13 thg 11, 2014

Kỳ họp Quốc hội thứ 8: “Tâm điểm” nào? của Vũ Thị Phương Anh/ VNTB.


 Chọn một điểm nhấn cho kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa 13 có lẽ sẽ không quá khó khăn. Bởi kỳ họp lần này có quá nhiều sự kiện đáng nhớ. Tất cả đều liên quan đến các phát biểu của các vị đại biểu.

Phạm nhân hiện nay còn sướng hơn sinh viên thời xưa”

So với các nước phát triển, đại biểu quốc hội của Việt Nam hẳn không thể giỏi giang và chuyên nghiệp bằng, nhưng khả năng làm xôn xao dư luận với những phát biểu độc đáo thì không ai vượt qua được họ. Có thể kể ra khá nhiều trường hợp từ trước đến nay, nhưng chỉ riêng kỳ họp đang diễn ra cũng đủ cung cấp cho ta rất nhiều ví dụ như thế.

Ngay đầu kỳ họp, đại biểu Đỗ Văn Đương đã làm dư luận ngỡ ngàng. Khi được hỏi liệu Việt Nam có cần thay đổi hoặc điều chỉnh luật lệ gì để phù hợp với Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc vừa tham gia hay không, ông cho biết hầu như không cần thay đổi gì, vì về cơ bản pháp luật Việt Nam đã tương thích với nội dung Công ước (!). Và để khẳng định chế độ lao tù của Việt Nam là vô cùng tốt đẹp, ông phán: “phạm nhân hiện nay còn sướng hơn sinh viên thời xưa[1]”.

Trong một phiên họp khác, khi nói về nghề luật sư của Việt Nam, cũng vẫn ông Đương đã khẳng định chắc nịch: “'thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền[2]”. Sau đó, bị Liên đoàn luật sư phản đối và yêu cầu đính chính, ông đã kiên quyết không rút lời vì cho rằng “dân biểu nói tiếng nói của dân và không phải truy cứu trách nhiệm gì cả[3]”. Phát biểu trên của ông cũng chẳng có gì sai, vì luật sư đi bào chữa thì đương nhiên phải có thù lao, chứ nếu không thì “sống bằng không khí mà đi bào chữa à?[4]


Thời mạt pháp

Cùng quan điểm đã là dân biểu thì có quyền tha hồ phát biểu mà không phải truy cứu trách nhiệm như ông Đương, trong cuộc họp sáng ngày 31/10/2014 đại biểu Thích Thanh Quyết, một thượng tọa đang giữ chức phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã đề nghị nhà nước phải khen ngợi lực lượng quân đội và công an trong thời gian qua, và “phải quyết tâm xây dựng quân đội nước ta mạnh như là quân đội của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên[5]”. 

Lời phát biểu đầy sát khí của vị tu sĩ Phật giáo này được truyền hình trực tiếp trên dài truyền hình, khiến nhiều Phật tử lắc đầu và nghĩ về thời kỳ mạt pháp. Một số người khác thì mỉa mai, quyết tâm xây dựng quân đội mạnh như Bắc Triều Tiên để làm gì khi quan hệ Việt – Trung luôn được Nhà nước Việt Nam khẳng định là tốt đẹp, bất chấp việc Trung Quốc liên tục mở rộng xây dựng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam?[6]

Như thể cho rằng nghị trường của Việt Nam chưa đủ sôi động, ông nghị Hoàng Hữu Phước tung ra trên blog cá nhân một loạt bài công kích với lời lẽ thiếu tôn trọng đối với đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Sau khi ông Nghĩa gửi báo cáo vụ việc lên Đoàn đại biểu quốc hội TP HCM để đề nghị làm rõ vấn đề, ông Phước đã giải thích ông không nhắm vào cá nhân mà chỉ muốn viết những bài ấy để chỉ ra cái sai của ông Nghĩa mà thôi.

Cái sai mà ông Phước muốn chỉ ra liên quan đến phát biểu của ông Nghĩa rằng kinh tế Việt không thể thấy chân trời mới vì đang đi trên đường ray cũ. Ông Phước cho rằng phát biểu nói trên là sai hoàn toàn, vì đã là đường ray tất phải có sẵn điểm đến, và điểm đến ấy đã được hiến định là “con đường đi lên CNXH[7]”. Phát biểu này khiến mọi người nhớ đến một phát biểu khác rất nổi tiếng của vị lãnh đạo cao nhất của ĐCS Việt Nam, rằng “đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

Cần nhắc lại là trước đây ông Phước  đã từng viết bài thóa mạ đại biểu Dương Trung Quốc, sau đó đã phải chính thức viết thư xin lỗi. Việc công kích ông Trương Trọng Nghĩa lần này khiến nhiều người đặt câu hỏi về sức khỏe tâm thần của ông Phước. Vấn đề tâm thần của đại biểu quốc hội trở thành một chủ đề được đưa ra thảo luận tại quốc hội.

Rất trào phúng, ông Trần Du Lịch cho rằng nếu cứ như hiện nay thì “một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được[8]”. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thẳng thắn đề nghị các ứng viên phải được khám sức khỏe tâm thần. Các phát biểu này sau đó đã được đúc kết thành một tựa báo ngộ nghĩnh như một lời ám chỉ: “Đừng để người tâm thần ứng cử đại biểu Quốc hội[9].”


Tất cả đều không có gì lạ

Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 13 vẫn còn tiếp diễn trong những ngày tới; các đại biểu vẫn còn cơ hội đưa ra những phát ngôn độc đáo khác nữa. Báo chí lề phải, lề trái cả trong và ngoài nước vẫn tiếp tục rình và chộp những phát biểu độc đáo nhất để … giựt tít bán báo.

Dân chúng sẽ tiếp tục ngao ngán kêu lên: “Dân không bầu đại biểu quốc hội để … cãi lộn[10].” Những nhà báo có tâm huyết và nghiêm túc sẽ tiếp tục viết bài để chỉ ra nhu cầu cải thiện chất lượng đại biểu Quốc hội, để không còn tình trạng tâm điểm của các kỳ họp Quốc hội chỉ là những cuộc cãi vã vô bổ, chứ không phải là tranh cãi những vấn đề nóng hổi liên quan đến quốc kế dân sinh[11].

Để khi kỳ họp qua đi, tổng số nợ công trên đầu mỗi người dân vẫn chẳng giảm đi, đường phố ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn biến thành sông sau mỗi cơn mưa lớn, sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, người dân vẫn chết trong đồn công an, trẻ em vẫn chết khi tiêm vắc-xin, và tai nạn giao thông vẫn là một nỗi kinh hoàng ….

Tất cả đều không có gì lạ.

Chỉ lạ một điều: Vì sao cho đến nay vẫn còn có những người thắc mắc và than phiền về tình trạng thanh niên thờ ơ với hiện tình của đất nước?

 Theo VNTB     theo QUÊ CHOA .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog