NỖI LÒNG NGUYỄN DU
Trịnh Kim Thuấn/ PNTB
Riêng tặng các nàng Kiều VN thời hiện đại đang sống ở Kampuchia, Lào, Thái Lan, Trung quốc, Myanmar, Malaysia, Singapore cả xứ Ga na châu Phi xa xôi .....
Hôm nay đã là trung tuần của tháng cuối cùng trong năm 2015, năm mà cả thế giới kỷ niệm 250 năm Đại thi hào Nguyễn Du, tôi cứ băn khoăn nếu không động bút một cái gì đó về con người đã làm rạng danh cho Dân tộc Việt Nam với tác phẩm Truyện Kiều bất hủ thì thật là áy náy. Vì thế, tôi viết những dòng dưới đây như một nén tâm nhang kính nhớ hương hồn Cụ. Thôi thì biết rằng lực bất tòng tâm bởi kiến thức có hạn nhưng với tấm lòng của mình, cứ nghĩ gì viết nấy.
Chắc hẳn không mấy ai không biết đến câu thơ nổi tiếng của Cụ:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Cụ cũng băn khoăn rằng, không biết 300 năm sau, liệu có ai trong thiên hạ khóc cho thân phận Cụ không?
Không nói thì ai cũng biết, truyện Kiều đã ăn sâu vào lòng người Việt, đến nỗi người ta không nhất thiết phải thuộc Kiều mà vẫn hiểu và biết nàng Kiều là ai, nhan sắc ra sao, tài hoa thế nào, tại sao lại “hồng nhan bạc mệnh”, sao lại “chữ tài liền với chữ tai một vần”… Và, những nhân vật điển hình trong Truyện Kiều như Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Từ Hải… đã trở thành điển hình để người đời nhận ra họ ở khắp mọi nơi, mọi thời đại.
Học giả, Thượng thư Bộ Lại dưới triều Nguyễn Phạm Quỳnh đã có những đánh giá nổi tiếng về Truyện Kiều: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn...”.Đó là lời phát biểu kinh điển trong bài Diễn văn lịch sử được cụ Phạm Quỳnh đọc trongHội Khai Trí Tiến Đức năm 1924 tại Hà Nội.
Tuy nhiên, với những góc nhìn khác nhau về nhân sinh quan, về quan niệm đạo đức, cũng có một số văn sĩ, thi sĩ, học giả có những đánh giá khác nhau về nhân vật Thúy Kiều. Thí dụ:
Nguyễn Công Trứ cho rằng nàng Kiều có bản chất dâm đãng lấy việc bán mình chuộc tội cho cha làm cái cớ để dấn thân vào cuộc hành lạc, bởi thế nên phải chịu cuộc đời bạc mệnh cũng phải. Nhà nho miền Uy viễn viết những lời nghiêm khắc để phê phán cô gái họ Vương như thế này:
Đã biết má hồng thời phận bạc,
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng.
Chiếc quạt, thoa đành phụ nghĩa Kim lang,
Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình thì cũng phải.
Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải,
Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu,
Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu,
Mà bướm chán ong chường cho đến thế!
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa,
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm.
Bán mình trong bấy nhiêu năm,
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!
Nghĩ đời mà ngán cho đời.
Đọc những lời ấy, có lẽ nhiều người xót xa cho thân phận nàng Kiều và cho rằng ngài Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ khó tánh quá ?
Còn Nguyễn Khuyến thì viết:
Kiều nhi giấc mộng, bặt như cười
Tỉnh dậy: xuân sanh quá nửa rồi !
Số kiếp bởi đâu mà lận đận ?
Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi.
Cành hoa vườn Thúy duyên còn bén,
Giọt nước sông Tiền nợ chửa xuôi.
Không trách chàng Kim đeo đẳng mãi,
Khăng khăng vớt lấy một phần đuôi.
Chu Mạnh Trinh thì đánh giá:
Cuốn ngỏ rèm xuân trải mấy sương,
Sắc tài chi lắm để làm gương.
Công cha bao quản liều thân thiếp,
Sự nước xui nên phụ nghĩa chàng.
Cung oán nỉ non đàn "Bạc mệnh",
Duyên nay run rủi lưới Tiền Đường.
Hai bên vẹn cả tình cùng hiếu,
Đem bắc đồng cân đáng mấy vàng
Và đây là cụ Tản Đà:
Tiếng trống biên đình bốn phía ran
Tướng quân chi tiếc cái hoa tàn
Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng
Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan
Tiền Đường đâu đã mả hồng nhan
Bơ vơ nấm đất ven sông đó
Hồn có nghe chăng một tiếng đàn !
Ôi! Bài thơ Đường luật của cụ Nguyễn Khắc Hiếu quá hay, nhưng cay thì cũng quá cay: “Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan” – Còn gì cay đắng hơn!
Được biết, vua Tự Đức cũng rất thích truyện Kiều, tuy có đôi ba chổ Ngài xem thì nhăn mặt, chẳng hạn khi đọc đến câu “Dọc ngang trời đất, trên đầu có ai ”…
Dẫu có những quan niệm khác nhau về nhân vật nàng Kiều cũng như Truyện Kiều, nhưng chưa thấy một ai dám ngang nhiên sửa chữa Truyện Kiều. Tất nhiên cho đến nay cũng đã có nhiều câu Kiều có những “dị bản”, biết đâu có người đã sửa Nguyễn Du? Nhưng ngang nhiên sửa Truyện Kiều như anh thợ thơ Đỗ Minh Xuân của thời hiện đại thì chỉ có một không hai. Điều đáng nói là sự sửa chữa, có thể nói là vô cùng bố láo ấy lại được ông giáo sư già, người được mệnh danh là “Thần tượng văn hóa của chế độ” lại “nối giáo” cho Đỗ Minh Xuân. Sự kiện này khiến dân mạng vốn đã chẳng ưa gì ông giáo sư nhiều danh tiếng đã ném đá ông rào rào cùng với những chuyện khác về văn chương, câu đối… của ông. Quả thực, đã có những bài phản đối rất mãnh liệt như: “SAO ÔNG VŨ KHIÊU LẠI NỐI GIÁO CHO VIỆC SỬA TRUYỆN KIỀU VÔ LỐI?: “Ông Đỗ Minh Xuân đã thay thế khoảng 1/3 chữ nghĩa của Truyện Kiều mà ông cho là rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh” thì thật là một việc có lẽ chưa từng có trong lịch sử văn học thế giới (?)”. Tác giả Trần Quang Hùng viết: “Phải nói rằng nếu tôi kinh ngạc về việc làm của ông kĩ sư là một thì tôi kinh ngạc về việc ủng hộ ông ấy của GS Vũ Khiêu đến mười.
Việc bác GS Vũ khen ngợi hết lời “công trình” của KS Xuân tôi biết chắc làm cho rất nhiều người biết qua về bác rơi vào trạng thái từ ngạc nhiên đến kinh ngạc. Nhưng bình tĩnh lại, tôi nảy ra được hai ý thế này:
Thứ nhất (ý này hơi ngộ nghĩnh một chút) nhà nước đã có quy định tuổi nghỉ hưu. Ai nghỉ hưu ở tuổi này nên gọi là nghỉ hưu lần thứ nhất. Vì sau khi nghỉ hưu nhiều người vẫn còn làm việc được. Với những người này cũng nên quy định tuổi “nghỉ hưu” lần thứ hai, để đề phòng sau tuổi ấy người ta dễ bị lẩm cẩm!
Thứ hai, kết hợp với vụ từ điển mà tôi đã nói ở phần đầu, làm sao tôi cứ thấy “lăn tăn” về những danh hiệu cao quý mà một số nhà nọ nhà kia… “quốc doanh” đã được tặng. Thế mới lạ chứ”. (Quá kinh ngạc!- Về việc sửa Truyện Kiều / Trần Quang Hùng / Quê Choa 12/4/2014).
Có 1 tên hậu bối tức tối quá, nên mượn lời cụ Tiên Điền mắng ;
Vũ Khiêu ơi hỡi Vũ Khiêu ,
Sao mầy lại lấy truyện Kiều chơi tao ?
Truyện Kiều còn được sử dụng trong việc bang giao tế thế nữa. Người lẫy Kiều lại là Tổng thống và Phó Tổng thống xứ Cờ Hoa, từng là cựu thù của nước Việt ta mấy mươi năm về trước.
Còn nhớ, tháng 11/2000, ông Bill Clinton - Tổng thống đầu tiên của Mỹ thăm Việt Nam sau 25 năm chiến tranh kết thúc. Khi đó, trong buổi tiệc chiêu đãi trọng thể phái đoàn cao cấp Mỹ tại Phủ Chủ tịch do Chủ tịch nước Trần Đức Lương chủ trì, ông Bill Clinton đã phát biểu cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Chính phủ Việt Nam và đã đọc hai câu trong truyện Kiều của Nguyễn Du: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, Đông đà sang Xuân”. Ông Bill Clinton đã mượn quy luật vận động tất yếu của tự nhiên để khẳng định sự phát triển tất yếu quan hệ Việt - Mỹ: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tươi sáng mà cả hai nước đều có trách nhiệm xây dựng. Sen tàn là đã hết mùa Hạ, chuyển sang mùa Thu hoa cúc nở, hết mùa Thu chuyển sang mùa Đông với đặc điểm sầu dài ngày ngắn và kết thúc mùa Đông u ám là đến mùa Xuân tươi sáng.
15 năm sau, quan điểm định hướng xây dựng quan hệ của hai nước mà ông Bill Clinton đặt nền tảng, được ông Barack Obama khẳng định và phát triển ở cấp độ cao hơn. Trong tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ do Phó Tổng thống Mỹ Joe Binden chủ trì, sau khi đọc diễn văn mừng bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ và những bước tiến trong khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích, xử lý chất độc dioxin, ông Binden đã lẩy Kiều bằng tiếng Anh: “Thank heaven we are here today/To see the sun through parting fog and clouds”(Trời còn để đến hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời), chúc cho quan hệ Việt - Mỹ ngày càng phát triển tốt đẹp.
Một lần nữa, Chính phủ Mỹ khẳng định và tin tưởng vào tương lai, kết cục có hậu quan hệ song phương sau một giai đoạn lịch sử khó khăn. Quan điểm đó của người Mỹ cũng hoàn toàn trùng hợp với quan điểm truyền thống của người Việt. (theo Báo Thanh Tra 14/07/2015)
Gần đây, bài : “Nguyễn Phú Trọng hiểu lầm ý của Nguyễn Du?” GS Nguyễn Văn Tuấn viết:
“Trong Truyện Kiều mà ta vừa kỷ niệm 250 năm, Nguyễn Du đã viết: Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Phải chọn người có đầy đủ phẩm chất, năng lực, trình độ bản lĩnh. Nhất là đạo đức, phải trung thành tuyệt đối, với dân, với chế độ, với Đảng, giữ cho được chế độ này, Đảng này, giữ cho được hòa bình ổn định để phát triển đất nước” (1).
Chú ý chữ “cho được”!
Có vẻ bác ấy muốn hiểu chữ “tâm” của Nguyễn Du là đạo đức, là lòng trung thành với dân, với đảng, với Nhà nước. Nhưng tôi nghĩ Nguyễn Du không có cái ý đó khi viết câu thơ bất hủ trên. (Thời đó làm gì có đảng). Chữ “tâm” của Nguyễn Du phải hiểu theo nghĩa nhà Phật, có nghĩa là lòng ngay thẳng, bao dung, từ bi, bố thí, và hi sinh. Chữ “tâm” của Nguyễn Du chẳng dính dáng gì đến đạo đức cách mạng, và càng chẳng liên quan gì đển việc giữ đảng cả. Nếu hiểu như thế thì e rằng hơi gượng ép quá. Do đó, tôi nghĩ chữ “tâm” mà bác Trọng trích dẫn là không hợp trong văn cảnh. Kể ra cũng ngạc nhiên, vì một người từng học về văn mà phát biểu không có văn vẻ và logic gì cả!” (1).Chọn người đạo đức, trung thành, giữ cho được chế độ
Dân tộc nầy đã trải qua những cuộc chiến tranh điêu tàn, khốc liệt… để đổi lấy độc lập, thống nhất bằng sự hy sinh cả núi xương sông máu, tiền bạc của nhân dân, đến nay đã hơn 40 năm xây dựng mà đất nước vẫn lẩn quẩn tụt hậu so với xung quanh. Kinh tế thì làm ăn thất bát, nợ nần ngập đầu, chính trị thì càng ngày dân càng mất lòng tin vào thể chế… đến nỗi ông TBT Nguyễn Phú Trọng phải thốt lên: “Đến hết thế kỷ nầy, chưa chắc chúng ta đã có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện!”. Thế nhưng cho đến giờ vẫn không tìm ra được một lối đi sáng sủa hơn. Cái con đường đi mà ông TBT luôn kêu gọi phải kiên định, giờ đây khiến một người dân bình thường biết đến Truyện Kiều cũng đều có thể nhớ và lẩy ra cái câu: Ma đưa lối, quỷ dẫn đường /Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi ? Phải chăng đây là dự đoán thiên tài của cụ Nguyễn?
Ca dao có câu : Trăm năm bia đá thời mòn .
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ .
Truyện Kiều có câu : Sống làm vợ khắp người ta .
Hại thay thác xuống làm ma không chồng.
Ông Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng nghĩ sao ?
Thương cho thân phận nàng Kiều, thương cho thân phận nước Việt của tôi, thương cho đại thi hào Tố Như, giờ đây, 250 năm, chẳng biết đã có ai khóc ông chưa, nhưng tin rằng, nếu linh thiêng, hương hồn ông có lẽ đang khóc cho đất nước của minh?
Tựa bài là Nỗi lòng Nguyễn Du, kẽ hậu sinh mạo muội, nếu có chi không phải xin bậc tiền bối lượng thứ !
12/12/2015 TRỊNH KIM THUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét