Nó nghèo, đần độn, đơn độc, chẳng có ma nào thèm để ý, xe ôm làm phương tiện cứu cánh…
Một hôm, có cô chủ trẻ trung giàu sang xinh đẹp tìm gặp, trả công cho nó sáng chiều đưa đón cậu ấm của cô ấy đến trường, về nhà. Nó tò mò:
- Thế ba thằng bé đâu?
- Đồ vô duyên! _ Cô chủ trợn mắt: “Anh không làm thì tôi nhờ người khác!?”
…
Công việc đòi hỏi sự chính xác liên tục của thời gian khiến nó không thoải mái, nhưng vì cái nghèo, nó nhận lời.
Trước cổng trường
Sau một thời gian, nó lại có cảm giác thú vị, yêu thích công
việc ấy. Mỗi lần đến sớm, dựng đứng “cái cần câu cơm” của mình trước cổng
trường, đốt thuốc ngồi gác đùi quan sát xung quanh, nghĩ ngợi.
Có lần, giờ tan trường, lũ trẻ ùa ra khắp sân như đàn ong vỡ
tổ, vô tư hả hê hồn nhiên chơi đùa, đọc sách, xem truyền hình .., bù lại một
khoảng thời gian dài khép mình ê a trong lớp học. Một số đứa có thể tự đi về
nhà, còn lại đa số đều được người thân đưa đón tận nơi. Nó chợt nhìn thấy một
đám trẻ, hình như mới lớp Một, lớp Hai .., đang tụm lại một góc cổng trường,
ánh mắt buồn rầu ngóng trông… Rồi một cô bé tự nhiên òa khóc, thế là cả đám òa
khóc theo, buồn cười nhất là chúng vừa khóc vừa quay sang vỗ về, an ủi bạn
mình. Dễ thương thật! Hỏi ra thì mới biết chúng không thích chơi đùa ngoài sân,
chúng chỉ mong người thân đến thật nhanh để chở chúng về, vì “thất vọng” do đợi
“lâu quá” nên bật khóc…
Cũng vì nhiều lần đốt thuốc ngồi quan sát trước cổng trường,
nó phát hiện ra một điều thú vị, có một ánh mắt thật lạ, một ánh mắt thật giống
nhau của những người đưa và đón trẻ, đó chính là ánh mắt thực sự yêu thương
dành cho lũ trẻ. Ánh mắt giống nhau ấy đến từ những người khác nhau về giới
tính, tuổi tác, địa vị xã hội. Họ có thể là quan chức, công chức, đại gia,
thương nhân, công nhân, nông dân, công an, xã hội đen, lao động phổ thông, việt
kiều hồi hương hay gái mại dâm mạt hạn… Ánh mắt ấy khó mà bắt gặp được ở những
nơi khác… như công sở, đồn công an, tòa án, nhà tù, bệnh viện, cảng cá, bến xe,
xóm chợ, siêu thị…
Ngoài những náo nhiệt, ồn ào rất đời thường của những kẻ bán
hàng rong tìm cách thu hút moi tiền lũ trẻ, cổng trường đơn giản là vậy!
Thế hệ vứt đi?
Dạo này, cô chủ xinh đẹp mỗi lần trả tiền công tháng cho nó
đều chê nó đần. Cô ấy đưa cho một cái máy tính xách tay cũ, bảo tối về rảnh thì
lên mạng mà mở mang tri thức, thế là nó trở thành công dân mạng từ lúc nào
không hay.
Nó truy cập rồi cảm thấy khiếp quá, thắc mắc vì sao thời
gian này có nhiều người hay dùng cái cụm từ “vứt đi” để phê phán chính bản thân
mình và cả thế hệ của họ. Từ các cụ ông, cụ bà gần đất xa trời đến cán bộ hưu
trí, trung niên trụ cột nước nhà, từ những trí thức đã thành danh đến sinh viên
học sinh đang mài bút khắp các giảng đường… Chẳng lẻ, tất cả đều “đáng vứt đi”?
Nhưng rồi, nó bình tỉnh lại và mỉm cười, thì ra cũng thật dễ
hiểu và thông cảm. Thái độ đó chẳng đúng, chẳng sai, chỉ qua là sự bốc đồng,
bực bội, bức xúc trước thời cuộc hài hước và suy đồi hiện nay. Một triết gia đã
từng nói, thà giận dữ còn hơn tuyệt vọng.
Riêng nó suy nghĩ, đất nước thăng trầm thịnh suy như quy
luật đời người, nhưng làm gì có thế hệ nào đáng vứt đi. Họ may mắn thì được
sinh ra trong thời huy hoàng thịnh vượng còn khốn khổ bất hạnh khi gặp lúc lụn
bại suy vong. Lịch sử Việt Nam vốn nhiều nước mắt, ngàn năm Bắc thuộc, gần một
trăm năm Pháp thuộc .., và đến hôm nay, thời đại cộng sản với khẩu hiệu băng
rôn đỏ rực trên khắp đất nước mang dáng hình người mẹ già nua còng lưng như đang gồng gánh
một vật gì đó quá to quá nặng… Điều gì đến sẽ đến, mạt vận lắm tiểu nhân,
quốc nạn xuất anh hùng, mọi thế hệ đã và đang cố gắng…
Rồi nó lại hy vọng, giá như cái “ánh mắt yêu thương nơi cổng
trường” mà ai cũng có kia được dành cho nhau, cho tất cả mọi thành phần trong
xã hội thì hay biết mấy. Được như vậy thì lũ trẻ, những đứa bé ôm khóc ở góc
sân trường kia sau này có thể viết trên trang nhật ký blog, facebook… cá nhân
của mình rằng: “Cảm ơn những người đi trước, chúng tôi thật hạnh phúc,
chúng tôi tự hào về thế hệ chúng tôi”
À! Ngày 14/2 vừa rồi, nó bất ngờ nhận được cái thiệp của bà
chủ xinh đẹp với dòng chữ:
”Cảm ơn anh! Thằng bé bảo nó nhớ anh…”
Nó ngạc nhiên, thằng bé ngày nào chẳng gặp…
Đắn đo một hồi lâu, hiểu ra vấn đề… nó cười!
M (Theo PHUOC BEO blog)
”Cảm ơn anh! Thằng bé bảo nó nhớ anh…”
Nó ngạc nhiên, thằng bé ngày nào chẳng gặp…
Đắn đo một hồi lâu, hiểu ra vấn đề… nó cười!
M (Theo PHUOC BEO blog)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét