17 thg 12, 2013

THẾ LÀ ANH SỦN ĐI RỒI CỦA NGUYỄN NGỌC DƯƠNG .



Sáng hôm qua, lúc mình đang leo đồi tuyết ở Sa Pa chụp ảnh thì nhận cú điện thoại của nhà văn Đoàn Hữu Nam, "đệ tử ruột" của anh Sủn báo tin: "Anh Sủn mất rồi"! Dẫu biết anh đã "mất sức chiến đấu" nhiều năm nay do hậu quả của cơn tai biến mạch máu não, nhưng nghe tin, mình cũng "choáng". Và tự dưng thấy buồn cho số phận con người. Đạo Phật nói "sống gửi thác về" có lẽ đúng. Cái sự "gửi" này chỉ thoảng qua thôi. Nhoằng một cái là cuộc đời đã hết. Vậy nên cái đoạn "sống gửi" này tuy nó chỉ là thoảng qua nhưng khi chết nó cần dư âm thơm tho cho những người hậu thế.  Anh Sủn hơn mình 3 tuổi, mình coi anh là Anh, nhưng anh coi mình là bạn. Vâng, đúng vừa là Anh vừa là Bạn.


Lại nhớ cái ngày mới tái lập tỉnh Lào Cai, 1991 - 1992, Lò Ngân Sủn "một mình một ngựa" với toàn bộ "gia sản" văn nghệ được chia ra ở Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn là 19 hội viên và một con xe cúp "đầu vênh, máy cánh"... Trụ sở Hội tập kết được Tỉnh cho ở nhờ Ban quản lý công trình công nghiệp Tằng Loỏng. Mình thường thậm thụt trốn vợ con, đi xe máy 20 cây số vào tán dóc với anh ở cái trụ sở này và nhiều hôm tiện thể ngủ lại. Hai thằng ngủ chung một cái giường mét hai, đắp chung một cái chăn bông cũ...

Rồi anh Sủn kết nạp mình vào Hội Văn nghệ tỉnh. Xin cam đoan là mình chẳng phải chạy chọt đút lót gì. Mà mình cũng chả có năng khiếu, tài nghệ gì trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Có mỗi một bài ký viết từ hồi còn Hoàng Liên Sơn, được Thái Sinh biên tập, chữa cho cái đầu đề và đăng trên tạp chí văn nghệ tỉnh, nên nó đã thành cái cớ để mình được vào Hội Văn nghệ. Có lẽ mình được vào Hội là do có cái tình với Chủ tịch hội, với mọi người; anh Sủn kết nạp mình là kết nạp sự đồng cảm về nhận thức, về tình người, tình bạn? Lò Ngân Sủn quả là người sống đa tình. Có lẽ vì vậy mà thơ của anh cái tình nó cứ tuôn ra rất hồn nhiên. Hồn nhiên như chính con người anh, như chính dân tộc mà anh sinh ra. Mình vốn là người chẳng am hiểu gì về thơ; sống giữa một cộng đồng "cả nước biết làm thơ" mà mình thì không có thơ. Chán! Thế nhưng khi Lò Ngân Sủn vừa làm xong bài thơ Người Đẹp, anh đọc cho mình nghe, mình đã vỗ đùi cái đét. Hay, Lạ, chửa thấy thằng nào làm thơ kiểu này. Thơ quái gì trúc tra trúc trắc, không vần không vè...mà đọc xong cái nhớ ngay. Thế mới lạ. Mình chỉ cảm thấy thế thôi. Thế mà y như rằng một thời gian sau, bài thơ ấy lại nổi tiếng mới chết chứ! Không phải chỉ nổi tiếng trong nước. Nghe nói, dạo nọ có người ăn trộm  bài thơ này của anh mang đi thi Quốc tế, khiến các nhà thơ nước ngoài phải ngạc nhiên...
Nay anh đã ra đi nhưng những tác phẩm của anh, nhân cách của anh vẫn còn mãi trong lòng mọi người, nhất là anh em văn nghệ Lào Cai.

Người đẹp Lò Ngân Sủn
Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào lại thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào lại thấy mát
Người không khát - Nhìn thấy người đẹp cũng khát
Người không đói - Nhìn thấy người đẹp cũng đói
Người muốn chết - Gặp người đẹp lại không muốn chết nữa.
Ơ!
Người đẹp là ước mơ
Treo trước mắt mọi người!

Cuộc đời sáng tạo của nhà thơ Lò Ngân Sủn đã để lại cho Kho tàng Văn học Việt Nam hiện đại những tập thơ, những bài thơ, những câu thơ thấm đẫm tình người, mang đặc sắc của một vùng quê nhiều dân tộc, đặc biệt là dân tộc Giáy của anh.
Có thể kê ra đây những tập thơ Lò Ngân Sủn đã xuấn bản:


   Chiều biên giới (1989)
    Những người con của núi (1990)
    Đám cưới (1992) Đường dốc (1993)
    Con của núi ( Tập 1: 1996; tập 2: 1997)
   Lều nương (1996)
   Chiếc vòng bạc (1987)
    Tục ngữ Dáy (tập truyện, 1995)
    Suối Pí Lè (1996)
     Dòng sông mây (1995)
    Chợ tình (1995)
    Hưu tập thể (tập truyện, 1995)
     Suối Pí Lè (1996)
    Ở đây (1994)
    Trời, cái bật lửa (1995)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog