2 thg 1, 2015

Đọc Truyện ký :LẦN ĐẦU TIÊN NGHE ĐÀI .của Nguyễn Ngọc Dương .


 Trong thời gian nầy ở miền Nam, máy thu thanh (radio) đã có nhiều, hấp dẫn nhất là mỗi tối thứ bảy hàng tuần có truyền thanh các tuồng cải lương hay của các đoàn hát lớn như Thanh Minh – Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Kim Chung…. Với các tuồng hát : Đoạn Tuyệt, Lương Sơn bá – Chúc Anh Đài, Nắng Sớm Mưa Chiều …đọc truyện đêm khuya, ngâm thơ Tao đàn do Hồ Điệp, Hoàng Oanh ....... Đến năm 1965 bắt đầu có truyền hình, các radio ế dần …..     Gót Phiêu Du .

Đó là năm 1959, khi tôi đang quàng khăn đỏ. Chỉ mấy tháng trước khi được nghe đài, một hôm thằng bạn hàng xóm khoe : “Sắp tới có một cái đài không cần dây nhợ gì sất mà ngồi đây nghe được tiếng người từ Hà Nội “. Tôi liền phản đối : “Nói phét ! Không có dây dẫn thì lấy quái gì mà truyền được ! “.

Thế rồi 1 hôm, thấy người ta kéo nhau đến nhà chú C., một người thuộc diện ăn chơi có tiếng ở làng tôi xếp hàng để đến lượt  được vào … nghe đài. Lúc ấy bà tôi đã gần 80 tuổi, tôi cũng dắt bà đi nghe, kẽo chẳng mấy nữa bà chết mất, không được nghe thì tiếc lắm. Bà tôi chống gậy đứng lâu quá chưa đến lượt, chú C. bảo : “Ưu tiên cho bà vào nghe trước đi, mấy đứa nầy xê ra ! “ . Thế là bà tôi được vào nghe trước. Tôi cố nghển cổ lên dòm vào góc nhà để đài, chỉ thấy cái miếng gì như cục thiếc bị nấu chảy, nhỏ bằng bao diêm, người ta nối sợi dây đồng như sợi chỉ với cái kim khâu chọc vào cục thiếc. Họ bảo đấy là miếng vàng sống. Một cái hộp hình tròn nho nhỏ như hộp đựng thuốc lào của thầy tôi ròng dây vào chỗ có miếng vàng sống làm tai nghe. Bà tôi 1 tay chống gậy, 1 tay cầm cái hộp úp vào tai. Mới khoảng 3 phút, mọi người đã bảo : “Thôi được rồi, bà lại ra để người khác vào nghe ! “. Tôi dắt bà ra, hỏi : “Bà có nghe thấy gì không ? “. Bà bảo : “Bà nghe thấy nó như con kiến kêu ! “.


Đông quá , tôi không chờ được, dắt bà về và có ý định sáng sớm mai, khoảng 5 giờ sẽ đến nhà chú C. lúc đó chắc hẳn chưa có ai, mình tha hồ nghe. Trên đường về tôi nghĩ mãi : “Quái lạ, mình chưa bao giờ nghe thấy con kiến nó kêu thế nào mà bà lại bảo nghe đài như con kiến nó kêu ! ? “ .

Đêm ấy , tôi thấp thỏm chỉ mong trời chóng sáng để dậy đi nghe đài. Khoảng bốn rưỡi , tôi đã dậy chạy một mạch vào nhà chú C., chú dậy sớm quét tước nhà cửa, sân sướng. Thấy tôi vào, chú nói : “Phải  5 giờ mới có đài cháu ạ ! “. Tôi đành chờ, đúng 5 giờ , chú C. lấy cái kim dò miếng vàng sống và bảo tôi : “ Cháu vào mà nghe đi “ ,Tôi hồi hộp cầm cái “ ống nghe” dí vào tai. Tiếng nhạc hay quá, lẫn tiếng hô : một, hai, ba, bốn … Hóa ra ở Hà Nội người ta tập thể dục mà cũng có nhạc hay thật ! Trong cái đầu trẻ con của tôi tưởng  tượng ra cảnh người ta đang tập thể dục ở Hà Nội, đông vui lắm…. Sau nầy nghe mọi người nói mới biết cái đài ấy gọi là GALEN.

Khoảng 1 năm sau, galen ở xã tôi mọc lên như mạng nhện, mà cũng chưa phải ai cũng được nghe… Nhưng rồi 1 hôm, thấy người ta xôn xao : “Chiều nay thủi cơm  ăn sớm , tối mà đi nghe đài ! “ . Này, cái đài ấy ông H.vừa được mượn được đâu trên huyện về, to đáo để ! “ . Thấy bảo nó nói như cái máy hát của ông N. ngày xưa ấy .” Thế là bọn trẻ chúng tôi lại háo hức mong nhanh đến tối để được đi nghe đài. Ăn cơm xong, chưa kịp rửa bát, tôi đã giục bu tôi : “ Nhanh lên bu ơi ! Con mang chiếu đi trước nhá ! “ .” Ừ , con đi rải nhận chỗ cho các em nó ngồi “. Khi trên sân gạch nhà ông H. đã ngồi kin hết già nửa, như cuộc họp thôn thì người phụ trách đài tuyên bố : “Tất cả phải trật tự thì mới nghe được, trẻ con đứa nào nói  truyện, đùa nghịch, cho ra khỏi sân ! “. Chiếc đài mà sau nầy người ta gọi là máy thu thanh to như cái chuồng gà nhà tôi, kê ở giữa sân. Cách đó khoảng vài mét là 1 ổ pin bằng cái ghế đẩu có những cánh bằng nhôm, dưới để 1 chiếc đèn dầu hỏa, ngọn lửa to đùng, nướng cho những cánh nhôm đó nóng lên, một lúc sau, đài mới từ từ nói to dần . Mọi người hướng mắt vào cái đài như vừa nghe, vừa xem.

Thật lạ : mỗi cái  “cục sắt” mà cứ nói oang oang, lại hát nữa chứ ? Sao đông người hát thế ? Mấy đứa trẻ mon men đến cố tìm một chỗ hở trên cái đài, ngó xem nó nói và hát ở đâu ? Riêng tôi thì biết tỏng là họ hát mãi Hà Nội, rồi truyền bằng đường không khí  (vô tuyến) về cái đài nầy . (Đến lúc ấy , thì tôi không còn ngờ nghệch như dạo gặp thằng bạn hàng xóm nữa ). Hôm sau đi chăn trâu, chúng tôi cãi nhau ỏm tỏi…. Mỗi đứa có 1 suy nghĩ cà cách giải thích khác nhau, chẳng đứa nào chịu đứa nào.

Cái ngày đầu tiên đi nghe đài về, hầu như chưa ai quan tâm đến đài nói gì. Mọi người còn bị hút vào sự lạ lẫm, ngạc nhiên bởi 1 hiện tượng mà từ cha sanh, mẹ đẻ đến nay chưa từng thấy.

Ai cũng khâm phục cái tài của con người. Phải nói, con người tài thật ! ………


NGUYỄN NGỌC DƯƠNG  . Trích trong tập truyện ký  MẢNH VƯƠN KÝ ỨC  - Nhà xuất bản Hội nhà văn  tháng 12/2014 .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog