Gần đây, dư luận râm ran chuyện “Hội chứng Hồ Xuân Mãn”, anh hùng “dỏm”, vừa bị Chủ tịch nước tước danh hiệu, tôi bỗng nhớ đến một nhân cách đáng kính trọng. Đó là anh Nguyễn Minh Hừng (Út Đường), nguyên Đội trưởng Đội Biệt động TX Long xuyên, bị địch bắt năm 1967, Toà án An Giang tuyên án tử hình và đày đi Côn Đảo.
Nhà tù Côn Đảo, sau hiệp định Paris (1973), hai bên trao trả tù binh nhưng riêng số tử tù chưa thi hành án vẫn không được trao trả. Tử tù dễ có đến 40 người, trong đó có Lê Quang Vịnh, người sau này từng làm Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ, Lê Hồng Tư, Lê Minh Châu (chồng bà Trương Mỹ Lệ, anh rễ bà Trương Mỹ Hoa). Đến 30/4/1975 còn lại 26 người (?), được đón rước về đất liền tiếp tục công tác. Hằng năm, cứ vào dịp 30/4, ngày chiến thắng của phía bên này là các anh họp mặt. Song, những cuộc họp mặt ấy vẫn thiếu một người. Đó là anh Quang, nguyên Đội trưởng Đội Biệt động TP.Huế, bị bắt năm Mậu Thân, bị tuyên án tử hình, cùng ra Côn Đảo…
Điều này khiến anh Nguyễn Minh Hừng, sau khi trở thành cán bộ có chức tước, luôn canh cánh trong lòng. Có lúc, khi bưng bát cơm ăn, anh không sao nuốt nổi. Bởi anh nhớ đến những ngày tù Côn đảo, nhớ những người đã anh dũng hy sinh, bỏ mình vì lý tưởng, nhớ đến anh Quang, người đồng đội năm xưa đã trở về mà vẫn bặt vô âm tín... Cùng sát cánh bên nhau chiến đấu, cùng vào sống ra chết mà nay, trong khung cảnh hòa bình, người bạn tử tù đã thoát chết trong lòng địch lại vắng bóng!
Nguyễn Minh Hừng cho biết, có người đích thân ra Huế gặp các cơ quan chức năng để tìm anh Quang, nhưng họ đều nhận được những cái lắc đầu!…
Và, thế là Nguyễn Minh Hừng quyết tâm đi tìm anh Quang. Anh kể, ra đến Huế, hỏi những cán bộ đương chức, hầu như họ đều không biết. Tất nhiên có một số quan chức cùng tù với anh Quang phải biết rõ, nhưng họ cứ lờ, coi như không biết. Sao thế? Hóa ra là vì, khi ở Côn Đảo anh Quang đứng về “phe chống chào cờ”, còn họ thì thuộc “phe chào cờ”. Việc Quản tù bắt tù nhân chào cờ “quốc gia”, hát “quốc ca Ngụy”, anh Quang và một số người như Lê Quang Vịnh… đã chống lại, bởi các anh chỉ tâm huyết với lá cờ đỏ sao vàng, không thể một lúc chào hai cờ, hai chế độ. Những người sợ Quản tù, ngoan ngoãn chào cờ, nay đã lên được ông nọ, bà kia thì cũng nơm nớp bị người khác vạch mặt, sẽ không hay cho bước đường danh vọng của họ. Chuyện na ná như ông Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Hồ Xuân Mãn bị những người cùng hoạt động vạch mặt sự dối trá để được vinh danh anh hùng. Thế nên, người trung thành như anh Quang đã bị những người đồng hương “dìm ngay xuống bùn”! Nếu xác nhận cho anh, rồi biết đâu có ngày anh kể lại chuyện chào cờ ở Côn Đảo thì họ lòi cái “đuôi củ cà rốt” là kẻ xu thời, hay ho gì…
Bị lãng quên, nên sẳn dịp có cuộc di dân đến vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng, anh Quang đã đưa bầu đàn thê tử đăng ký đi theo hộ ghép (nghĩa là đi ké, không có chế độ). Đến Lâm Đồng cuộc sống vô vàn khó khăn, không chịu nổi, gia đình Quang đành cuốc bộ về phương Nam làm thuê, làm mướn độ nhật. Đến Bình Giả, vợ chồng con cái ăn nhờ ở đậu nơi cửa Phật. Bởi Nhà Chùa nầy cũng đang cần lao động. Con trai anh được Hoà thượng thương quý, nên cho vợ chồng anh che một mái chòi. Sau một thời gian, tích cóp được chút tiền, gia đình anh lại chuẩn bị đi tiếp.
Nhưng ngẫu nhiên phát hiện ngôi chùa nầy có nhiều dấu hiệu khả nghi, khiến dòng máu biệt động của anh lại trỗi lên, anh ở lại theo dõi… Khi nắm được thông tin ở đây có biểu hiện chuẩn bị nổi dậy chống lại chánh quyền, anh đã mật báo cho chánh quyền địa phương cùng tiếp tay phá án. Sau khi phá án thành công, tên tuổi và hình ảnh của Quang bổng nổi lên nhiều trang báo. Thế là anh em chiến hữu khi xưa lại tìm đến, mừng mừng, tủi tủi, người lớn kêu bằng mầy, người nhỏ gọi bằng anh… trách móc rằng, cơ sự như thế “sao không xuống Sài gòn tìm chúng tôi?”! Anh Quang lạnh lùng trả lời: “Cám ơn các anh, đến giờ thì tôi không dám tin ai nữa!... Tôi như con chim đậu phải cành cong rồi.”
Ảnh minh họa |
Nhưng các “chiến hữu” vẫn khuân gia đình anh về Sài Gòn, bố trí cho 1 chiếc xe “xịn” 16 chỗ, đưa anh ra Thủ đô xem Hồ Hoàn Kiếm, viếng lăng Bác Hồ… Trong dịp này, các giấy tờ xác nhận về thành tích quá khứ của anh đều được lập đủ. Người xác nhận là Lê Minh Châu (Ba Châu) từng là Bí thư Chi bộ nhà lao năm xưa.
Vài năm sau, anh Út Đường cho biết, anh Quang công tác tại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Huế. Cuộc sống yên ổn, dầu quá khứ đã có lúc ngay dưới chính thể của ta cuộc đời anh cũng từng bị mây mù bao phủ.
Sở dĩ tôi biết câu chuyện này vì anh Út Đường (Nguyễn Minh Hừng) kể lại. Út Đường với tôi có nhiều kỷ niệm. Giữa tháng 5.1975, tôi tham gia công tác cách mạng tại Phòng Tài chính thị xã Long xuyên, anh Út Đường lúc đó là Trưởng phòng. Những đêm trực cơ quan, đám thanh niên trẻ chúng tôi say sưa nghe anh kể lại những tháng ngày khổ ải lao tù nơi Côn Đảo…
Tôi viết lách, thảo văn bản được như ngày nay là nhờ anh Út Đường. Anh là người có tri thức, đôi khi tôi hỏi anh một câu hơi ngớ ngẩn: “Sao anh biết nhiều thế ?”. Anh cười cười: “Ở trong tù, ngoài thời giờ phải lao động khổ sai, thời gian còn lại nhờ các thầy Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư tận tình dạy thêm. Những ngày ấy, tôi học được cách viết báo của anh, rồi anh em tôi thỉnh thoảng viết bài gởi báo An Giang…
Sau đó, anh Út tiếp tục giữ các chức vụ Phó Chủ tịch UBND thị xã Long Xuyên, Chi Cục trưởng Chi Cục thuế Tỉnh An Giang, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế Hoạch – Đầu tư, Chủ tịch Liên minh các HTX và cuối cùng anh làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh. Ngày 12/9/2012, nhân dịp kỷ niệm ngày giỗ đầu của anh Út, tôi đã viết bài Ông chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang, đăng trên Website trannhuong.com. Bài viết của tôi như một nén nhang tri ân anh Út Đường.
Cũng năm ấy, tình cờ tôi gặp lại nhà văn Vũ Ngọc Tiến ở miền Nam, nghe anh nói sẽ ghé Huế thăm anh Lê Quang Vịnh, nhà cách mạng ở tù 2 lần, tôi kể lại cho anh Tiến nghe chuyện anh Út Đường và nhờ anh nếu gặp anh Vịnh, báo giúp rằng, người học trò của anh năm nào ở nhà tù Côn Đảo – Nguyễn Minh Hừng, nay đã về trời.
19/11/2014 TRỊNH KIM THUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét