10 thg 11, 2014

Ru con bằng ca dao.của NGU&ỜI BUÔN GIÓ .


Tôi gặp nhiều người, họ nói tôi viết thật giản dị từ ngôn từ cho đến nội dung. Đấy là những lời tôi thích nhất. Tôi thích những lời như thế hơn những lời khen tôi viết hay, viết sâu sắc , viết ẩn dụ tài hoa...


Nếu ngôn từ viết ra giản dị là lời khen, tôi muốn nhận lời khen như thế hơn bất cứ lời khen nào khác. Cái hay, sâu sắc hay gì đó có thể một ngày sẽ mất đi. Mà chắc gì mình đã viết hay, viết sâu sắc mà đi nhận lời khen đó. Nhưng sự giản dị thì có thật, tự dưng khi viết những từ ngữ giản dị nhất lại hiện trong đầu, và cứ thế nó được viết ra. Dù viết về cái gì đi chăng nữa.

Tôi đọc rất nhiều sách, rất nhiều tác giả lớn, nhưng chẳng hiểu sao khi viết tôi không thể bắt chước được những thủ pháp, những nghệ thuật, trường phái , cấu trúc , hậu hiện đại, hiện thực huyền ảo...lớp lang hay cái gì gì đó mà các nhà lý luận phê bình hay mổ xẻ trang giang đại hải, thậm chí thành luận văn bảo về tiến sĩ

Tôi viết theo bản năng cuả mình. Vậy cái bản năng ấy ở đâu.?


Bây giờ bắt đầu vào mùa đông, trời Âu tối rất nhanh. Tôi nhớ những chiều ở nhà, đi đón con rồi đi chợ , nấu cơm, hai bố con ăn xong, tắm cho con rồi bảo con học bài. Khi thằng bé học bài thì mẹ nó mới đi làm về. Lúc hai bố con lên giường thì mẹ nó còn dọn dẹp, giặt giũ.Tí Hớn gối đầu trên tay bố và đòi nghe kể chuyện. Sau vài câu chuyện Tí Hớn sẽ bảo bố à ơi con đi.

À ơi có nghĩa là xoa lưng, và hát ru. Tôi phải mua cuốn ca dao về để học thuộc thêm những lời mới, ca dao VN năm bảy loại, chọn ra được câu nào để ru cho con là cả vấn đề. Các câu ca dao về tình nghĩa tốt đẹp trong cuộc sống thường nhật rất hiếm. Các câu như '' bầu ơi thương lấy bí cùng '' hay '' nhiễu điều phủ lấy giá gương '' có không nhiều. Những câu ca về tình cảm cha mẹ con cái cũng không nhiều. Người ta soạn ca dao nhét vào đó chủ đề ca dao lao động sản xuất, ca dao kháng chiến, ca dao có cả Đảng cả bác tràn ngập trong sách. Tìm được câu ca dao trọn vẹn về tình nghĩa cha mẹ, con cái thật nhọc nhằn. Quanh đi chỉ thấy câu '' công cha như núi Thái Sơn.....'' hoặc '' chim trời ai dễ đếm lông, nuôi con ai nỡ kể công tháng ngày...''

Cuối cùng cũng sưu tầm được một số câu đủ ru con, có những câu ca dao ẩn chứa cả một tích chuyện, lại phải đi tìm cái tích chuyện để cắt nghĩa cho thằng bé nghe. Mỗi khi có câu nào lạ, nó lại hỏi vì sao lại thế. Ví dụ như

Cá rô anh chặt bỏ đuôi
Tôm càng bóc vỏ, anh nuôi mẹ già.

Lại phải giải thích, giải thích chưa đủ hôm sau đi chợ mua tôm, cá rô về làm cho con ăn. Cho con ngồi nhìn bố đánh vảy, chặt đuôi, moi ruột, bóc mang rồi luộc qua. Lấy cá ra bóc thịt, còn xương và đầu giã rồi lọc lấy nước nấu canh rau cải. Hấp tôm rồi bóc vỏ đưa cho con ăn. Rồi cắt nghĩa mẹ già răng yếu cũng như răng trẻ con, phải làm thế mới ăn được, không bị xương hay vỏ tôm làm nghẹn.

Vì phải cắt nghĩa nữa, nên những câu ca dao chứa câu chuyện buồn không dám dùng vì sợ thằng bé hỏi. Bởi thế đã ít lại càng ít câu ru hơn. Thinh thoảng phải sáng chế ra lời ru để ru con.

Nhà kia có bé rất ngoan
Nghe lời bố mẹ bảo ban học hành
Cơm xong, bé tự làm bài
Cả nhà vui vẻ, ai ai cũng mừng.

Tí Hớn nghe những lời ru như thế, thường tủm tỉm cười, có lúc cậu bảo ban nãy con học xong cũng tự làm bài đấy bố ạ. Hay có lần ăn cơm cùng bà nội có món tôm, cậu bảo bố bóc tôm cho bà đi.

Nghĩ miên man, chợt nhận ra mình viết giản dị, bởi từ bé hay được mẹ ru bằng những câu ca dao. Mà ca dao thì thường giản dị, cũng hiểu vì sao mình lại thích ru con và lọ mọ đi tìm lời ru giản dị để ru con. Cuộc đời có những thứ tác động từ khi rất bé, lớn lên chả nhớ, nhưng nó hình thành tính cách của mình mà không phải mình dễ dàng nhận được.

 Bây giờ có nhiều sách dạy nuôi con, mẹ Hổ, mẹ Gấu hay 101 , 300 cách dạy trẻ con gì đó theo nghiên cứu khoa học. Các bà mẹ phổ biến cho nhau kiến thức chăm con trên các diễn đàn.

Mình cảm thấy mình như một ông bố lạc hậu và cổ hủ. Vẫn chỉ muốn dạy con bằng những lời ca dao và những câu chuyện đơn sơ. Cũng như chỉ thích viết về cuộc đời bằng những ngôn từ giản dị và dễ hiểu nhất

Chủ Nhật, ngày 09 tháng 11 năm 2014   NGƯỜI BUÔN GIÓ .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog