14 thg 8, 2013

ĐỌC "SÓNG HẬN SÔNG LÔ" của VŨ NGỌC TIẾN : ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN - Nhà văn NHẬT TUẤN.



Nơi tôi đang ở không có điều kiện viết tham luận, tôi chỉ xin nêu một vài ý ‎ kiến ngắn sau khi đọc “Sóng Hận sông Lô”. Thú thực tôi hơi lo khi anh cho biết viết thử nghiệm theo bút pháp của W. Faulkner . Riêng tôi, vẫn cho rằng bút pháp là “diện mạo” của  tâm hồn nhà văn , tôi cũng đã vài lần thất bại, dại dột học theo lối “Tây Thi nhăn mặt” lúc đau bụng.

 

Tuy nhiên đọc xong tôi thấy anh sử dụng được kỹ thuật “ trục thời gian và không gian quay đảo bởi các mảng hồi ức về số phận nhân vật” hợp với nhu cầu dựng truyện. Vì “lượng thông tin” quá đậm dặc, “chuyện nọ đẻ chuyện kia” không thể đọc nhanh đành chịu cảnh “vịt nhồi” , cảm giác như anh đang cầm cái bình khổng lồ đầy ắp các sự kiện, các câu chuyện đổ ào ào vào dòng chảy lịch sử lạnh lùng cuốn đi số phận của cả trăm nhân vật.
Bữa tiệc của anh dọn ra không nhiều món nhưng lại đậm dặc protide khiến những kẻ yếu dạ đành bỏ, tìm tới Khái Hưng với “Tiếu Sơn tráng Sĩ” , Lâm Ngữ Đường  với “Tình sử Võ Tắc Thiên”…cũng tiểu thuyết lịch sử nhưng “ẩm thực” ngây ngất và dư vị của nó còn lại mãi trong ta.
Tuy nhiên, nói vậy không phải phủ nhận giá trị tiểu thuyết của anh, quả thực phải dụng công lắm, trong có hơn 300 trang sách anh đã tái hiện bức tranh khổ lớn một thời kỳ lịch sử bi hùng của dân tộc. Nhưng tiếu thuyết dẫu có là “tiểu thuyết tân cổ điển” hay “Tiểu thuyết giáo trình” chăng nữa, tiểu thuyết vẫn là con quái vật nuốt mọi thứ trên đường đi của nó làm vật liệu cho cái công việc bản thể của nó - ấy là “truyện tưởng” ( fiction). Cả một núi sự kiện giá như được nhào nặn bằng năng lượng của tưởng tượng !
Hồi mới vào Sàigòn 1975 tôi rất ngac nhiên  hỏi một cô gái Sàigòn :” Sao em mê coi hát bội thế ?”. Cô gái trả lời :” Là vì trong đó có trung hiếu tiết nghĩa là thứ bây giờ không còn nữa…”.
Vậy phải chăng những thứ cô gái cần tìm là đặc trưng của con người thời quân thần phụ tử phu phụ.? Ở một xã hội loạn chuẩn, vật chất được đề cao tót vời, cái đẹp dường như đã chết, người ta càng khao khát cái cao thượng, cái nghĩa hiệp, sự hy sinh vì người khác.  Những môtíp đó thiếu vắng trong “ Sóng hận sông Lô” ngoài nàng Mai Lan ở cuối truyện, trước khi gieo mình xuống sông còn nói với hồn Trần Nguyên Hãn :” Vắng ông thiếp sống còn có nghĩa gì ! Rồi đây nhang khói cho ông đành nhờ cậy chị cả …thiếp đi theo hầu hạ ông đây…” Đó là điểm son hiếm hoi trong tiểu thuyết dầy đặc những con người như những con rối của lịch sử, quay cuồng trong âm mưu và thủ đoạn ở cả hai phía ngoại xâm và chống ngoại xâm.  Tiếc thay những “điểm son” đó lại làm nên tiểu thuyết.
Thú thực, tôi không tin Bắc Bình Vương và đám cận thần lại mông muội đến mức hy sinh cả vợ yêu, con gái của mình đẩy xuống sống cúng cho hà bá. Đầu óc ngu xuẩn, tâm địa độc ác thế làm sao đánh thắng  ngoại xâm, làm sao trị quốc ? Trong các nhân vật triều đình -  bằng sự nghi kỵ  đến bệnh hoạn, bằng sự gian manh trong thủ đoạn, bằng bằng sự vô ơn bạc nghĩa với những cận thần giúp mình từ thủa khởi nghiệp, tôi cho rằng xấu xa nhất vẫn là vua Lê Lợi. Liệu đó có phải là sự thực lịch sử ?
Đối ảnh với Lê Lợi, có lẽ là Trần Nguyễn Hãn, người anh hùng trong chiến trận và cả trong đấu tranh chống lại cái ác trong thời bình. Có thể do giới hạn lịch sử, Trần Nguyên Hãn không dám chống lại vua nhưng như vậy không có nghĩa trong tâm tư tuyệt nhiên không có lấy một sợi phản kháng ? Tiểu thuyết sẽ “tiểu thuyết” lên rất nhiều nếu tác giả “tưởng tượng” được sự giằng co quyết liệt giữa cái “ngu trung”…” thần thà đem cái chết để tỏ dạ trung thành với triều đình. Thần đi đây. Hoàng thượng hãy ngồi vứng trên ngai vàng “ với cái tính “bản thiện ” hẳn phải có trong con người Trần Nguyễn Hãn.
Chương “Sóng hận sông Lô” theo tôi là chương hay nhất. Chỉ bằng những chấm phá, tác giả đã dựng lên cả một bức tranh bàn tay lông lá của Hán tặc thò vào cơ thể đất nước ta : “ người nước Minh cậy thế Bùi Đức Lộc bao che đã cưỡng hiếp con gái nhà lành …nhà cửa ruộng nương của người man tộc bản địa xơ xác, tan hoang. Rừng cây bị chặt phá ngổn ngang. Mặt đất lở lói những hố đào quặng nham nhở khắp nơi. Mấy con suối đục ngầu  nhiễm độc vì đãi quặng…”
““Nay ta đã mở rộng thành mạng lưới giăng kín xứ này gồm các thương nhân, đạo sĩ, thầy lang, thầy bói…”
Người đọc phải giật mình, cái bức tranh vân cẩu này đâu phải chỉ có ở thời nhà Lê ! Giặc ngoại xâm đã lấp ló ngoài biên cương là cái thông điệp ai cũng thấy cho thời bây giờ. Nhưng ai sẽ là Trần Nguyên Hãn đứng về phía “man tộc bản địa” chống lại bọn  cường hào ác bá, tay sai cho ngoại bang ? Tác giả không lộ hé một lời giải đấp.
Đọc tới cuối sách, tôi cảm giác như mới chạy marathon qua một chặng đường dài. Giá như tác giả cho người đọc những “chiếu nghỉ” giữa những trang viết. Vĩ đại như vạn lý trường thành vẫn còn có những chặng thành bằng  khi “ngựa nản chân bon”. Nhưng cái chiếu nghỉ ấy như thế nào chỉ có người viết hình dung.
 
Bỏ qua những kỳ vọng nêu trên, “ Sóng hận sông Lô” chắc chắn vẫn được xếp hạng trong kho tiểu thuyết lịch sử Việt Nam. Xin chúc mừng nhà văn Vũ Ngọc Tiến
                                                                                                   Tp HCM ngày  8-8-2013
                                                                                                              Nhật Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog