|
|
Có lẽ do suốt ngày ngồi ngoài
trời hát kiếm tiền mà ông Nhự có nước da ngăm ngăm. Hai hốc mắt ông sâu hoắm,
nhưng được che bằng cặp kính đen. Tuy vậy mỗi khi
ông cất giọng hát, gân cổ ông nổi lên, cái yết hầu nhô ra, hai cánh mũi phập
phồng, đẩy cặp kính nhô lên hạ xuống nên mọi người vẫn thấp thoáng thấy hai hốc
mắt sâu hoắm của ông. Cạnh ông là một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp. Người
này chỉ làm hai nhiệm vụ chính, một là gom những đồng tiền lẻ trong cái nón lá
để ngửa trước mặt và hai là dắt ông vào quán ăn uống, rồi tối thì dắt ông về
nhà, ngủ với ông. Đó là bà vợ hai, đã tự nguyện theo ông, hỗ trợ ông trong
nghiệp hát xẩm. Còn bà vợ cả vẫn bám mấy sào ruộng ở nhà (Thôn Râu, xã Giang
Biên, huyện Vĩnh Bảo).
Thời kỳ sửa sai CCRĐ, 1957 –
1958, phong trào văn nghệ ở nông thôn miền Bắc phát triển
rất mạnh. Thày tôi, chú tôi và một số người trong làng có năng khiếu chơi nhạc
cụ dân tộc thường hò nhau buổi tối tập trung ở nhà tôi hòa nhạc, rồi dần dần
hình thành một đội văn nghệ. Thày tôi đã vận động được ông Nhự về dàn dựng vở
diễn cho đội, không phải trả công, chỉ nuôi ông ăn. Ngôi nhà của gia đình tôi
trở thành trung tâm văn nghệ của làng. Mặc dù rất nghèo, nhưng thày bu tôi vẫn
nhận đăng cai để ông Nhự ăn, ngủ ở nhà mình. Chỉ dạy buổi tối, nên ban ngày ông
vẫn tranh thủ hát cho bà con trong làng nghe.
Không phải ông hát những bài rời
rạc theo làn điệu xẩm như những người hát xẩm khác, mà ông diễn cả một vở hoặc
một màn cải lương như “Lã Bố hý Điêu Thuyền”,
“Triệu Khải hàm oan”, “Kim Vân Kiều”… Một mình ông đóng tất cả các vai, cả nam
cả nữ, cả Vua, Hoàng hậu, Công chúa, Phò mã, cả bên ta
bên địch… Miệng ông hát, tay ông kéo cây nhị hồ, vừa kéo vừa “đánh trống”
bằng cách lấy ngón tay trỏ bật vào dây hồ, và chân dận song loan. Có lúc ông vừa kéo đàn vừa đập đập tay vĩ xuống
cái bát hồ… Tất cả đều điêu luyện, đều ăn nhập với giai điệu và tình cảm bài
hát, khiến người nghe ngây ngất. Thời ấy chưa có đài, ti vi… nên người dân đói
văn nghệ lắm. Dân nông thôn thì đến mấy năm may ra mới có một buổi được đoàn
văn công thành phố về huyện biểu diễn, mà không phải ai cũng được xem. Vì thế,
khi ông Nhự hát, bà con trong làng kéo nhau đến đứng vòng trong vòng ngoài,
đông như đám hội mà rất trật tự. Nhiều người móc tiền thưởng, cùng với những
tràng vỗ tay mỗi khi đến đoạn gây xúc động hay ông đổ câu vọng cổ…
Ông Nhự bị mù từ ngày còn bé,
cũng không biết lý do gì. Nhưng có lẽ ông Giời lấy đi của ông đôi mắt thì lại
bù cho ông cái giọng hát đầy ấn tượng, cái tài năng chơi nhạc cụ và đặc biệt là
trí nhớ tuyệt vời. Hồi ấy, ở Hải Phòng có Đoàn cải lương Phương Đông nổi tiếng.
Thỉnh thoảng ông ra thành phố mua vé vào rạp để “xem” diễn những vở dài đến hơn
2 giờ đồng hồ. Tất nhiên ông chỉ có thể xem bằng… tai và óc. Xem xong, toàn bộ
nội dung vở diễn, các nhân vật, từng câu nói, từng lời hát ông đã “ghi chép”
gần như đầy đủ trong Bộ nhớ của mình. Có lần thày tôi hỏi ông: Có vở nào cậu
không nhớ hết không? Có chứ. Dài quá, không nhớ hết thì tối hôm sau lại mua vé
vào xem một suất nữa là xong.
Ông ở nhà tôi mấy tháng, thày tôi
rất quý, nên bắt anh em chúng tôi gọi ông bằng Cậu, tức là em mẹ, vì bu tôi
không có em trai. Chữ “cậu” đối với chúng tôi trở thành thiêng liêng. Đêm ngủ,
tôi nằm giữa, cậu Nhự nẵm trong, thày tôi nằm ngoài. Nhiều khi tôi rúc vào nách
cậu vì rét quá, không có chăn, chỉ đắp bằng chiếu cói. Mà đắp chiếu thì có đến
hai ba cái vẫn bị hở đầu và chân. Nhưng không thấy cậu Nhự kêu rét bao giờ. Cậu
rất dễ tính, ăn thế nào, ngủ thế nào cũng được. Khi ở nhà tôi dạy văn nghệ thì
bà vợ hai của cậu ở nhà, chứ không theo chồng. Có nhiều buổi tối, các đội văn
nghệ trong huyện mời thày tôi, chú tôi và cậu Nhự đi đánh nhạc giúp cho vở
diễn. Đi như thế, trước hết là vui, thứ nhì là được bữa cơm rượu và lúc về đôi
khi có chút tiền bồi dưỡng. Thày tôi kể: có hôm diễn xong, đã mười một giờ đêm,
ở lại ăn bát cháo rồi ba anh em ra về, đường xa, đi bộ năm sáu cây số, trời tối
như bưng lấy mắt. Mỗi người xách một cây đàn, người nọ nhìn bóng người kia bước
theo. Cậu Nhự đòi đi trước. Cậu bảo, lúc chiều các ông đi trước rồi, bây giờ về
tôi phải đi trước. Đường nông thôn thời ấy toàn đường đất và rất hẹp, thỉnh
thoảng người ta còn xẻ ra để tháo nước ở ruộng bên này sang bên kia.. Tối trời đi
không cẩn thận là bước xuống ruộng, xuống rãnh. Ba ông phải đốt đuốc soi đường.
Nhưng được một đoạn thì đuốc cháy hết, trời lại càng tối hơn. Đối với cậu Nhự
thì trời sáng hay tối, đêm hay ngày đều như nhau. Bây giờ cậu đi trước, thỉnh
thoảng cậu lại hô: “nhẩy”. Thế là thày tôi và chú tôi đi sau phải nhẩy theo
cậu, qua chỗ xẻ. Chả là buổi chiều mọi người đi trước, đến chỗ đường bị xẻ thì
nhẩy, cậu Nhự đi sau nhẩy theo. Cậu nhớ có bao nhiêu lỗ xẻ, ở những chỗ nào.
Chú tôi bảo: hóa ra đêm tối thì “thằng mù chỉ đạo thằng sáng”… Có hôm ăn cơm
xong, đang ngồi uống nước, cậu Nhự bảo thày tôi: Anh xem cái buồng chuối ở sau
nhà có mấy quả chín cây, chặt về mà rấm không chào mào nó ăn hết! Thày tôi chạy
ra vườn sau, đúng là buồng chuối tiêu có năm quả chín, chào mào đã khoét mất
ba. Thày tôi phục cậu Nhự sát đất…
Cậu Nhự còn có biệt tài thổi kèn
đám ma. Cậu thổi cái kèn gỗ mà sau này lên Lào Cai tôi thấy người Giáy gọi là
kèn pí lè. Trong các đám ma, cậu vừa thổi kèn, vừa ca, thờ linh hồn người mới
mất suốt cả đêm không mệt. Khi đưa linh cữu ra đồng, cậu Nhự thổi “một hơi” từ
lúc cất đòn lên đến khi chôn cất xong và tiếp tục dẫn vong về đến nhà. Không
biết cậu thổi như thế nào nhưng người nghe không thấy tiếng kèn ngắt để lấy
hơi, nên người ta bảo ông Nhự thổi kèn một hơi dài hàng tiếng đồng hồ! Tiếng
kèn của cậu Nhự não nùng, nhất là điệu lâm khốc, khiến ai đến dự đám tang cũng
cảm động và ngưỡng mộ. Hồi ấy ở đám ma người ta chỉ mời một người đánh trống và
một hoặc hai người thổi kèn, chứ không có một đội bát âm hoành tráng, đồng
phục, chơi toàn nhạc cải lương, nhạc chèo, thậm chí còn ghi âm phát lên loa, để
nhạc công được nghỉ ngơi…như bây giờ.
Năm 1965, gia đình tôi đi khai
hoang ở Lào Cai, từ đấy mất liên lạc với cậu Nhự.
Hơn ba mươi năm sau, năm 1997,
tôi đang công tác ở Ban Dân vận tỉnh ủy, tình cờ gặp một người bạn ở quê kể
chuyện về ông Nhự mù… Hóa ra, cậu Nhự đã đưa bà hai cùng mấy đứa con lên thôn Tân Lập, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng,
tỉnh Lào Cai sinh sống. Lên đây, cậu không đi hát xẩm nữa mà thỉnh thoảng đi
thổi kèn đám ma. Với tài năng bẩm sinh, cậu Nhự đã nuôi cả nhà bằng cái nghề
này. Cậu đã dạy cho hai thằng con trai cũng biết thổi kèn. Ba bố con thổi kèn
đám ma nổi tiếng ở vùng Xuân Giao, Tằng loỏng, Gia Phú, Phú Nhuận… Nhưng rồi,
đến một ngày ông cũng yếu sức, không thổi kèn được nữa. Hai thằng con trai thì
một thằng bị bạo bệnh mất, một thằng không công ăn việc làm. Bà vợ hai của ông
vốn xưa nay chỉ dựa vào chồng, nay không biết làm gì để sống…Gia cảnh ông lâm
vào cuộc sống khốn cùng…
Một hôm, tôi tranh thủ ngày nghỉ
xuống Xuân Giao đi tìm ông. Phải hỏi thăm mãi mới biết nơi ông ở. Xe đậu ở đầu
dốc, tôi lội bộ xuống, qua một nương sắn thì đến ngôi nhà tranh, vách đất nằm
hẻo lánh ở chân đồi, nom như một ngôi nhà hoang. Đến nơi, thấy cánh cửa liếp
tuềnh toàng không khép. Tôi gọi, không thấy ai thưa. Bước vào trong nhà, ông
Nhự nằm trên chiếc giường ba xà, trùm cái chăn chiên cũ đã rách. Tôi ngồi xuống
cạnh ông, nắm chặt hai cánh tay lạnh ngắt và gầy guộc của ông, hỏi: “Cậu có nhớ
con là ai không?” Ông lưỡng lự: “Hình như, hình như…”. Tôi gợi ý: “Ngày bé con
chả đã ngủ rúc nách cậu thôi…”. Ông à lên một tiếng rồi bảo: “Thằng Dương?”.
“Vâng, con đây”. “Trời ạ, gần 40 năm rồi còn gì!”… Tôi hỏi: “Sao cậu nằm một
mình thế này, mọi người đâu cả?”. “Chúng nó đi hết rồi. Ở đây chỉ có hai
ông cháu... Lâu nay tôi yếu quá, không còn hơi để thủi kèn, tay thì run,
không kéo được nhị nữa…Thế là bà ấy mang cả 3 đứa con gái, trong đó có mẹ cái
con cháu đang ở với tôi sang Trung Quốc bán lấy tiền tiêu. Bán hết con, bà ấy
bán luôn cả… bà ấy”…
Ngôi nhà được vẩy ra một cái chái
để làm bếp. Tôi quan sát xung quanh, tất cả rỗng không. Nói như người dân tộc
vùng cao là “quăng cây gậy từ đầu nhà đến cuối không vướng cái gì”. Ngó vào
bếp, ngoài cái âu sành đựng muối trắng thì không có thứ gì ăn được. Lát sau,
con bé 13 tuổi đi chơi đâu về, con bé còm nhom, tôi ngỡ nó chỉ độ bẩy tám tuổi.
Nó bảo, mẹ nó, các dì nó và bà ngoại đi gần tháng nay chửa về. Xã trợ cấp cho
ít gạo hai ông cháu ăn hết rồi. Mấy hôm nay cháu phải đi mót sắn ở nương nhà
hàng xóm về luộc cho ông... Tôi đưa cho nó ít tiền, bảo ra chợ đong gạo, mua
rau về nấu cơm để ông cháu ăn và cho hai ông cháu cái chăn bông...
Những ngày sau tôi liên lạc được
với cô Lan, con gái con bà cả ở quê và hướng dẫn để cô ấy lên đón ông về. Cô
Lan rất cảm động, viết thư nhận tôi là “người anh mà cả đời chưa nhìn thấy
mặt”. Cuối cùng thì ông Nhự, người đã có những kỷ niệm với gia đình tôi hơn nửa
thế kỷ trước, đã quay về điểm xuất phát của cuộc đời.
Ngày cuối năm Quý Tỵ - 2013 NGUYỄN NGỌC DƯƠNG.
N.N.D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét