Đừng trách Hoàn Cầu thời báo, hãy trách các quan chức Việt Nam sao lại chọn thầu Trung quốc ? Gót Phiêu Du .
(GDVN) - Chính quyền Trung Quốc đầu tư khá nhiều tiền của nhằm quảng bá Khổng Tử ra toàn thế giới, còn Hoàn Cầu Thời báo thì lại đang sổ toẹt vào các tư tưởng của ngài.
Sau hai vụ tai nạn gây chết người trên công trường thi công đường sắt trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có buổi họp với tổng thầu phía Trung Quốc. Bộ trưởng Thăng đã phê phán thái độ làm việc, ý thức trách nhiệm của nhà thầu Trung Quốc trước sự mất an toàn trong quá trình thi công, cướp đi tính mạng của người dân trên công trường này.
Hình ảnh chiếc xe taxi chở 4 người bị dầm cầu rơi bẹp. Ảnh: Báo Tuổi trẻ |
Trong bài bình luận ngày 12/1/2015, BBC tiếng Việt viết: “Hoàn cầu Thời báo chỉ trích Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Việt Nam Đinh La Thăng vì cảnh cáo nhà thầu Trung Quốc, nói ông 'khơi gợi tư tưởng bài Trung’ … Tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc hôm 10/1 có bài nói hành động của ông Thăng đã “gây bất bình” ở Trung Quốc”.
Ai cũng biết Hoàn cầu Thời báo được quản lý bởi Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia nhận định phương pháp tiếp cận truyền thông của Hoàn Cầu Thời báo là cổ xúy tinh thần dân tộc (Trung Quốc).
Vì sao Hoàn cầu Thời báo phải vội vàng tru tréo về ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng? Theo Reuters, nhiều lãnh đạo châu Phi đã cáo buộc Trung Quốc đang tiến hành chính sách “thực dân kiểu mới’ tại đây và bày tỏ lo ngại rằng các dự án (mà Trung Quốc thực hiện) hầu như không mang lại lợi ích gì cho người dân địa phương bởi toàn bộ nguyên liệu và nhân công sử dụng cho các dự án này đều được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước các chỉ trích đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phải lên tiếng cải chính: “Trung Quốc sẽ không đi theo con đường của “thực dân phương Tây” ở Châu Phi”. [1]
Không phải người Việt không biết các chiêu trò bỏ thầu của nhà thầu Trung Quốc, các thủ đoạn bỏ thấp để thắng thầu rồi tìm cách kéo dài thời gian thi công, vin vào chuyện trượt giá và một vài yếu tố khách quan để đòi bổ xung kinh phí. Cuối tháng 12/2015 nhà thầu Trung Quốc đã yêu cầu tăng mức đầu tư cho dự án Cát Linh-Hà Đông thêm hơn 300 triệu USD (tương ứng 7.144 tỉ đồng).
Theo các chuyên gia giao thông, mức đầu tư bình quân trên thế giới với tàu điện ngầm từ 60 - 100 triệu USD/km, đường sắt đô thị trên cao chỉ khoảng 20 - 30 triệu USD/km. Với 13 km đường sắt mà tổng mức đầu tư (dự kiến điều chỉnh) lên tới 891,92 triệu USD, tức mỗi kilomet tốn gần 70 triệu USD là quá đắt đỏ. [2]
Hoàn Cầu Thời báo chắc biết rất rõ chuyện Bộ trưởng Bộ Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân bị kết án tử hình vì tội “xà xẻo các dự án” cũng như chuyện tàu cao tốc Trung Quốc đâm nhau trên đoạn đường sắt trên cao khiến gần 40 người thiệt mạng.
Tháng 12/2011, chính quyền Trung Quốc kết luận vụ trật đường ray tại Ôn Châu là do “sai lầm trong thiết kế và quản lý cẩu thả”. Kể từ sau vụ tai nạn ở Ôn Châu, các cơ quan thanh tra đường sắt cũng đã phát hiện thêm hàng loạt các sai phạm về bộ hãm tốc độ, đèn tín hiệu và sử dụng vật dụng không đúng yêu cầu kỹ thuật trong thi công. Thậm chí Bộ Đường sắt Trung Quốc đã phải yêu cầu làm lại gần như toàn bộ một tuyến đường sắt phía đông bắc Trung Quốc, trị giá hơn 266 triệu USD. [3]
Ngay trên đất Trung Quốc, với sự giám sát của chính quyền Trung Quốc mà người tầm cỡ Bộ trưởng như Lưu Chí Quân còn “xà xẻo các dự án”, ngành đường sắt còn “sai lầm trong thiết kế và quản lý cẩu thả” thì Hoàn Cầu có dám khẳng định ở nước ngoài các nhà thầu Trung Quốc làm ăn nghiêm chỉnh hơn?
Trên khắp thế giới từ Canada đến Zambia, Ethiopia, Mexico… các nhà thầu Trung Quốc bị đình chỉ, bị phạt vì tai nạn lao động chết người xảy ra không ít [3]. Hoàn Cầu Thời báo có biết vì sao Ngoại trưởng Vương Nghị lại phải thanh minh rằng “Trung Quốc sẽ không đi theo con đường của thực dân phương Tây” nếu mọi chuyện diễn ra đều tốt đẹp?
Người Việt luôn quý trọng tình cảm của nhân dân Trung Quốc, luôn muốn giữ cho hai dân tộc được sống trong hòa bình nhưng không vì thế mà lẫn lộn giữa tình hữu nghị với làm ăn kinh tế. Càng không cho phép Hoàn Cầu Thời báo dùng ngôn từ sặc mùi dân tộc chủ nghĩa để vu cáo một Bộ trưởng của Việt Nam .
Có phải Hoàn cầu thời báo muốn người đứng đầu ngành giao thông Việt Nam phải im lặng để các nhà thầu Trung Quốc tiếp tục làm bừa làm ẩu, tiếp tục cướp đi sinh mạng người dân Việt Nam? Những ai ở Trung Quốc “bất bình” (như cách viết của Hoàn Cầu) về phê phán của Bộ Trưởng Đinh La Thăng hãy nghĩ lại và dành chút thời gian quan sát bức ảnh chụp chiếc xe taxi chở bốn người bẹp rúm do tai nạn gây ra rồi hãy hùa theo tờ báo sặc mùi kích động này.
Bộ trưởng Thăng không hề “nhóm lại ngọn lửa chống Trung Quốc ở Việt Nam " như Hoàn Cầu vu cáo. Người dân Trung Quốc sẽ nghĩ gì, sẽ nói gì nếu một nhà thầu nước ngoài thi công công trình làm chết người Trung Quốc giữa thủ dô Bắc Kinh? Liệu lúc đó lãnh đạo và người dân Trung Quốc có bỏ qua để các nhà thầu đó tiếp tục cướp đi sinh mạng người khác?
Với bài báo đã đăng, Hoàn Cầu thời báo đang kích động ai, bài xích ai? Thay vì phê phán thói làm ăn gian dối, tờ báo Trung Quốc này đang tìm cách đổ lỗi cho người khác, đang dùng chiêu trò “cả vú lấp miệng em” để đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế.
Có thể Hoàn Cầu Thời báo và các phương tiện truyền thông Trung Quốc đánh lừa được một số người dân nước họ nhưng không thể đánh lừa được dư luận quốc tế. Hãy nghe bình luận của GS Carl Thayer (Úc) mà Bbc.co.uk/vietnamese ngày 20/2/2014 đăng tải: “Nếu nhìn lại cuộc chiến biên giới năm 1979 thì có thể thấy là chính Trung Quốc, không phải Việt Nam, là nước đi xâm lược”.
Bị phê phán là tìm cách phản ứng, quy chụp, vu cáo người phê phán không phải là hành xử của người có học. Thế kỷ 21 không phải là thời của cách tuyên truyền ngày xưa, rằng “dù có sai đến mấy nói mãi người ta sẽ tin là đúng”.
Người Trung Quốc được thừa hưởng nền văn hóa có truyền thống lịch sử hàng đầu thế giới không có nghĩa là lỗi chỉ do người khác gây ra còn người Trung Quốc không có lỗi.
Thực tế ngày nay cho thấy không ít người Trung Quốc đánh mất thiện cảm ở người nước ngoài. Điển hình là ngày 15/12/2014, một nhóm bốn du khách Trung Quốc đã làm loạn chuyến bay của hãng Thai Airways chỉ vì không được ngồi cạnh nhau. Một người phụ nữ trong nhóm ném tô mì nóng vào mặt một tiếp viên hàng không, một người đàn ông trong nhóm còn đe dọa đánh bom chuyến bay! [4]
Chắc Hoàn Cầu Thời báo biết chuyện tại Hà Nội mới khai trương một Viện Khổng Tử, với tiêu chí dân tộc chủ nghĩa, lãnh đạo và nhân viên tờ báo này hẳn phải biết những điều ghi trong Luận Ngữ:
“Từ triều về nhà, nghe tin chuồng ngựa cháy, Khổng Tử hỏi: "Có ai bị thương không?". Ông không hề hỏi về ngựa.
Luận ngữ cũng ghi lại cuộc trò chuyện giữa Khổng Tử và trò Tử Cống:
Tử Cống hỏi: "Có một chữ nào có thể dẫn dắt hành xử trọn đời không?"
Khổng Tử đáp: "Có lẽ là chữ Thứ, cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác" (Điều mình không muốn đừng bắt người phải chịu thì gọi là Thứ 恕).
Chính quyền Trung Quốc đã tuyên án tử hình Bộ trưởng Bộ đường sắt vì tham lam, gian dối, đã chỉ rõ nhiều yếu kém của ngành Đường sắt trong nước. Rõ ràng là chính người Trung Quốc cũng không chấp nhận hành vi của vị Bộ trưởng và nhiều đơn vị trong ngành đường sắt nước mình. Điều mà người Trung Quốc không muốn sao lại bắt người nước khác phải chịu?
Tại sao Hoàn Cầu Thời báo không học theo Khổng Tử, hỏi chuyện tai nạn chết người tại công trường đường sắt Cát linh-Hà Đông, hỏi chuyện bốn người Việt suýt chết vì dầm sắt rơi đè bẹp xe taxi mà lại ầm ĩ về chuyện Bộ trưởng Thăng phê phán nhà thầu Trung Quốc?
Chính quyền Trung Quốc đầu tư khá nhiều tiền của nhằm quảng bá Khổng Tử ra toàn thế giới, còn Hoàn Cầu Thời báo thì lại đang sổ toẹt vào các tư tưởng triết học, nhân văn của Ngài. Vậy thì tốn tiền để làm gì? Hoàn Cầu Thời báo đang chống lại ai?
Cái gì mà người Trung Quốc không muốn thì đừng bắt người nước khác phải chịu. Bộ trưởng Đinh La Thăng và người Việt đều hiểu rõ điều này, liệu đến bao giờ thì Hoàn Cầu thời báo mới hiểu?
Tài liệu tham khảo:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét