6 thg 8, 2013

THƯ GỬI TRẦN ĐỘ của nhà văn LỮ PHƯƠNG.

Anh Trần Độ kính mến,

Tôi đã đọc được bài bút ký mới của anh (“Một cái nhìn lại”) và biết rằng anh vừa bị khai trừ khỏi Đảng. Tôi không biết hiện nay anh vui hay buồn, nên không biết nói gì hơn là gửi đến anh mối cảm thông sâu sắc đối với công việc anh đang làm và đang phải gánh chịu về hậu quả của những việc làm ấy. Đối với thế hệ chúng tôi, anh không phải chỉ là một đàn anh mà còn là một cung cách ứng xử. Những suy tưởng của anh hôm nay, dù đúng hay sai thế nào đi nữa, cũng sẽ giúp đỡ chúng tôi thật nhiều vì tính chất trung thực của chúng.


Anh không phải là một đảng viên bình thường vì anh đã thuộc vào thế hệ những người cộng sản đã khuôn nắn nên bộ mặt của đất nước ngày nay. Trước những việc làm đã qua, anh chẳng có gì để ân hận. Đối với những ai đã gần gũi anh thì điều đó là hoàn toàn dễ hiểu: anh nói Đảng không “chỉ là một lực lượng tàn bạo, chỉ có đàn áp và làm hại nhân dân”, và anh cho rằng chỉ có “những đầu óc thù địch thiên lệch” mới nghĩ như vậy. Anh nói như vậy không phải để “chống chế” cho một thế lực nào cả mà chỉ vì anh xác tín đó là sự thật, và để khẳng định sự thật ấy anh đã phải bỏ ra cả một đời tranh đấu và hy sinh. Cách phát biểu đó hiện nay có thể sẽ gây ra những phản ứng khác nhau đến từ nhiều phía. Nhưng đối với anh, nó lại hết sức đơn giản: nó là một “trải nghiệm” hiển nhiên và thực tế, chẳng cần phải biện luận xa vời.

Anh gia nhập Đảng vào cái thời mà Đảng chưa hề có xôi có thịt để chia: nếu có một cái gì đó có ý nghĩa mà Đảng cho anh thì đó chỉ là cái lý tưởng cực kỳ tươi đẹp để anh đi vào tù đày và chết chóc. Anh có bảo vệ Đảng thì cũng chỉ bảo vệ cái lý tưởng đã trả bằng máu ấy. Chính là với lý tưởng ấy, thái độ của anh là nhất quán: trước đây Đảng có một thời đã đẹp đẽ thì bây giờ anh vẫn muốn Đảng giữ gìn mãi mãi điều đẹp đẽ ấy. Vì nó anh khẳng định cái tốt có thực của Đảng trong thời kỳ tranh đấu thì cũng vì nó anh nhìn ra những sai lầm nghiêm trọng của Đảng trong thời kỳ xây dựng hòa bình. Việc anh lên tiếng phê phán Đảng và yêu cầu Đảng phải thay đổi đường lối và phương thức hoạt động để lãnh đạo dân tộc trong tình hình mới cũng hoàn toàn lôgích.

Xét về mặt ý hướng anh vẫn là chính thống: anh vẫn tin rằng dưới chế độ một đảng theo mô thức cộng sản, người ta vẫn có thể xây dựng nên một nhà nước dân chủ, “của dân, do dân, vì dân”. Vấn đề còn lại chỉ là góp ý với Đảng để Đảng làm tốt hơn điều đó. Nhiều người đã sử dụng phương thức “điều trần miệng”, nói hết những suy nghĩ với những người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng không công bố. Nhiều người khác đã bộc lộ ý kiến của mình bằng những văn bản gửi Đảng nhưng cho lưu hành dưới hình thức samizdat. Hoạt động của anh đi theo cách thức này nhưng mức độ lại khác: anh không đề nghị khắc phục những “tồn tại” hoặc “khuyết điểm” mà muốn “nhìn lại” ngay cái lý do tồn tại của Đảng. Và chính là qua cách đề cập những vấn đề như vậy (cách vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, chuyên chính vô sản, tập trung dân chủ, mối quan hệ giữa những người lãnh đạo với những người bị lãnh đạo, trong Đảng lẫn ngoài xã hội ….), anh đã đi đến những nhận định thật khủng khiếp:

 Những mơ xóa ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời,
Ac xoá đi, thay bằng cực thiện,
Tháng ngày biến hóa, ác luân hồi!


Hoá ra cái ước mơ tuyệt hảo về một tương lai xán lạn mà mình đã xả thân cả đời cho nó sau một quá trình đem ra thực hiện lại chỉ là cái thế giới đáng nguyền rủa mà mình đã từng phủ nhận hay sao? Chẳng lẽ cái “cõi đời mới” mà mình đã cùng với Đảng đem hết tâm huyết ra xây dựng rốt lại vẫn chỉ là một chế độ thống trị như tất cả những chế độ thống trị trước đây hay sao? Có sự lỡ lầm nào của lịch sử ở đây hay không? Làm sao giải thích được hiện tượng cực kỳ phức tạp của chủ nghĩa cộng sản từ lý thuyết đến thực hành? Tại sao lý thuyết quá tốt đẹp mà đem vào thực tế thì lại sinh ra những quái thai? Tại sao có một thời, trong cách mạng dân tộc (chống chủ nghĩa thực dân), Đảng đã có thể đại biểu cho “cái thiện” thì bây giờ đến lúc dân tộc đã độc lập rồi, có thể đẩy “cái thiện” ấy đến chỗ cao hơn (giải phóng con người) thì Đảng lại đưa cả dân tộc lẫn con người vào con đường vong thân, bệ rạc như vậy? Tại sao từ chỗ là người cho mình là hiện thân của chân lý, lẽ phải và mọi thứ tốt đẹp trên đời, Đảng lại trở thành một guồng máy dối trá, tàn tệ đến như vậy?

Những câu hỏi thật là nhức nhối. Tuy anh đã cố gắng tìm cách trả lời một cách “có hậu”, tin tưởng rằng Đảng vẫn có thể khắc phục được những sai lầm trầm trọng nói trên để “tiến lên”, nhưng tất cả đều không vớt vát được chút nào cách đặt vấn đề quá gay gắt của anh về cái thực tại xã hội do Đảng làm ra. Cách đặt vấn đề như vậy đã đi ngược hẳn lại quan điểm của Đảng hiện nay và anh cũng đã hiểu được sự phản ứng của nó là như thế nào đối với cái thiện chí “xây dựng Đảng” của anh.

Anh Độ kính mến,

Tôi thuộc thế hệ những người đi sau anh bằng cả một cuộc chiến tranh và một cuộc cách mạng, nhưng chia sẻ với anh hoàn toàn cái bi kịch của một sự chọn lựa bất toàn và một sự thức tỉnh khó khăn. Tôi cũng đã từng từ bỏ tất cả để đi theo Đảng và cũng dự định đi theo suốt một đời, nhưng rồi cũng như anh tôi đã thất vọng nhiều điều. Chỉ khác hơn anh một chút: tôi đã tự ý bỏ Đảng từ lâu. Được tin anh bị khai trừ , hiểu được tâm sự của anh, tôi rất muốn chia buồn, nhưng suy từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy không chừng đó lại là điều may. Biết anh có ước muốn giải quyết mọi vấn đề “ở tầm triết học”, tôi hy vọng đây sẽ là động lực để anh tìm hiểu chủ nghĩa cộng sản sâu hơn về mặt lý thuyết, từ đó hiểu rõ Đảng cộng sản nhiều hơn về mặt thực hành, sau đó biết đâu sẽ thanh toán được nỗi day dứt cuối đời của mình.

Chẳng ai ngăn cản người ta nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản là một thứ lòng tốt. Nhưng gọi đó là “khoa học”, “sự tất yếu của tương lai” hoặc một cái gì đó “duy nhất cách mạng” để trở thành cái tốt nhất và vĩnh viễn – như có lúc chúng ta đã hiểu – thì đó là điều ngộ nhận khó thể tồn tại vào những ngày tận cùng của thế kỷ này. Không hơn không kém, đó chỉ là một ý thức hệ thôi: không phải chỉ là “ý thức hệ cầm quyền” mà là một ý thức hệ theo nghĩa tổng quát nhất của từ ngữ. Ý thức hệ ấy, “trên đường chúng ta đi“ vào một lúc nào đó, ta có thể đón nhận như là “cái cần thiết” cho một số công việc, nhưng chẳng thể vì đó mà phải giữ mãi như một bửu bối rồi đem truyền cho các thế hệ mai sau.

Đã tháo gỡ được những sợi dây “khư khư mình buộc lấy mình” để dứt bỏ được cái huyền thoại về Đảng trong thực tế, tôi tin rằng anh vẫn có thể tiến thêm một bước để phá vỡ cái huyền thoại về Đảng trong lý luận. Tư tưởng phát triển thêm, anh sẽ có được cái nhìn hiện thực hơn về toàn bộ phong trào cộng sản trên khắp hành tinh này chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam.

Anh Độ kính mến!

Cho tôi nói thật với anh điều này: đọc bài “nhìn lại” của anh, tôi nhận thấy cái gọi là “ý thức hệ-cộng sản-lý tưởng” vẫn còn đeo bám theo anh khá nặng nề. Anh phê phán sự hiểu biết “quá giản lược” về chủ nghĩa Mác ở xã hội ta, nhưng vẫn chỉ với tư cách là người đứng “ở ngoài ngõ mà nhìn vào” thì cũng sẽ không tránh khỏi giản lược. Nếu có điều kiện và thời giờ để tìm hiểu thêm từ nguồn gốc học thuyết này, hẳn anh sẽ thấy cái mà người ta gọi là chủ nghĩa Mác ở Việt Nam không phải chỉ bị “biến dạng” và “giản đơn hoá”: nó đã bị xuyên tạc từ nguyên uỷ. Anh sẽ thấy rằng cái gọi là “duy vật” mà chúng ta từng dựa vào đó để xưng tụng tính “khoa học” của học thuyết Mác chỉ là một cách hiểu suy đoán rất hời hợt. Sự đồng nhất Mác với Ăngghen và sau này với Lênin để tạo ra cái mà chúng ta từng tin theo những nhà lý luận Liên xô trước đây và gọi là “Mác-Lênin” cũng chẳng có gì là đúng đắn và nghiêm chỉnh cả. Và thực chất của cái gọi là chủ nghĩa “Mác-Lênin” đó cũng chẳng mảy may chứa đựng một chút nội dung nào về cuộc đấu tranh giải phóng lao động khỏi sự tha hoá của những điều kiện lao động: đó chỉ là một hình thức tha hóa mới của lao động qua một hình thức mới của chủ nghĩa tư bản mệnh danh là chủ nghĩa tư bản nhà nước; thứ chủ nghĩa tư bản này đã khởi đầu từ Lênin, phát triển tột độ trong chế độ Stalin, phản Mác hoàn toàn.

Và cái khái niệm “ý thức hệ cầm quyền” mà anh nói về Đảng thực chất cũng chỉ là cái ý thức hệ Stalinít đó chứ không phải là cái gì khác. Nội dung của nó là chủ nghĩa dân tộc toàn trị, khởi đầu được sử dụng như phương tiện để giành quyền từ tay thực dân (điều “thiện” một thời của những người cộng sản), sau đó thì được “xài” như một công cụ thống trị như anh đã viết, chứ chẳng nhằm “phục vụ” ai cả. Những khái niệm lớn lao về “cách mạng” mà những nhà ý thức hệ của Đảng thường đem ra khoe khoang cũng chỉ là sự gồng gân để độc quyền chính nghĩa thôi. Cứ phân tích một vài khái niệm chúng ta sẽ thấy ngay điều đó. Làm gì có cái gọi là “chủ nghĩa xã hội” hiểu theo nghĩa đích thực của nó là xã hội hóa trong khi tất cả mọi lĩnh vực của đời sống đều bị nhà nước hoá một thời rồi bây giờ đang chuyển sang tư nhân hoá? Làm gì có cái gọi là gọi là “chuyên chính vô sản” hiểu theo nghĩa mácxít là sự chuyên chính của toàn bộ giai cấp vô sản đã chiếm 90% dân số về lý luận (và cũng là ảo tưởng) trong khi đó thì trên thực tế chỉ là sự chuyên chính của chừng mấy chục người tự cho mình là đại diện cho cả cái giai cấp mà sự tồn tại của nó chỉ là một bóng ma của thế kỷ đã qua?

Chẳng có gì lý tưởng ở đây cả cho nên đưa lý tưởng ra để cải tổ nó cũng lại rơi vào ảo tưởng. Sau bao nhiêu lần thanh trừng đi đôi với chỉnh huấn, học tập … máu của Đảng không còn là thứ máu đỏ của cách mạng đổi đời: nó đã được thay vào bằng một thứ máu đen của quyền lực và quyền lợi rồi. Những cái gọi là tự do, đối thoại, sáng tạo, cá tính, sáng kiến, lương tâm, đạo đức nếu được bộc lộ một cách có thực chất để không phải là thứ “lưỡi gỗ” tuyên huấn thì, trong tình thế ấy, sẽ trở thành sự quấy rầy thọc gậy bánh xe, cản trở sự vận hành của chế độ quan liêu tồn tại bằng thứ máu đen đó. Thực tế của cái mô hình nhà nước mệnh danh là “xã hội chủ nghĩa” mà anh muốn cải tổ bằng cách phả vào đó cái cảm hứng lãng mạn ngày xưa thật sự chỉ là cái “cỗ máy nghiền” như vậy đấy. Mọi thứ đã bại hoại đến xương tuỷ rồi, không phải chỉ khác xưa hoàn toàn mà là hoàn toàn không thể nào trở lại được như xưa!

Anh Độ kính mến,

Mối quan tâm của anh về dân chủ hóa, chắc chắn phải đặt ra hẳn bên ngoài cái vòng toan tính của một thứ ý thức hệ thực dụng muốn sử dụng Mác để biện minh cho sự độc tôn quyền lực như trên. Nhưng theo tôi, muốn nhìn ra được một quan niệm dân chủ hiện thực phù hợp với thực trạng, chúng ta cũng phải bước hẳn ra ngoài lý luận về quyền lực trong bản thân chủ nghĩa Mác nữa. Chủ nghĩa này chỉ là một thứ triết học không tưởng giả định một tương lai cho một loài người không còn giai cấp, không còn nhà nước. Có thể đó là tiếng gọi, là giấc mơ, nhưng không thể là một cương lĩnh hành động để gọi là “cải tạo” xã hội: lầm lẫn mộng và thực trong chính trị sẽ đưa đến những tác hại vô cùng nguy hiểm. 

Một cái nhìn thực tế về vấn đề dân chủ tất yếu cũng sẽ phải dẫn đến việc từ bỏ ý hướng dựa vào chủ nghĩa Mác như một lý tưởng để “vận dụng” vào thực tế mà chính là ngược lại: ở Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng phải thanh toán cho được cái ý thức hệ không tưởng đó về mặt lý luận, chúng ta mới có thể tạo ra được những điều kiện vững chắc để tiến tới những cải cách tích cực và thực tế hơn về văn hoá, chính trị.

Cái chế độ nhân danh ý thức hệ mácxít đang thống trị đất nước cũng cần phải được nhìn theo viễn cảnh thực tế như vậy. Chế độ đó không phải là một thực thể trừu tượng để có thể đem cái nhãn “thiện” hoặc “ác” dán lên nó một lần là xong. Ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định và phát triển theo sự chuyển động của lịch sử, các mặt tốt xấu của nó đều bị những chuyển động ấy quy định. Cho đến nay khuôn mặt của nó đã không còn như xưa. Chấp nhận chuyển sang cơ chế thị trường, chính sách toàn trị của nó đã bị phá rã một mảng rất lớn: nó không còn có thể thống trị xã hội bằng chính sách tem phiếu và hộ khẩu khắc nghiệt nữa. Đây chính là những tiền đề căn bản để một xã hội công dân hình thành trở lại; và đó cũng chính là cái mảnh đất màu ươm mầm cho những hạt giống dân chủ.

Hiển nhiên đó chưa phải là một xã hội công dân toàn diện: trong lĩnh vực văn hóa và nhất là chính trị, chính sách chuyên chính của Đảng vẫn còn đang đè lên nặng nề. Tuy vậy, ngay trong những lĩnh vực này, cái thời kỳ tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm của Đảng cũng đã qua rồi. Không phải là Đảng không muốn mà chỉ là không thể thôi. Và Đảng cũng không phải là không ý thức được cái tình thế ấy. Nhưng phải làm gì trước đòi hỏi của thực tế thì lại hết sức khó khăn: từ chối tất cả thì không được mà nhân nhượng quá nhiều thì không khéo sẽ mất tất cả. Dù sao thì mọi việc cũng không còn như xưa nữa. Vây bọc bởi hàng loạt những mâu thuẫn nội tại, đối phó với hàng loạt những áp lực từ bên ngoài, guồng máy quan liêu ấy đang phải ì ạch nhúc nhích, mọi ý hướng muốn dân chủ hoá xã hội cũng phải từ thực tế ấy mà đặt ra.

Vấn đề sẽ vô cùng phức tạp và khó khăn, nhưng nếu từ chối phương pháp bạo lực thì chúng ta sẽ không có sự lựa chọn nào khác. Nếu sự phân tích ấy là thực tế , một chương trình hành động có thể sẽ được vẽ phác ra với hy vọng được nhiều người chia sẻ, trong đó việc nâng cao trình độ dân trí, đấu tranh cho tự do ngôn luận, nghiên cứu, thông tin, phổ biến ý thức nhân quyền và pháp quyền, mở rộng giao lưu quốc tế… sẽ là những công việc căn bản cần thiết để chuẩn bị cho những chuyển động tuần tự và ôn hoà: mọi thứ sẽ có tác dụng tạo ra sức sống cho một xã hội công dân độc lập, hạn chế được những chính sách lộng quyền và lạm quyền cố hữu của nhà nước toàn trị, cuối cùng từng bước, cùng với sự phát triển về văn hóa và kinh tế, thúc đẩy những thay đổi trên mặt thượng tầng, trong đó sự hóa thân của những ngưởi cộng sản là khả năng đáng mong ước nhất.

Theo tôi nghĩ, một đảng cộng sản chuyển sang một đảng dân chủ xã hội đó chính là lối thoát tốt nhất cho tất cả những ai nuôi dưỡng lý tưởng công bằng cho Việt Nam: một định chế dân chủ đa nguyên vẫn có thể ra đời trên cơ sở một nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa một cách đích thực. Tôi nhận thấy trong những suy nghĩ của anh đã chứa đựng rất nhiều ý tưởng có nội dung như vậy và tin rằng nếu được phát triển, những đề nghị cải tổ của anh sẽ được định hình rõ rệt hơn và có thể sẽ góp phần tích cực hơn trong việc tìm ra những biện pháp giải quyết những bế tắc về đường lối hiện nay.

Anh Độ kính mến,

Viết ra những suy nghĩ trên đây tôi chỉ muốn bày tỏ lòng kính trọng đối với anh thôi: một ý tưởng tâm huyết được tung ra mà không có ai hứng bắt, bàn bạc thì thật buồn tênh. Tôi đã trải qua tình cảnh ấy nên đã cố ý cà khịa với anh một chút cho vui. Hiển nhiên, dù không kém phần nghiêm chỉnh, tôi chẳng hề cho rằng với những giòng chữ này, tôi có ý muốn giải quyết hộ anh cái vấn đề quá khó khăn, mênh mông như anh đã nêu ra. Dù sao thì anh cũng nên ghi nhận những giòng chữ đó như những gợi ý cho quá trình tư duy của anh mà tôi biết chắc rằng chưa thể ngừng nghỉ được. Một quá trình tư duy mà tôi hy vọng sẽ phong phú hơn nhờnhững ngày không Đảng của anh.
Năm mới sắp đến, chúc anh mạnh khỏe, bình an

Kính,
Ngày 7-2-1999       LỮ PHƯƠNG.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog