17 thg 6, 2014

Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Bệnh Khớp . của Trịnh Kim Thuấn


Riêng tặng nhà văn Vũ Ngọc Tiến .

Quốc hội Việt Nam họp gần tháng nay, Vụ Biển Đông dậy sóng lại không nghe bàn, lòng những bức rứt nhớ lại  đến Hội Nghị Diên Hồng thời xưa, thuở nhõ học sử …. Mà Quốc hội tập trung bàn chuyện : Chung thuỷ cao, Chung thuỷ và Chung thuỷ thấp, nhớ đến câu thơ xưa :

Thương nữ bất tri vong quốc hận.
Cách giang do xướng hậu đình hoa .  

Trong cuộc chất vấn của đại biểu với một số Bộ trưởng vừa rồi tại Kỳ họp Quốc hội đã tạo ra không biết bao nhiêu cung bậc tình cảm của người dân. Nhưng nhìn chung là có nhiều bi hài trong những câu trả lời. Trái lại, có nhiều đại biểu “được điểm”. Trên trang blog Quê Choa, NQL bình luận:  Xem ra các đại biểu QH ít e dè hơn, họ nói thẳng tưng. Thật vui. Chỉ sợ mấy đồng chí mê lú lại cho họ "thiếu nghiêm túc", "phát ngôn thiếu tính xây dựng". Khốn thế.


Khi bàn đến Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu thì cũng không ít ý kiến cười ra nước mắt. Không tán thành với việc tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm theo 3 hình thức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đưa ra câu chuyện khôi hài để ví von. Có 2 vợ chồng nhà nọ khi nghe Quốc hội soạn thảo về lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức, đã đưa ra 3 tiêu chí sống chung thủy: “chung thủy cao, chung thủy và chung thủy thấp”. Sau 1 năm, thấy chồng quan hệ lăng nhăng nên bà vợ đề nghị sửa, hoặc chung thủy hoặc bồ bịch, không thể chọn cả hai. Ông chồng không nghe, vẫn bảo giữ 3 mức như thế, bà vợ bảo ngay “dây thần kinh của ông bị đứt à?!”. Thế Kha – NLĐO.

Buồn cười nhất là ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận khi trả lời về đề án 34.000 tỷ, ông lại loanh quanh là do “lỗi kỷ thuật”, do cán bộ bị Khớp, chứ thật ra con số đó hoàn toàn không có, không có gì cả, mong QH và các đại biểu thông cảm!...
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục và Thanh, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội nói thẳng ra là, với ông bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo, điều đại biểu và cử tri mong muốn là nếu bộ trưởng sai, hoặc là thuộc cấp sai thì trước Quốc hội, bộ trưởng nên mạnh dạn nhận sai. Đằng này ông lại nói con số 34.000 tỉ đồng là của chuyên viên cấp vụ, rồi anh em bị khớp nên nói thế. Sau khi chứng minh đấy là những con số có thật từ Bộ Giáo Dục chứ không phải từ trên trời rơi xuống, GS Nguyễn Minh Thuyết thẳng thừng: “Bộ trưởng không nên giải thích trước Quốc hội giống như nói cho qua chuyện với học sinh lớp 1, lớp 2 như thế”!

Câu chuyện anh em cán bộ cấp vụ của ông Bộ trưởng Giáo dục bị khớp làm cho TS Nguyễn Xuân Diện, Phó chủ nhiệm Thư viện thuộc Viện Hán Nôm phải thốt lên: “Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận chưa thạo tiếng Việt!”

Còn tôi thì tôi liên tưởng đến chuyện tráng sĩ Kinh Kha sang Tần hành thích Tần Thuỷ Hoàng, có lẽ chỉ vì  bị “Khớp” nên thất bại?

Mang theo một thanh chuỷ thủ tẩm thuốc độc giấu trong tờ bản đồ, Kinh Kha và Tần Vũ Dương vào trong triều đình nước Tần. Tần Vũ Dương mang tờ bản đồ còn Kinh Kha mang đầu Phàn Ư Kỳ (một nhân vật mà Tần Thủy Hoàng rất ghét, chỉ muốn giết). Nhưng Tần Vũ Dương hoảng sợ biến sắc mặt. Kinh Kha lấy bản đồ trong tay Tần Vũ Dương dâng nộp vua Tần. Khi mở bản đồ Kinh Kha rút thanh chuỷ thủ đâm Tần Thuỷ Hoàng.

Kinh Kha đâm trượt khiến Tần Thuỷ Hoàng có cơ hội bỏ chạy. Khi Kinh Kha đuổi theo vua Tần trên điện, Tần Thuỷ Hoàng được các quan trong triều nhắc liền rút kiếm sau lưng chém Kinh Kha bị thương ở tay. Biết rằng không thể hoàn thành nhiệm vụ, Kinh Kha ném thanh chuỷ thủ vào người vua Tần nhưng trúng cái cột đồng. Cuối cùng, lính Tần xông vào giết chết Kinh Kha. (theo WIKIPEDIA ).

Như thế do Tần Vũ Dương bị Khớp- biến sắc mặt, kế hoạch hành thích thay đổi, nên Kinh Kha thất bại, không giết được Tần Thuỷ Hoàng.

Chuyện Kinh Kha là một thiên anh hùng hận. Bởi khi lên đường, tại bờ sông Dịch (biên giới nước Triệu), Kinh Kha đã ứng tác hai câu thơ với các bạn đi tiễn:

Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục phản

Dịch:

Gió hiu hắt chừ, Dịch thuỷ lạnh ghê
Tráng sĩ ra đi chừ, không bao giờ về

Ở Việt Nam cũng có nhà thơ Thâm Tâm, khi lên đường chống Pháp, ngâm lên :
           
Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch.
Ta ghét hoài câu “Nhất khứ hề”.

Chuyện của Kinh Kha và Tần Vũ Dương thì vô cùng quan trọng, vì ra đi không trở vế, không khớp sao được? Còn chuyện trình lên Chính Phủ đề án 34.000 tỷ đồng để cải cách giáo dục…có gì đâu mà phải khớp?

Có chi đâu mà Khớp hỡi ông Bộ trưởng ? đây đâu phải là lần đầu Bộ Giáo dục làm việc với Chính phủ. Mà ông Thứ trưởng nếu thấy đây là con số... lạ thì không nên đọc mới phải chứ. Tục ngữ có những câu: Bút sa gà chết, Nhất ngôn ký xuất, Tứ mã nan truy kia mà. Các ông là lãnh đạo Bộ Học kia mà!

Được biết đề án nầy trước đây là 70.000 tỷ kia, được cố gắng rút lại còn một nửa, nếu trình 1 đề án lớn mà không có dự toán kèm theo thử hỏi đề án đó có giá trị hay không thưa ngài Bộ trưởng?

Thực ra chúng tôi cũng muốn cố tin lời của Ngài, nhưng chuyện Cải cách giáo dục nước ta đâu chỉ mới 1 lần, mà quá nhiều rồi, tiến tiến lùi lùi mãi, càng tốn tiền thuế của dân càng hỏng. Hỏng cái “máy cái”, cái nơi “sản xuất” ra con người cho tương lai của dân tộc, khiến lâu nay những người có tâm huyết với đất nước đứng ngồi không yên!

Xin mời ông Bộ trưởng hãy xem lại trích đoạn bài Đốt tiền dân làm sách giáo khoa: chuyện cũ nhắc lại của nhà văn Vũ Ngọc Tiến

Khoảng 10 ngày vừa qua,  “Dự án đổi mới Chương trình và Sách giáo khoa” (CT&SGK) của Bộ GD&ĐT sau khi giải trình tại UBTVQH đã gây xôn xao dư luận trên báo in, báo nói, báo hình và các trang mạng xã hội. Đơn giản vì kinh phí dự chi trong dự án quá tù mù, thậm vô lý; còn lời biện giải của các quan chức trong Bộ GD&ĐT thì lúng túng, nhưng vẫn cố đấm ăn xôi, tiền hậu bất nhất! Người viết bài này đã từng có 12 năm liền (1996- 2008) điều tra, nghiên cứu viết bài phản biện về giáo dục, song từ năm 2008 đã phải chào thua vì mệt mỏi như đấm vào bị bông, buồn nản và ngừng viết về nó. Ở vào thời khắc manh nha của dự án đổi mới CT&SGK lần này, tôi không thể không cầm bút trở lại, dù chỉ một lần cho tròn bổn phận công dân…

Nhớ lại mùa hè những năm 2002- 2006, khi cuộc thay SGK lần trước ở vào giai đoạn nước rút và không khí phản biện đối với CT&SGK lần ấy cũng lên tới đỉnh điểm, tôi đã viết nhiều bài bóc trần những thủ đoạn đốt tiền dân làm SGK, đặc biệt là sự lãng phí vô tội vạ trong các hợp đồng mua sắm thiết bị và đồ dùng dạy học (TBDH) ở các địa phương. Hồi đó, mỗi bài viết với tôi là cả một trận đánh lớn vào thành trì tiêu cực, tham nhũng, để lại ấn tượng không thể phai mờ. Tôi còn nhớ rõ cảm giác rùng mình ghê sợ vì xót tiền dân khi thâm nhập thực tế, viết loạt bài chống tiêu cực trong các hợp đồng mua TBDH niên khóa 2005- 2006.  Trong khi chuẩn kiến thức của CT&SGK còn chưa có, thì dựa vào đâu mua sắm TBDH? Trường lớp nhiều nơi còn ở tình trạng dồn toa, thông ca hay tranh tre, nứa lá thì lấy đâu ra phòng thí nghiệm tử tế cho học sinh thực hành? Thầy ở nhiều nơi còn lúng túng không biết sử dụng TBDH thì làm sao kiểm tra chất lượng khi mua, hướng dẫn trò sử dụng? Theo hồ sơ điều tra, kinh phí dùng cho đầu tư TBDH giai đọan 2002- 2007 là 14 nghìn tỷ VND (tương đương gần 1 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái năm 2002), chia ra bậc tiểu học 1.424 tỷ, bậc trung học cơ sở 6.100 tỷ, bậc trung học phổ thông 6.574 tỷ VND...
Theo Tran Huu Dung - Viet Studies.

Như vậy hiểu rồi nhé! Không có lỗi kỹ thuật, không có khớp, chỉ không lọt qua cửa ải được mà thôi.

Nhưng với ông Bộ trưởng Bộ Giáo Dục đào tạo không phải chỉ là chuyện nghìn tỷ này, nghìn tỷ nọ... mà còn có những chuyện phát ngôn “khó hiểu” nữa, xin trích trên trang Baron Thịnh:
Không hiểu một người làm trong ngành giáo dục có thâm niên như ông, lại ngồi ghế tư lệnh ngành giáo dục mà không phân biệt nổi “hạnh kiểm” trong giáo dục với “đạo đức”? Để rồi phát ngôn một câu cực kỳ thiểu năng là học kém thì không thể đạo đức tốt được”. Chắc chắn, không ít những ông / bà lãnh đạo từ cao cấp trung ương đến lìu tìu địa phương ... ( Phó Nhòm Tây Bắc  bỏ 5 chữ) có học lực kém đến phải bổ túc, chuyên tu, tại chức để hợp lý hóa bằng cấp. Phải chăng họ đều là những người đạo đức kém?

Kính thưa ngài Bộ trưởng Giáo dục, tôi nghĩ, học kém  đạo đức là hai phạm trù khác nhau rất xa, không liên quan gì với nhau cả ngài ạ!

Học kém, học dở hay học ít, không biết ý ngài muốn nói cái nào? Ba cái đó cũng có lý do của nó, chẳng hạn do nhà nghèo, không có tiền đi học., tư chất kém, con nhà có tiền ham chơi hơn ham học, tuy thế..  mà họ không thể đạo đức tốt được hay sao ?

Tôi biết, tại nơi tôi đang sống có rất nhiều người học ít chỉ lớp 1, lớp 2 thậm chí có người mù chữ mà họ sống rất tốt. Trong nhà thì hiếu thuận, hoà nhã, ngoài xã hội thì đóng góp tích cực vào các công tác từ thiện...họ nuôi dạy con cái rất tốt.

Tôi chỉ cho ông một người: Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, hồi nhỏ nghèo, không có tiền làm giấy khai sanh, nên không thi lấy bằng tiểu học được, chỉ học đến lớp Tư (lớp 4). Lớn lên ông tham gia cách mạng, làm đến chức Chủ tịch Tỉnh, đóng góp rất nhiều lợi ích cho tỉnh An Giang…

Trái lại, có bao nhiêu người học giỏi, bằng cấp đầy mình do chính ngành của ông cấp đấy, nhưng có chắc họ toàn là người đạo đức tốt hay không? Vế nầy có kê ra đến sáng chưa hết. Đơn cử như bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (TMV Cát Tường), Các quan chức như Phạm Thanh Bình Vinashin, Dương Chí Dũng Vinalines, Huỳnh Ngọc Sĩ, Bùi Quốc Huy, Trần Mai Hạnh, Phạm Đăng Chiến... Có ai học kém không? Cứ theo ông nói thì có lẽ họ phải đi tù chỉ vì vi phạm pháp luật chứ chắc đạo đức họ vẫn tốt?

Bộ Giáo dục thời gian qua có vài việc nổi đình, nổi đám về sự ngu dốt trở thành đàm tiếu như : Tặng điểm thi vào đại học cho các bà mẹ VNAH, tặng điểm thi  cho con các cán bộ kháng chiến năm 1945…

Cả nhà tớ cũng thắc mắc thế nhưng chẳng ai dám can. Cụ bảo, xem ti vi, thấy có chế độ ưu tiên con cán bộ tiền khởi nghĩa nên thử vận may cùng con cháu xem. Chả là ông cố nhà tớ hoạt động cách mạng từ trước năm bốn lăm mà.
…………………………………………………………………………………………….
Cố là Mẹ Việt Nam Anh hùng, tuổi đã ngoại cửu tuần. Năm ngoái, nghe đứa chắt nói kì này cố mà đi thi đại học là được cộng điểm ưu tiên đấy, cố sướng quá bảo: cả đời làm Mẹ VNAH, giờ được cái “iêu” tiên mà bỏ đi thì phí quá. Thế là cố hồ hởi bảo con cháu chuẩn bị sách vở để cố ôn tập. Ai dè, đùng một cái, trên gửi công văn hỏa tốc về thông báo bỏ cộng điểm Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cố bị sốc, ngất xỉu, may mà con cháu cấp cứu kịp thời. Tỉnh dậy, cố chửi một tăng cái thằng ranh nào lếu láo, ngồi trên trời nói hươu nói vượn, “iêu” với chả tiên, dám giỡn mặt danh dự của ông cha…
- Cố Nhân chửi thế là phải lắm ! Hôm nào cậu qua chơi kể chuyện này cho ông cụ nhà tớ nghe thì hay biết mấy. May ra nhờ đó mà cụ từ bỏ ý định chứ không thì bọn mình lo lắm. Biết đâu mai mốt ngồi trong phòng lạnh, buồn buồn tê tê mấy ổng lại cúp rụp cái ưu tiên này, cụ bị tăng xông thì con cháu ân hận cả đời !
Trích Ưu tiên hoá ra ưu …  phiền của Y Nguyên  8/6/2014  Trần Nhương. Com .

 

Quả là ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã đem lại cho tôi những ấn tượng khó phai.
Ông hãy suy nghĩ về hai chữ : Đạo đức đi nhé !
Lời thật mất lòng : Ông Phạm Vũ Luận ạ ! qua 2  bài viết : Ông Phạm Vũ Luận Bộ Trưởng Bộ Giáo dục chưa thạo tiếng Việt và bài Miệng quan , Đít trẻ viết về ông , ông suy nghĩ thế nào ? Thưa ngài Bộ trưởng Bộ Học , ông nhận thấy ông đạo đức tốt hay kém ? Xin thành thật cho biết , ông nhé !
Ở nước ta, có một lệ thấy cũng hay hay. Một nhân vật nổi tiếng nào đó thường có biệt danh như Dũng Bắc cạn, Dũng PMU, Dũng Vinalines , Hiệp Phò Mã, Bảo Thái tử, Trúc Hoàng hậu …. Quốc hội thì có ông Hoàng Hữu Phước có biệt danh là Phước Khùng hay Nghị Khùng…..Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến giờ nầy có biệt danh là Tiến Vắc xin hay Tiến Sởi ,  Không chừng mai đây có thêm  Đại danh từ : Bộ trưởng Khớp hay Luận Khớp đấy
“Chỉ trong vòng một tuần, cần-lao An-nam đã bội thực với những phát ngôn ngớ ngẫn, phi thực tế và xuẩn ngốc của các quan chức chính phủ như đã nói ở trên. Với những bộ trưởng, cục trưởng như thế này, thì những yếu kém, bất công vẫn tồn tại trong xã hội là điều khó tránh khỏi.  Điều đau xót nhất là những phát ngôn này lại nằm hầu hết ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế – những lĩnh vực quan trọng nhất trong việc hình thành nên một xã hội văn minh và hiện đại. Ngày trước cụ Tản Đà đã đau xót thốt lên rằng: ‘Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/ Cho nên quân nó dễ làm quan’. Chả lẽ gần trăm năm rồi mà xứ An-nam này vẫn thế?
(Theo bài Miệng quan, Trôn trẻ của Baron Thịnh .)


16/6/2014 TRỊNH KIM THUẤN

2 nhận xét:

  1. Những khúc mắc hay vấn đề đặt ra!!?? Chú dẫn link thì hay hơn.Bao nhiêu bài về vấn đề này rồi.Đọc thêm cũng chẳng có gì mới

    Trả lờiXóa

Tìm thông tin blog