15 thg 1, 2015

Một tập thơ sính chữ, sáo nhàm và khô cứng của Văn Khúc .



NguyenThanhMungGIO

Phó Nhòm Tây Bắc : Quả là thẩm thơ chẳng dễ chút nào. Đến như Hội đồng thơ Quốc gia có thể vẫn bị "hớ"(?), huống chi có "nhà thơ làng" cứ làm được mấy bài... văn vần là vỗ đùi đen đét, tự sướng, được khen một câu là về mất ngủ, không được khen thì... buồn!.

NTT: Tập thơ NGỮ PHÁP GIÓ của Nguyễn Thanh Mừng mới xuất bản đã có vài bài phê bình, giới thiệu trên báo trung ương và báo địa phương. Tối nay, tôi nhận được qua Email bài viết dưới đây của Văn Khúc, một bút danh là lạ. Văn Khúc không hào hứng với tập thơ này và cho rằng cả người viết Lời giới thiệu đầu sách cũng “đặt ra cho tôi nhiều câu hỏi”. Mời bạn cùng xem:


MỘT TẬP THƠ SÍNH CHỮ, SÁO NHÀM VÀ KHÔ CỨNG                   

Văn Khúc

Tôi vốn không có thói quen đọc Lời Giới Thiệu trước khi đọc các tập thơ vì nghĩ rằng cái hay cái dở nó nằm ngay trong chính các bài thơ, những lời giới thiệu này nọ có thể làm sai lạc giá trị của các bài thơ, hoặc tập thơ. Nhưng khi cầm trên tay tập thơ NGỮ PHÁP GIÓ của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, tôi đã thay đổi thói quen, vì sự quí trọng và ngưỡng mộ mà từ lâu tôi đã dành cho nhà thơ BẰNG VIỆT, khi ông còn chưa là Chủ tịch Hội đồng Thơ, thành viên Ban chung khảo của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng tôi đã không thể đọc một cách suông sẻ. Bài viết của nhà thơ Bằng Việt giới thiệu tập thơ NGỮ PHÁP GIÓ đặt ra cho tôi nhiều câu hỏi. Nhà thơ Bằng Việt viết:

- “Được cầm trong tay tập bản thảo mới của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng NGỮ PHÁP GIÓ, tôi đã nghĩ ngay rằng đây là một tập thơ ngông, một cái ngông đủ sang trọng, lại hồn nhiên, đáng yêu, hoàn toàn chấp nhận được ở thời chúng ta đang sống! Nhà thơ chỉ vừa ngửa cổ uống một trái dừa ở trước những tòa tháp cổ thôi mà giọng đã rất ngông, hơn cả khi tu một be rượu tràn đầy chếnh choáng:

 ngửa đầu uống một kinh thành
nét mày Phật Thệ vừa thanh thản cười,
giang tay viết giữa mây trời
câu thơ hào sảng tặng người hào hoa!…
          (Uống nước dừa bên tháp Vijaya)

Chỉ say nước dừa Bình Định thôi khi được uống cạn trong đó hình bóng tháp Vijaya, nét mày Phật Thệ và cả bóng dáng kinh thành Chămpa xưa cũ, thứ “rượu dừa đặc sản” đó đậm chất Bình Định làm sao và cũng đậm đà chất thơ Nguyễn Thanh Mừng làm sao! Và khi đã bước vào khung trời và không gian thơ của Nguyễn Thanh Mừng, chúng ta dễ dàng chấp nhận thứ “ngữ pháp gió” huyền ảo của thơ anh, nó cho phép ta chỉ cần khơi gợi, chỉ cần nói tắt bằng những ký hiệu ngôn từ giản dị là đã đủ mở ra cả một không gian suy tưởng rộng dài trong đó” hết trích.

Cái ngông trong nghệ thuật, bao giờ cũng chứa đựng những sự bất ngờ thú vị, đáng yêu. Nhưng trước hết nó phải có cái gốc chân thực. Chân ở sự vật được miêu tả vàchân ở tấm lòng người viết. Bài thơ UỐNG NƯỚC DỪA BÊN THÁP VIJAYA của Nguyễn Thanh Mừng và lời bình của nhà thơ Bằng Việt đọc kỹ sẽ nhận ra thuộc loạiviết bừa, bình ẩu. Cách uống nước dừa được nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng nói tới ở đây là cách uống nguyên trái, dân dã. Người ta dùng rựa hoặc dao phạt đít trái dừa, để sọ dừa bày ra một khoảng trống vừa miệng người uống. Khi uống, trái dừa được nâng cao hơn miệng người uống một chút, để dòng nước dừa ngọt mát khoan thai tuôn vào miệng. Với cách uống dân dã này, hiển nhiên người uống phải ngửa đầu, và trái dừa che khuất cả cung điện lẫn tòa tháp. Người uống nếu có cố mở mắt thì cũng chỉ thấy trái dừa mà thôi. Vậy thì lấy đâu ra “hình bóng tháp Vijaya, nét mày Phật Thệ, và cả bóng dáng kinh thành Chămpa xưa cũ” để nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng uống cạn, vàsay rồi ngông: “giang tay viết giữa mây trời/ câu thơ hào sảng tặng người hào hoa”.

Có một cách uống khác. Người ta đổ nước dừa vào bát, bóng đền tháp sẽ in vào bát nước dừa. Người uống cách này thì không thể ngửa đầu vì cả bát nước dừa sẽ đổ ụp vào mặt.

Còn nếu không cần bóng tháp in vào bát nước dừa, mà chỉ cần trong khi uống tưởng tượng ra thôi thì có thể ngồi tại Hà Nội ngửa đầu tu nước dừa và tưởng tượng mình đang uống cả tượng thần Tư Do tận nước Mỹ cũng được.

Viết bừa, say giả, ngông giả. Kết quả là nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đã chế tạo ra một bài thơ sai sự thật, hoang tưởng. Lạ là Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Namlại không nhận ra điều này, nhắm mắt ca lên mây. Chưa hết, bản thân đầu đề bài thơ UỐNG NƯỚC DỪA BÊN THÁP VIJAYA cũng đặt ra câu hỏi. Vijaya là tên vùng đất cũ của vương quốc Chămpa. Nó là một địa danh, nay thuộc tỉnh Bình Định chứ không phải tên các tòa tháp. Để gọi chung các tháp thuộc vương triều Chăm pa, người ta gọi là tháp Chàm. Còn nếu muốn tách bạch thì mỗi tháp đều có tên riêng: tháp Dương Long, tháp Cánh Tiên, Tháp Đôi… Chỉ riêng Nguyễn Thanh Mừng là lấy địa danh Vijaya, ghi thành tháp Vijaya!

Bình Định có một món nhậu khoái khẩu nổi tiếng, ấy là chim mía chiên giòn. Vào mùa ruộng mía trỗ cờ, người ta dùng lưới lùa bắt hàng trăm có khi hơn, những con chim mía (to ngang ngửa với chim sẻ) mang bán cho các quán nhậu. Những con chim mía béo ngậy, nhổ sạch lông, sau khi chiên lên thơm nức, ngon còn hơn nem Chợ Huyện vốn là món đặc sản. Chim mía chiên, nhậu với rượu Bàu Đá thì còn gì bằng! Nhưng sao đang nói về thơ Nguyễn Thanh Mừng lại rẽ sang chuyện chim mía. Liên quan gì nhau? Có đấy.

Chẳng là nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng muốn có thơ ca ngợi mùa xuân  là chủ đề lớn, đúng định hướng. Lũ chim én được coi là sứ giả mùa xuân. Vậy là lũ chim én liền bị nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng dùng thơ hạ thủ, xỏ xâu treo ở tiệm rượu, rồi hô hoán vu cho các tiệm rượu vô lương tâm, sát hại sứ giả mùa xuân. Trong bài thơ GẶP XÂU CHIM ÉN BÀY BÁN TRƯỚC HÀNG RƯỢU, Nguyễn Thanh Mừng trao cho lũ chim én sứ mạng bất khả thi, ấy là bắt những cánh chim én bé nhỏ phải “ôm ghì mùa xuân”! Các cửa hàng rượu mà biết chuyện này chắc sẽ không tha cho nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng về tội vu khống. Thật ra trong dân gian vẫn có người bắt chim én để bán, nhưng thường mang tới cổng chùa bán cho những người mua để thực hiện nghi lễ phóng sinh.

Trong bài thơ BUỔI CHIỀU TÂN SƠN NHẤT, viết nhân việc con vào đại học, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng có những câu:

        … khi lòng cha nghĩ về con
        ba ngàn thế giới hãy còn trẻ thơ  

Ba ngàn thế giới… được nói tới ở đây hẳn là ở ngoài thế giới chúng ta đang sống. Chắc chắn chúng tồn tại hàng triệu năm rồi. Vậy thì ai dám chắc chúng hãy còn trẻ thơ? Mà sao lại đặt cô bé chỉ mới ở tuổi đôi mươi vào thế so sánh ngang ngửa với vũ trụ ra đời đã hàng triệu năm. Cái ngông này thật khó để chấp nhận. Xem ra nó là thứ phách lối, khoe chữ. Bài thơ viết tiếp:

        bốn phương Vê Kép Tê Ô
       thương con buộc tóc thắt nơ một mình

Tôi đã thử đọc hai câu này cho nhiều người nghe, và đều nhận được câu trả lời: WTO thì liên quan gì tới việc buộc tóc thắt nơ của một cô gái?

Chưa hết. Đang ở thế kỷ 21 mà nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gọi việc con vào đại học là: vào cửa Khổng sân Trình! Sao lại là cửa Khổng sân Trình? Để tu thânbằng cái triết thuyết hủ bại “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” chăng?

Tôi không nghĩ là nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng lại đi cổ xúy cho đạo Khổng lỗi thời, nhưng việc nhà thơ quá lạm dụng thứ ngôn ngữ đã cũ, làm cho cả tập thơ bảng lảng không khí của quá khứ, mặc dù đang viết về cuộc sống hiện tại. Ấy là chưa kể nhiều con chữ được dùng đi dùng lại, thành sáo rỗng, nhàm.

Một ví dụ sai trái khác: Bài MỘT ĐÊM XUÂN HÀ NỘI mở đầu: Thưa tôigié lúa Rồng Tiên/ bước chân Giao Chỉ dạt bên Chiêm Thành. Lai lịch thế là rõ. Thế nhưng nhà thơ lại viết tiếp: Tôi về gõ cửa muôn xưa/ một vong bản phía tiễn đưa nghìn trùng. Sao lại là vong bản. Mất gốc à?

Tên tập thơ là NGỮ PHÁP GIÓ. Khá gợi. Nhưng tiếp sau đó lại còn có cả Ngữ pháp Thiên hà, Bút pháp lớn lao, Thi pháp hổ, Thi pháp mật ong… chen chúc nhau. Chim én thì ôm ghì mùa xuân,  Lưỡi cuốc khảo cổ thì thét vang sự thật,ôm ghì trung trinh. Nhà thơ thương cảm: ba ngàn thế giới hãy còn trẻ thơ, lại thán: ba ngàn thế giới sao sa trăng tàn… Có thể nói trừ bài thơ đầu tiên trong tập còn lưu lại cảm xúc trong người đọc, những bài thơ còn lại, nếu không bị khô cứng như các bài không phải lục bát in ở phần cuối của tập thơ, thì cũng sa vào bệnh sính chữ nghĩa, sáo nhàm. Xin dẫn ra đây những thí dụ để bạn đọc thấy trò chơi chữ nghĩa đã được dùng như thế nào trong tập thơ NGỮ PHÁP GIÓ.

… ngấn răng đuổi bóng xế tà/ nụ cười chưa dứt ngọc ngà ban mai (tr. 15)suối quê đắm đuối mê ly tang bồng/ thác ghềnh chữ nghĩa rêu rong ta bà (tr. 16)  ruột rà ríu rít chung miền tự do (tr. 17) lắng thi pháp hổ lắng ngôn ngữ rồng (tr. 20)  mê man hổ suối say sưa hạt ngàn/ ném vào thành lũy bàng hoàng cung đao (tr. 21) ngửa đầu uống một kinh thành/ giang tay viết giữa mây trời/ tôtem thị tộc kiêu sa/ thầm vương ngấn nước ngân nga uy quyền (tr. 23)

Tình yêu có một chính quyền/ gặp nhau rạng lửa thiên tài (tr. 27)  một mùi vương đế ngất ngây/ nụ cười sông bể tỏa lời vô biên (tr. 28) thả vào dâu bể ánh cười phù du/ chập chùng ký ức lúa khoai thét gào (tr. 31) vơi đầy rót một không trung biên thùy (tr. 33) tôi tìm ngữ pháp thiên hà/ ba ngàn thế giới sao sa trăng tàn (tr. 34) về quê gối núi ôm sông(tr. 35) trăng sao đắm đuối thả rời xiêm y/ bên rìa vũ trụ mê ly/ tôi tung áo mão phóng cuồng/ thành trì mây nước đế vương giang hồ (tr. 36) Cơ hồ huyết mạch bách tùng/ thành ngơ ngác giữa lâm chung địa hình (tr. 37) Cánh chim sứ giả ôm ghì mùa xuân (tr. 39) huyền vi của cuộc chơi đùa/ Quỷ ma mặc áo thánh thần/ vùi theo thời đại tần ngần khép mi/ thét vang sự thật ôm ghì trung trinh (tr. 41) nâng ly vạn tuế trước Rằm tháng Giêng (tr. 42) nháp thiên dang dở vào chương vững bền/ chữ đơn bạc rót trên câu lẫy lừng (tr.43) khi lòng cha nghĩ về con/ ba ngàn thế giới hãy còn trẻ thơ/ Bốn phương Vê Kép Tê Ô/ thương con buộc tóc thắt nơ một mình/ con vào cửa Khổng sân Trình (tr. 45)cù lao xanh có cọng rêu thăng hà (tr. 47) mở tung kho báu thỏa thuê linh đình/ đi tìm bút pháp lớn lao/ con chim gõ kiến gửi vào hư vô (tr.49) mắt môi thàm thụa thiên hà (tr.50)…

Thật khó mà trích ra cho hết những “sáng tạo” của trò chơi chữ nghĩa bày nhan nhản trong tập thơ NGỮ PHÁP GIÓ. Viết hay dở thế nào là chuyện của nhà thơ. Nhưng Hội đồng thơ của Hội Nhà văn có trách nhiệm tác động vào việc đưa nền thơ của đất nước phát triển. Chủ tịch Hội đồng thơ trực tiếp viết lời giới thiệu, khen một tập thơ có nhiều bài viết bậy, chữ nghĩa quá cũ, lại rất sính chữ sáo mòn… không biết đang cổ vũ cho thơ Việt phát triển theo hướng nào?

Cũng trong Lời giới thiệu in ngay ở đầu tập thơ này, nhà thơ Bằng Việt nức nở khen một bài thơ khác của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng trong tập Ngàn xưa in từ cuối thế kỷ trước.

           Nghe đồn vua xứ Chà Bàn
           dâng miền Ô Lý rước nàng vu quy
           tôi mang rượu đến biên thùy
           hắt lên mây trắng biệt ly cả cười…

Khí tiết của chàng trai Việt xem ra rất hào sảng. Nhà thơ Bằng Việt bình: “đó là tấm lòng say mê và ngưỡng mộ cái Đẹp Vĩnh Cửu và Tình Người Cao Cả. Thử đọc tiếp bài thơ để thấy hết cốt cách của chàng trai Việt hào sảng đến độ nào:

Thân không tấc đất cắm dùi
bể sông thi phú trăng trời phong sương
cắn răng nhường bậc đế vương
gươm cùn quẳng xuống vệ đường nhân duyên

Chàng trai Việt được nhà thơ miêu tả là thân không tấc đất cắm dùi nhưng tài năng thì bể sông thi phú và đã từng trải… trăng trời phong sương. Một con người hội đủ tài năng và bản lĩnh như vậy, nhưng khi quyết đi cứu người mình yêu, được ví như đi bảo vệ cái Đẹp Vĩnh Cửu, lại chỉ mang theo be rượu và thanh gươm cùn! Sau khi cả cười, hắt rượu lên mây trắng biệt ly, thì chỉ còn biết quẳng thanh gươm cùn xuống vệ đường nhân duyên. Ấy vậy mà còn phách lối – quyết thu trăm họ về tay! Sự thảm hại của người con trai Việt ở đây chỉ càng làm cho những câu thơ được tán dương là hào sảng trở nên lố bịch. Nói cho cùng nó cũng chỉ là một thứ phách lối. Trao đất nước cho loại phách lối này thì mất nước như bỡn.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng từng nói lên chí khí của mình: Dở dang cuộc rượu Thăng Long/ tôi về bù khú rêu phong Đồ Bàn…Để rồi:  quẳng ngai báu để làm vua/ quẳng đèn tìm lửa/ quẳng chùa tìm kinh. Tức là tìm tới giá trị đích thực của đời người. Đấy là chí khí của Nguyễn Thanh Mừng. Trong Thơ. Còn Nguyễn Thanh Mừng trong đời thực? Sau 5 năm ngồi ghế Chủ tịch Hội Văn nghệ, Nguyễn Thanh Mừng bị nhiều hội viên kiện vì những việc làm sai trái. Lãnh đạo tỉnh buộc phải tìm người thay. Chủ tịch Hội Văn nghệ tuy coi rẻ ngai báu, nhưng lại quyết không rời ghế Chủ tịch Hội, không chịu trao chìa khóa phòng Chủ tịch Hội cho người khác. Lãnh đạo tỉnh buộc phải cho thanh tra và tiến hành đại hội. Thuộc cấp của Chủ tịch Hội bị kỷ luật, bản thân Nguyễn Thanh Mừng bị buộc phải rời khỏi cơ quan Hội, giáng chức, làm cấp phó của một ban ngành khác. Nhưng cái ghế quyền lực vẫn ám ảnh khi dư luận có tin sẽ nổ bom tại đại hội. An ninh được thắt chặt. Không có vụ nổ bom nào tại Đại hội Văn nghệ tỉnh Bình Định. Nhưng xát thương thì có. Người bị xát thương nặng nhất là Nguyễn Thanh Mừng. Uy tín gần như mất hết. Thế mới biết giữa thơ và người luôn có quan hệ nhân quả.

Từ cuối thế kỷ trước, VTV3 đã có phim chân dung về nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng. Mở đầu phim là hình ảnh một chiếc xe con lướt nhẹ trước khi dừng hẳn. Người tài xế lễ phép mở cửa xe. Một người đàn ông tầm thước mặc bộ ves màu sáng, giày da, vali đen bóng từ trong xe bước ra. Đó là nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng. Tập thơ NGỮ PHÁP GIÓ có bài 180 GIÂY VỚI MỘT NHÀ THƠ TRẺ, Nguyễn Thanh Mừng ý thức rất rõ giá trị của thời gian, từng giây, và giá trị của bản thân.
                        
              180 giây thôi
              Ngôn ngữ tự do của vị anh hùng
              Và ngôn ngữ nhà thơ
              ở thời điểm kết tinh, không thể khác…

Qua cung cách trò chuyện với một nhà thơ trẻ, có thể thấy Nguyễn Thanh Mừng ý thức rất rõ vị trí cao giá của mình, một nhà thơ mà tên tuổi đã được xác lập từ cuối thế kỷ trước. Thế thì vì lẽ gì phải nhờ tới nhà thơ Bằng Việt viết lời giới thiệu cho tập thơ mới NGỮ PHÁP GIÓ? Nếu không vì nhà thơ Bằng Việt là Chủ tịch Hội đồng thơ đồng thời là thành viên Ban Chung khảo Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam? Chỉ cần lời khen của Chủ tịch Hội đồng thơ đồng thời là thành viên Ban chung khảo đối với một tập thơ nào đó, có thể coi như một lá phiếu đồng ý trao giải thưởng cho tập thơ ấy. Việc làm của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và nhà thơ Bằng Việt không khỏi dấy lên trong dư luận về đường dây chạy giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam mà lâu nay nhiều người vẫn nghi hoặc. Liệu có thể có câu trả lời công khai về việc này?

Hội Nhà văn Việt Nam có quá ít những cuộc đối thoại thẳng thắn, trung thực, chân tình. Đó cũng là lý do nền văn học của chúng ta không có nhiều cơ hội để tiếp sức và phát triển. Trước thềm đại hội, rất cần một cách thức mới thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của văn học: Nói Thật.

VĂN KHÚC  theo Phó Nhòm Tây Bắc .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog