Giá trị văn hóa - đạo đức có thể thay đổi theo thời gian lịch sử, theo vùng văn hóa... nhưng có những giá trị vĩnh cửu, phổ quát. Một trong những giá trị như thế là chữ Hiếu. Đặc biệt, đối với văn hóa Phương Đông thì chữ Hiếu xưa nay luôn được đề cao.
Trong chữ tượng hình Trung Hoa, chữ Hiếu (孝) gồm hai thành phần: chữ Tử (con) đứng dưới, đội trên đầu là bộ Lão. Nó mang ý nghĩa: bổn phận làm con phải tôn kính cha mẹ. Tóm lại chữ Hiếu nghĩa là: Nuôi dưỡng và hết lòng thờ kính cha mẹ.
Giá trị vĩnh cửu và tầm quan trọng của chữ Hiếu được thể hiện ở câu“…Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên..”(muôn vạn quyển kinh của Phật Thánh Tiên đều dạy sự hiếu nghĩa làm đầu). Trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, chữ Hiếu được định nghĩa là “hết lòng thờ cha mẹ”. Còn Từ điển tiếng Việt cũng nói tương tự: Hiếu là “lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ”.
Chữ Hiếu ở ta xưa nay không phải chỉ là một phạm trù đạo đức mà còn được luật hóa. Ngay từ thời Phong kiến, có lúc nó được quy định rõ trong hình pháp như “Quốc triều hình luật” hay gọi là Bộ luật Hồng Đức, cán cân luật pháp thể hiện tính nghiêm minh thông qua quy phạm của luật hình sự, các tội nặng nhẹ được phân định rõ ràng, đặc biệt các tội được gọi là "tội ác" gồm có 10 loại: "Thập ác". Điều 7 trong Thập ác quy định về tội bất hiếu: “Bất hiếu là các tội tố cáo hoặc dùng lời lẽ để chửi mắng, bỏ đói, bỏ rét ông bà, cha mẹ, hoặc khi có tang ông bà cha mẹ lại không để tang mà nhởn nhơ vui chơi”. Người phạm tội bị phạt đồ hình, đày đọa làm việc nặng nhọc, bắt làm khao binh vụ cho lính ở chiến trường, và trước khi đưa đi đày, kẻ bất hiếu bị đánh 80 trượng trước xóm làng để răn đe thói hư bất hiếu. (Theo Chữ Hiếu xưa và nay của Bác Sĩ Lê Trung Ngân).
Sách Luận Ngữ có câu Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng, chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng, bất kính hà dĩ biệt hồ ? nghĩa là:Bậc hiếu giả ngày nay, nói là có thể nuôi được cha mẹ, nhưng đến như loài chó, ngựa cũng được nuôi đó thôi, nuôi cha mẹ mà không biết kính, thì lấy gì để phân biệt với nuôi chó và nuôi ngựa?
Thời đại của chúng ta bây giờ được mệnh danh là theo Chủ nghĩa cộng sản, là nhân văn, đạo đức, văn minh! Thế mà càng ngày càng thấy đạo đức xuống cấp trong đó có chữ Hiếu bị phai mờ. Cuộc sống có quá nhiều những chuyện con cái ngược đãi cha mẹ, nghe mà xúc động. Chỉ xin nhắc lại hai trong số nhan nhản chuyện được nêu trên báo chí.
Chuyện thứ nhất:: Con xích cha ngoài chòi gần hai năm trời.
Đến cầu Trắng thuộc khu vực 1, phường 5 , thị xã Vị Thanh – Cần Thơ, hỏi nhà ông Huỳnh Phi Phụng, người con xiềng chân người cha, ai cũng biết. Ngôi nhà tường khang trang của ông nằm cập bên dòng kênh Vị Bình.
Khuất sau căn nhà khang trang ấy là cái chòi nhỏ chừng 3m2 đủ kê 1 cái giường, nửa trên bờ, nửa dưới ao. Trên sân lót vài cục gạch, gác vài thanh gỗ, sình ngập ngụa, mùi hôi thúi bốc lên không chịu nổi. Cái chòi lợp lá rách te tua, cái mùng giăng chông chênh mục nát, chiếc chiếu thì đất đóng dầy. Đó là nơi từ tháng 6-1999, ông Phụng đã xích cha mình, ông Mười bằng một sợi dây xích lớn và nhốt vào đó… Tóc ông Mười bạc trắng, đôi mắt sáng ngời, chỉ có điều ông không còn nghe, nói gì được nữa. Ông ngồi im lặng, hiền lành, không có biểu hiện gì của một người điên. Cái cổ chân của ông nơi bị chiếc xiềng tai ác quấn ngang còn in những vết sẹo.
Tất cả bắt đầu từ việc ông Phụng giận cha mình trước đây đã làm kiệt quệ kinh tế gia đình, bán hết 20 công đất mà không để lại miếng nào. Ngày hai buổi, ông Phụng bới 1 tô lưng cơm trộn cá và mang ra chòi cho ông Mười tự múc ăn. Có khi cả tháng trời không thấy ai đưa ông già ra tắm, tới khi đưa đi tắm thì dắt ông xuống sàn nước bằng sợi dây xích kêu rổn rẻng, rồi lấy gáo (loại tưới cây) múc nước dưới kênh xối lên mình ông. Bị xiềng chân, ông Mười không đi tiêu, tiểu tiện được, ông đi đại trong chòi.
Những lúc như thế ông Phụng lấy thau dội nước cho phân trôi đi. Nhiều người đi soi ếch, bắt cá về đêm kể lại rằng, có lúc họ đi ngang qua chòi, soi đèn vào thấy muỗi bu ông Mười đen như dề cơm cháy.
Từ khi thấy ông Phụng đối xử với cha ruột của mình như vậy, nhiều người đã khuyên can nhưng ông vẫn không nghe và xem đó là sự bởn cợt chuyện gia đình của ông. Nhiều lần ông Phụng đã thẳng thừng nói, đừng xen vào chuyện riêng tư gia đình cha của ông, cha của ông thì ông biết cách lo, khỏi cần người khác bận tâm.
Chúng tôi đem chuyện nầy hỏi Trưởng khu vực 1 Dương Văn Tám, nhưng ông Tám ậm ờ, tỏ ra chưa sâu sát, còn anh Lâm Văn Tám công an khu vực thì “có biết trường hợp nầy và đang bàn với tư pháp phường”. Ông Trang Hữu Thọ, bí thư phường 5, cho biết Uỷ Ban phường đã kết hợp với người cao tuổi phường làm việc với ông Phụng :”Nếu sau lần nầy vẫn không có chuyển biến tích cực, phường sẽ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi cha mẹ. Hành vi đối xử với cha mẹ như thế là thiếu tinh thần trách nhiệm, ngược đãi cha mẹ, không đạo đức”. Báo Tuổi Trẻ, thứ ba 15/5/2001. PHƯƠNG UYÊN .
Chuyện thứ hai: Cụ bà bị con đuổi ra khỏi nhà xôn xao miền trung: Mẹ già gạt nước mắt sang nhà hàng xóm “lánh nạn” khi con dâu nổi hứng.
Ở tuổi 80, mắc bệnh tim và cao huyết áp, nhưng người vợ liệt sĩ ấy phải khăn đùm, khăn gói ra khỏi chính ngôi nhà của người con trai duy nhất. Cứ mỗi lần bị vợ chồng người con trai xua đuổi, bà Liễu lại nghẹn ngào khóc, lủi thủi đi sang nhà hàng xóm xin ở nhờ.
“Mẹ già ở túp lều tranh …” Đó là câu chuyện đau lòng của cụ bà Nguyễn Thị Liễu 80 tuổi, trú tại xóm 1, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang – Hà Tĩnh Chúng tôi đến tìm ngôi nhà của bà lão, đó là 1 căn phòng chật hẹp ở cuối 1 góc vườn.
Trong gian nhà nhỏ ấy chẳng có gì gọi là đáng giá, khiến chúng tôi chạnh nghĩ đến câu ca dao: “Mẹ già ở túp lều tranh/ Sớm thăm tối viếng cho đành dạ con”. Nhưng đáng buồn là ở chổ bà cụ Liễu chẳng được con trai “sớm thăm, tối viếng” như trong câu ca dao. Lúc chúng tôi vừa bước vào thì bắt gặp bà Liễu đang ghép 3 viên gạch méo mó với nhau để làm chiếc bếp nấu cơm. Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng bà chẳng được con cháu phụng dưỡng chăm sóc cho từng bữa cơm, chén nước...
...Năm 1966, chồng bà Liễu là Bùi Đình Bách hy sinh trong một trận đánh lớn ở chiến trường miền Nam, lúc đó bà Liễu mới 30 tuổi. Chồng mất sớm, cuộc sống nghèo khổ, nhưng bà vẫn ở vậy, một thân, một mình “thờ chồng, nuôi con”, kết quả 4 người con ăn học nên người. Một tay bà lo dựng vợ, gã chồng cho tất cả các con.
Ông Bùi Văn Châu (con trai bà Liễu) từng công tác trong ngành công an. Là con trai duy nhất của liệt sĩ (vì chị, em ông đều là gái), nên ông Châu đã nhận được nhiều ưu đãi trong công tác. Khi thành danh, ông Châu lập gia đình và xây nhà ở quê vợ tại huyện Hương Khê. Ba cô em gái cũng lần lượt lập gia đình và ra ở riêng, bà Liễu vẫn một mình còm cõi ở quê thờ chồng. Vợ ông Châu (con dâu duy nhất của bà Liễu) cũng là 1 viên chức làm trong ngành công an.
Mặc dù chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng ông Châu đã chạm tới quân hàm Thượng tá. Và khi về hưu rồi, ông đã bán hết cửa nhà cùng vợ con về lại với mảnh đất hương hoả quê mẹ.
Trở về quê cha, đất tổ, nhà cửa được ông Châu xây mới lại khang trang, tứ bề ngang dọc, có bàn trà, phòng hát …
...Bà Liễu kể :”Có lần con dâu tôi mở karaoke hát suốt đêm, tôi phải lánh sang nhà hàng xóm cho đỡ nhức đầu. Đến lúc con cháu tắt nhạc tôi mới về, chẳng ngờ chúng nó khoá chặt cửa, tôi đành ngủ nhờ nhà hàng xóm…
Người con trai nhiều lần muốn chiếm sổ đỏ của mẹ? Bà Liễu kể: Đã không ít lần vợ chồng ông Châu muốn chiếm giữ tấm bìa đỏ quyền sử dụng đất. Bà có lần ôm chặt cuốn sổ đỏ vào lòng và tuyên bố: “Đây là đất đai của cha ông để lại, không được bán, cho. Mẹ phải giữ tấm bìa đỏ nầy cho đến khi nhắm mắt”. Tuy vậy, vợ chồng ông Châu vẫn cắt một phần đất bán với số tiền 250 triệu đồng. Sau đó ông Châu đã lập nên một bản di chúc giả cho rằng, mảnh đất của bà Liễu là do ông cha đã di chúc lại cho ông Châu. Bản di chúc đó không hợp pháp nên chính quyền xã không công nhận. “Tui chỉ cần cơ quan pháp luật chỉ rõ cho các con tui biết rằng những gì họ đã làm là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo lý. Trong nhà mà tình nghĩa anh em, mẹ con không được hàn gắn lại thì có chết tui cũng không nhắm mắt được”. Bà Liễu bộc bạch...
Ở chung 7 tháng, đuổi mẹ ra khỏi nhà 5 lần …. Cũng theo lời bà Liễu, từ khi gia đình ông Châu chuyển về quê ở từ đầu năm 2013 thì bà Liễu đã ở cùng gia đình con trai tổng cộng 7 tháng, nhưng chưa ngày nào yên ổn. Ít nhất 5 lần người con dâu trắng trợn tuyên bố đuổi bà ra khỏi nhà. Bà Liễu cho hay hôm bà chuyển ra gian nhà mới sau góc vườn, bà phải thuê người ta chuyển đồ đạc giúp. Kể từ ngày bà chuyển ra ở riêng gần 1 tháng nay, cả gia đình ông Châu chưa hề bước chân vào nhà hỏi thăm Bà một câu, mặc dù hai nhà chỉ cách nhau vài tấc đất vườn…
...Hôm trước, cô cháu ngoại của bà Liễu đến nhà bác chơi, liền bị bác gái (bà Loan) đuổi về, bà Loan còn ngang ngược bảo rằng: “Bọn tao không anh em gì với loại chúng mày hết, tao lấy ông Châu thì chỉ biết ông Châu, ông Châu là người ở dưới đất chui lên chứ không ai sinh ra cả”. Chị M.(một người hàng xóm) còn cho biết thêm: có lần con dâu đuổi bà Liễu ra khỏi nhà, thế rồi bà lấy áo quần để về nhà người họ hàng, nhưng sợ xấu hổ cho bố mẹ, cô con gái con ông Châu níu giữ bà ở lại, bà không chịu thành ra cô cháu gái giằng co với bà, làm bà bầm tím cả hai cánh tay. Cô cháu gái còn nhốt bà Liễu vào phòng để bà không đi đâu được. Phải đến khi ông Trưởng thôn biết chuyện, vào bảo thì cô cháu gái mới chịu cho bà ra khỏi phòng (!?) THIỆN QUYỀN. Trích Báo Công Lý – Trái Tim, ấn phẩm của báo Đời sống và Pháp luật số 20 ngày 12 – 18 / 5 / 2014
Xem ra trường hợp của ông Huỳnh Phi Phụng ở Cần Thơ khác với ông Bùi Văn Châu ở Hà Tỉnh. Ông Phụng là dân thường, còn ông Châu là con liệt sĩ, là sĩ quan cao cấp của ngành công an, cấp bậc Thượng Tá, và chắc chắn không thể không là đảng viên cộng sản?… Theo như bài viết thì ông Châu vẫn còn ở trên phần đất của bà Liễu và cắt đất bán không hợp pháp, thế mà đối xử ác với chính mẹ ruột của mình như vậy thì hãy hỏi, đối với người khác ông sẽ hành xử đến thế nào nếu ông muốn cướp quyền lợi của họ? Nếu sòng phẳng, không còn tình nghĩa mẹ con, ông Châu phải thanh toán các khoản để trả cho bà Liễu, chứ không nói gì đến khoản nuôi dưỡng cả. Kể luôn việc ông Châu làm bản di chúc giả cũng là có tội rồi.
Như vậy, Thượng tá công an Bùi Văn Châu không lẽ khi cởi áo về hưu thì mới sinh ra vô đạo đức, sạch bách cả đạo đức cách mạng lẫn đạo đức làm người. Ông phải là người được học tập, noi gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiều hơn những cán bộ, đảng viên thường chứ? Vậy mà chẳng lẽ vừa cới áo sĩ quan công an ra, ông đã ném hết phẩm chất, đạo đức của người cán bộ cách mạng vào sọt rác?!...
Thử đi tìm nguyên nhân của những hiện tượng đạo đức xuống cấp như thế từ những trải nghiệm bản thân.
Còn nhớ thuở nhỏ, mình thường được nghe những câu hát ru của mẹ, của chị như:
Mẹ già như chuối chín cây,
Gió đưa thời rụng, con rày mồ côi.
Tôm càng lột vỏ, bỏ đuôi,
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.
Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con .
Lớn lên tí nữa, đi học lớp vỡ lòng với thầy giáo dạy tư ở làng, bài học đầu tiên thầy cho học thuộc lòng (dù chưa biết chữ) là:
Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha.
Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con...
Bậc tiểu học có 2 môn học làm người là môn Đức dục và Công dân giáo dục, trong các tập đọc thường có các bài viết về đạo làm con như:
- Chuyện Cha nào con nấy: Kể chuyện người nọ có cha già yếu, bữa ăn thường run tay làm bể bát, đĩa, y bèn gọt gáo dừa để cho cha ăn. Đứa con còn nhỏ tò mò hỏi, người cha giải thích, thế là chú nhỏ cũng lấy gáo dừa gọt, người cha thắc mắc hỏi, đứa nhỏ trả lời: thì khi nào cha già như ông nội thì con lấy gáo dừa nầy cho cha ăn. Đến lúc người cha đóng 1 chiếc xe bằng gỗ, đứa nhỏ hỏi, người cha nói: Dùng để đẩy ông nội vào rừng bỏ, chứ ông già yếu quá rồi, không nuôi nữa. Đứa nhỏ nói: Đẩy ông nội vào rừng xong, cha nhớ đẩy chiếc xe về cho con nhé! Người cha: Để làm gì? Con: Để khi cha già yếu như ông nội, con sẽ có cái xe ấy để đẩy cha vào rừng, khỏi phải đóng cái mới! Câu trả lời vô tình của đứa con làm thức tỉnh lương tâm của người cha bất hiếu.
- Rồi bài học thuộc lòng: Mẫn Tử Khiên…trong Nhị Thập tứ hiếu.
Năm đầu của bậc trung học (lớp đệ thất), chương trình môn Văn có học Nhị Thập Tứ Hiếu của Lý Văn Phức, gương 24 người con hiếu thảo bên Tàu, còn nhớ năm Đệ Lục, cô giáo Hồ Trường Ngọc Diệp, môn Hán văn cô cho học bài:
“Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực”. Nghĩa là “Cha sinh ra ta, mẹ nuôi ta. Thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo ân sâu, trời cao chẳng dứt”. (Công cha mẹ như trời cao không thể nào trả hết được).
Được học những bài như thế, trong lòng mình rất lấy làm thích thú vì đọc chữ Nho kia mà, mà nghĩa lại hay. Còn cha mẹ nghe con học những bài như thế, chắc trong bụng cũng vui...
Ở miền Nam rất nhiều tác phẩm, phim, truyện, kịch viết về hiếu thuận… Bản nhạc Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân là bất hủ rồi, ban đêm thanh vắng, tiếng sáo du dương trỗi lên bản nhạc nầy thì biết … biết cái hay của nó…. Tuồng cải lương thì có vở Tấm Lòng Của Biển, Bông Hồng Cài Áo đều do đoàn Thanh Minh – Thanh Nga diễn, cô đào Thanh Nga đều thủ vai chính, vở hát rất nổi tiếng và ăn khách… cho đến ngày nay. Vở Tiếng Hạc Trong Trăng của soạn giả Hà Triều viết về tấm lòng của người cha đối với con…
Sau 30/4/1975, mình không còn đi học nữa, đã ra đời bươn chải rồi, đến các con đi học, chương trình học bấy giờ lại khác (chứ không mới), đặc biệt môn Đức dục và Công dân giáo dục không có…. Trên các trang sách giáo khoa các bài học về hiếu thảo rất hiếm gặp….
Xã hội xoay dần, xoay dần, đạo đức xuống dốc, lúc đầu năm, ba bản tin trên báo về con cái ngược đãi cha mẹ, kế đó là đánh đập rồi giết luôn… cả cháu nội, ngoại giết ông nội hay bà ngoại của mình để lấy tiền hút xách, chơi games …. Càng ngày càng nhiều. Khi có thời gian rãnh rổi, tôi tìm hiểu qua mảng văn học, nghệ thuật ở miền Bắc từ năm 1954 đến ngày 30/4/1975 xem có tác phẩm nào về hiếu thuận hay không? Không tìm thấy, trước 1945 thời có.
Trong khi đó, sách giáo khoa chỉ thấy chú ý đến việc giảng dạy ý thức hệ. Thơ của ông Tố Hữu, một nhà thơ cách mạng hàng đầu VN được in sách giáo khoa và hàng năm qua các kỳ thi, đề thi...Những bài thơ đại loại như:
Xít-ta-lin! Xít-ta-lin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin...
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin...
Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã... làm sao, mất rồi!
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã... làm sao, mất rồi!
Ông Xít-ta-lin ơi, Ông Xít-ta-lin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười
Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười
Yêu con yêu nước yêu nòi
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!
Hoan hô Xít-ta-lin!
Đời đời cây đại thụ
Rợp bóng mát Hoà bình
Đời đời cây đại thụ
Rợp bóng mát Hoà bình
Rồi:
Bão táp chẳng rung rinh
Lửa trường kỳ kháng chiến! Giết, giết nữa! Bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt.
Lửa trường kỳ kháng chiến! Giết, giết nữa! Bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt.
Ngày nay, trên thế giới ai cũng biết, ngay cả ở Liên Bang Nga cũng biết: Stalin là 1 lãnh tụ cực đoan của Liên Xô, ông ta đã giết oan hàng chục triệu người vô tội tại nước Nga và các nước Đông Âu...
Không biết có phải tội ác của con người, trong đó có tội bất hiếu đã bắt nguồn từ những bài học cổ súy cho việc tôn sùng cá nhân và “đấu tranh giai cấp” rằng, “phải giết, giết nữa”...hay không?
Vài câu ca dao hay :
Chiều chiều ra đứng ngõ sau.
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.
Ngồi buồn nhớ mẹ thuở xưa,
Miệng nhai cơm bún, lưỡi lừa cá xương.
NGUYỄN NGỌC DƯƠNG - TRỊNH KIM THUẤN 13/6/2014.
mat dao duc.do an chao da bat.
Trả lờiXóa