12 thg 6, 2014

CHỮ HIẾU XƯA VÀ NAYCỦA BÁC SĨ LÊ TRUNG NGÂN .


Định nghĩa: Chữ HIẾU được Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh định nghĩa là “hết lòng thờ cha mẹ”. Từ điển tiếng Việt cũng nói tương tự: Hiếu là “lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ”.
CHỮ HIẾU NGÀY XƯA
alt
Theo truyền thống Đông phương, chữ Hiếu được đề cao trong đời sống gia đình và ngoài xã hội, vì xã hội này chịu ảnh hưởng sâu xa nền luân lý Khổng Mạnh. Đức Khổng Tử đã dạy môn sinh của mình phải phụng dưỡng cha mẹ, quạt nồng ấp lạnh, tối sớm chăm nom: Đức Khổng Tử nói: “cha mẹ còn sống không nên đi chơi xa, và đi đâu thì phải cho biết có nơi có chốn”
.
Ngài còn đặt ra nhiều phong tục rất tỉ mỉ và phiền toái để tỏ lòng hiếu với cha me như việc ma chay, tang chế, kiêng kỵ… Ngày nay nhiều điều không còn phù hợp nữa.

alt
Viêt Nam ngày trước, đạo hiếu có lúc được quy định rõ trong hiến pháp, sự tiến bộ của hình pháp đã có từ thời Lê Sơ thông qua “Quốc triều hình luật” hay gọi là Bộ luật Hồng Đức, cán cân luật pháp thể hiện tính nghiêm minh thông qua quy phạm của luật hình sự, các tội nặng nhẹ được phân định rõ ràng, đặc biệt các tội được gọi là "tội ác" gồm có 10 loại: "Thập ác"
Điều 7 trong thập ác quy định về tội bất hiếu: “Bất hiếu là các tội tố cáo hoặc dùng lời lẽ để chửi mắng, bỏ đói, bỏ rét ông bà, cha mẹ, hoặc khi có tang ông bà cha mẹ lại không để tang mà nhởn nhơ vui chơi”. Người phạm tội bị phạt đồ hình, đày đọa làm việc nặng nhọc, bắt làm khao binh vụ cho lính ở chiến trường, và trước khi đưa đi đày, kẻ bất hiếu bị đánh 80 trượng trước xóm làng để răn đe thói hư bất hiếu.
alt
Đến triều Nguyễn, tấm gương hiếu hạnh được nhắc nhiều là vua Tự Đức, nói về chữ hiếu mà không nhắc đến vua Tự Đức là một thiếu sót, vua Tự Đức Là vị vua có Hiếu với mẹ bậc nhất trong 13 vị Hoàng đế Triều Nguyễn.
“Trải qua 36 năm làm Vua trên ngai vàng, Vua Tự Đức lúc nào cũng dành ngày chẵn vào cung để vấn an sức khỏe mẹ, đồng thời nghe lời truyền bảo của mẹ, nếu có điều gì quan trọng đáng lưu tâm thì ghi ngay vào quyển sổ tùy thân mà nghiền ngẫm. Đó là, quyển sổ từ huấn lục - quyển sổ chép lời mẹ dạy. Còn ngày lẻ thì lo việc triều đình, chớ không vì làm Vua có vạn năng quyền thế mà lơ là bổn phận làm con”. (Tìm Hiểu Các Danh Nhân - Nguyễn Phú Thứ)
alt
“Có lần, ngày mai là đến kỳ giỗ kỵ tiên đế Thiệu Trị, thế mà hôm ấy Vua Tự Đức ham đi săn bắn, gặp nước lụt chảy xiết mạnh bất ngờ, Vua quan chưa dám dùng thuyền hồi cung, phải mắc kẹt chốn ngoại thành thuộc rừng Thuận Trực. Bà Từ Dũ sai quan Nguyễn Tri Phương đi rước, khi vào cung, vua biết lỗi, dâng roi, nằm xuống chờ quở phạt. Bà Từ Dũ giận, quay mặt chẳng nói một lời, sau đó mới tha cho hình phạt, chỉ trách dạy bằng lời mà thôi”.
Theo tục lệ ngày Tết, con cháu dù ở nơi xa xôi cũng phải về họp mặt cùng ông bà cha mẹ vì ngày này được coi là linh thiêng. Ai vắng mặt không có lý do chính đáng bị coi như là bất hiếu.
Thời tôi mới vào học lớp năm tức lớp một bây giờ, tuy chưa biết đọc biết viết nhưng đã thuộc lòng bài ca dao:
Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha 
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
hoặc:
"Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”
Tuổi thơ chưa biết gì, tâm hồn ngây thơ trong trắng như tờ giấy trắng đã được thầy cô giáo viết vào chữ “hiếu” rồi. Tuy chưa hiểu rõ ràng hiếu đạo phải như thế nào, nhưng khái niệm làm con phải hiếu thảo với cha mẹ là dấu ấn đầu đời khó quên của học sinh lớp người đi trước như chúng tôi. Bước sang năm đầu tiên bậc trung học chúng tôi lại được giáo dục chữ hiếu bằng tác phẩm “ Nhị thập tứ hiếu (NTTH)” tức 24 người con có hiếu ở Trung quốc thời xưa.
Thực lòng mà nói mãi đến bây giờ tôi không thể nào quên được Ngu Thuấn, Quách cự hay Mẫn Tử Khiên với những dòng thơ vừa nhẹ nhàng, dễ hiểu vừa đậm tính nhân văn như:
Mẹ ghẻ lại tính càng sâu sắc
Em Tượng thêm rất mực điêu ngoa
Một mình thuận cả vừa ba
Trên chiều cha mẹ dưới hoà cùng em.

( Ngu Thuấn – NTTH)
Hoặc
Thầy Mẫn Tử rất đường hiếu nghĩa
Xót nhà quên quạnh quẻ đã lâu
Thờ cha sớm viếng khuya hầu 
Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn
………………..
Sa nước mắt chân quì miệng gởi
Lạy cha xin xét lại nguồn cơn
Mẹ còn chịu một thân đơn
Mẹ đi luống những ba thân cơ hàn.
(Mẫn Tử Khiên – NTTH)
Tuy tác phẩm có những hạn chế nhất định về thời đại, nhưng chúng tôi đã học chữ hiếu đạo để là như vậy và không ít người trong chúng tôi đã hành xử đạo hiếu phù hợp với đạo đức xã hội. Chính tôi đã chứng kiến có người đã không ngần ngại từ bỏ chức quyền, địa vị xã hội để về nuôi cha mẹ cho tới lúc mãn phần.
alt
CHỮ HIẾU NGÀY NAY
Đô thị hoá, cuộc sống hiện đại với những căn hộ nhiều phòng, không gian gia đình bị chia nhỏ, ngăn cách sự sum vầy, cuộc sống gấp gáp làm mọi người đổ xô vào việc thực hiện cho được mục tiêu cá nhân, thiếu quan tâm đến ông bà, cha mẹ. Nhiều người đổ lỗi cho hoàn cảnh và tạo nên không ít chuyện đau lòng quanh chữ hiếu. Họ cho rằng, người làm con, cháu thời nay dần dần ít có thời gian để quan tâm, chăm sóc, thậm chí ăn với cha mẹ, ông bà bữa cơm đầm ấm hay ở bên cạnh lúc ốm đau nên chọn giải pháp thuê người giúp việc, hoặc đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão để dành toàn tâm, toàn lực cho công việc. Những gia đình có cha mẹ ở xa, một năm con cháu về thăm đôi ba lần. Khi bố mẹ nhớ cháu, ra thăm thì vợ chồng con cái lại bận rộn nên chẳng thể chu đáo với cha mẹ. Vì thế, không ít người có con cái đông đủ nhưng lại ở với người giúp việc.
alt
Và khi cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn hơn nên mỗi thành viên trong gia đình luôn gấp gáp, mệt mỏi, bởi vậy sự báo hiếu về vật chất được thể hiện nhiều hơn. Hàng tuần, hàng tháng con cái họ gửi cho cha mẹ ít tiền, coi như đã làm xong phận sự. Nhưng đối với các bậc làm cha, làm mẹ, tiền không phải là tất cả... Vì người già chẳng có nhu cầu nhiều, tinh thần mới là điều quan trọng. Không ít người, lúc cha mẹ sống không hỏi han, nhưng khi mất đi, họ lại khóc thật nhiều, làm đám tang thật lớn như một sự an ủi, ăn năn. Tiếc rằng sự hiếu thuận... muộn màng ấy lại đang ngày càng phổ biến.
Một điều đáng buồn nữa đang xảy ra chính là thái độ ứng xử của con cháu với những người đã sinh thành ra mình, cạn kiệt đến mức nhiều người già đã chua chát ví cuộc đời mình như quả chanh, con cháu hè nhau vắt hết nước rồi lạnh lùng vứt bã. Những câu chuyện con đuổi cha ra đường, đánh đập tàn nhẫn mẹ không còn là cá biệt, như đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ cho sự suy đồi của đạo hiếu ngày nay... Những câu chuyện về bố mẹ nghèo, tần tảo sớm hôm nuôi con thành tài vẫn trở nên phổ biến. Nhưng chuyện con cái thành đạt chăm lo chu toàn và để đấng sinh thành sống buổi xế chiều vui vẻ lại là hiện tượng không nhiều.
alt
Hiện nay, mỗi dịp trẻ con được nghỉ hè, nhiều gia đình trẻ kéo nhau về quê thăm bố mẹ, nhưng cũng không ít người đi du lịch để thỏa mãn chính mình. Họ gửi cho bố mẹ ít tiền coi như đã làm xong phận sự. Nhưng đối với các bậc làm cha, làm mẹ, tiền không phải là tất cả... Bởi vật chất thì người già chẳng có nhu cầu nhiều, tinh thần mới là điều quan trọng. Nhiều nhà nghiên cứu về gia đình đã cho rằng: Trong thời đại của chủ nghĩa tiêu dùng, sự báo hiếu về vật chất được thể hiện nhiều hơn. Điều đó chứng tỏ, quan niệm về chữ hiếu đã có nhiều đổi khác.
Chữ hiếu về bản chất phải xuất phát từ tình cảm của con người. Trước hết, phải xuất phát từ tình cảm yêu thương, quan tâm, trách nhiệm và cách giáo dục của cha mẹ đối với con cái. Giúp con cái thẩm thấu, cảm nhận và trân trọng những giá trị đích thực của mối quan hệ huyết thống. Nếu như chữ hiếu thời xưa mang nặng tính áp đặt, lễ nghi thái quá và cực đoan, thì chữ hiếu thời hiện đại cần đi sâu vào gốc rễ, xây dựng tình cảm trong gia đình dựa trên tinh thần bình đẳng và dân chủ, sẻ chia, tâm lý. Nhiều gia đình nuôi dạy con tử tế nên con hiếu đễ với cha mẹ. Hiếu lễ với cha mẹ không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của mỗi người con.

Trong cuộc sống sôi động hiện nay, hiếu nghĩa vẫn là nét đẹp của đạo lý làm người, nó không phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện sống mà do ý thức quyết định. Một người đàn ông còn trẻ có mẹ ở cùng vợ chồng nên vẫn dạy con cái về cách đối xử với ông bà. Đứa con của anh mỗi buổi tối trước khi đi ngủ luôn vào phòng tắt điện cho bà, chúc bà ngủ ngon. Những cử chỉ tuy nhỏ nhưng đó chính là chữ hiếu đang được nuôi dưỡng từng ngày. Một người khác kể, dù bận rộn đến đâu, một năm ông đều dành ít ngày để về quê, trò chuyện và đưa mẹ đi chơi.
Dù xã hội có phát triển đến đâu, chữ hiếu của con cháu đối với cha mẹ, ông bà luôn là thước đo phẩm chất đạo đức giá trị của con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog