18 thg 5, 2013

TRUYỆN NGẮN NHIỀU KỲ : CÂY BÀNG LÁ ĐỎ của nhà văn NGUYỄN TƯỜNG THIẾT

                      KỲ  4 :

Đồn xa quằn quại bóng cờ 
Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về. 
(“Chiều xưa” - Huy Cận) 
 
Thốt nhiên tôi hiểu vì sao bố tôi yêu hai câu thơ ấy. Bằng vào một cảm nhận có tính cách linh liêng hay bằng vào một thứ cảm quan có mang di truyền tính, tôi không biết, nhưng tôi trông thấy giống như ông đã trông thấy, qua hai câu thơ, cái quằn quại của tâm hồn ông và cái hồn xưa hiện về ám ảnh ông khôn nguôi. 


Tôi nhìn thấy ông quằn quại lựa chọn giữa những cái phải làm có tính cách vĩnh cửu với những cái phải làm có tính cách cấp thiết, cái quằn quại giữa con người văn nghệ và chính trị, giữa tâm hồn nghệ sĩ và tâm hồn cách mạng, giữa hai con người nhập một của ông. 

Giờ đây nhìn lên cái mái ngói kia tôi thấy bàng bạc cái hồn xưa hiện về. Dưới mái nhà đó đã có những con người cùng có những trái tim rung động như nhau, cùng chia sẻ những kỷ niệm thần thánh nhất của cuộc đời mình, cùng nhau tạo dựng được cả một vùng trời văn học. Rồi bỗng thoắt - vào cái thời điểm mà chiếc xích lô chở mẹ con tôi đến căn nhà đó - tan hàng đứt gánh “anh đi đường anh tôi đường tôi” và hơn thế nữa thuộc hai khối lạnh lùng giết hại lẫn nhau, nhân danh lý tưởng. Thất tinh của Tự Lực Văn Đoàn, trừ một Thạch Lam đã ra đi trước, sau năm 1945, tách làm hai đều nhau ba người theo hai bên bờ khác nhau của Giòng sông Thanh Thủy, của Giòng sông Bến Hải, hai tác phẩm cuối đời của bố tôi, một đã hoàn tất một còn trong dự tưởng. 

Tôi còn giữ một số trang bản thảo của tác phẩm dự tưởng ấy. Cuốn truyện dài mang tên Hai con mắt bố tôi chưa viết được bao nhiêu nhưng trong mấy trang đầu đã thấy Thanh và Ngọc, câu truyện của các nhân vật Giòng sông Thanh Thủy được tiếp tục. Tôi nhớ là Hai con mắt sau được bố tôi đổi thành Giòng sông Bến Hải, nhưng tài liệu này đã bị thất lạc sau biến cố tháng Tư năm 1975. Nếu trong Giòng sông Thanh Thủy bố tôi dẫn đầu cuốn truyện bằng một lời của Pascal: “Bên này dẫy núi Pyrénées là sự thực, bên kia là sai lầm”, thì ở trong tác phẩm dự tưởng Giòng sông Bến Hải, mở đầu có hai câu thơ sau đây của bố tôi, cũng là hai câu thơ chót của đời ông: 
 
Cùng nguyền giữ tấm lòng Nhân 
Tình yêu Tổ Quốc, tình thân Bạn Bầy. 
(Nhất Linh 24-1-1961) 
 
“Trong hương trầm của đêm 30 Tết và mắt mờ đi vì thương cảm những người cũ đã khuất hoặc mất tích... tôi có mấy lời cảm xúc này - và cũng là chúc thư luôn thể - với một bài thơ để gửi các anh em cũ (bất cứ từ khu nào)... 

Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm công việc mình đã làm tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực Văn Đoàn và công việc sáng tác...” 

(Nhất Linh - 2 giờ sáng, mồng 1 Tết năm Quý Tỵ 14-2-53) 

Đứng ở gốc cây bàng nhìn toà nhà 80 Quán Thánh, cũng như bố tôi năm nào trong hương trầm của đêm 30 Tết, mắt tôi cũng mờ đi vì thương cảm. Bố tôi đã ra đi được non 40 năm. Thất tinh của Tự Lực Văn Đoàn nay tụ hội đầy đủ ở thế giới bên kia, biết đâu anh linh còn vương vấn bên kia đường, dưới cái mái ngói thâm nâu của tòa nhà cổ kính kia. 

Rời Phát Diệm chiếc xe buýt trở lại Ninh Bình. Theo chương trình xe còn đi Hoa Lư thăm đền vua Đinh Tiên Hoàng và đền vua Lê Đại Hành trước khi trở về Hà Nội. Đi qua Hoa Lư chị Thoa tôi quay sang tôi nói: “Em nhớ hồi nhỏ mình học thơ lịch sử không, giống như Bà Trưng quê ở Châu Phong..., Đến Hoa Lư lại nhớ đến câu Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh. Con quan thứ sử ở thành Hoa Lư. Khác thường từ thuở còn thơ. Rủ đoàn mục thụ mở cờ bông lau. Mình học thơ sử từ hồi còn bé thế mà mãi đến giờ mới được thăm ông Đinh Bộ Lĩnh và cố đô Hoa Lư.” Tôi nói: “Còn những bài hát về lịch sử như bài Bóng cờ lau của Hoàng Quý, hồi bé hát nhiều thế bây giờ chả nhớ được gì. Em chỉ nhớ là nhạc của Hoàng Quý nó tươi mát và trẻ trung lạ thường! à này, chị có biết cậu thích nhạc của ai nhất không? Cậu mê nhất là nhạc Đặng Thế Phong. Sau đó là Văn Cao. Thứ nữa mới đến Phạm Duy. Nhưng cậu thích lời nhạc Phạm Duy. Cậu mê cái câu này. Người về ấm lũy tre xanh...Cậu nói sao mà hay thế! Em tiếc là chưa được gặp ông Phạm Duy. Nếu gặp thế nào em cũng nói với ông ta như thế!" 

Xe dừng ở một bãi đậu cách Đền một khoảng xa. Khách trên xe chưa bước xuống thì như ong vỡ tổ một đám đông những người bán hàng đã ồn ào kéo tới. Họ bám theo đám khách du lịch suốt dọc con đường nhỏ dẫn đến Đền Vua. Những đứa bé bán kẹo, những cô gái bán nước uống, những bà già bán bánh trái kèo nài mời mọc. Biết là nhắm vào khách ngoại quốc không ăn thua gì, đám bán hàng chỉ tấn công vào đám người Việt. Nhìn những đứa bé lem luốc và những bà già áo quần sờn rách tôi thấy cái nghèo khó của vùng quê miền Bắc, cái nghèo khó như bị ướp nguyên từ cả trăm năm nay, tương phản với đời sống những nơi thị tứ tôi đã đi qua. Chị tôi mua mấy thứ, vì tội nghiệp mà mua, chứ tôi biết những thứ đó chị tôi cũng sẽ đi cho chứ không ăn được. Tội nghiệp ông già Việt kiều và bà vợ đầm. Hai người không đi được nữa vì bị bu quanh, phải rớt lại phía sau. Hai tay ông già đầy bánh trái không còn chỗ nào để cầm nữa, dưới nách còn cặp thêm chai nước, mà đám con nít vẫn không buông tha. Vì số người bán quá đông mà người mua ít tôi đọc thấy sự thất vọng trên khuôn mặt của những người không bán được hàng. Nhất là hình ảnh bà già đứng ở ven đường, một bà già răng nhuộm đen của một thời xưa, bà xuất hiện như thể vừa ngoi lên từ trong vùng sâu quá khứ của tôi. Khăn vấn, áo cánh trắng, chiếc quần đen bạc thếch, khuôn mặt nhăn nhúm, bà giơ hai bàn tay về phía trước. Sức nặng của thời gian làm lưng bà còng xuống. Rõ ràng bà chìa tay không phải ăn xin. Bà ta bán hàng. Nắm kẹo vừng lẩy bẩy trên lòng bàn tay. Nhưng bà không tranh được với những thằng bán kẹo xông xáo, bà bị đẩy lui về phía sau. 

Phía bên tay mặt cái cổng vào đền là một hàng chữ khắc trên đá đen "Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng". Qua cổng đền du khách chia làm hai nhóm đi theo anh hướng dẫn viên nói tiếng Anh và cô thâu ngân giải thích bằng Việt ngữ. Tôi không đi theo nhóm nào, tôi lấy máy hình chụp ảnh anh chị tôi trong tốp người Việt theo cô thâu ngân. Phía trong cùng của ngôi đền là tượng của Đức Vua đặt trong một gian tối mờ mờ, giữa những cây cột gỗ lim đen bóng và mùi hương trầm phảng phất. Hai bà du khách mặc áo gấm đốt nhang và xì xụp khấn, dưới ánh chớp lóe của những chiếc máy ảnh từ phía du khách ngoại quốc. Tôi thấy chiếc áo dài gấm của hai bà trông không kệch cỡm như khi đi thuyền sáng nay nữa, mà trái lại rất thích hợp trong khung cảnh này. 

Trong khi hai hướng dẫn viên giải thích về lịch sử vua Đinh Tiên Hoàng tôi thơ thẩn đi dạo quanh, tôi nhìn cái sân rộng dưới chân với những viên gạch Bát Tràng nâu đã thâm bóng lại và thời gian đã làm mòn trũng đi ở giữa những viên gạch. Trên sân, những bông hoa giấy đỏ thắm trồng trong những chậu sành lớn. ở ngang hông đền thờ một cái cửa nhỏ khoét trên bức tường thành, qua cánh cửa mở là cánh đồng lúa chín vàng rực ở bên ngoài. Tôi tiến về phía cửa. Bên ngoài vắng ngắt không một bóng người. Cánh đồng lúa trải ra bát ngát, một con trâu gầy gò đang gặm cỏ ở gần và mùi lúa chín thoảng về làm sống dậy khứu giác tôi cái mùi quê đồng cỏ nội của thời quá khứ xa xưa. Ngay khi tôi toan quay trở vào đền, tôi chợt thấy ngay gần tôi, sát phía ngoài của bờ tường một bà già đang ngồi gục ngủ, cái nón lá bên cạnh. Tôi không biết có phải bà bán kẹo mà tôi đã thấy trước khi vào đền hay không nhưng áo quần bà mặc và cái đầu tóc vấn thì giống hệt. Thốt nhiên tôi lặng người. Hình ảnh bà già ấy đúng là hình ảnh của mẹ tôi, đầu vấn khăn, chiếc áo cánh trắng, chiếc quần lĩnh đen, đang cúi xuống chà chà cho sạch những miếng cau khô ẩm bị xanh mốc. Cái hình ảnh quen thuộc đó của bà nó ăn vào ký ức tôi từ thời tấm bé, từ căn nhà 15 Hàng Bè Hà Nội cho đến 39 Khu chợ An Đông Sài Gòn. Bao nhiêu năm tháng qua, bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, ngay sát cạnh cái đời sóng gió tơi bời của bố tôi, bà cứ lui cui cúi xuống vân vê chăm sóc những hạt cau khô từng hạt từng hạt không rời, xem chúng như những hạt quý nuôi dưỡng chúng tôi. Hai mươi năm qua từ ngày mẹ tôi mất hình ảnh của tôi về bà bao giờ cũng là hình ảnh buồn bã, cái buồn bã như thấm đọng vào đời bà, như thấm sâu cả vào trong tiếng cười ròn của bà nữa. 

Một buổi trưa tôi nằm ngủ lơ mơ trong căn gác ở chung cư chợ An Đông. Trong giấc mơ ngắn ngủi của tôi có tiếng khóc nức thảm thiết khiến tôi choàng dậy. Tiếng khóc như vừa xuyên thủng giấc mơ vì khi tỉnh giấc tôi còn nghe rõ tiếng khóc nức ấy đưa lên từ nhà dưới. Tôi nhẩy hai bước một xuống cầu thang. Dưới nhà, trên tấm giường phản gỗ, mẹ tôi đang cười ròn tan, cười chẩy cả nước mắt vì mắt bà đỏ hoe! Mẹ tôi vừa cười vừa vỗ vỗ lên vai bà khách: "Giời! Lâu quá mới gặp lại bà! Dễ từ cái thời ở Hà Nội. Gặp nhau nói chuyện cũ với bà, ôi sao vui quá!". Mẹ tôi ngừng nói khi trông thấy gương mặt thảng thốt của tôi. "Trời, mợ cười mà con cứ nghĩ là mợ khóc, làm con hết hồn!". Mẹ tôi quay sang bà khách: "Đấy, đứa con út của tôi đấy! Bố nó thương nó nhất nhà. Lúc bố nó chết, có bao nhiêu sách bố nó giao cho nó hết. Tôi chỉ sợ sau này nó cũng đến khổ như bố nó thôi...". 
 
Ví mà tôi đổi thời gian được 
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười 
(Thơ Trần Thiện Đạo) 
 
Nhìn trước sau không có ai, tôi lấy ví tiền rút ra mấy tờ giấy bạc lớn rồi sợ bà già thức giấc tôi rón rén bỏ tiền vào trong chiếc nón lá. Khi tôi quay trở vào trong thì vừa vặn đám du khách cũng đi ra về phía cổng đền. 

Chiếc xe taxi bỏ Hồ Hoàn Kiếm rẽ qua phố Tràng Thi. Xe đi vào khu phố tây của Hà Nội. Nó khác khu phố cổ ở những vỉa hè rộng, những cây sấu cao to thay thế những cây dâu da xoan thấp bé và những biệt thự màu vôi vàng y nguyên từ thời thuộc địa thấp thoáng qua những hàng rào sắt chạy dài dọc theo vỉa hè. Đến đường Điện Biên Phủ tôi bảo tài xế chạy chậm cho tôi dò tìm số nhà. Xe ngừng, tôi dặn anh tài xế đúng một giờ sau trở lại đón tôi ở đấy. 

Ngày hôm trước đứng dưới gốc bàng nơi ngã tư Quán Thánh - Hàng Bún tôi sực nhớ tới một người. Dưới mái nhà kia người đó đã từng san sẻ nhiều kỷ niệm với bố tôi, là người mà có thể tôi đã gặp trong toà nhà đó năm mươi sáu năm trước mà vì còn quá nhỏ tôi không nhớ, là người duy nhất đang ở thành phố này có thể giúp tôi làm cây cầu nối liền quãng thời gian gần bẩy mươi năm, khoảng cách giữa hai lần bố con tôi cùng nhìn về cây bàng này. Trở về khách sạn tôi quay điện thoại xin gặp nhà thơ Huy Cận. 

Sau khi tự giới thiệu là con của nhà văn Nhất Linh từ nước ngoài về muốn đến thăm ông, ở đầu dây có tiếng thốt lên mừng rỡ bằng một giọng rất nặng Huế: "Có phải anh là anh Triệu không?" ( "Không, cháu là em của anh Triệu." (Tôi nhớ ngay đến bài thơ "Tựu trường" của Huy Cận 1938 với lời đề "Tặng em Triệu"). Nhà thơ nói với tôi là đúng hai giờ trưa mai ông có thể tiếp tôi một tiếng đồng hồ tại tư gia. Ông còn nói là mặc dù có tuổi ông vẫn còn làm việc ở Nhà Văn hóa và thời gian đó là thuận tiện nhất cho ông. 

Nhìn đồng hồ tay tôi thấy mình đến sớm 10 phút. Nhớ tới lời dặn của ông tôi chờ bằng cách tản bộ trên vỉa hè rộng của khu phố tây. Buổi sáng nay Hà Nội rào rào một trận mưa lớn. Tôi đi dưới hàng cây sấu cao. Sau trận mưa ban sáng những chiếc lá xanh trở nên đậm màu hơn và trên vỉa hè, trên mặt đường phủ lên môt lớp hoa sấu vàng mỏng. Vỉa hè còn ướt nhẹp nước mưa. Tôi giẫm đi trên hoa sấu nhỏ li ti những cánh hoa vàng nhạt mỏng manh mọng nước. 

Đó là một toà nhà quét vôi vàng nhạt với kiến trúc cổ, trước nhà một cánh cổng sắt sơn màu xanh lá cây. Đúng hai giờ một ông già dáng đi nặng nề từ trong nhà bước ra tay cầm chùm chìa khóa tra vào ổ cánh cửa sắt. Cửa mở. Trước mặt tôi là Huy Cận. Trước mặt tôi là tác giả câu thơ "Bèo giạt về đâu hàng nối hàng..." bố tôi đã trang trọng viết trên trang đầu bản thảo cuốn Xóm Cầu Mới (Bèo giạt) mà tôi đã nâng niu cất giữ trong suốt 40 năm qua. 

Huy Cận hướng dẫn tôi vào nhà qua một lối đi lát gạch có đặt nhiều chậu cây kiểng. Trong phòng khách ông tiếp tôi có treo trên tường bức tranh vẽ chân dung nhà thơ Xuân Diệu. Trên một cái tủ đen có trưng hai bằng tưởng thưởng lồng trong khung kính, qua hàng chữ đỏ lớn tôi đọc thấy "Huân chương Độc Lập" và "Giải thưởng Hồ Chí Minh". Ngồi xuống ghế, tôi nói ngay với ông cái mục đích rất giản dị của tôi là xin được gặp ông để nghe ông nói về những kỷ niệm ông đã có với bố tôi. Tôi xin ông không nói chuyện chính trị bởi vì giữa ông và bố tôi đã đi trên hai con đường khác nhau mà cả hai bên tôi nghĩ đều rất hãnh diện về sự lựa chọn của mình. Xem ra ông cũng đồng ý với tôi trên căn bản đó

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog