Phó Nhòm Tây Bắc : Bây giờ mình mới thư thả một tí, tranh thủ viết mấy dòng nhận xét về cái chuyện đang mắc mớ giữa giới Luật sư và ông Đỗ Văn Đương, dân biểu, Ủy viên thường trực Ủy ban tư pháp của QH.
Xin nhắc lại, ông Đương nói với báo giới khẳng định: “Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”. Câu nói đó sau khi bị giới luật sư phản ứng, rồi ông Đương lại kiên quyết không cải chính, khiến trở thành đề tài nóng trên các trang mạng mấy ngày qua.
Về lý, đương nhiên bị cáo thuê luật sư bào chữa thì phải trả tiền là đúng rồi. Không ai làm nghề không công. Tuy nhiên, có những người chẳng may mắc vào vòng lao lý, có thể bị oan nhưng lại quá nghèo, không có tiền thuê luật sư, cho nên có những luật sư vì nghĩa cả, muốn bảo đảm công bằng xã hội đã tự nguyện bào chữa miễn phí cho bị cáo. Trong thực tế không hiếm những trường hợp như vậy…
Thế nhưng khẳng định một câu xanh rờn: “Thực chất, luật sư ở Việt nam chỉ bào chữa cho những người có tiền” là không chính xác. Hơn nữa, với văn phong như thế, người nghe cảm thấy có vẻ như những luật sư đi bào chữa chỉ vì tiền? Có lẽ đây mới là cốt lõi khiến giới luật sư tự ái, có người bảo đó là sự thóa mạ, xúc phạm các luật sư. “Luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”, theo logic ấy thì những người không có tiền, những người nghèo khổ, những người oan ức trước pháp luật... cũng sẽ không bao giờ được luật sư bào chữa, nghĩa là đồng tiền là trên hết, là tất cả.? Và, cũng có nghĩa là luật sư coi giá trị của đồng tiền trên cả giá trị đạo đức?...
Trong xã hội ta hiện nay, đạo đức xuống cấp, các giá trị bị đảo lộn là điều nhìn thấy rõ. Song không có nghĩa là tất cả đều “đen tối”, đều vì tiền mà vô cảm, mà nhẫn tâm. Tin rằng, vẫn còn những bộ phận, những con người biết rung cảm trước cái thiện bị vùi dập, trước cái ác đang lên ngôi. Trong đó có giới trí thức, có luật sư. Nếu vơ đũa cả nắm theo kiểu: “Thực chất ở Việt Nam hiện nay luật sư chỉ bào chữa cho những người có tiền” thì khẳng định lần nữa, đó là một phát ngôn thiếu chính xác. Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Đương, khi bị lên án bởi giới luật sư ông lại “kiên quyết không cải chính”. Ông vẫn khẳng định đó là kết luận đúng đắn. Tất nhiên nhận thức là tùy cách nhìn nhận của mỗi người bằng trí tuệ, kinh nghiệm từng trải, bằng những thông tin mà mình có được…
Song ý kiến của ông Đỗ Văn Đương không phải là ý kiến của một thường dân, mà là Đại biểu Quốc hội, hơn nữa là Ủy viên Ủy ban tư pháp, một Ủy ban có chức năng trong lĩnh vực pháp luật. Bởi thế phát biểu thận trọng chắc chắn, không bao giờ thừa.
Mình nghĩ, dù ông Đương với một cương vị như vậy thì ông cũng không thể là “Thánh” để cứ phát ngôn ra là chân lý, nhất là trong bối cảnh trả lời phỏng vấn ở hành lang giữa một “rừng” phóng viên với rất nhiều câu hỏi dồn dập. Đôi khi sơ sẩy cũng là chuyện thường tình. Điều đáng nói ở đây là ông cứ cố cho mình là “tuyệt đối” đúng, cứ cố bao biện bằng được, không dám dũng cảm nhận lỗi, khiến giới luật sư bức xúc “đe” khởi kiện ông. Nếu nói nhầm, nói hớ mà biết xin lỗi, mình thiết tưởng chẳng ai bắt bẻ làm gì và cũng không ai cố chấp một người biết nhận lỗi, thậm chí có khi còn được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao. Người có lỗi, nhất là trong những điều kiện khách quan thì không đáng trách. Đáng trách là có lỗi mà không dám nhìn thẳng vào sự thật, mà lại bao biện, vòng vo tam quốc.
Trong cái lý bao biện của ông Đương là ông bảo, ông “nói tiếng nói của dân và không phải truy cứu trách nhiệm”. Ý này không thể thuyết phục, bởi lấy gì làm bằng chứng rằng đó là tiếng nói của dân? Dân là ai? Đội ngũ luật sư của chúng ta cũng là những cử tri, cũng là tầng lớp trí thức, cũng là dân đấy chứ?
Tóm lại, theo mình, ông Đương không nên làm căng, chả có lợi gì cho ông, nhất là với tư cách một dân biểu.
NGUYỄN NGỌC DƯƠNG .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét