Xem truyện ký nầy thấy thương cho ông Ngô Hữu Khôi, Vũ Thư
Hiên (Đêm giữa ban ngày, Bùi Ngọc Tấn (Chuyện kể năm 2000)….. rồi lại chuyện
của ông Hồ Xuân Mãn : không vào Đảng lại chui lọt leo đến chức Bí thư tỉnh ủy,
UVTW Đảng hay như Đặng Hoàng Đa Đại tá GĐ Công An tỉnh Sóc Trắng khai gian lý
lịch… thấy mà tủi, mà buồn cho đất nước nầy . Gót Phiêu Du .
Tôi biết ông Ngô
Hữu Khôi khi ông là cán bộ của Công ty Ngoại thương cấp huyện, bấy giờ được gọi
là Công ty Xuất nhập khẩu huyện Bảo Thắng. Ông là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam từ cuối
những năm năm mươi. Năm 1973, khi thực hiện Chỉ thị của Trung ương về Bảo vệ
Đảng, làm Trong sạch nội bộ, ông bị tố cáo năm 1946 từng tham gia Thanh niên Việt
Nam Quốc dân đảng phản động. Thế là bị đưa ra khỏi Đảng, mặc dù ông theo Việt Minh
từ năm 1946. Trong trận Phố Ràng (tháng 6 năm 1949), ông bị thương và sau này
hưởng chế độ thương tật hạng 4.
Tháng 9 năm 1986,
tôi được chuyển công tác từ Trường Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn về huyện Bảo Thắng để
hợp lý hóa gia đình. Biết tôi được bổ sung vào cấp ủy huyện, làm Phó trưởng ban
thường trực Ban Tổ chức Huyện ủy, nên một hôm ông Khôi đến nhà riêng bày tỏ sự
tình. Ông đặt vấn đề: “Tôi biết anh mới ở tỉnh về, được phân công phụ trách công
tác Bảo vệ chính trị nội bộ của Huyện ủy nên hy vọng anh có thể giúp tôi làm
sáng tỏ nỗi oan mười ba năm qua được chăng?”... Và ông kể, tôi nghe...Một tối,
hai tối, ba tối... Tôi vẫn kiên trì lắng nghe. Ông kể chuyện có duyên, khúc
triết, rõ ràng, nhiều chi tiết cuộc sống từ thời tôi chưa ra đời được ông mô tả
lại một cách sống động. Có hôm hai chú cháu ngồi đến khi có tiếng gà gáy sang
canh...
Nay, tôi chép
lại câu chuyện của ông như một kỷ niệm nhỏ trong đời công tác của mình.
Ông Khôi mở đầu
câu chuyện: “Sự kiện này đối với tôi còn hơn cái chết, bởi nó bị “bức tử” về
sinh mạng chính trị. Tôi theo Đảng từ lúc chưa biết Đảng là ai, chỉ thấy người
ta nói Việt Minh, một tổ chức của Cụ Hồ, người đứng đầu Chính Phủ Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa nên tôi theo và đã trực tiếp tham gia chiến đấu nhiều trận, sẵn
sàng hy sinh cả tính mạng. Rồi trong Trận Phố Ràng tôi bị thương... Cho nên khi bị Tổ chức nghi ngờ, loại bỏ, tôi
cảm thấy từ giờ phút đó tôi đã chết, chỉ còn lại cái thần xác vô hồn. Như vậy,
tôi đã chết mười ba năm rồi, vâng, mười ba năm nhưng chưa chôn được, anh ạ!”
Trong ánh đèn dầu vàng vọt giữa đêm khuya, tôi vẫn nhận ra đôi mắt ông đang cố
nén xúc động khi chạm phải vết thương lòng còn rỉ máu. Thực ra, mười ba năm
trước, nếu không có sự giám sát, động viên tích cực của người vợ hiền thì sau
cái Quyết định nghiệt ngã ấy, ông đã về thế giới bên kia rồi, cả thể xác và nỗi
oan của ông đã vùi sâu ba tấc đất và
vĩnh viễn không ai biết câu chuyện này.
Vào một đêm cuối
thu khi tiết trời đã se lạnh, ông ngồi một mình trước ngọn đèn dầu leo lét
trong ngôi nhà gỗ ẩn dưới những hàng nhãn cổ thụ, cạnh con sông Hồng nước cuộn
lên, đỏ đọc như máu. Trên bàn là một ấm trà đặc, một bao Tam Đảo, một gói thuốc
sâu đủ để hằng chục người có thể rủ nhau đi thăm Diêm Vương. Ông đã quyết định giờ
phút hệ trọng nhất của đời mình để khỏi phải hằng ngày dằn vặt, khỏi phải “sống
cũng như chết” theo quan niệm của ông!” Sự giằng co giữa sự sống và cái chết
của ông lúc ấy là cuộc độc thoại với hai thế lực đối lập: một bên là người vợ
hiền và chín đứa con, cả gái lẫn trai mơn mởn như những cây măng, cây tre đang
vươn lên ấm bụi..., một bên là sự đau đớn về tinh thần đến tột cùng bởi nỗi oan
khiên, không lối thoát, không thể giải thích, mọi đơn từ khiếu nại đều như hòn
đất ném xuống ao bèo... Đêm ấy, đến độ 3 giờ sáng ông đã đốt gần hết bao Tam Đảo.
“Hai thế lực” cứ giằng nhau từng tấc, từng li... Rồi hình ảnh đồng chí chủ
nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy dằn từng tiếng: “Anh làm tay sai cho bọn Việt
Quốc, Việt Cách, lại âm mưu chui sâu, leo cao nhằm phá hoại sự nghiệp Cách
mạng. Nhưng may, Đảng sáng suốt đã phát hiện sự dối trá của anh, nên chúng tôi
buộc phải đưa anh ra khỏi Tổ chức. Anh phải nghiêm chỉnh chấp hành...” Lời kết
tội của người đồng chí mỗi câu, mỗi chữ cứ như từng nhát dao đâm nát trái tim
ông, trái tim đã mang dòng máu nóng bỏng trước mũi súng kẻ thù trong cuộc kháng
chiến trường kỳ của Dân tộc... Ông nghĩ đến người vợ hiền, yêu nhau từ trong
cảnh ngộ đi làm thuê, ở đợ, đầu gối, má kề mấy chục năm lên thác, xuống ghềnh.
Rồi ông nhớ đến từng gương mặt của chín
người con: nào Phượng, Long, Khoa , nào Vân, Tuyên, Phi, nào Phương, Quyền,
Quý, đứa nào cũng ngoan, cũng sáng sủa, học hành giỏi giang... Nhưng tất cả
chúng phải chịu một “vết đen” trong lý lịch bởi có ông bố “phản động”! Và tương
lai cuộc đời tất sẽ khó “ngóc đầu” lên được! Tình cảm của ông dành cho Đất
nước, cho Dân tộc, cho Đảng và Bác Hồ, công lao của ông vào sinh ra tử trong
cuộc kháng chiến trường kỳ...tất cả đều công cốc. Ông phải chết, ông không thể
sống trong bối cảnh như thế! Trong lồng ngực ông tự dưng có một tảng đá dâng
lên chẹn lại sự co bóp của con tim. Trước mắt ông dường như chỉ còn một màu
vàng quạch của ngọn đèn hoa kỳ rọi xuống mặt chiếc bàn nước cũ kỹ... Ông từ từ
với tay vào gói thuốc sâu, nghiêm trọng mở ra...
Bỗng ông giật
mình bởi hai cánh tay vừa ấm vừa mềm ôm ghì lấy toàn thân. Gói thuốc sâu bị hất
tung xuống nền nhà. Tiếng khóc của người đàn bà dội lên giữa đêm khuya, trong không
gian tĩnh lặng đến rợn người. “Ông Khôi, sao ông lại thế?... Ông không được
chết, ông không được chết! Ông phải sống. Ông không thương tôi và các con sao?
Mà ông định chết đi để chôn vùi tất cả nỗi oan của mình, sự trong sáng của mình
xuống ba tấc đất sao? Ông không muốn để cho đàn con của chúng ta hiểu sự thật
về người cha của mình sao? Ông phải sống để tiếp tục khiếu nại, dù đến hơi thở
cuối cùng vẫn phải tìm cách cho mọi người biết sự thật. Nếu Tổ chức không biết
thì chính con cái chúng ta phải biết. Tôi van ông, ông không được chết!...” Ông ngồi lặng đi, rồi bất thần quay lại ôm
chặt bà và nói trong nước mắt: “Bà ơi, thế này thì tôi chết sao được!... Thôi
tôi nghe bà, tôi cảm ơn bà đã làm tôi tỉnh ra rồi. Tôi sẽ sống”. Và ông nói
thật với giọng cố pha chút hài hước nhưng cay đắng: “Vậy từ nay bà phải chăm
sóc tôi để tôi có sức tiếp tục đi khiếu nại, đòi lại sự công bằng cho gia đình
mình nha”...
Năm 1945, Việt
Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc), dưới sự hỗ trợ của quân đội Trung Hoa Dân quốc đã
trở về Việt Nam, đánh chiếm Lào Cai và cướp chính quyền ở Sa Pa. Việt Nam Quốc
dân đảng đã kiểm soát toàn bộ tỉnh Lào Cai. Sau cuộc chết đói hai triệu người ở
đồng bằng Bắc Bộ tháng Ba năm 1945, cuộc sống ở quê Xứ Đoài (Sơn Tây) của Ngô
Hữu Khôi vẫn rất khốn khổ. Người gầy gò, nhỏ thó nên mọi người gọi Khôi là
“thằng Cặng”. Cặng lên Lào Cai để đi ở chăn trâu, cắt cỏ cho ông chú họ là Ngô
Hữu T. tại xã Gia Phú huyện Bảo Thắng. Trong đoạn đời đi ở đợ này, Cặng đã gặp
và yêu người con gái thùy mỵ, nết na, có tên Vượng, nhưng dân làng quen gọi cô
là “Trố”, cũng là người ở giúp việc trong gia đình ông chú. Ông B.H, người cầm
đầu Việt Nam Quốc dân đảng xã Gia Phú thường lui tới nhà ông T. Một hôm, ông
B.H đã gọi Cặng lên yêu cầu tham gia vào một tổ chức gọi là Việt Nam Thanh niên
Quốc Dân Đảng. Cặng chẳng hiểu gì nhưng cũng lờ mờ thấy đó là một công việc hệ
trọng và nguy hiểm. Anh đã thẳng thắn từ chối với lý do: “Cháu mù chữ nên không
biết làm gì đâu, chú cứ để cho cháu chăn trâu, cắt cỏ thôi!”...
Một buổi tối,
Cặng và Trố hẹn nhau ra bãi sông Hồng tâm sự. Vừa gặp Cặng, Trố đã rất nghiêm
trọng: “Anh Cặng, có chuyện này quan trọng lắm. Chiều nay, khi xách siêu nước
sôi lên pha trà cho chú T và ông B.H, em thấy ông B.H nói là sẽ bắt anh, anh
Doãn, anh Tạo và anh Hài vào tổ chức gì ấy...Ông ấy còn bảo: “Nếu không nghe
thì phải bắt!...”. Cặng choáng người khi nghe thấy tiếng “bắt”. Anh thật sự lo
sợ... Nhìn dòng sông Hồng chảy xiết, Cặng bỗng nghĩ đến nước phải bỏ trốn về
xuôi. Tuy phải xa người yêu, anh sẽ nhớ lắm đây, nhưng phải chạy trốn vụ bắt
cóc này đã. Hôm sau anh bàn với Doãn, Tạo và Hài, sẽ ăn trộm cái mảng nứa của ai
đó buộc dưới bến đò để về quê. Cứ xuôi theo dòng nước, chắc chắn sẽ đến Hà Nội
rồi từ đó tìm đường về Sơn Tây.
Cuộc trốn chạy
bắt đầu. Bữa cơm tối, Trố nấu gia thêm gạo, giấu giếm mấy nắm cơm với muối
vừng. Vào khoảng 9 giờ tối, năm người ra bến đò. Nhưng Hài bị sâu quảng nặng
quá nên không thể đi được, đành ở lại. Cặng, Doãn và Tạo hì hục tháo trộm mảng
nứa đang neo dưới một gốc cây. Bỗng có tiếng quát: “Đứa nào ăn trộm mảng kia!”,
khiến cả năm đều rụng rời chân tay. Thôi chết rồi!... Nhưng tiếng quát là một
giọng đàn bà, có vẻ không gay gắt lắm. Nhận ra bà bán nước chè xanh ở bến, cả
năm quỳ xuống bãi cát kể rõ sự tình và xin bà che chở. Nghe xong, bà bảo: “Thôi,
đi thì đi nhanh lên, ông T mà vớ được thì chúng mày rừ xương”. Cuộc chia tay
thật ngắn ngủi, Cặng, Doãn và Tạo chống sào, buông neo, cái mảng nứa trôi vèo
vèo, mất hút trên mặt sông nước lấp lóa, đang chảy xiết dưới ánh trăng lu.
Ba người ngồi
trên cái mảng nứa mong manh, mặc cho số phận.Vài giờ sau, xuôi được khoảng hai
chục cây số thì bỗng nghe tiếng quát rất đanh từ phía tả ngạn: “Ai kia? Vào bờ
ngay, nếu không chúng tôi nổ súng!”. Thôi, thế là hết! Cả ba vội vàng bắt mảng
dạt vào bờ. Có mấy người mang súng ống ra “đón”. Cặng, Tạo và Doãn run như dẽ.
Theo lệnh của họ, ba chàng trai được dẫn vào nhà gặp một ông “quan lớn” có nước
da trắng như con gái, trông nét mặt rất nghiêm. Cả ba quỳ sụp xuống, vái lấy
vái để: “Chúng con đi làm ăn, nay về quê thăm gia đình, mong quan lớn tha tội
chết”. “Ông quan” ấy bảo, các anh không phải quỳ thế, ngồi lên ghế để tôi hỏi chuyện...Mọi
việc nhanh chóng được làm sáng tỏ và người ta cho biết, đây là quân đội Việt
Minh, bộ đội cụ Hồ, đang có nhiệm vụ đánh bọn Việt Nam quốc dân Đảng để giải
phóng quê hương, đất nước. “Các anh hãy dẫn đường cho chúng tôi và nếu đồng ý
thì chúng tôi cho gia nhập vào quân đội Việt Minh”. Khỏi phải nói, cả ba người
đã sung sướng như thế nào trong bối cảnh này. Mãi sau, Ngô Hữu Khôi mới biết,
chính cái “ông quan lớn” đẹp trai da trắng như con gái ấy là Trần Long, còn gọi
Long Khánh, sau này làm Bí thư huyện ủy Bảo Thắng, Trưởng ty Công an Lào Cai rồi
về Trung ương làm Cục trưởng Cục An ninh quốc gia, Bộ Công an... Khôi, Doãn và
Tạo trở thành Bộ đội Cụ Hồ từ cái đêm “bị bắt” ấy. Đó là Đoàn quân “Vệ quốc
đoàn” mà các anh thường nói đùa với nhau là “anh vệ túm”, vì người lính bấy giờ
trong điều kiện đất nước còn quá nghèo nàn, gian khổ nên quần áo rách, có người
phải lấy dây chuối túm lại...
Ngô Hữu Khôi quay
trở lại đất Gia Phú, tham gia quét sạch tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng. Trong
cuộc kháng chiến chống Pháp, ông đã tham gia trận Phố Ràng và trận đánh đồn Phố
Lu nổi tiếng, tiến tới giải phóng hoàn toàn Lào Cai vào cuối năm 1950. Sau Cách
mạng tháng Tám 1945, Hồ Chí Minh tuyên bố giải thể Đảng cộng sản Đông Dương,
nhưng thực chất Đảng vẫn bí mật hoạt động. Đó là thời kỳ đảng viên chỉ dám gọi
tổ chức Đảng là “Tổ chức” và người lãnh đạo cấp ủy cấp trên là “Thượng cấp”.
Người ta đồng nhất Đảng với Mặt trận Việt Minh. Địch bắt được cán bộ, đảng viên
cũng gọi họ là Việt Minh… Trong hoàn cảnh ấy, năm 1949, Ngô Hữu Khôi được kết
nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông còn nhớ, một hôm người ta đưa ông và mấy
người nữa vào giữa rừng, tổ chức kết nạp. Thủ tục rất đơn giản nhưng vẫn trang
nghiêm. Có đảng kỳ, có tuyên thệ… Ở đơn vị bộ đội, đảng viên có thể chỉ là
chiến sĩ thường, trong khi người chỉ huy chưa chắc đã là đảng viên. Tổ chức
Đảng, đảng viên hoàn toàn bí mật trong lãnh đạo…
Sau này xuất ngũ
về địa phương, ông Ngô Hữu Khôi tham gia công tác xã. Mặc dù sau Đại hội II
(1951), đảng đã ra công khai, đã đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam, nhưng ông Khôi vẫn không hề biết, ông vẫn
mang “ý thức bí mật!” Ông cũng hoàn toàn không biết rằng ở địa phương cũng có
tổ chức Đảng! Mấy năm sau, ông mới biết và kể cho ông Bí thư chi bộ xã là, ông
đã từng là đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương từ 1949. Nhưng chẳng có giấy tờ
gì xác nhận sự thật ấy. Thế rồi đến 1959, Chi bộ xã tổ chức kết nạp lại cho ông.
Trong thời gian ở xã, ông Ngô Hữu Khôi làm đến Bí thư, kiêm chủ tịch Ủy ban
hành chính xã Thái Niên, sau là đặc phái viên Huyện ủy Bảo Thắng, rồi cán bộ Ngoại
thương...
Nhưng năm 1973,
ông Ngô Hữu Khôi bị chính ông B.H, người cầm đầu Việt Nam Quốc dân đảng ở Gia
Phú tố cáo ông là Thanh niên Việt Quốc...Căn cứ vào lá đơn này, tổ chức Đảng ở
địa phương đã quyết định đưa ông ra khỏi Đảng để “làm trong sạch nội bộ”. Mười
ba năm trời đằng đẵng, ông Khôi đã viết hằng chục lá đơn khiếu nại, thu thập ý
kiến của các nhân chứng, đặc biệt là xác nhận bằng bút tích của đồng chí Trần
Long, Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia; xác nhận bằng bút tích của đồng chí
Nguyễn Tài Tuyên, trưởng Ty Tài chính tỉnh Hà Sơn Bình, người cùng quê với ông,
ngày còn nhỏ đã từng sống ở Soi Cờ (Gia Phú) cùng ông; xác nhận của bà cụ bán
nước chè ở bến đò Gia Phú, nay đã gần đất xa trời và nhiều nhân chứng khác. Tập
hồ sơ xin giải oan của ông Khôi có tới mười tám chữ ký của những nhân chứng xác
nhận ông không phải là Thanh niên Quốc dân đảng thay vì cho một tờ đơn tố cáo
của chính trùm Việt Nam Quốc dân đảng ở địa phương.
Thế mới biết,
trên đời này mắc sai lầm thì quá dễ dàng, nhưng sửa chữa sai lầm có bao giờ đơn
giản! Không ít vụ việc “chìm xuồng”, khiến người trong cuộc phải vĩnh viễn đem
theo nỗi oan khuất về thế giới bên kia. Cũng có trường hợp người bị kết tội oan
sau khi đã qua hằng chục cái giỗ mới lại may mắn được hóa giải. Sự việc của ông
Ngô Hữu Khôi đã kéo dài mười ba năm, ông
đã cơm đùm, cơm vắt, lặn lội gõ hết các “cửa” có thể gõ ở các cấp. Ông
đã từng ngồi chờ trước cổng số 10 Nguyễn Cảnh Chân (Hà Nội) để mong gặp được
cán bộ cao cấp của Đảng, xin giải oan... Đến năm 1986, tập hồ sơ bản gốc dính
đầy mồ hôi của ông được chuyển đến tay tôi. Tôi đã trịnh trọng ký nhận nó như
nhận trách nhiệm bảo toàn sinh mạng cho một con người...
Sau khi nghiên
cứu kỹ càng, tỉ mỉ từng chi tiết sự việc, tôi đích thân viết tờ trình ra Hội
nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Thắng. Tập thể Ban Thường vụ nhận thấy, không
chỉ dừng lại ở lý lẽ, ở sự minh bạch của sự việc thông qua các nhân chứng có uy
tín, mà còn xét đến phương diện tình người, tình đồng chí trong Đảng. Ban Thường
vụ đã nhất trí cao với quan điểm: Sai thì phải sửa dù sự việc đã kéo dài quá
lâu. Đảng ta quyết không sợ khuyết điểm. Chính sự nhận ra sai lầm, biết sửa
chữa sai lầm sẽ là hành vi chứng minh bản lĩnh chính trị của Đảng, tạo thêm
niềm tin yêu của đảng viên, của quần chúng nhân nhân đối với Đảng. Cuối cùng,
11 trên 11 Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy đã biểu quyết đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh
ủy Hoàng Liên Sơn khôi phục đảng tịch cho đồng chí Ngô Hữu Khôi. Nghị quyết này
đã được chuyển lên Ban Thường vụ tỉnh ủy qua Ban Tổ chức. Một tuần lễ sau, tại
Hội nghị toàn thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn đã có Nghị quyết: Khôi
phục đảng tịch cho đồng chí Ngô Hữu Khôi, đảng viên thuộc Đảng bộ Phố Lu, huyện
Bảo Thắng, tuổi đảng được tính liên tục từ ngày công nhận chính thức, nhưng chỉ
đóng đảng phí kể từ ngày công bố Quyết định tại chi bộ.
Tại Hội nghị Chi
bộ Phú Long 1, thị trấn Phố Lu, sau khi đại diện Ban Tổ chức Huyện ủy công bố Quyết
định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Ngô Hữu Khôi đã khóc òa lên và nức nở như một
đứa trẻ bị mẹ đánh đòn oan. Tiếng khóc của ông khiến hằng chục đảng viên trong
chi bộ đều lặng đi và ngấn lệ. Có lẽ mọi người đều hiểu, đằng sau tiếng khóc đó
là một niềm vui tột đỉnh xen lẫn sự hờn giận, chất chứa cảm xúc của một người
như vừa từ cõi chết trở về.
27/07/2012
NGUYỄN NGỌC DƯƠNG .
Bài đã được nhân
vật chính : Ông Ngô Hữu Khôi nghe và tham gia chỉnh sửa vài chi tiết cho đúng
với thực tế. Tác phẩm đoạt giải Văn học thường niên Hội Văn học – nghệ thuật
Lào Cai na9m 2012 .
(Rút trong tập truyện ký Mảnh vườn ký ức, Nhà xuất bản Hội Nhà văn,
H,2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét