20 thg 5, 2013

Truyện ngắn nhiều kỳ : CÂY BÀNG LÁ ĐỎ của NGUYỄN TƯỜNG THIẾT


KỲ  CHÓT

Tuổi già không làm khuôn mặt ông hom hem như nhiều khuôn mặt những người tuổi ông tôi đã thấy ở Hà Nội. Mặt ông vẫn giữ được vẻ đầy đặn có thể gọi là tròn trịa. Với cặp mắt húp húp Huy Cận nhìn tôi và bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi: "Cháu Thiết năm nay được bao nhiêu tuổi?". Sau khi tôi nói tuổi của tôi, trầm ngâm hồi lâu rồi ông nói, giọng ngậm ngùi: "Cháu có biết không? Thế là cháu đã già hơn bố cháu bốn tuổi khi bố cháu mất đấy!"
. Rồi ông hỏi tôi về đời sống của tôi, của các anh chị tôi, có những ai còn ở trong nước không và nhất là hỏi thăm anh Triệu mà ông đã san sẻ kỷ niệm dưới tòa nhà 80 Quán Thánh (anh Triệu tôi là con nuôi của nhà văn Khái Hưng). Ông cũng hỏi anh em chúng tôi còn lại bao người. Tôi trả lời chúng tôi còn lại năm. Huy Cận nói: "Bố mẹ cháu có trên mười người con. Cháu có biết vì sao cháu có đông anh em thế không? Mỗi lần bà Nhất Linh mang bầu thì ông Nhất Linh lại nói với tôi là sau mỗi lần sinh đẻ bà khỏe hẳn ra chứ không như những người đàn bà khác ngại đẻ, cho nên có nhiều con cũng là một cách tốt để bả sống lâu.". 

Bố tôi đối xử với bạn bè và những người cộng tác với ông hết sức chân tình. Huy Cận ghi nhận. Ông kể với tôi là ông không bao giờ quên được một đêm đông ông đến thăm bố tôi, thấy ông trên người chỉ có cái áo phong phanh, bố tôi đã cởi ngay chiếc áo lạnh pa-đờ-suy mà bố tôi đang mặc khoác lên người ông và tặng luôn ông chiếc áo lạnh đó. 

Rồi bỗng như lóe ra một kỷ niệm vui, trong cặp mắt húp húp của ông già ấy tôi thấy ánh một nét trẻ thơ: "À, mà chuyện này bà Nhất Linh không biết đâu! Chỉ có tôi với ông Nhất Linh biết thôi! Chúng tôi có san sẻ riêng với nhau câu chuyện về một thiếu nữ. Tôi không biết ông Nhất Linh có mê thật cô ấy không, nhưng ông đặt một bí danh cho thiếu nữ ấy là ‘cô áo trắng’. Bài thơ "Áo trắng" của tôi ông muốn tôi đề tặng ông. Cháu biết không, cô áo trắng là cô Thu trong Bướm trắngcủa ông Nhất Linh đấy.". 

Tôi hỏi Huy Cận là ông có biết bài thơ "Ngậm ngùi" của ông đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và bản nhạc này rất thịnh hành ở miền Nam đến độ với bài "Ngậm ngùi" người nhạc sĩ Phạm Duy đã làm mờ nhà thơ Huy Cận. Ông không trả lời vào câu hỏi nhưng ông nói: "Bài thơ ‘Ngậm ngùi’ có tư tưởng mới lắm nghe! Sáu bẩy mươi năm trước mà tôi đã viết câu ‘anh hầu (chứ không phải em hầu) quạt đây!’. Mới lắm nghe!". 

Tôi nhìn đồng hồ thấy đã nói chuyện với ông gần một tiếng. Trước khi đứng dậy cáo từ, tôi nhìn thẳng vào mắt Huy Cận, tâm tình: "Này chú, cháu có thắc mắc này, và cháu nghĩ biết đâu cũng có những người khác có cùng thắc mắc như cháu, đó là một người, một nghệ sĩ đã từng sáng tác được những câu thơ như chú trong cái thời 1930 ấy, những vần thơ lãng mạn trác tuyệt như thế đến như bố cháu cũng phải cảm mà lấy tên Bèo giạt đặt cho một tác phẩm để đời của mình, một người có cái tâm hồn ấy không thể nào là bản chất của một người cộng sản được." 

Huy Cận ngẫm nghĩ hồi lâu rồi trả lời: 

"Hỏi thật cháu chứ câu này có phải của ông Nhất Linh nói không?" 

Khi tôi nói là không phải và tôi cũng không biết bố tôi có cái thắc mắc như tôi hay không, thì ông không trả lời, chỉ nói nhẹ nhàng: "Cháu nghĩ là người cộng sản không có tâm hồn sao?" rồi ông nói lảng sang một câu chuyện khác. 

Huy Cận tiễn tôi ra cửa. Bàn tay ông run rẩy tra khóa vào ổ khoá chiếc cửa sắt. Chúng tôi ra ngoài hè đường. Chiếc xe taxi đã đậu chờ sẵn dưới bóng một cây sấu. Ông ngoắc tôi đi theo ông đến một hiệu photocopy ở cách đó mươi nhà. Ông làm mấy phóng ảnh đưa tôi. Đó là bốn bức ảnh chụp Khái Hưng, Nhất Linh, Xuân Diệu, Thế Lữ với lời đề tặng Huy Cận của từng người một từ hơn sáu mươi năm trước. Rồi ông và tôi bước trở lại chỗ chiếc taxi đậu. 

Giây phút trước khi tôi lên xe, Huy Cận quàng tay qua người tôi. Tôi cảm thấy bàn tay ông nặng xuống bả vai. Qua giọng nói của ông và qua bàn tay ông truyền vào người tôi, tôi cảm nhận được cái xúc động của ông già 82 tuổi đó, cái xúc động nó rõ ràng là mạnh mẽ hơn một sự ngậm ngùi: "Việc gì anh ấy phải chết. Việc gì bố cháu phải chết..." 

Dọc đường trở về Hà Nội, trên xe buýt cô gái Úc có một lúc rời chiếc ghế ở hàng trên xuống ngồi trên chiếc ghế ngay trước tôi. Khoảng thời gian cô ngồi nói chuyện với tôi, tôi thấy đó cũng là lúc cô tỏ ra thanh thản nhất trong suốt chuyến đi chơi. Tôi được biết cô ta ở thành phố Sydney bên Úc. Cô ta đã để ra ba tháng hè để đi du lịch và đúng như tôi đoán cô ta du lịch một mình không có bạn đồng hành. Nghe cô gái tả về hành trình đã qua của cô tôi ngạc nhiên về cái tinh thần phiêu lưu mạo hiểm của cô và chắc cũng là của nhiều những cô gái tây phương trẻ trung của thế hệ mới này. Chuyến đi bằng đường bộ của cô khởi đi từ thượng lưu sông Dương Tử bên Trung Quốc trong vùng núi Tứ Xuyên. Bằng đường bộ trong một tháng trời cô đi xuôi nam xuống biên giới Việt Hoa, qua ngã Lào Cay cô vào Việt Nam. Hai tuần lễ ở Sapa, cô leo núi Fansipan và sống với người H’mông ở trên núi. Cô ở Hà Nội có hai ngày. Ngày mai cô sẽ rời Hà Nội sớm đáp xe đi qua Lào, qua ngõ Điện Biên Phủ. Chương trình của cô sau đó là băng qua Thái Lan bằng đường bộ và sẽ bay về Úc từ Bangkok. Cô hỏi tôi là tôi đã đi Sapa chưa, tôi nói chưa, cô nói đấy là một nơi rất đẹp của Việt Nam và là một chỗ phải đi. Tôi nói với cô gái Úc: "Thành phố nơi chúng tôi sinh sống, Seattle của tiểu bang Washington, rất giống thành phố Sydney nơi cô ở. Tôi biết như vậy là vì coi TV chiếu thế vận hội mùa hè ở Sydney, đoàn lực sĩ chạy đường trường trên những con đường của thành phố. Tôi thấy Sydney cũng giống như Seattle có rất nhiều cây, rất nhiều nước vì cả hai thành phố đều nằm sát vùng vịnh. Ở bên Úc chúng tôi cũng có nhiều người bạn và họ hàng sinh sống, vì thế chúng tôi sẽ qua thăm đất nước của cô trong thời gian gần đây." Tôi còn nói vợ chồng tôi rất thích đi du lịch và đề nghị khi nào cô có dịp ghé Seattle thì tôi sẽ làm hướng dẫn viên và cô cũng làm như thế khi chúng tôi đến Sydney. 

Cô gái Úc trở lại chỗ ngồi sau khi chúng tôi trao đổi địa chỉ e-mail. Đọc cái địa chỉ mà cô ta ghi cho tôi trên một mẩu giấy, tôi biết được tên cô ta. Bên ngoài xe trời mùa thu miền Bắc chụp bóng tối xuống rất sớm. Về đến gần Hà Nội thì đèn trên xe đã thấy bật sáng, hai bên đường ánh đèn điện vàng mờ trong những hàng quán. Ngoại ô Hà Nội về đêm trông hoang vắng đìu hiu. 

Xe vào trong thành phố. Tôi thấy cô gái Úc đứng dậy nhìn ra ngoài. Cái vẻ nóng ruột hiện rõ trên nét mặt cô. Luôn tay nhìn đồng hồ, cô nhắc lại đến hai bà lần với anh hướng dẫn là nhớ nói với chú tài xế ghé Hồ Gươm cho cô ta xuống trước khi xe đến bãi đỗ. Tôi thấy anh hướng dẫn gật đầu lia lịa, có vẻ chịu đựng như không còn buồn cà khịa với cô tây ba-lô nữa. 

Tôi suy nghĩ. Tôi đã làm hỏng chuyến đi chơi này của cô gái chỉ vì cái nhà thờ Phát Diệm. Tôi đoán trong lúc nói chuyện với tôi hồi nãy sở dĩ trông cô thanh thản chắc là vì lúc ấy cô đinh ninh là sẽ không về kịp Hà Nội nên cô bỏ cuộc thôi không nghĩ đến cái hẹn của mình nữa. Nhưng đến khi xe vào thành phố, xem lại giờ thì chắc là cô nghĩ không đến nỗi nào, và chính vì thế nên cô mới lại nóng ruột. Cái hẹn nào mà quan trọng thế? Tôi tưởng tượng nếu tôi ở vị trí cô ta và tôi cũng trẻ như cô ta. Với cái tuổi đó cái hẹn gì là quan trọng nhất? Có lẽ bị ảnh hưởng bởi những dòng văn lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn, tôi hình dung một câu chuyện tình. Sáng sớm mai cô ta phải rời Hà Nội. Cái hẹn tối nay là cơ hội chót để cô gặp người ấy. Một anh tây ba-lô cũng đi du lịch một mình như cô, người Úc, người Đức, người Mỹ; điều đó không quan trọng, cái quan trọng là hai người đã gặp nhau và hợp nhau. Cô đã quên không lấy địa chỉ của người đó. Nếu lỡ hẹn cô đã mất đi một cơ hội lớn nó có thể làm lệch hẳn đời cô. Vì cô ta cứ nhất định muốn xuống xe ở Hồ Gươm, vậy thì chỗ hò hẹn phải là cái nhà Thủy Tạ thơ mộng kia. 

Khi chiếc xe buýt đến bờ hồ, cô gái bỏ chỗ đứng tiến đến chờ sẵn ở sát cửa. Đến đường Đinh Tiên Hoàng, chỗ đối diện với đền Ngọc Sơn, cô gái Úc ra hiệu xe ngừng. Chiếc buýt đỗ lại bên hè, thả cô gái xuống rồi chạy ngay. Tôi dướn người nhìn qua khung kính. Trên vỉa hè đèn sáng trưng, cô gái Úc vừa đi tất tả vừa lục trong ví sách tay lấy ra một cái gì như tấm vé, trình cho cô gái đứng trước rạp và biến mất vào trong. Rạp hát vắng ngắt. Cảnh vật ban đêm ở chỗ đó khác hẳn quang cảnh tôi đã thấy ban ngày. Tôi nghe mình nói thầm với tôi. Bye bye Christina! Bye... 

Cái mái hiên vòm cong đó giờ đây không còn nữa. Rạp Philharmonique nay trở thành rạp trình diễn Múa rối nước Thăng Long (Water Puppets Show). Những ông tây bà đầm ăn mặc lịch sự và sang trọng kia, hơn nửa thế kỷ sau, được thay thế bằng những anh tây chị đầm ba-lô, quần đùi áo ngắn, đi đứng nghêng ngang hí hửng với chiếc nón cối Việt cộng ở trên đầu. 

 
Seattle, mùa Giáng Sinh 2002 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog