Ảnh bên:Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT. Ảnh: TTXVN
Một tối, cách đây hơn 20 năm, tôi nằm ngủ cùng đứa con trai. Đêm yên tĩnh, sắp vào giấc ngủ tôi nghe một tiếng lay nhẹ, và một câu thỏ thẻ: “Ba ơi, tại sao phải đào núi và lấp biển, để làm gì ba, sao uổng vậy ba?”.
Nó đang học lớp 2, hai chị nó cũng lần lượt qua lớp 2, cũng bài thơ ấy, cũng học thuộc lòng và không thắc mắc, nay bỗng dưng lại thành chuyện. Bài thơ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà hàng triệu đứa trẻ Việt Nam nhiều thế hệ đều thuộc:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên!”
Có thể nó là đứa dốt chăng, nên không hiểu ý bài thơ? Và nữa, nó không có khái niệm gì về bác Hồ. Nó vô tư toàn diện, về bác Hồ, về thể chế, về thời đại. Nhưng vô tình nó đã chạm vào một điều lớn lao mà nó không biết. Một nền giáo dục đặc biệt, nằm trong tư duy hệ thống xã hội chủ nghĩa! Vấn đề không nằm ở chỗ bài thơ, hay chỗ tác giả. Vấn đề là ở những “con người” đã thiết kế nên nền giáo dục, và đã đưa bài thơ ấy vào chương trình lớp 2 cấp1. Bài thơ ấy, lẽ thường không phải để ở chỗ này.
Chuyện tuy nhỏ như hạt cát, nhưng nó đã là một chủng tử* không đúng và nguy hại cho một nền giáo dục định hướng lệch lạc, bởi mục đích không rõ ràng. Không phải là nhà giáo, tôi không tìm hiểu có bao nhiêu hạt cát, bao nhiêu sỏi đá, thậm chí là bao nhiêu cục đá tảng trong chương trình, đã khơi mào, nén chặt vào đầu óc trẻ thơ, và nhồi cho đến lúc lớn, khi vào đại học, rồi sau đại học?
Tôi nhỏ nhẹ trả lời theo cách đắn đo vừa phải, để cho qua chuyện: “Những câu thơ ấy là nói về cái ý chí, chứ đào núi và lấp biển để làm gì, thì ba cũng không rõ!”.
Nó yên lặng đi vào cơn mộng mị nuối tiếc nào đó, còn tôi cũng rơi vào một cuộc rắc rối của riêng mình.
Những nghịch lý, khi quen tai, quen mắt đều trở nên bình thường như là chuyện đương nhiên. Xét kỹ, đó là điểm khởi đầu nguy hiểm, biểu hiện của một nền giáo dục mà trước hết là mơ hồ về mục đích.
Khi tôi học bậc tiểu học của một nền giáo dục thời thực dân Pháp, đang chuyển sang thời “Mỹ-Ngụy” lúc mà ông Ngô Đình Diệm vừa mới lật đổ vua “bù nhìn” Bảo Đại, một câu trong sách giáo khoa, có chủ đề tương tự , rất ngắn: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Câu này hoàn chỉnh, có mục đích rõ ràng mà con nít có thể hiểu, và cũng có tính xây dựng, “nên kim”, chứ không phải mơ hồ về mục đích, lại mang tính chất phá hoại thiên nhiên, và cả những điều to lớn vượt quá sức: “đào núi, lấp biển”, để chứng tỏ cái khí phách “đội đá vá trời” và dẫn tới “cơm bắp mắm cà tiến lên chủ nghĩa xã hội”, lại tiếp tục cuộc mơ hồ hoành tráng kiên định, đến “cuối thế kỷ mà cũng chưa chắc hoàn thiện”.
Tôi còn bất mãn nhỏ nhặt về các trường mẫu giáo mang tên thời thượng “Bé Ngoan”. Thế nào là ngoan? Ngoài ngoan là hư? Cái ấy ở đâu ra? Đứa trẻ vừa sinh ra đã mang một định mệnh “lý lịch”, vào mẫu giáo thì phân ngoan và hư theo một quán tính áp đặt rất mù mờ, lớn lên phải chấp hành làm “cánh tay” không phải thì trái, của một đường lối chính trị mà những người bạn học ngồi bên bỗng dưng thành kẻ chỉ đường, vì sau lưng nó là Đảng. Và trong tương lai gần, chúng sẽ đứng vào hàng ngũ “cách mạng” giữ vai trò chỉ huy, hoặc bị chỉ huy, hoặc lọt vào “thế lực thù địch” cũng mơ hồ nốt.
Không phải từ “hạt cát” rồi tôi hồ đồ suy diễn, mà đó là logic của một hệ tư tưởng được áp dụng xuyên suốt vào toàn xã hội... Các nhà trí thức, nhà văn, nhà giáo dục chân chính, nếu không nói là 40 năm thì cũng 60-70 năm qua, đã kêu gào thống thiết mà không suy suyễn, nền giáo dục ấy cứ lì lì tồn tại, tiếp diễn. Chứng minh thêm cũng thừa, chỉ nói về một hệ quả nhãn tiền.
Kể từ thời kỳ ấy, tại Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thành đã từng xuất hiện một cụm từ mới: “Tị nạn giáo dục”. Nó đồng hành và cũng không kém phần gay gắt so với các loại tị nạn khác. Tị nạn giáo dục đã dần dần hình thành một trào lưu của giới có tiền, không phân biệt cán bộ hay nhân dân, sau đó lan sang mọi giới. Khuynh hướng chọn lựa này ngày càng khẳng định như là sự đương nhiên và trở nên bình thường, không còn ai phê phán hay dị nghị trong xã hội. Càng hơn là khẳng định, qua năm tháng cuộc “tị nạn học vấn” càng trở thành niềm mơ ước của số đông, nhất là khi nhiều con em quan chức “xuất dương” ào ạt. Cánh nhà nghèo thì đành chịu, nhưng cá biệt cũng có những em đánh giày, chạy xe ôm cũng liều chết ra đi và cũng có kẻ sau này thành đạt vẻ vang. Những người ra nước ngoài bằng cách vượt biên hay bằng các ngã hợp pháp vì nhiều lý do, trong đó có nguyện vọng chính đáng là mưu cầu cái học cho con em mình.
Phận “Rau răm” thì ở lại, chịu đựng một nền giáo dục “đắng cay” [Gió đưa cây cải về Trời. Rau răm ở lại chịu đời đắng cay]. Mà lạ thay, trong dư luận xã hội không xuất hiện lòng ghen tị đáng kể nào. Họ nói, mong con các quan chức chóng thành đạt để quay về mà giải cứu đất nước, với cái đầu mới mẻ của mình. Ý nghĩ ấy có thể nhận lấy sự bẽ bàng.
Đó là niềm tin bất đắc dĩ, một hy vọng đáng cảm động, xuất phát từ một nỗi tuyệt vọng lớn lao của đông đảo dân chúng. Người dân không những nhìn thấy bản chất của một nền giáo dục không hứa hẹn, mà còn bi quan về một xã hội không thể đi lên. Họ đáng được hưởng một nền giáo dục tốt hơn, mà đành phải chịu đựng một nền giáo dục lạc lối, và ngày càng khốn khổ, từ cấp mẫu giáo “Bé Ngoan” cho đến bậc cao “Tiến sĩ”, và mọi thứ như nó đang diễn ra. 21 trường đại học nước ngoài giả đang lừng lững hiện diện, nhờ những cái bắt tay trong bóng tối từ các góc cung đình!
Khi nói lên sự trốn chạy nền giáo dục, cũng đủ hiểu sự thật của nền giáo dục ấy ra sao!
Một nền giáo dục đã 40 năm vẫn tiếp tục bị nhân dân kêu gào, vẫn miên man được nhà nước chi tiền cho kế hoạch đổi mới, và luôn là đổi mới không thành công. Nó tiếp tục “định hướng”, như một trò chơi luẩn quẩn và đáng gọi là phi nhân của những người vô trách nhiệm và mang bệnh hoang tưởng vi cuồng (cuồng điên vì cái nhỏ nhặt hẹp hòi).
Một câu hỏi lớn của nền giáo dục: Tại sao nó như thế? Những người lãnh đạo đất nước muốn dắt dẫn dân tộc đi tới đâu?
Không có câu trả lời. Vì không có ai có trách nhiệm để trả lời. Nền giáo dục đang là biểu trưng bi đát lớn nhất cho dân tộc, mà cũng là của thể chế.
Có lẽ không cần thiết các cuộc bàn bạc lớn lao, dài ngày ở Quốc hội, cùng với kinh phí khổng lồ và thời gian vô tận, như đã từng bàn cãi, từng diễn ra, để rồi được kết thúc theo cách rất hư vô: “Giáo dục là Quốc sách hàng đầu”!
Có lẽ cũng không cần dùng một nghìn công nhân cùng nhau xây một tòa nhà cao tầng bằng lý luận, thậm chí bằng cơ bắp và tiền bạc, mà không cần một Tổng công trình sư và một số kỹ sư thiết kế đúng nghĩa, đúng người. Ngược lại, không cần số lượng công nhân và số tiền bạc khổng lồ ấy. Chỉ cần một nhóm người kia, họ không thiếu trong nhân dân nhưng khan hiếm trong bộ máy đảng, cũng đủ thiết kế một nền giáo dục tiên tiến ngang với thời đại. Thời ông Ngô Đình Diệm, chỉ trong vài năm dù đối phó nhiều bề, cũng đã hình thành nên một triết lý giáo dục cho đến nay cũng chưa từng lạc hậu, vì họ biết dùng người trí thức liêm chính và biết hướng đến nhịp đập tiến bộ của thời đại.
TBT Nguyễn Phú Trọng đi chỉ đạo Bộ Giáo dục [1], hỏi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Bây giờ thì đã xây dựng được cái triết lý giáo dục chưa? Ông Phạm Vũ Luận trả lời: Dạ, đã bám theo “nghị quyết” 29 của Trung ương Đảng! Thế là xong, Quốc hội yên chí, đã hạ quyết tâm một cách đẹp đẽ: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu!”. Xong! Hai bên, phía trình - phía duyệt đều win-win, và có thông qua thảo luận sôi nổi.
Đổi mới toàn diện, hay đổi mới khiếm diện, cũng đều là đổi mới trình diện, quày quả cho qua ngày tháng tranh trái cuối mùa.
Tạm trích 3 cái phát biểu tiêu biểu:
- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:
“Tôi xin khẳng định triết lý trực tiếp của giáo dục chúng ta là Nghị quyết 29 của Trung ương… Ở đây thể hiện cả truyền thống tinh hoa, kinh nghiệm của cha ông ta trong quá trình phát triển và làm giáo dục và cả những vấn đề cập nhật, hội nhập theo quan điểm của chúng ta" (Lại có một cái “tôi” dám khẳng định về cái “triết lý trực tiếp” (!). Cha ông ta dù có tinh hoa đến đâu cũng không thể không lạc hậu, còn “chúng ta” thật ra chẳng có quan điểm gì!).
- TBT Nguyễn Phú Trọng:
“Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng… Ai cũng phải giáo dục, tự mình giáo dục mình, rèn luyện mình, người đi giáo dục cũng phải được giáo dục... nỗ lực hoàn thành tốt sứ mệnh thiêng liêng cao cả mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó – chăm lo sự nghiệp trồng người”. (Thì ra, cái triết lý giáo dục nó u u minh minh là thế, nó bình dân giáo dục đến thế, và cũng không quên cái vụ “trồng” người!).
- Ông Vũ Cao Đàm:
“…mạnh dạn từ bỏ không nuối tiếc các chương trình giáo dục của quá khứ để đi vào tương lai, mà chúng tôi chưa nhìn thấy le lói một ý tưởng nào khi được “liếc trộm” đề án trình Quốc hội tại phiên họp đang diễn ra trong những ngày này.
Ông Vũ Cao Đàm, sau khi “liếc trộm” (đã là may!), có vẻ uể oải viết đôi dòng trên mạng Bauxite Việt Nam [2] như trên, làm cho người đọc thêm buồn lây lất, và nhắc đến tác phẩm nổi tiếng Future Shock của nhà tương lai học Alvin Toffer, nói về nền giáo dục hiện đại của thế giới đã là “sự bảo lưu ngu xuẩn của quá khứ”. Thế mà, cái triết lý định hướng thiển cận thì đã có sẵn trong túi áo ông Tổng bí thư, từ gốc xuất phát “có niên đại trên 150 năm”. Nhưng quá khứ của quá khứ, và ngu xuẩn của ngu xuẩn có khi trở thành mới mẻ, vì mọi sự đều có thể quay vòng. Nếu thế thì ông Nguyễn Phú Trọng với tài dự đoán xa dài đến cuối thế kỷ, có thể đã là một “nhà nghiên cứu tầm cỡ” về tương lai học.
Thời gian đã kéo dài 40 năm cho một nền giáo dục dở khóc dở cười, nhưng niềm tin lãng mạn và viển vông ấy vẫn tiếp tục diễn ra như thường lệ.
Bao giờ cho đến tháng ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng…
Không thể có cái nghịch lý ấy, nên không thể có một triết lý giáo dục khác ra đời, chừng nào mà cái triết lý của niên đại 150 năm trước không còn đem ra sử dụng, và con người có khả năng tiên tri về quá khứ ấy, đứng thuyết giảng trên bục diễn đàn với cử tọa phía dưới toàn là những chiếc ghế trống.
Bao giờ cho đến tháng ba…! ?
30-10-2014
HẠ ĐÌNH NGUYÊN theo QUÊ CHOA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét