14 thg 5, 2013

Truyện ngắn nhiều kỳ : CÂY BÀNG LÁ ĐỎ của nhà văn NGUYỄN TƯỜNG THIẾT

KỲ  2 :

Hai bên vệ đường loáng thoáng rải rác những căn nhà bé thấp mái ngói xưa cũ, những cây bàng cành lá tiều tụy, những chiếc lá xơ xác bám phủ bụi đường mất đi cái màu lá xanh bóng bẩy của những cây bàng trong thành phố, những hàng quán vắng trần trụi trên xe nhìn thống qua nhà những chiếc bàn ghế gỗ xiêu vẹo, trước quán những bảng chữ quen thuộc tôi thấy cùng khắp miền ngoại ô Hà Nội. Thịt chó. Cơm phở. Bia hơi. Chiếc buýt xuôi nam theo quốc lộ một, vượt qua một cái mốc thấp màu trắng ven đường. Phủ Lý 62 cây số. Sau những căn nhà thấp, những hàng tre bờ ao đã thấy xuất hiện và ở xa nữa cánh đồng lúa đã bắt đầu mở ra. 


Trên xe đám người yên lặng. Sau đêm Trung Thu thức khuya mấy người trong bọn tôi gật gưỡng. Tôi nhìn quanh xe. Nhìn thoáng thì trên xe chỉ có hai nhóm, nhóm người Việt thưa hơn nhóm ngoại kiều. Nhưng qua cách ăn mặc tôi thấy ngay nhóm người mình cũng xếp thành hai: "Việt kiều" gồm chúng tôi và một cặp rất trẻ. Nhóm kia là khách du lịch trong nước; đặc biệt trong số có hai bà đứng tuổi không thể lẫn được là dân địa phương: hai bà đi chơi mà cứ như đi dự dạ hội, mặc áo dài gấm, thứ áo mà xưa kia tôi chỉ thấy mẹ tôi mặc trong những dịp lễ tết. Đến Ninh Bình tôi lại khám phá ra là còn có thêm một tốp thư tư nữa, chỉ có hai người thôi, nhưng đó là chuyện sau. 


Cô thâu ngân vừa rời hàng ghế đầu tay lần vịn thành ghế đi về phía chúng tôi. Cô ngồi xuống một trong hai ghế trống ở băng trước (ghế trống chắc thuộc về một cặp đã giận dỗi bỏ không đi từ đầu), hướng về anh tôi ý muốn thâu tiền. Anh tôi móc nguyên bó tiền cô giao ban sáng, lấy lại 25 đôn, rồi đưa cô ta số còn lại: "Còn tiền này tôi sẽ đưa cô sau khi đến Phát Diệm. Sau chuyện sáng nay bây giờ thì tôi không còn biết tin ai!". Mặt phụng phịu, cô thu ngân nài nỉ: "Thôi mà, cô chú bồi duỡng chúng em tí chút, chúng em xin cám ơn!". Anh tôi cười (chắc vì cái từ lạ tai cô ta dùng), giao nốt số tiền cho cô ta: "Tôi bồi dưỡng cô chứ có ai bồi dưỡng cho tôi đây!". Cô gái về ghế, tôi nói với anh tôi: "Này anh Việt, bọn này nghi lắm! Hãng xe thì không biết là xe này đi Phát Diệm rồi. Ba cô chú này chắc cấu kết với nhau để chia chác ăn lẻ số tiền đi Phát Diệm của tụi mình. Hai mươi lăm đôn cũng ngon lắm! Có thế tụi nó mới bắt xe chờ nửa tiếng để thương lượng và nài tụi mình đi bằng được."
 

Ở băng trên có người nói to tiếng. Rồi cô tây ba-lô đứng dậy. Bằng một giọng Anh ngữ lạ tai mà tôi ngợ là từ Úc châu, cô ta nói to với anh hướng dẫn tour than phiền về cái máy lạnh trên xe, hơi lạnh cứ nhè vào gáy cô ta mà thổi làm cô ta rét run. Bấy giờ tôi mới để ý là cái máy điều hoà không khí trên xe đã làm việc sốt sắng quá độ mà cô ta thì lại mặc đồ short, lạnh là phải. Anh hướng dẫn loay hoay đứng điều chỉnh cái núm ở trên cao để hướng luồng gió lạnh về phía khác, nhưng sau mười phút vật lộn với cái núm, anh ta bỏ cuộc. Hơi lạnh tiếp tục phì phà vào gáy cô gái Úc làm mấy sợi tóc tơ của cô bay tạt đi. Anh hướng dẫn chỉ vào cái ghế trống trước mặt tôi, đề nghị cô ta đổi chỗ ngồi. Nhưng cô gái Úc nhất định không chịu rời ghế, cứ ngồi đó mà chịu rét và tiếp tục cằn nhằn to tiếng với anh hướng dẫn, lôi cả câu chuyện ban sáng ra nói. Tôi nghe anh "tua gai" đáp lại bằng cách văng tục cũng to tiếng không kém nhưng cố nhiên bằng tiếng Việt Nam: "Đ... mẹ mày! Hôm nay đúng là ngày ông ra ngõ gặp gái..." 

Cô gái rất trẻ. Chắc khoảng hai mươi. Hàng ghế cô ta ngồi có ba người, hai người kia là một cặp vợ chồng già. Tôi đoán cô ta đi du lịch một mình. Nhìn nghiêng tôi thấy má cô ta có nhiều tàn nhang, khuôn mặt gẫy, mái tóc vàng sợi tóc rất nhỏ như tơ, phía sau gáy tóc buộc túm bằng sợi cao su. Chặp sau cô ta ngồi yên, tiếp tục đọc một cuốn sách dầy, bìa cứng, như một cuốn tiểu thuyết. Nhưng cô ta dường như không đủ kiên nhẫn để đọc lâu, chốc lát lại ngửng lên, ngó lung ra ngoài xe, nhìn đồng hồ tay, tiếp tục đọc thêm được chừng trang sách, rồi lại ngửng lên nhìn đồng hồ tay. Cứ thế! 

Xe qua Phủ Lý. Trung tâm thị xã những biệt thự khang trang là những công sở mới xây cất mái ngói còn nguyên màu đỏ tươi. Xe lướt qua Kho bạc Nhà nước, tòa nhà đồ sộ tôi thấy hiện diện ở tất cả các trung tâm những thị xã tôi đã đi qua từ nam ra bắc. Tôi nhớ câu nói tiếu của một người họ hàng: "Ở cái xứ sở này cái gì cũng thuộc về nhân dân hết, duy chỉ có kho bạc thì nhất trí phải là của nhà nước!". 

Phía xa sau những căn nhà của thị xã là một dải xanh của rặng núi vôi Ninh Bình, những khối màu lam lớp thẫm lớp nhạt đè chồng lên nhau vắt ngang chân trời. Cái màu xanh lam ấy đã ăn sâu vào ký ức tôi. Hơn năm mươi năm trước chúng tôi đã chạy loạn qua miền núi Ninh Bình để đến tạm cư ở Phát Diệm. Chiếc thuyền xuôi nam theo giòng sông Đáy đi giữa những rặng núi vôi ấy. Chúng tôi năm anh chị em, hướng dẫn bởi người chị cả lúc đó mới hai mươi tuổi đầu. Bố chúng tôi bôn ba sang Tàu, mẹ chúng tôi và người anh cả bị Việt Minh vây bắt ở phủ Thường Tín. Trong khung cảnh tan hoang ấy thằng bé 7 tuổi nhởn nhơ thò tay nghịch nước ở mạn thuyền và nhìn những rặng núi lam hùng vĩ và đẹp như cảnh thần tiên. Thuyền mơ trên giòng sông vắng... Buồn in bóng... trên ngàn dâu xanh... Núi lam khuất sau ngàn cây... Như bức tranh chiều lắng tơ xây mộng vàng... (Thuyền mơ - Dương Thiệu Tước) . 

Gần trưa, chiếc buýt đáp vào một bãi đậu xe rộng bên cạnh một bến nước với rất nhiều quán lá mở ra trước mắt một khung cảnh vừa hùng vĩ vừa mộng mơ trong lòng rặng núi đá Ninh Bình. Mọi người trên xe vội vã quẳng đồ tùy thân trên những cái bàn dài trong quán, xếp hàng đứng đợi trước hai cái W.C. Lúc tôi trở lại quán thì một đám người bu quanh bàn. Giọng của cô gái Úc cất cao, đầy tức tối. Cô giơ tay phân bua là cô mới để cái ba-lô và chai nước suối ở trên bàn, cô vào W.C. lúc ra cái chai nước đã biến mất! Xem ra đám người bu quanh chắc chỉ biết là cô ta tức tối mà không biết cô ta tức tối cái gì. Thấy cô thâu ngân chạy lại, cô gái Úc trút hết căm phẫn vào cô ta, xổ ra một tràng. Trong khi đó ở ngay bàn bên cạnh, một bà trong số khách du lịch trên xe, bà mặc áo dài gấm, thản nhiên ngồi uống một chai nước lọc. Cô thâu ngân, với giọng nhỏ nhẹ lễ phép, hỏi bà là chai nước bà uống có phải là của bà ấy mang theo không. Bà ta trả lời là không, bà tưởng là chai nước để trên bàn ăn thuộc về nhà hàng nên cứ tự tiện lấy uống. Sau khi được biết là chai nước của cô gái Úc, bà còn nói là từ nẫy giờ đứng cạnh nghe cô đầm la lối mà cứ thắc mắc hoài không hiểu chuyện gì. Cô thâu ngân sai anh hướng dẫn vào quán mua một chai nước lọc mới nguyên hoàn lại cho cô gái Úc và chuyển lại lời xin lỗi của bà uống nhầm chai nước. Cô Úc mặt vẫn hầm hầm, không nhận chai nước, nói chai nước này phẩm chất không bằng chai nước của cô mua ở Hà Nội, hiệu La Viande, nhập cảng; còn chai nước anh hướng dẫn đưa là nhãn hiệu La Vie, sản phẩm nội địa. Anh "tua gai" nhìn tôi lắc đầu, lại văng ra một câu chửi tục, lần này còn "dữ dội" hơn là câu anh đã văng ra ở trên xe. 

Năm chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Ngồi cạnh tôi là một cặp mà trên xe tôi không để ý đến. Một cặp vợ chồng già, có lẽ nhiều tuổi nhất trong số khách trên xe. Người vợ nói chuyện với chồng bằng tiếng Pháp giọng nhỏ nhẹ và nói rất nhanh, nghe líu ríu như giọng trẻ con. Người đàn ông gương mặt Á châu, nom như người Nhật Bản. Bà kia chắc phải là người Pháp. Người chồng cầm đũa rất thạo, ông gắp luôn tay cho vợ. Tôi nhìn rõ cái đũa run rẩy trong bàn tay già nua. Người vợ vừa ăn vừa cười lúc cúc trong miệng, thỉnh thoảng lại rúc vào vai ông già nói khẽ vài lời nhỏ nhẹ nghe như tiếng chim sẻ kêu. Sự thân mật đầm ấm của cặp vợ chồng già trông cảm động. Nó nhô hẳn lên cái sự tương phản với nhiều cặp rất trẻ trong chuyến du lịch này. Cuối bữa ăn, ông quay mặt về người dọn bàn nói vài câu, lúc đó tôi mới biết ông ta người Việt. Bằng một giọng nói rất chậm của một người đã lâu lắm không có dịp dùng tiếng mẹ đẻ và với một giọng Hà Nội của một thời rất xưa cũ, ông yêu cầu một món ăn tráng miệng cho người vợ đầm của ông. Tôi bắt chuyện với ông ta và được biết ông sống ở Marseille bên Pháp đã trên 60 năm và đây là chuyến hồi hương đầu tiên của ông. Tôi cảm thấy như vừa có một người bạn đồng hành cùng đi trong chuyến hành hương tìm về quá khứ của mình. 

Ăn trưa xong tất cả ra bến xuống thuyền đi theo một nhánh nhỏ của sông Hoàng Long thăm ba cái động được gọi là Tam Cốc. Những chiếc thuyền nan nhỏ như chiếc lá liễu chỉ chở được một cặp. Thường thì cặp là vợ chồng hoặc bồ bịch. Chỉ những người đi riêng lẻ mới được xếp chung với nhau. Điều rắc rối và khó hiểu là những người tổ chức sắp xếp cứ nhất định bắt ly gián cặp vợ chồng già. Bà đầm Pháp gần như bị lôi xuống thuyền ngồi chung với cô gái Úc, trong khi ông già Việt lại bị cặp với một người trong bọn tôi. Tội nghiệp bà già, bà sợ hãi run rẩy cưỡng không chịu xuống thuyền. Còn ông chồng thì cực lực phản đối, nói là nếu không xếp ngồi cùng thuyền thì vợ chồng ông sẽ không đi. Sau cùng một người đứng tuổi chạy tới nói: "Người ta vợ chồng xếp cho người ta ngồi chung thuyền đi". Ông già lẩy bẩy ôm lấy vợ, tôi nghe ông nói nhỏ bằng tiếng Pháp với bà, thứ tiếng mà tôi còn hiểu được nghĩa những câu thông thường: "Em đừng sợ. Có anh đây. Anh không để chúng nó chia rẽ chúng mình đâu!". 

Trong suốt chuyến đi Tam Cốc tôi cứ bị ám ảnh bởi cặp vợ chồng bị ly gián và thắc mắc tại sao những người xếp thuyền lại cố tình không muốn họ ngồi chung một thuyền. Chiều hôm đó, trên chuyến xe buýt trở về Hà Nội tôi có hỏi người bạn của anh tôi, là dân địa phương, thì được anh cho biết là khi những chiếc thuyền lá ra sông phải đi ngang một trạm kiểm soát và bị đánh thuế: nếu trên thuyền có một người ngoại quốc thì thuyền bị đánh thuế cao, còn thuyền có người Việt thì đánh thuế thấp vì được xem như là khách du lịch trong nước. Những người tổ chức dịch vụ du lịch thu giá đắt đối với Việt kiều vì coi họ như người nước ngoài, nhưng khi đóng thuế thì tìm cách để xếp họ là người trong nước để hưởng thuế nhẹ. Việt kiều "yêu nước" bị móc túi hai lần! 

Mấy chục chiếc thuyền lá liễu lướt đi trên con sông cạn, nhiều đoạn sông thu lại nhỏ như một con lạch, len lỏi qua cánh đồng lau sậy, rồi mở ra trước mắt cánh đồng lúa vàng bát ngát, trên cánh đồng mêng mang đó lác đác đó đây sững lên như có ai cắm vào những khối núi đá xanh lam. 

Thuyền êm trôi dưới mái chèo nhẹ nhàng của các cô gái quê, tôi và người chị ngồi chung thuyền, hai người yên lặng và cùng nhau nhớ lại cái thời tản cư xa xưa. Lướt sóng đôi với thuyền chúng tôi là thuyền cô gái Úc, cô ngồi một mình một thuyền. Trong cái yên tĩnh của cảnh vật mà tiếng động duy nhất là tiếng khuơ nước của mái chèo, tôi nghe tiếng tôi cất lên bằng tiếng Anh với cô gái Úc: "Này, cô bé! (tôi dùng chữ young lady! ). Tôi hiểu được cái bực mình của cô. Nếu tôi ở đia vị cô tôi cũng sẽ bực mình y như cô vậy. Cái bà kia đáng lý ra phải hỏi trước khi uống, cứ tự tiện uống một chai nước không phải của mình là một việc làm không phải. Nhưng thôi, cô nên nhớ rằng đây là một chuyến đi nghỉ mát của cô, một vacation, mà mục đích của chuyến đi chắc chắn là để tìm sự thoải mái. Cô từ xa đến thăm xứ sở này, cô đã bỏ ra một số tiền không nhỏ cho chuyến du lịch, không lẽ chỉ đổi lấy toàn sự bực mình, sự đổi chác đó quả là không tương xứng. Trong một xã hội không toàn hảo, mà chả cứ gì ở nước này, ở đâu đâu cũng thế, sự bực mình lúc nào cũng có, không thể tránh được, nếu cô cứ xoáy vào nó cô sẽ chỉ trông thấy nó mà không nhìn thấy những cái lạ cái hay cái đẹp lúc nào cũng có đầy dẫy ở ngay trước mắt cô, rất đáng để cô chú ý và rất xứng đáng với số tiền cô bỏ ra cho chuyến du lịch này. Cô cứ tin tôi đi!". Cô gái Úc yên lặng không trả lời tôi. Trong ánh mắt cô tôi đọc thấy hình như là một sự ngạc nhiên: tôi không biết cái thoáng ngạc nhiên đó là do nội dung những lời tôi nói, hay chỉ vì cái khả năng diễn đạt bằng Anh ngữ của tôi, tuy còn xa lắm mới đến chỗ toàn hảo, nhưng hẳn là hiếm thấy trong số những người cô được tiếp xúc ở Việt Nam. 

Tôi bước trên vỉa hè hẹp, tránh những vũng nước mà trận mưa đêm qua đã để lại trên khắp lối đi. Trước những căn nhà nhỏ của khu phố cổ những chiếc xe máy chắn chật vỉa hè, người đi bộ phải tách xuống mặt đường, bước qua những mương rác rưởi. Con phố cũ của tôi đã được hiện đại hoá bằng những Mini Hotel nhiều tầng, những cửa hàng dịch vụ du lịch với những phích quảng cáo trưng bày trước cửa. Free Internet! Trong những gian hàng dịch vụ, khách du lịch ngoại quốc tấp nập, những anh tây chị đầm với ba-lô trên vai ngồi đánh e-mail trên một dẫy những bàn máy vi tính. Tôi bước qua ngõ Gia Ngư. Khu chợ này vẫn lầy và nhiều rác như năm mươi năm trước. Đến đầu phố Hàng Bè ở góc Cầu Gỗ tôi đưa mắt tìm nhưng không thể nào nhận ra được đâu là căn nhà cho thuê xe đạp quen thuộc của tôi mà thuở nhỏ tôi đã thuê giờ đạp xe cùng khắp Hà Nội, thích nhất là đạp xe trên đường Cổ Ngư đến Quảng Bá để đi bơi ở rặng ổi. Theo phố Hàng Dầu tôi đi về phía Bờ Hồ. Trên vỉa hè, dưới bóng một cây si già, một hàng bán thịt bò khô làm sống dậy thời thơ ấu của tôi: ông bán hàng khuỳnh hai tay dốc dốc hai chai nước mắm, dấm vào hai cái đĩa mỏng bằng nhôm đặt trên cái bàn xếp, rưới đẫm hai thứ nước chấm trên những sợi đu đủ màu trắng xanh, mấy miếng gan cháy, mấy lát húng xanh xếp gọn ở trên. Hai đứa bé đứng chờ, mắt chăm chú nhìn vào đĩa, đầu chúng chỉ cao hơn chiếc bàn xếp có gang tay. Chúng nó đang nuốt nước bọt... Tôi đoán...Y chang như tôi năm mươi năm trước. Tôi quay đi, bụng nghĩ với cái dạ dầy từ lâu bị Mỹ hóa của tôi, nếu bây giờ tọng vào một đĩa ấy thì bảo đảm là đi cầu chết bỏ! 

Tôi bước sang bên kia đường, tìm về rạp xi-nê Philharmonique. Đó là rạp chớp bóng gần nhà tôi nhất. Thằng bé tối tối la cà đến đó chui luồn qua đám ông tây bà đầm, những người tây ăn mặc lịch sự đang tụm lại nói chuyện dưới cái vòm hiên cong chìa ra vỉa hè rộng để chờ giờ vào rạp. Nó đến đây để nhặt những tờ programme phim mà nó sưu tập. Lâu lâu gặp những phim nổi tiếng như Cuốn theo chiều gió nó cũng đánh bạo sổ tiếng tây bồi để xin bà đầm tờ programme mà bà cầm trên tay. 

Cái mái hiên vòm cong đó giờ đây không còn nữa. Rạp Philharmonique nay trở thành rạp trình diễn Múa rối nước Thăng Long (Water Puppets Show). Những ông tây bà đầm ăn mặc lịch sự và sang trọng kia, hơn nửa thế kỷ sau, được thay thế bằng những anh tây chị đầm ba-lô, quần đùi áo ngắn, đi đứng nghênh ngang hí hửng với chiếc nón cối Việt cộng ở trên đầu. 

Dựa theo trí nhớ tôi đi men theo vỉa hè đó đến vườn hoa Chí Linh, giữa vườn hoa vẫn còn tòa nhà bát giác xưa kia tôi đứng nghe hoà nhạc ở đó. Cuối vườn hoa tôi không tìm thấy dấu vết cái Ấu Trĩ Viên với cái hồ bơi lộ thiên nơi tôi đã tập bài học bơi đầu đời. Thay vào chỗ đó hình như là một biệt thư khang trang dùng làm sứ quán một quốc gia nào đó. 

Quay lại phía Hồ Gươm, ngang qua nhà bưu điện, tôi băng qua phố Đinh Tiên Hoàng. Ngồi trên ghế đá sát hồ, gần một cây cổ thụ mà thân cây uốn còng xuống la đà mặt nước, tôi nhìn ngắm ánh nắng sớm mai lấp lánh lăn tăn chạy trên mặt nước xanh và bàng hoàng chợt nhận thấy là Hà Nội đẹp quá! Đẹp hơn cả trong trí tưởng của tôi... Về phía Tràng Tiền, những hàng cây liễu rủ lá xuống mặt nước... sau những cây liễu một đám người già tập thể dục tai-chi, tay chụm nhau đưa cao quá đầu, cong người như múa. Trên vỉa hè rộng lát gạch đỏ những tấm bích chương cổ vũ làm đẹp thành phố để chuẩn bị kỷ niệm một ngàn năm ngày thành lập cố đô Thăng Long. 

“Chú đánh giầy!” 

Tôi giật mình. Hai đứa bé xà xuống chân tôi. Hai gương mặt cùng ngửng lên nhìn tôi chờ đợi. Tôi nhìn đôi giầy bám đầy bụi của mình, gật đầu. Thằng nhỏ con vừa giơ tay sờ vào giầy tôi thì bị thằng lớn hơn xô một cái mạnh ngã lăn chiêng. “Tao thấy chú này trước! Mày đừng có ăn tranh!”. Thằng nhỏ ngồi phắt dậy, văng một câu chửi tục tằn: “Đ... mẹ mày!”. Nó đứng tấn, lấy thế. Tôi can: “Thôi đừng đánh nhau. Cả hai đứa đều đánh giầy cho tao!”. Tôi cởi giầy, đưa cho mỗi đứa một chiếc: “Đây! Đánh cho kỹ nghe! Thằng nào làm kỹ hơn tao cho thêm tiền!”. Hai đứa, mỗi đứa một đầu ghế, giở hộp gỗ nhỏ, lấy xi, giẻ lau, lúi húi chà bóng chiếc giầy; thằng nhỏ lặng yên, thằng lớn vừa làm việc vừa huýt sáo. Chặp sau chúng đưa đôi giầy bóng loáng cho tôi. Tôi ngắm nghía rồi nói: “Hai đứa mày làm kỹ đây! Tao cho bằng nhau mỗi đứa hai ngàn! Tao biết giá mà!”. Tôi mở ví. Tiền Việt Nam là tiền lèo. Để cho ví khỏi cộm tôi chất toàn giấy bạc lớn. Rút ra tờ năm chục ngàn (khoảng hơn ba đôn), tôi đưa cho thằng nhỏ: “Tụi bay chia đều nghe chưa!”. Nhìn hai đứa bé mặt mày rạng rỡ, vừa đi khỏi vừa ôm bá cổ nhau, thốt nhiên tôi lặng người!. Đó đúng là hình ảnh của hai anh em tôi năm mươi mốt năm trước, tôi mười tuổi, em Thái tôi lên tám, hai đứa vẫn thường bá vai nhau đi trên con đường Bờ Hồ này. Tôi còn giữ bức ảnh cũ hai anh em tôi chụp chung đứng bên cây liễu cạnh hồ, cũng khuôn mặt rạng rỡ, cũng tay bá cổ nhau. Bức ảnh chụp hai tháng trước khi nó chết vì bệnh tê liệt. Tôi nhớ trước khi chết nó đòi được ăn thịt bò khô. Nó chết ở căn nhà số 15 phố Hàng Bè. Vào ngày thứ Hai, mồng Ba tháng Tư năm Năm mươi. Cái ngày dễ nhớ. Kể từ ngày đó tôi bị đôn xuống làm em út trong một gia đình còn lại sáu anh chị em. 

Rời chiếc ghế đá tôi đi không định hướng theo phía hai thằng bé đánh giầy. Tôi không biết đi đâu. Có quá nhiều chỗ để đi, có quá nhiều nơi để gợi nhớ, hầu như khắp Hà Nội đâu đâu cũng ghi dấu kỷ niệm đến nỗi tôi không biết bắt đầu từ đâu nữa. Tôi như những đứa bé mà bố tôi đã tả trong áng văn “Nhặt lá bàng”. “Chúng chạy vụt ra xa rồi lại quay vòng trở lại, có khi đương chạy về một phía bỗng nhiên đứng dừng: một đám lá rơi lỏa tỏa trên người khiến chúng ngập ngừng bối rối không biết quay nhặt phía nào”. Thốt nhiên tôi muốn nhìn lại tòa nhà đó, nơi tôi tin rằng bố tôi đã ngồi viết áng văn kia. Tòa biệt thự ấy tôi chỉ đến có một lần trong đời. Chiếc xe xích-lô chở hai mẹ con rời phố Hàng Bè. Đứa bé năm tuổi ngồi trong lòng mẹ. Xe đưa nó đến một biệt thự tọa lạc ở một nơi dường như xa xăm lắm, trong một khu phố tây trên con đường ngợp bóng cây mát. Mẹ nó nói với nó là đi thăm bố, người bố xa lạ mà nó không hình dung được khuôn mặt. Nhưng cái kỷ niệm đã mờ nhạt ấy không phải là nguyên cớ cho cái háo hức của tôi bây giờ muốn nhìn lại tòa nhà đó.Tôi tò mò muốn đến xem tận mắt một cái địa điểm đã được nhắc tới hoài hủy, đã ám ảnh tôi sau này khi tôi lớn lên đến độ, với tôi, nó gần như một linh địa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog