9 thg 5, 2013

GHI CHÉP CỦA TRẦN HOÀI DƯƠNG (DI CẢO)


Thứ năm ngày 9 tháng 5 năm 2013 6:06 AM


TNc: Nhân ngày giỗ lần thứ 2 nhà văn Trần Hoài Dương, con trai Anh, cháu Trần Lê Quỳnh mời chúng tôi đến dự ngày giỗ THD vào chủ nhật này. Cháu Trần Lê Quỳnh gửi tới một ghi chép của THD trong di cảo. Đây là dạng bản thảo ghi lại theo cảm nhận của Anh. Xin cám ơn cháu Trần Lê Quỳnh và giới thiệu cùng bạn đọc..

Một miền Nam trù phú về của cải, năng động về cách tư duy đã mau chóng bị lụn bại vì đã áp dụng một cách máy móc giáo điều một số chính sách vốn đã lạc hậu và đã từng thất bại ở miền Bắc trước đây. Không hiểu sao người ta lại đem cái chính sách cải tạo tư sản đã quá sai lầm trước đây ở miền Bắc vào áp dụng trong Nam, gây ra biết bao đổ vỡ, khủng hoảng trong kinh tế ở vùng đất trù phú này? Rồi những đợt lùa dân đi khu kinh tế mới, những trại học tập cải tạo, những chính sách về văn hóa, giáo dục...Tôi được chứng kiến tường tận, cụ thể một thành phố Sài Gòn đầy tiềm năng trước đây cứ xuống cấp dần, nhếch nhác bệ rạc dần…

Tôi nhớ mãi chiến dịch tịch thu sách báo cũ trong toàn thành phố do Sở văn hóa thông tin phát động vào đầu năm 1976.


Khi đó tôi và nhà thơ Ngô Văn Phú cũng đang có mặt ở Sài Gòn, trong nhiệm vụ đi viết bài cho báo Văn Nghệ. Ông Bảo Định Giang, tổng biên tập của báo, phân công hai chúng tôi tiện thể liên hệ với Sở văn hóa thông tin thành phố để xin cho Hội nhà văn một số sách cần thiết được lọc ra trong đống sách hỗn độn thu gom từ các nơi về. Tôi và Ngô Văn Phú ngày ngày đến chọn sách ở một ngôi nhà lớn thuộc diện quản lý của Sở, ngay bên hông Nhà hát lớn, gần khách sạn Caravelle bây giờ. Tầng trệt ngôi nhà rộng mênh mông, vốn là nơi đậu của hàng chục chiến xe, được chọn làm nơi chất cả núi sách. Xe tải, xe lam ùn ùn nối nhau chở đủ loại sách báo từ các nơi thu gom về.Từng đống, từng đống kế tiếp nhau, cơ man là sách cả cũ lẫn mới.

Một thanh niên mặc bộ bà ba đen mốc thếch, đội mũ tai bèo, đi đôi dép râu ngồi trên chiếc ghế tựa ngay trước cổng, bên cạnh là khẩu súng AK đã cũ. Anh còn rất trẻ, mặt sần sùi trứng cá. Chọn sách mãi mờ cả mắt, tôi ngừng tay, ra cổng hỏi chuyện người thanh niên. Chợt một ô tô tải chở đầy sách xịch đỗ trước cổng. Một người đàn bà mặt son phấn, người đẫy đà, ăn mặc lịch sự từ cabin bước xuống, đến bên anh thanh niên, nhún nhường vẻ sợ sệt: “Dạ thưa quý anh, chúng tôi ở Nhà sách Khai Trí đến nộp sách theo lệnh của các quý anh…” 

Anh thanh niên không đứng lên, hất hàm về phía sau: “Chở vào trỏng!” Người đàn bà nhìn từng đống sách đổ ngổn ngang bên trong, chừng băn khoăn không yên tâm: “Dạ thưa quý anh, đây toàn là sách quý, đổ vậy liệu có...” “Liệu có, liệu có cái gì!Cứ đổ xuống đó, rồi sẽ cho vô máy nghiền tuốt hết thôi à!”Người đàn bà sợ sệt quay lại chiếc xe tải, bảo tài xế quay đầu xe, chở sách vào sân. Mấy người phụ lái quăng ào ào sách từ trên xuống. Người đàn bà nhìn cảnh tượng ấy một cách rầu rĩ đau khổ. Xong việc, người đàn bà lại rón rén đến bên anh thanh niên, khép nép thưa: “Dạ thưa, xin quý anh cho một cái giấy biên nhận…” Anh thanh niên lại hất hàm: “Khỏi! Khỏi giấy biên nhận, mất thì giờ!”Người đàn bà nhăn nhó không yên tâm, muốn nói, muốn hỏi nữa nhưng thấy vẻ mặt khó đăm đăm của người thanh niên nên ngần ngừ không dám. Mấy phút sau, bà ta lại hỏi tiếp khi thấy anh thanh niên có vẻ bớt căng thẳng hơn: “Dạ thưa quý anh, vậy là nhà sách chúng tôi đã nộp cả thảy là ba xe tải sách. Hiện ở nhà chúng tôi chỉ còn một số sách quý, đóng bìa cứng, mạ chữ vàng, toàn là sách các nhà văn thân hữu tặng, có chữ ký của họ, chúng tôi rất mong được giữ lại làm kỷ niệm. Vậy liệu có phải đem nộp không ạ?”“Nộp chứ!Phải nộp chứ!” anh thanh niên trả lời ngay, hầu như không cần phải suy nghĩ.“Tất cả sách báo cũ đều là phản động đồi trụy hết!”

Tôi nhìn cả núi sách mà xót xa.Rồi tất cả chúng sẽ được chở vào nhà máy để nghiền nát. Tôi và Ngô Văn Phú cố chọn thật nhiều những cuốn có giá trị, hy vọng vớt vát được phần nào để đem về cho thư viện Hội nhà văn như ý định ông Bảo Định Giang đã nói. Thú thật là tôi rất muốn lấy một hai quyển cho riêng mình nhưng không dám. Ngày đó tôi còn nghiêm chỉnh quá! Hai chúng tôi chọn ra một đống vừa to vừa cao chất ngất.Chọn xong, chúng tôi báo cho ông Bảo Định Giang biết. Ông Bảo Định Giang nói để làm công văn chính thức xin Sở văn hóa thông tin và sẽ cho chuyển về cơ quan của Hội. Hai chúng tôi tiếp tục đi viết bài, cũng không để ý rồi sau đó đống sách khổng lồ cuối cùng đã được chở đi như thế nào.

Chuyện văn hóa, sách vở như vậy. Rồi chuyện kinh tế, chuyện làm ăn cũng xảy ra biết bao tan nát. Chẳng hiểu sao, nhiều chính sách sai lầm đã từng gây những hậu quả tai hại ở miền Bắc trước đây, bây giờ nhà cầm quyền lại đem áp dụng trở lại đối với miền Nam? Tôi lại được chứng kiến cảnh cải tạo tư sản, phá sập những cơ sở kinh tế hùng hậu của Sài Gòn – Chợ Lớn, những cảnh ngăn sông cấm chợ…

Gần đây [2004], nhân một buổi tình cờ lang thang trên đường Lê Quý Đôn, gặp một anh bạn quen. Chúng tôi rủ nhau ghé vào một quán cà phê trong con hẻm yên tĩnh. Không ngờ bước qua cổng, hiện ra cả một tòa biệt thự to lớn sang trọng với khu vườn rộng mênh mông. Chủ quán đã mướn mặt bằng khu vườn rộng để mở quán.Chủ ngôi biệt thự ấy là một lãnh đạo thành phố Hà Nội, được cử vào Nam chỉ đạo công việc đánh tư sản.Ông ta đã có dinh cơ ở Hà Nội, nhờ đánh tư sản, ông ta lại có thêm dinh cơ to lớn này.

Thật đúng như trong tác phẩm Trại súc vật của George Orwell.Nhà văn người Anh kể chuyện bọn súc vật gồm heo, ngựa, dê, gà…nổi lên làm cách mạng, đuổi con người đi, lập ra một quốc gia mới. Ban đầu chúng vô cùng hể hả, tưởng như một cuộc đổi đời đã đến. Nhưng rồi, chúng bắt đầu tranh cướp nhau, trại súc vật trở nên hỗn loạn. Một số trở thành bọn ăn trên ngồi trốc, phè phỡn hưởng lạc, còn đa số vẫn nghèo hèn đói khổ. Những kẻ thấp cổ bé họng dần nhận ra một “chân lý mới”: “Tất cả mọi loài vật sinh ra đều có quyền bình đẳng, nhưng có những loài được bình đẳng hơn.” Và cuối cùng chúng kết luận: “Hóa ra cuộc cách mạng này chỉ là đổi chủ chứ không đổi đời!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog