Cập nhật mới nhất tại Đá Vành Khăn: Tàu Trung Quốc tấp nập bồi đắp
(Biển Đảo) - Những hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh việc cải tạo đất ở Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, với các đê biển và tàu hút bùn. Nhiều tàu Trung Quốc đã tấp nập đổ cát lấp biển nơi đây, với ý đồ biến đảo san hô này thành một đảo đất.
Hình ảnh được Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Mỹ chụp hôm 16/3 cho thấy một dải đất nhân tạo nhỏ cũng như các công trình mới, các đê biển kiên cố và thiết bị xây dựng dọc Đá Vành Khăn.
Theo Reuters, nhiều tàu hút bùn cũng xuất hiện trong khi lối vào đá đã được mở rộng.
Bức ảnh từ ngày 1/2 cho thấy một tàu tàu hải quân vận tải đổ bộ của Trung Quốc nằm cách lối vào Đá Vành Khăn chỉ khoảng vài trăm m. CSIS nói rằng tàu này có khả năng chở 800 binh sĩ và khoảng 20 xe bọc thép lội nước.
Trong khi đó, những hình ảnh chụp đá Vành Khăn vào tháng 10 không có dấu hiệu cải tạo nào. Ảnh chỉ cho thấy hai công trình, trong đó có một tòa nhà ba tầng được trang bị các turbin gió và tấm năng lượng mặt trời.
Đây là hoạt động bồi đắp mới nhất của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bên cạnh 6 rạn san hô khác, bất chấp sự phản đối của nhiều nước.
Các hình chụp qua vệ tinh, được đăng lại trên báo The New York Times, cho thấy đảo san hô ngày càng lớn và bắt đầu xuất hiện các công trình xây dựng. Trong khi đó, một tàu đổ bộ có thể chứa 500-8000 quân của Trung Quốc đi tuần ở phía nam đảo.
New York Times nói những bức ảnh mới ở đảo Mischief cho thấy Trung Quốc đang tăng tốc độ, quy mô và tham vọng trong việc thay đổi nguyên trạng khu vực. Kể từ tháng 1, Trung Quốc đã tiến hành đổ cát xung quanh đảo san hô này để hình thành những mảng đất lớn.
Các nhà phân tích từ Mỹ nói cách hành xử của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh có thể tin rằng không ai có thể thách thức họ ở biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên và là một đường vận tải hàng hải chiến lược.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter bày tỏ sự quan ngại về quy mô và tốc độ bồi đắp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông cũng đặc biệt lo ngại về viễn cảnh quân sự hóa các tiền đồn mà Trung Quốc đang xây dựng.
Ông Carter kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế các hoạt động này để không làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tuần trước, đô đốc Harry Harris, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành các hoạt động lấp biển với quy mô chưa từng thấy. “Trung Quốc đang xây một Vạn Lý Trường Thành mới bằng cát và đá”, đô đốc Harris nói trong một bài phát biểu ở Canberra, Úc.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter, trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á, cũng đưa ra thông điệp tương tự. Trong cuộc phỏng vấn với báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun đăng hôm thứ Ba, ông Carter nói những hành động của Trung Quốc “làm gia tăng căng thẳng trong khu vực một cách nghiêm trọng và gây phương hại tới viễn cảnh về các giải pháp ngoại giao”. Ông cũng hối thúc Bắc Kinh “hạn chế các hoạt động và kềm chế để phát triển lòng tin trong khu vực”.
Những bức ảnh mới chụp qua vệ tinh đăng trên New York Times là của DigitalGlobe, một nhà cung cấp hình ảnh vệ tinh thương mại, kèm theo có phân tích của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, một tổ chức nghiên cứu tại Washington.
“Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở đảo san hô Mischief là bằng chứng mới nhất cho thấy hành động san lấp biển của Trung Quốc diễn ra ở quy mô lớn và có tính hệ thống”, New York Times dẫn lời Mira Rapp-Hooper, giám đốc tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, một trang web chuyên theo dõi các tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ.
Việc san lấp ở đảo Mischief, mà Trung Quốc gọi là đảo Mỹ Tế (Meiji), “cho phép Bắc Kinh tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên, liên tục vùng trời và vùng biển xung quanh, để áp đặt những tuyên bố lãnh hải cách xa bờ biển nước này tới hàng nghìn dặm (1.600 km)”, theo bà Rapp-Hooper.
Dù các đảo này dễ bị tổn thương nếu chiến sự xảy ra, theo bà Rapp Hooper, “chúng chắc chắn sẽ gây áp lực lớn lên các nước khác ở biển Đông, như Philippines và Việt Nam”.
Mỹ từ lâu đã khẳng định các tranh chấp lãnh thổ chỉ có thể giải quyết thông qua biện pháp hòa bình và các bên tranh chấp không được phép có những hoạt động làm ảnh hưởng tới hàng hải quốc tế hay các hành động cản trở những nỗ lực ngoại giao. Nhưng với Trung Quốc, có vẻ như biển Đông là vấn đề không thể thương lượng, theo New York Times.
Trước đó, các hình ảnh vệ itnh do IHS Janes công bố tháng 11-2014 cho thấy Trung Quốc đã tạo ra cả một hòn đảo mới dài 3 km và rộng 300 mét trên đảo san hô Fiery Cross (Đá Chữ Thập, mà Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Thử (Yongshu), cách đảo Mischief khoảng 320 km về phía tây, với một cảng có thể đậu tàu chiến. IHS Janes cũng nói đảo mới còn có cả một đường băng cho máy bay quân sự.
Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn vào năm 1995 và ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông. Hồi tháng hai, Philippines từng cảnh báo rằng các tàu hút bùn của Trung Quốc đã bắt đầu công việc tại đây.
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét