
Thật nguy
hiểm cho một xã hội khi mà mọi người đang nhìn vào những cái sai của nhau mà
bắt chước. Người bé bắt chước người lớn, người lớn học theo người lớn hơn, cứ
đạp lên nhau mà sống.
Rồi sẽ còn
những vụ nữ sinh nhảy lên bục giảng túm tóc đánh cô. Rồi sẽ còn nữa những vụ
tra tấn, nhục mạ nhau, rồi giết nhau vì mất một con gà. Bởi vẫn còn đó những
nhà trường bêu tên học sinh chưa kịp đóng tiền, phạt phơi nắng học sinh chưa
kịp mua bảo hiểm.
Bởi vẫn còn
những đàn dê “đi nhầm” vào trang trại nhà ông Bí thư huyện ủy. Bởi vẫn còn
những đại án tham nhũng làm nghèo đất nước.
Những cái
ác cứ nối tiếp nhau mà lớn dần lên.
MI AN theo Phước Béo .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét