⋅ March 27, 2013
Từ còn nhỏ, tôi đã biết đến khái niệm hiến pháp nhưng không quan tâm. Lớn lên, học qua đại học rồi mà cũng chỉ lơ mơ cho rằng hiến pháp là “luật mẹ”, nó “đẻ” ra những “luật con”…Tất cả đều là “công cụ” của nhà nước nhằm “cai trị” thần dân, giữ cho xã hội được yên ổn. Thật lòng, xưa nay tôi ít quan tâm đến hiến pháp. Chẳng giấu gì, tôi chưa bao giờ đọc hết một bản Hiến pháp của nước nhà. Cũng có lý do của nó là, niềm tin của tôi đối với Đảng và Nhà nước ta là rất “tuyệt đối”, cứ nghĩ là những bộ óc cao siêu ở trên kia người ta đã làm ra Hiến pháp ắt phải là đúng, là ưu việt, chả cần đọc, cần xem, cần tham gia góp ý. Mình chỉ là hạng “ếch ngồi đáy giếng”!
Nhưng lần này, khi Nhà nước có chủ trương sửa đổi Hiến pháp 1992, tự dưng tôi lại bị hút vào sự kiện này. Lý do lớn nhất khiến tôi quan tâm đến công việc sửa đổi Hiến pháp chẳng phải do “ý thức chính trị cao”, mà do thực tiễn cuộc sống nó thôi thúc. Ở nước ta hiện nay đang có nhiều điều khiến người dân cảm thấy bất an. Có lẽ, lòng tin của Dân đối với Đảng giảm sút chưa từng thấy, bởi nhiều lẽ nhưng quan trọng nhất là “một bộ phận không nhỏ” trong Đảng và bộ máy Nhà nước suy thoái, biến chất (đánh giá của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI). Cái “bộ phận không nhỏ” ấy đang đi ngược lại với quyền lợi của nhân dân lao động, gây ra nguy cơ cho sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam, một tổ chức mấy chục năm qua đã lãnh đạo Dân tộc làm nên nhiều chiến công hiển hách. Lớp tiền nhân của Đảng đã có biết bao tấm gương oanh liệt, vì Dân tộc, vì Nhân dân mà hy sinh xương máu, tính mạng… Vậy tại sao bây giờ lại xuất hiện cái “bộ phận” hư đốn ấy? Tại sao trong khi mục tiêu của Đảng là “tất cả vì hạnh phúc của nhân dân” thì họ lại quay lưng phản bội lại nhân dân?!…
Tôi trộm nghĩ, biết đâu những sự “nhiễu nhương” ấy có thể bắt nguồn từ Hiến pháp? Tôi đã quyết “độc lập tư duy”, đối chiếu với những quan điểm cơ bản nhất của Đảng ta, Nhà nước ta từ khi thành lập đến nay.
Cách tiếp cận của tôi xuất phát từ quan điểm gốc do chủ nghĩa Marx- Lenin chỉ ra: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Bài học sâu sắc nhất cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo là “lấy Dân làm gốc” là “coi Đảng với Dân như cá với nước”… Từ đó các bản Hiến pháp Việt Nam xưa nay đều đưa ra điều khoản: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.
Nhưng thứ nhất, một khi “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” thì việc lập hiến phải là quyền của nhân dân. Có người cãi: Quốc hội được Dân bầu ra trực tiếp thì có quyền thay mặt Dân lập hiến. Dự thảo Hiến pháp lần này cũng khẳng định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội…” (Điều 6 dự thảo). Hình như dân mới chỉ được thực hiện dân chủ trực tiếp việc bầu cử Quốc hội, HĐND trong khi đó việc lập hiến là rất quan trọng lẽ ra Dân phải được thực hiện dân chủ trực tiếp (phúc quyết Hiến pháp như đã ghi trong Hiến pháp 1946) mới đúng. Tôi nghĩ, thôi thì quyền lập pháp và các quyền khác có thể nhân dân giao cho Quốc hội và các cơ quan nhà nước, nhưng lập hiến là cái quyền “gốc” phải thuộc về Nhân dân. Mất “gốc” thì “ngọn” mất giá trị. Trong việc lập hiến, không nên đồng nhất Quốc hội và Nhân dân. Dân và Quốc hội, kể cả một Quốc hội được bầu thật sự dân chủ thì cũng vẫn khác nhau, không thể là một. Không thể coi Quốc hội là Dân được.
Thứ hai, quy luật chung của mọi quyền lực nhà nước xưa nay đều có xu hướng lạm quyền. Đến như V.I.Lenin, người thày của cách mạng vô sản, người lập nên nhà nước Xô viết đầu tiên trên thế giới, một nhà nước mà chúng ta cho rằng “tiến bộ nhất trong lịch sử nhân loại” cũng đã từng cảnh báo: khi Đảng cầm quyền phải cảnh giác một chính quyền xa dân… (tiếc là lâu ngày tôi không còn nhớ ý này ông nói trong tác phẩm nào, trang, dòng nào để trích dẫn cho có tính thuyết phục. Hình như trong tác phẩm “Nhà nước và cách mạng” của ông?). Kinh nghiệm cho thấy trong lịch sử nhân loại, những nhà nước cai trị lâu năm thì càng về sau càng có xu hướng lạm quyền, dẫn đến lộng quyền và phản bội lại nhân dân, nếu không có một cái gì ràng buộc có hiệu quả.
Cái gì có thể ràng buộc để “chặn bàn tay” lạm quyền của nhà nước? Đó phải chăng là một bản hiến pháp thực sự dân chủ? Tôi đã đọc ở đâu đó, một vị giáo sư đáng kính nói rằng, hiến pháp dân chủ chính là một bản “khế ước” giữa nhân dân và chính quyền. Nếu mọi quyền lực trong một đất nước dân chủ thuộc về nhân dân, có nghĩa là dân giao quyền cho nhà nước, nhà nước sử dụng quyền của nhân dân để điều hành mọi hoạt động xã hội. Nếu không có bản “khế ước” (hiến pháp) thực sự dân chủ thì nhà nước rất dễ dàng “quên” mất quyền lực mà nhà nước đang nắm trong tay là quyền lực của dân giao cho. Những “công bộc” của dân sẵn sàng tự cho những quyền ấy là của nhà nước, thậm chí là của cá nhân mình! Vì thế, pháp luật và nhất là những nghị định, quyết định, nói chung các văn bản pháp quy do nhà nước ban hành sẽ có xu hướng xa rời quyền lợi của dân. Và như vậy là trở thành một nhà nước mất dân chủ, không còn là nhà nước “của dân, do dân, vì dân” nữa.
Để xây dựng được một bản hiến pháp dân chủ, bản “khế ước” giữa công dân và chính quyền nhà nước, được nhân dân tự nguyện chấp nhận thì ngay từ bước khởi thảo đã phải dân chủ thực sự. Vừa qua, bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 đã được mang ra lấy ý kiến toàn dân. Đó là một chủ trương rất đúng đắn, khoa học. Nhiều người dân, nhất là các bậc nhân sĩ trí thức, lão thành cách mạng đã vì đại sự của dân tộc mà quan tâm. Có rất nhiều ý kiến tâm huyết, đóng góp vào việc xây dựng dự thảo hiến pháp. Đương nhiên, đã lấy ý kiến toàn dân thì không thể chỉ có ý kiến của một thứ “tư duy đơn điệu”, một chiều. Nếu như thế thì cuộc mở rộng lấy ý kiến toàn dân chả có giá trị gì. Nhiều ý kiến khác nhau, nhiều góc nhìn khác nhau, thậm chí đối lập nhau, đó là sự phản ánh không khí dân chủ bình thường. Đó cũng là điều may mắn cho sự lãnh đạo của Đảng để Đảng có cơ hội tiếp thu được trí tuệ toàn dân, có điều kiện so sánh, cân nhắc, tham khảo cho việc ra đời một bản hiến pháp thực sự tiến bộ. Tuy nhiên, trong việc tổ chức thực hiện, đã xuất hiện một số cử chỉ trong lãnh đạo, điều hành việc tổ chức lấy ý kiến mà người viết bài này nhận thấy rất cần rút kinh nghiệm. Thứ nhất là khi có những ý kiến trái chiều thì lại có ngay những phản ứng “nóng tính”, khiến những người đang nhiệt huyết đóng góp ý kiến cảm thấy bị “dội gáo nước lạnh”, hơn nữa khiến dư luận nghi ngờ sự sửa đổi hiến pháp có thể không dân chủ, chỉ là ý chí một chiều của giới lãnh đạo chăng? Những phản ứng “nóng tính” ấy được một số cơ quan thông tin đại chúng chính thống tổ chức thực hiện như một sự “phản công đối với các thế lực thù địch” thì sẽ “lợi bất cập hại” như thế nào chắc không mấy ai không biết. Bởi “những ý kiến trái chiều” không loại trừ, thậm chí có không ít những đảng viên lão thành, kỳ cựu, những nhà trí thức lớn có uy tín trong Dân tộc. Tại sao họ lại có thể bị “tiếng nói chính thống” của đảng và nhà nước “chụp mũ”, nếu không nói là xúc phạm? Thế thì có phải tự dựng ta làm cái điều gây ra sự mất đoàn kết nội bộ, mất đoàn kết dân tộc. Điều này rất đáng rút kinh nghiệm. Thứ hai là một số nơi bày ra một kiểu lấy chữ ký của nhân dân vào những tờ mẫu in sẵn để thể hiện “đồng ý” hay “không đồng ý” bản dự thảo do Ủy ban dự thảo hiến pháp đưa ra thì đó là một cử chỉ rất phi khoa học. Ấn vào tay người ta, kể cả những người chẳng hiều hiến pháp là gì, chẳng quan tâm đến hiến pháp bảo ký vào đồng ý với dự thảo thì sẽ ra sao? Cứ suy ra như tôi đã nói ở đoạn đầu bài viết này, một người cũng có chút học hành mà cũng không quan tâm, không hiểu thế nào là hiến pháp, nếu có bảo ký thì cũng ký với tư cách “ếch ngồi đáy giếng” thôi. Thế thì quả là chuyện rất hài hước. Điều này cũng rất đáng rút kinh nghiệm…
Tóm lại, một hiến pháp thực sự dân chủ phải là bản hiến pháp mà các điều khoản của nó ngắn gọn, súc tích có đủ sức ngăn chặn mọi sự lạm quyền của cơ quan nhà nước, của công chức nhà nước. Hiến pháp phải không có những điều khoản mang tính chất “bênh vực” nhà nước, “đe nẹt” hay cảnh giác với nhân dân. Khi nhân dân đã trao quyền cho nhà nước thì hiến pháp phải ngăn chặn, cảnh giác với người có quyền trong tay, phòng lạm quyền. Có như vậy mới bảo vệ được chế độ dân chủ. Nếu không làm được điều đó thì mọi quan điểm, tư tưởng tốt đẹp nhất cũng chỉ là những khẩu hiệu!
Phải chăng, đó là nguyên tắc để xây dựng bất kỳ một hiến pháp dân chủ nào. Tôi hiểu bản chất của hiến pháp tiến bộ là như vậy.
NGUYỄN NGỌC DƯƠNG
Ngọc dương hử......cho vô ngâm diệu, bổ dương lắm...???
Trả lờiXóaBiết 1 không biết 2. Ta là luật thì ta ngoài luật.
Dõ chửa, "thủng" chửa, hỉu chửa??????????