10 thg 4, 2015

VỀ MỘT SỐ ĐÔI CÂU ĐỐI GS VŨ KHIÊU SOẠN CHO THANH HÓA (Phần II) Hoàng Tuấn Công Tuấn Công Thư phòng

Cám ơn Hoàng Tuấn Công, nhờ ông đến nay tôi hiểu được chữ "Tận thu" mà ông Vũ Khiêu viết tặng cho nhiều nơi, nhiều người là từ câu đối của vua Lê Thánh Tông tặng người hốt phân . Trời ạ !  Gót Phiêu Du 

Sau khi đăng Phần I, bạn đọc phát hiện có ít nhất 9 cá nhân, tập thể, đơn vị, địa phương, đền đài,..; nam, phụ, lão, ấu,...; kẻ sống, người chết; anh hùng, lãnh tụ...;đất liền, hải đảo...(nhận xét của TS Nguyễn Xuân Diện) được GS Vũ Khiêu tặng và hiện đang sở hữu đôi câu đối “Thu hết tinh hoa kim cổ lại, Xây cao văn hiến nước non này”, (tùy người, tùy nơi có sáng tạo, thay đổi một vài chữ ).


Có bạn đọc lại hỏi, phải chăng GS Vũ Khiêu đã dựa vào ý tứ đôi câu đối của vua Lê Thánh tông tặng người làm nghề hót phân:

Ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự,
Đề tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.

Nghĩa là:

Khoác một áo bào, đảm đang khó khăn thiên hạ,
Cầm ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian,

(Giai thoại văn học Việt Nam-Kiều Thu Hoạch-NXB Văn học-2010)(*)

GS Vũ Khiêu căn cứ vào đó “sáng tạo” thành đôi câu đối tặng NSNA V.A.N (như chúng tôi đã dẫn trong phần I bài viết):

“Nửa mắt nhìn đời, thu cả tinh hoa trời đất lại,
Bảy tuần thưởng Tết, bày đầy cảnh sắc cổ kim chơi.”

Từ đôi câu đối trên, GS Vũ Khiêu tiếp tục “cải biên” thành đôi câu đối “đa năng”: “Thu hết tinh hoa kim cổ lại, Xây cao văn hiến nước non này.”?

Theo chúng tôi, chưa có cơ sở nào để khẳng định như vậy. Bởi từ “tận thu” của vua Lê Thánh tông tuy đối dịch là “thu hết”, nhưng không đồng nghĩa với chữ của GS Vũ Khiêu (“tận thu” nghĩa là thu cho kỳ hết, thu cả những thứ đáng bỏ đi; “thu hết” chỉ có nghĩa thu không bỏ sót tí tẹo nào). Hơn nữa, đối tượng “tận thu” và “thu hết” ở đây cũng ở hai thái cực hoàn toàn khác nhau: một đằng là chất thải bẩn thỉu nhất của thế gian, một đằng là tinh hoa của đất trời, kim cổ. Bởi vậy, có lẽ sự na ná về cấu tứ, nhịp điệu ở đây chẳng qua chỉ là sự tình cờ mà thôi. Tuy nhiên, công bằng mà nói, cái cách nhân bản, cho, tặng câu đối của GS Vũ Khiêu cũng có gì đó giống kiểu “tận thu” lòng dạ của thế gian thật!

Xin trở lại chuyện câu đối của GS Vũ Khiêu soạn cho Thanh Hóa (tiếp theo phần I):

2. Câu đối soạn cho Đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng Liệt sĩ ở Hàm Rồng-Thanh Hóa:

“Khí vượng sơn hà, đế bá vương hầu hoa mãn địa
Danh oanh kim cổ, anh hùng hào kiệt thế xung thiên.”

Chúng tôi khá bất ngờ, không hiểu sao GS Vũ Khiêu lại “luận” hai vế bằng“hoa mãn địa” và “thế xung thiên”? Có sự lắp ghép nào ở đây chăng? Từ chút “kinh nghiệm” về cách làm câu đối của GS Vũ Khiêu, tôi thử gõ hú họa mấy chữ "Vũ Khiêu hoa mãn địa" lên “Mr. Google”, không ngờ, Ngài lập tức dẫn tôi đến Trường Mầm non Xuân Phong (Hà Nội). Hóa ra, vốn GS Vũ Khiêu từng tặng cho trường mầm non câu đối thế này:

“Lan hoa hương mãn địa
Anh kiệt thế xung thiên”
Lại thắc mắc, sao một Trường Mầm non lại được tặng đôi câu đối thế này nhỉ? Câu trả lời sau đây (hẳn là cách giải thích của chính GS Vũ Khiêu khi trao tặng) đăng trên trang Website của Nhà trường:

“Tâm-Tài-Trí của người làm giáo dục tinh khiết như đóa hoa lan, tỏa hương đầy mặt đất. Học trò của Trường Mầm non Xuân Phong là thế hệ hậu sinh của các bậc anh hùng hào kiệt, ngay bây giờ đã có thể chinh phục bầu trời”.

“Tâm-tài-trí” của các cô giáo ở một trường Mầm non mà được ví như hương của đóa hoa lan đầy mặt đất (?!) Chỉ 5 chữ “Anh kiệt thế xung thiên”mà có thể diễn đạt cụ thể thành: “Học trò của Trường Mầm non Xuân Phong là thế hệ hậu sinh của các bậc anh hùng hào kiệt, ngay bây giờ đã có thể chinh phục bầu trời” quả thật là ly kỳ! Không biết các cháu nhỏ “xung thiên” (nghĩa: bay thẳng lên trời), để “chinh phục bầu trời” gì ở đây? Bầu trời mơ ước chăng? Nhưng đã là bầu trời mơ ước, đâu dứt khoát phải “xung thiên”, bay vọt lên trời mới có thể chinh phục, "tóm cổ" được nó? Vế thứ hai vốn GS Vũ Khiêu đề đền thờ Thánh Gióng-Xung Thiên thần vương? Hay trường đào tạo phi công vũ trụ, đơn vị tên lửa đất đối không nào đó, nay tặng lại các cháu mầm non chăng?

Trở lại câu chuyện ở Thanh Hóa. Cái “tứ” cô Mẫu giáo-“hương mãn địa”; trẻ Mầm non-“thế xung thiên” ấy đã được GS Vũ Khiêu đem lắp ghép cho “đế bá vương hầu” và “anh hùng hào kiệt” xứ Thanh:

“Khí vượng sơn hà, đế bá vương hầu hoa mãn địa
Danh oanh kim cổ, anh hùng hào kiệt thế xung thiên.”

Thế là cái Trường mầm non bé tí ti, cụ Vũ Khiêu cũng dùng không gian“lan hoa hương mãn địa”; mà núi sông, cảnh vật xứ Thanh rộng lớn, điệp trùng với “đế bá vương hầu” cũng là “hoa mãn địa”; GS cho các cháu nhỏ đang tuổi bi bô hừng hực “thế xung thiên”; mà các “anh hùng hào kiệt” đã ngàn năm yên nghỉ cũng “xung thiên” hừng hực như thế! Lại nói, GS ví các cô giáo ở trường Mầm non như hương, như hoa còn được, chứ “khí vượng sơn hà, đế bá vương hầu” cũng giống “hoa mãn địa” thì còn gì gọi là văn chương, chữ nghĩa nữa?

Câu 3: Câu đối soạn cho Đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng Liệt sĩ ở Hàm Rồng-Thanh Hóa:

“Con liệt sĩ, mẹ anh hùng, rực rỡ tinh thần Thanh Hóa
Nước tôn vinh, dân mến mộ, vẻ vang hào khí Hàm Rồng”
Phần đầu của đôi câu đối có thể được diễn giải như sau:

Con là liệt sĩ, mẹ là anh hùng...
Được nước tôn vinh; được dân mến mộ...

Không hiểu sao GS Vũ Khiêu lại dùng “Con liệt sĩ” để đối với “Nước tôn vinh”?; (“liệt sĩ”-danh từ, không đối được với “tôn vinh”-động từ); “mẹ anh hùng”với “dân mến mộ”? (“anh hùng”-danh từ, không đối được với “mến mộ”-dù là tính từ hay động từ). Mặt khác, từ “rực rỡ” ở đây cũng rất lạ. Người ta có thể viết “nền văn minh rực rỡ”, “văn hóa rực rỡ”, “tương lai rực rỡ”... bởi nó gợi tả, hình dung về mầu sắc, hình khối những phố phường, đồng ruộng, làng mạc, công trình kiến trúc, con đường rộng mở...do con người sáng tạo, xây dựng... Nhưng chúng tôi chưa đọc một câu văn, lời thơ nào thấy dùng “rực rỡ tinh thần” hoặc “tinh thần rực rỡ”. Mà “tinh thần Thanh Hóa” là tinh thần gì? Tinh thần “con liệt sĩ, mẹ anh hùng” chăng? “Tinh thần” này trên dải đất Việt Nam nơi nào không có? Nếu hiểu đó là tinh thần hy sinh vì nước, phải gọi là tinh thần anh dũng, bất khuất chứ, sao lại “rực rỡ” được? Sức mạnh tinh thần là sức mạnh vô hình, chất chứa, mang chiều sâu chứ không biểu hiện bằng bề nổi của sắc màu, hình ảnh.“Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên) giải nghĩa từ “rực rỡ: [t] có màu sắc tươi sáng đẹp đẽ và nổi bật hẳn lên, làm cho ai cũng phải chú ý<>đẹp rực rỡ>một tương lai rực rỡ”.

Nghi ngờ kiến văn của mình, chúng tôi gõ cụm từ “rực rỡ tinh thần” lêngoogle, kết quả là không! Không tìm được cụm từ nào như vậy. Không ai viết, ai dùng từ như vậy cả! Tuy nhiên, từ “rực rỡ” dùng theo kiểu của GS Vũ Khiêu lại xuất hiện nhiều trong những câu nói hài hước như: “làm phát cho nó rực rỡ”;“hát một bài cho nó rực rỡ”; "giấu vợ cho nó rực rỡ"...!

Câu 3: Câu đối về Tổ quốc và Bác Hồ tại Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Hùng hùng Liệt sĩ Hàm Rồng-Thanh Hóa:

“Lấy độc lập tự do làm quý
Coi chí nhân đại nghĩa là vinh”
Chúng tôi thấy đôi câu đối trên được “lẩy” ra từ hai câu trong bài Vănbia Quốc tổ Hùng Vương”của chính GS Vũ Khiêu (đề ở Phường Long Bình-Quận 9-TPHCM) và Chúc văn giỗ Tổ Hùng vương:

“Hướng về nước tổ, bốn ngàn năm chiếu sáng đạo làm người
Học tập Bác Hồ, muôn lời dạy nêu cao đường xử thế
Coi sơn hà xã tắc là thiêng
Lấy độc lập tự do là quý”

Ngoài ra, trong Đền thờ La Tiến (Hưng Yên) cũng có đó đôi tương tự nội dung GS Vũ Khiêu soạn cho Thanh Hóa. Chỉ khác “Coi chí nhân đại nghĩa là vinh” ở Thanh Hóa được đổi thành “Coi sơn hà, xã tắc là thiêng”:

Lấy độc lập tự do là quý,
Coi sơn hà, xã tắc là thiêng

Thoạt tiên có vẻ như mấy đôi “câu đối” nôm na, ý tứ cũ rích này thuộc diện “vô thưởng vô phạt”. Tuy nhiên ngẫm lại, cách lắp ghép, xào xáo của GS Vũ Khiêu đã làm hỏng ý nghĩa vốn có của độc lập tự do; sơn hà xã tắc. Bởi từ câu nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chủ tịch, GS Vũ Khiêu diễn đạt thành “Lấy độc lập tự do là quý”, vô tình hạ mức độ “quý” xuống một bậc. Tương tự, sơn hà xã tắc vốn thiêng liêng tự ngàn năm, sao còn phải ca ngợi ai đó “coi sơn hà xã tắc là thiêng” nữa?

Văn chương chữ nghĩa phải là sự sáng tạo. Tuy nhiên, GS Vũ Khiêu không chỉ lặp lại ngôn từ, khái niệm của người khác, mà còn xào xáo, lắp ghép, lặp lại chữ nghĩa sáo mòn của chính mình. Hết “thu cả tinh hoa trời đất...” đến“Thu hết tinh hoa kim cổ...”; “Thâu tóm tinh hoa kim cổ”... chán “xây cao văn hiến”, đổi thành “vươn cao khí thế”, “Nêu cao nguồn cội”... từ “Coi chí nhân đại nghĩa là vinh” quay sang “Coi sơn hà, xã tắc là thiêng”...rải khắp Bắc-Trung-Nam. Từ trường Mầm non đến Đền thờ anh hùng hào kiệt, danh nhân, lãnh tụ... đâu đâu cũng từa tựa như nhau. Như thế sao gọi là văn chương, chữ nghĩa, nói chi chuyện khắc vào đền đài, bia đá lưu danh muôn thuở?

Ngoài ra, một số hoành phi, câu đối GS Vũ Khiêu soạn cho Thanh Hóa, theo tôi cũng có vấn đề. Ví dụ: “Vì nước quên thân, hai chữ hiếu trung con học mẹ, Vì dân hết dạ, một đời anh dũng mẹ như con”; hay “Trung can đồng mẫu tử”; “Thiên thu hồng nhật chiếu”; “Sự quốc hiếu trung tâm”; v.v...Vì bài đã dài, hoành phi lại không có phần nguyên văn chữ Hán nên chúng tôi không bàn tới cụ thể, xin để tự bạn đọc đánh giá.

Đến đây, hẳn ông VH đã bực mình:

-Tóm lại, như tôi đã hỏi ban đầu, mấy đôi câu đối GS Vũ Khiêu biên soạn cho Thanh Hóa có dùng được không?

Vâng, thưa ông VH, tôi không có quyền hoặc nghĩa vụ thẩm định câu đối của GS Vũ Khiêu. Tuy nhiên theo tôi không nên dùng. Đặc biệt câu “Thu hết tinh hoa kim cổ lạ, Vươn cao khí thế nước non này” thờ Hồ Chủ tịch càng không nên.

Có thể ông VH lại thắc mắc:

-Thế sao đền thờ Bác Hồ ở Văn miếu Trấn Biên-Đồng Nai, ở ATK Định Hóa-Thái Nguyên dùng được?; Rồi Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên); Trường Quốc tế Vũ Khiêu; Trường mầm non Xuân Phong (Hà Nội)...Đền thờ thần Tản Viên-Ba Vì (Thu hết tinh hoa kim cổ lại, Dựng xây văn hiến nước non nhà); Cụ Trần Văn Khê (Thâu tóm tinh hoa trời đất lại, Nêu cao văn hiến nước non này); Bảo tàng huyện đảo Phú Quốc (Chắt lọc tinh hoa trời đất lại, Nêu cao nguồn cội nước non này)...người ta vẫn đang dùng ầm ầm cả đấy thôi? Nay cụ đã ở tuổi 100, không mau mau xin chữ, mai này liệu còn có cơ hội nữa không?

Vâng, dĩ nhiên tất cả đều dùng được, không ai bắt bớ cả. Nhất là hiện nay đang sốt câu đối, văn bia của GS Vũ Khiêu. Tuy nhiên, theo tôi đó là treo cao, khắc sâu, dùng để lưu danh tên tuổi GS Vũ Khiêu, chứ đâu có thờ phụng, ca ngợi cá nhân hay một đơn vị nào?

HTC
09/4/2015

(Đón đọc "Ai là tác giả đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu:
"Sơn hà linh khí tại, Kim cổ nhất hiền nhân"?
________________

Chú thích:

(*) Nguyên trong một lần vua Lê Thánh Tông giả làm thường dân đi chơi phố phường dịp đầu năm mới. Thấy nhà nhà ai cũng chăng đèn kết hoa, treo câu đối ca ngợi cảnh thái bình. Riêng một nhà kia im lìm,chẳng đèn hoa, mà cũng không câu đối. Vua mới rẽ vào hỏi, chủ nhà mới đáp:

-Chẳng giấu gì bác, nhà cháu làm cái nghề hèn hạ nhất nên chẳng dám phô phang gì với ai thêm tủi.

Vua ngạc nhiên hỏi:

-Sao lại có nghề gì gọi là nghề hèn hạ?

Chủ nhà thưa:

-Dạ, nhà cháu chỉ chuyên đi làm nghề hót phân người để bán thôi ạ.

Nghe đoạn, vua cười nói:

-Nếu vậy nhà bác đây sang trọng bậc nhất, mà nghề của bác cũng vẻ vang bậc nhất. Câu đối của bác nếu dán lên cũng hay bậc nhất, việc gì mà lại kêu là hèn?

Nói rồi vua gọi lấy giấy bút, đề đôi câu đối (như đã dẫn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog