10 thg 11, 2014

Cũng một kiếp người của Ngọc Dương & Trịnh Kim Thuấn



“Kiếp sau xin chớ làm người.
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
(Nguyễn Công Trứ)

Năm 1988, có 3 chuyện nổi cộm ở Thủ đô: Chuyến bay Nội Bài – Băng Cốc bị rơi gần phi trường Băng Cốc, tai nạn bất ngờ của đôi vợ chồng văn sĩ  Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh và cái chết tức tưởi của ông Trần Xuân Hợi, nguyên Tổng Giám đốc Liên hiệp Rượu Bia – Nước giải khát 1.

Tối 08/11 xem lễ tang của ông Nguyễn Công Tạn trên VTV1, tôi chạnh lòng nhớ đến cái chết của ông Trần Xuân Hợi.

Vâng, để quý độc giả hiểu về cái chết của ông Hợi, xin mời xem lại bài báo này:

Thứ Hai, 29/05/2006 - 16:31

Cái chết bi phẫn của một Tổng Giám đốc


(Dân trí) - Một buổi chiều đầu đông năm 1987, mưa phùn, gió lạnh, tôi vừa đi làm về đang trùm chăn xem sách chờ cơm tối thì anh Đào Quang Thép, lúc này là trưởng phòng phụ nữ Đài truyền hình T.Ư, người bạn thân của tôi xô cửa bước vào giục: “Đi, đi ngay!”…

 

Tổng giám đốc “đại tiêu cực”

Lên xe, tôi đã thấy người ngồi kín cả 2 ghế chiếc gát 69 đít vuông của Liên hiệp xí nghiệp rượu bia và nước giải khát I. Xe lao đi trong mưa phùn, gió bấc. Đến 94 Lò Đúc chúng tôi được mời vào phòng khách của Liên hiệp Xí nghiệp rượu bia và nước giải khát I.

Ba ông Phó tổng Liên hiệp là Vũ Lai Giáp, Lê Văn Lãng, Lê Xuân Quỳnh chủ trì buổi làm việc.

Những tiêu cực mà ba Phó tổng Vũ Lai Giáp, Lê Văn Lãng, Lê Xuân Quỳnh, thư ký công đoàn Liên hiệp rượu bia I và một số công nhân tố cáo Tổng Giám đốc Trần Xuân Hợi gồm một loạt những vấn đề nghiêm trọng: Độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng, thiếu dân chủ, trù dập hàng trăm người, con liệt sĩ, thương binh, nhiều cán bộ có năng lực, nhiều công nhân kỹ thuật bậc cao. Buông lỏng quản lý, kỹ thuật để hư hao mất mát hàng trăm triệu đồng, phẩm chất đạo đức kém, giả dối không trung thực...”.

Buổi làm việc kéo dài đến 11h30 phút đêm.

Chúng tôi hẹn buổi làm việc tiếp tối hôm sau để  gặp những nhân chứng bị trù dập. Cứ mỗi lần làm việc đều có xe đưa đón tận nơi và khi ra về cặp lại đầy thêm nhiều đơn tố cáo mới được đánh máy  phô-tô-cóp-pi rất cẩn thận.

Qua nhiều buổi làm việc ở Liên hiệp rượu bia, ở nhà máy rượu, nhà máy bia, và một số cơ sở khác với băng ghi âm, ghi hình đầy đủ những nhân chứng sống, bỗng tôi cảm thấy những gì tố cáo Trần Xuân Hợi đều như có sự sắp đặt, bố trí trước. Có một điều gì đó gờn gợn lên trong tôi vì qua rất nhiều buổi làm việc, qua rất nhiều lời tố cáo, và những tập đơn, nhưng khi tôi đặt một câu hỏi: “Ông Hợi có tham ô không?”, cả ba phó tổng nhìn nhau, im lặng không trả lời, rồi lảng sang chuyện khác.

Đòn đánh của tiêu cực

Sau buổi làm việc này, chúng tôi chính thức gặp gỡ với Tổng Giám đốc Trần Xuân Hợi tại Liên hiệp, có tổ chức ghi âm, ghi hình đầy đủ. Tổng Giám đốc Trần Xuân Hợi đã lý giải đầy đủ bằng các biên bản kỷ luật của Hội đồng kỷ luật (với một số trường hợp tố cáo Tổng Giám đốc Trần Xuân Hợi trù dập họ).

Sau đó, chúng tôi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Công nghiệp thực phẩm, đồng chí Vũ Tuân - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm, đồng chí Dương - Bí thư Quận uỷ Hai Bà Trưng.

Tất cả các đồng chí đó đều đánh giá ông Hợi là một Tổng Giám đốc tận tuỵ, nhiệt tình, năng động, có nhiều đóng góp cho ngành, không có biểu hiện tham ô, hối lộ. Chỉ còn một số điểm yếu là trong tác phong lãnh đạo còn nôn nóng, mệnh lệnh. Đồng chí Vũ Tuân nói: “Đến bây giờ tôi vẫn khẳng định anh Hợi là một cán bộ tốt. Tôi đã phát biểu ý kiến của tôi về anh Hợi với các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tôi cũng đã nói rõ với anh Tạn, đề nghị anh Tạn xem xét kỹ”.

Khi ông Trần Xuân Hợi tự sát, tôi mới ý thức được một cách đầy đủ quan điểm đó. Nó khác nào như sự mặc nhiên bỏ rơi số phận một con người. Nhìn lại toàn bộ quá trình diễn biến vụ việc, chúng tôi bắt đầu hình dung rõ cả một âm mưu lật đổ, có tổ chức, có chỉ huy chặt chẽ, được triển khai rất bài bản qua các bước:

1. Vận động một số công nhân viên viết đơn tố cáo, ba Phó tổng Vũ Lai Giáp, Lê Văn Lãng, Lê Xuân Quỳnh trực tiếp viết đơn và gặp Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn phản ánh cái gọi là “cuộc đấu tranh của công nhân”.

2. Thành lập đoàn thanh tra. Tổ chức đẩy “chiến dịch tố cáo” lên mức cao hơn, với cường độ lớn hơn. Tranh thủ các cơ quan ngôn luận. Dùng Đảng ủy, Công đoàn, dùng công nhân lên gây sức ép với Bộ trưởng để cách chức Trần Xuân Hợi.

3. Tiến tới thành lập bộ máy lãnh đạo mới ở Liên hiệp.

Và trích đoạn bài báo sau đây:

(LĐ) - Số 142 VƯƠNG HÀ - 10:8 AM, 21/06/2014

…Trần Xuân Hợi:  “Tố cáo thiếu khách quan, thiếu cả chứng cứ là vu khống chứ còn gì!”
Ngày 18.4.1988, do quá uất ức trước kết luận thanh tra, Tổng giám đốc Xí nghiệp liên hợp rượu-bia-nước giải khát Trần Xuân Hợi đã tự sát. Thông tin này làm rúng động dư luận thời kỳ đó. Với nhận xét sắc sảo, nhà báo Nguyễn An Định viết bài “Những uẩn khúc cần được làm sáng tỏ” đã đưa ra những nghi vấn xung quanh cái chết của ông Hợi. Ngay thời kỳ đó, tác giả đã cảnh báo dư luận về những hành vi mượn danh “những việc cần làm ngay” để “đánh chết” địch thủ (bài “Đấu tranh như là một mưu toan thanh trừng trá hình”(15.9.1988). Từ kết luận thanh tra về các vụ việc tại đây, tác giả cho rằng, ông Hợi không có tội, các đơn tố cáo của 3 phó tổng giám đốc là đổi trắng thay đen. Tác giả khẳng định: “Tố cáo thiếu khách quan, thiếu cả chứng cứ là vu khống chứ còn gì!”. Không dừng lại ở đây, sau khi phân tích sự đúng sai, ông muốn đi đến tận cùng của sự việc khi đề nghị: Những sai sót, thiếu kinh nghiệm, thiếu khách quan (của đoàn thanh tra) là nguyên nhân trực tiếp gây nên cái chết oan ức của một tổng giám đốc. Phải xử lý hình sự những người gây ra hậu quả xung quanh việc ở đây…

Còn nhớ, sau cái chết của ông Trần Xuân Hợi, có bài báo nhận định: Bị các đoàn thanh tra truy bức, dù phản kháng mạnh mẽ vẫn không kết quả, ông Hợi ba lần viết thư cho tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Công nghiệp Thực phẩm Nguyễn Công Tạn xin gặp mặt… Nhưng vẫn không nhận được hồi đáp, sau cùng ông Hợi phải dùng đến cái chết bằng một phát súng vào đầu.

Đọc những thông tin trên hẳn độc giả đã thấy ông Trần Xuân Hợi, nguyên Tổng Giám đốc Liên hiệp rượu bia – nước giải khát I là thuộc cấp của ông Nguyễn Công Tạn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời ấy. Và cái chết tức tưởi của ông Hợi có liên quan gì đến vai trò, trách nhiệm của ông Nguyễn Công Tạn hay không thì tùy cảm nhận của mỗi người.

 Ông “Nguyễn Công Tạn (1935-1 tháng 11 năm 2014) là một chính khách Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, thuộc đoàn đại biểu Hà Tây.[1]
Ông quê tại xã Thái Sơn, Thái Thụy, Thái Bình.
Năm 1987 ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm [5] và sau đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tiên (1995) khi sáp nhập các bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thủy lợi. Năm 1997 ông giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đến năm 2002". WIKIPEDIA – Bách khoa toàn thư,

Hôm nay, ông Nguyễn Công Tạn cũng đã sang thế giới bên kia. Cái chết của ông so với cái chết của ông Hợi là hoàn toàn khác nhau, nhưng tất nhiên chỉ dưới con mắt của những người đang sống.
Tang lễ Đồng chí Nguyễn Công Tạn
theo Nghi thức lễ tang cấp Nhà nước
tại Nhà tang lễ Quốc gia.
(Ảnh: 
Nguyên Nhung - VOV)
Cũng là kiếp người, ông Nguyễn Công Tạn danh lợi đều đạt ở đỉnh cao, trước khi ông chết đã được gia đình và các giáo sư bác sĩ hết lòng cứu chữa, chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh trọng nên vẫn phải ra đi. Ông được làm tang lễ cấp nhà nước, rất sang trọng.... Còn ông Trần Xuân Hợi thì buộc phải chết một cách tức tưởi, mang theo nỗi oan ức nghìn thu vùi sâu xuống ba tấc đất.

Không biết ở nơi cực lạc ấy ông Tạn và ông Hợi có gặp nhau không. Nếu có, họ sẽ nói gì với nhau khi nơi ấy người ta không còn âm mưu hãm hại nhau, thủ ác với nhau chỉ vì tranh giành nhau đất đai, tiền tài, địa vị, chức quyền và cả gái đẹp nữa? 

Và khi ở nơi ấy: “Người nổi tiếng và người không nổi tiếng/ Đều như nhau trắng toát tại nơi này”! (Trần Đăng Khoa?)

08/11/2014   NGỌC DƯƠNG  &  TRỊNH KIM THUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog