2 thg 5, 2013

GHI CHÉP VỀ MỘT BUỔI HỌP MẶT QUANH BÀN ĂN TRƯA NGÀY 29.4.2013 của HẠ ĐÌNH NGUYÊN



30-4 là ngày kỷ niệm lớn của người Việt Nam, với nhiều ý nghĩa khác nhau và tên gọi khác nhau. Nhưng có lẽ vào ngày này, nên nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát…Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vế thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

Vậy đó là ngày gì, có thể chỉ dùng một từ ngữ được không?  Có người cho rằng, cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần 40 năm, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến. Đó là cuộc chiến không có tiếng súng vẫn tiếp diễn, với những hệ lụy của lòng thù hận chua cay và mâu thuẫn chất chồng, kéo rê qua từng thế hệ và không ngừng những phát sinh mới trong tình thế mới, trong từng thớ thịt của nhân dân. Vì thế mà “Thế lực thù địch” lại có nhiều cách hiểu không giống nhau. Có lẽ không có từ ngữ nào ổn hơn để gọi ngày 30-4: là ngày hòa bình của đất nước, ngày chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài trên toàn cõi ViệtNam.

Lễ 30-4 năm nay không ầm ĩ reo hò như những năm qua, phố xá bình yên với những dòng xe chạy thông thoáng, trên các kênh truyền hình tin đưa về ngày lễ cũng chừng mực. Không gian thành phố có màu xanh của cây lá nhiều hơn màu đỏ. Nguyên nhân nào? Do tác động của cơn suy thoái kinh tế đang đến hồi nghẹt thở? Do cuộc đấu tranh nội bộ nghiệt ngã sắp diễn ra vào tháng 5 tới? Hay do trạng thái cái nhìn về lịch sử đã có bình tĩnh hơn?
Trưa 29-4-2013, chúng tôi, gồm một số công dân thuộc diện “suy thoái” (theo cách ám chỉ của TBT Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng) đã gặp nhau trong một góc phố (TP HCM), tại quán Trịnh, trong bữa cơm trưa thanh đạm, không nhằm mục đích để hò reo vui mừng, không để khóc than hay thù hận, cũng không nhằm mưu đồ hay lợi dụng một điều gì, mà chỉ để tham gia chia sẻ về một tình tự dân tộc của cái ngày rất khó gọi tên này.
Suy nghĩ vế chuyện chung, vốn là trách nhiệm và thẩm quyền của mọi công dân trước tình hình đất nước.
Anh Huỳnh Tấn Mẫm vừa rời cuộc đại lễ mà anh được Thành phố mời dự. Anh nói có 2/3 buổi lễ là văn nghệ, sau đó là những diễn văn… và anh vội vàng đến đây để gặp mặt với những người “cùng suy thoái”. Sau đó anh Trần Quốc Thuận và anh Lê Công Giàu kể về chuyến đi thăm Trường Sa, do Thành phố mời đi. Chuyện kể thật là cảm động về các chiến sĩ giữ đảo, về những cố gắng mà Nhà nước đã đầu tư và trang bị. Những đồng tiền được chắt chiu quý báu, có thể làm nhỏ lệ khi so với những con số khủng của tham những và thất thoát. Tuy nhiên có điều khá buồn, là từ những người lính cho đến sĩ quan đều “thầm thì” không dám gọi tên những kẻ thù đã chiếm đảo. Kẻ thù như những bóng ma ẩn khuất, trong khi chúng lù lù ra đấy. Trong chuyến hải trình ngắn ngủi, các anh đã gặp hai chiếc “hải giám” của đối tượng mà ta không dám gọi tên. Và khi các anh kéo nhau ra boong để chụp hình tàu “hải giám” thì liền bị nhắc nhở, vì “trên” sợ “tàu lạ” hiểu lầm phía Việt Nam “khiêu khích”!
Vì vậy, phải chăng điều tiên quyết cần có ở Trường Sa là nâng cao ý chí chiến đấu cho những người đang đứng đầu sóng ngọn gió trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Không chỉ đích danh kẻ thù, thì mũi súng chĩa vào đâu? Vũ khí rất hiện đại, nhưng bài học ViệtNamlà bài học về ý chí và bản lĩnh của người cầm súng dám “CẢM TỬ cho Tổ quốc QUYẾT SINH”.
Sau khi kể những chuyện thật cảm động về người lính đảo, luật sư Trần Quốc Thuận nghẹn ngào nói một điều khiến mọi người lặng đi: Đứng trước tượng đài kỷ niệm các anh hùng liệt sĩ của binh chủng hải quân đã dũng cảm hy sinh trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược, khi các anh cúi đầu mặc niệm, thì người ta đã trang trọng đọc tên nhà tài trợ đã bỏ ra hơn 9 tỷ để xây nên đài kỷ niệm này. Anh Thuận cho rằng, ghi công nhà tài trợ là đúng, nhưng không nên đặt ngang hàng tên nhà tài trợ với tên các anh hùng liệt sĩ. Anh xúc động nói: “Tôi không thể cúi đầu trước mấy tỷ đồng được, cho dù đó là đồng tiền đáng quý. Máu xương của anh em ta đổ ra làm sao lại đem cân đong đo đếm với đồng tiền tài trợ! Cần phải sửa ngay sự xúc phạm đến anh linh các liệt sĩ!”. 
Ảnh: Lê Công Giàu
Ảnh: Lê Công Giàu
Sau đó, buổi cơm trưa chuyển sang những chủ đề khác. Không có ai là thuyết trình viên, không có ai làm thư ký, không ai làm chủ tọa, và không vấn đề nào được kết luận. Những công dân “suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống”, gặp nhau trong quán cơm hôm nay để được “tự do”, được “chuyện trò” những đề tài “không được khuyến khích”. Nhưng đó là những vấn đề của mọi công dân đang phải đối diện:
-   Sự hòa hợp và đoàn kết dân tộc.
-   Chủ quyền dân tộc trước sự đe dọa của Bắc Kinh.
-   Một xã hội dân sự cho một ViệtNamtất yếu phải đổi mới.
“Ăn cơm nhà, vác ngà voi”! Một đất nước sẽ tốt hơn lên khi có nhiều người dân sẵn sàng vác ngà voi.
Chúng tôi mong muốn có sự chia sẻ sâu rộng về những chủ đề này. Vì vậy mới có mấy dòng ghi vội trên đây.
H. Đ. N      (BAUXITE VIET NAM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog