Đi trên một khúc đường biên
Tùy bút của Nguyễn Ngọc Dương
Vào một ngày trung tuần tháng 11/2015, Thái Sinh, đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam ở Tây Bắc và Quốc Hồng, đại diện Báo Nhân dân ở Lào Cai mời tôi đi Hồng Ngài, một bản xa nhất thuộc xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Thường thì cánh nhà báo không mấy khi muốn giây vào những lão “khốt”. Bởi vì có tuổi rồi, đi vùng sâu vùng xa đôi khi trái gió trở trời dễ gây phiền toái cho họ. Những người già như tôi thường chả tích sự gì, chỉ được cái khó tính, khó nết, ăn uống sinh hoạt thì kén chọn, đêm ngủ thì lục sà lục sục dậy ra vào toilet đến mấy lần, khiến người thính ngủ chẳng dễ chịu chịu gì…
Thế nên, chắc phải quý nhau lắm, hai nhà báo “có cựa” này mới ngỏ ý mời lão đi Hồng Ngài, một bản Mông ở tận cùng phía Tây huyện Bát Xát, cũng là điểm cực Tây tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thành phố hơn trăm ki lô mét đường đèo dốc quanh co, vượt qua độ cao hơn 2000 m so với mặt biển. Nơi đây vừa là chỗ tiếp giáp với Dào San, Lai Châu vừa tiếp giáp huyện Kim Bình, Vân Nam , Trung Quốc.
Rất may là Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát tạo điều kiện giúp đỡ nhiệt tình và vô tư, cho mượn xe 5 chỗ, gầm cao máy thoáng, cử một tay lái cừ khôi đưa đón tận nơi. Khi lên xã, Bí thư đảng ủy Ly Giờ Có đích thân dẫn đi, mặc dù phải phân công người khác thay thế trong một cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu dân cử.
Theo Ly Giờ Có thì cái tên Hồng Ngài xuất xứ từ tiếng Quan Hỏa có nghĩa là đá đỏ. Nghe đâu, có một người dân mò ở đầu nguồn con suối Lũng Pô được một viên rubi to bằng…cái ấm pha trà! Viên đá mầu hồng - huyết bồ câu cực đẹp. Có lẽ đó là viên rubi lớn nhất thế giới thời ấy? Thế là từ đó người ta gọi vùng đất này là Hồng Ngài (nghĩa là đá đỏ hay hồng ngọc).
Con suối Lũng Pô bắt đầu phát sinh từ Hồng Ngài chảy qua xã Y Tý, A Lù, A Mú Sung rồi đổ vào sông Hồng, tạo thành cái ngã ba sông – suối bao bọc lấy thỏi đất như một “ngón chân cái” nơi địa đầu Tổ Quốc. Suối Lũng Pô làm thành đoạn biên giới kéo dài từ cột mốc 85 - Hồng Ngài đến cột mốc 92 - Lũng Pô, là nơi mà trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều người rất sính dùng câu thơ của Dương Soái để mô tả. Đó là câu “Nơi con sông Hồng Chảy vào đất Việt”. Có lần tôi nói với Dương Soái: cả tập thơ của ông đề cử Giải thưởng Văn học nghệ thuật Phansipang được mỗi bài, cả bài được mỗi câu: “Anh ở Lao Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” mà ông nhạc sĩ Thuận Yến khi phổ nhạc đã sửa lại là “Anh ở biên cương …” trong ca khúc Gửi em ở cuối sông Hồng. Bằng chứng về giá trị của câu thơ Nơi con sông hồng chảy vào đất Việt là nó đã trở thành câu cửa miệng của quá nhiều người. Thậm chí có nhiều bản Báo cáo hành chính cũng dẫn câu thơ ấy mà không hề biết xuất xứ của nó. Nhưng có lúc tôi nghĩ, miếng ngon cũng không nên ăn quá nhiều…, câu thơ hay nhưng lạm dụng thành câu cửa miệng, có khi vô tình biến một ý tưởng nghiêm túc thành ra sáo sến…
Đoạn suối biên giới Lũng Pô này dễ đến bốn, năm chục km. Không đến Hồng Ngài, không thể hiểu được con suối Lũng Pô nổi tiếng bắt nguồn từ đâu. Trưởng bản Vàng A Sáo cho biết: cái cột mốc 85 cũng là nơi phát nguyên của con suối Lũng Pô và tại nơi ấy có một ngọn núi mang dáng hình một chiếc lưỡi hái cắt lúa, tiếng Mông phát âm là ntrông –nía – vu (tạm hiểu là núi Lưỡi hái)
Đã có hàng chục lần đi săn ảnh ở Y Tý nhưng nói thật, tôi chưa một lần đến Hồng Ngài. Y Tý là vùng đất khỉ ho cò gáy, quanh năm mù sương, khí hậu đặc biệt, tạo nên cảnh đẹp ma mị khiến các nhà nhiếp ảnh khắp cả nước cũng như những “phượt thủ” có hạng từ Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên… lũ lượt kéo lên để trải nghiệm những cảm xúc lạ. Có lẽ lên Y Tý mà chưa đến Hồng Ngài sẽ là một thiếu sót khó chấp nhận, bởi phải đến tận Hồng Ngài mới thấy hết được cái rộng dài, cái phong phú, độc đáo của Y Tý. Đặc biệt, về ban đêm, nhiều hôm bầu trời trong vắt, không có trăng nhưng trong cái rét ngọt, những ngôi sao như thể sà xuống rất thấp để sưởi ấm cho cả vùng. Một chiến sĩ biên phòng khoe: những đêm như thế, chúng em lấy điện thoại ra chụp ảnh… sao trời! Lúc ấy, những ai chưa đến Hồng Ngài bao giờ đều phải ngỡ ngàng bởi chẳng thấy ở nơi nào vào ban đêm, bầu trời không trăng, mặt đất không điện, chỉ có sao mà sáng như vậy!
Từ trung tâm xã sang Hồng Ngài phải qua các bản Lao Chải 1, 2, Sim San 1, 2… Khi qua Sim San, tôi bỗng nhớ câu thơ của Hoàng Anh Tuấn: “Bụng biết nhớ mặt trời hồng trên má/ Rượu Sim San trong mắt nồng say”. Hình như người ta biết đến rượu Sim San trước khi biết đến bản Sim San. Từ lâu, Bát Xát nổi tiếng với rượu San Lùng trên cả nước. Nhưng gần đây, rượu Sim San cũng bắt đầu mê hoặc được những chàng trai tứ chiếng khi họ đến với Y Tý. Quả nhiên, rượu Sim San cũng như một thứ mỹ tửu đang cuốn hút cả những người không biết uống rượu như tôi…
Rượu Hồng Ngài cũng ngon chẳng kém rượu Sim San |
Lên Hồng Ngài vào mùa này, chốc chốc lại gặp những cụm hoa Dã Quỳ nở rộ bên đường, như thể ai đó trồng lên để làm dáng cho một miền sơn cước. Dã quỳ là loài hoa thoáng nhìn giống như Cúc đại đóa (có người gọi là Cúc Quỳ) với một sắc vàng rực rỡ. Tuy mù tịt về loài hoa dại này, nhưng khi nhìn thấy, tôi chỉ biết nó đẹp, đẹp đến nao người. Nghe đâu Dã quỳ đã vào tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ...
Theo giới thiệu của Ly Giờ Có, khi ta hướng đến Hồng Ngài thì những dãy núi rất gần bên tay phải kia, chỉ cách một thung lũng là thuộc lãnh thổ của Trung Hoa đại lục. Con suối Lũng Pô vạch ra đoạn biên giới khá đặc biệt nhưng nó nằm tút hút dưới đáy thung lũng, đi trên đường đèo, chẳng ai nhìn thấy nó. Bởi là đầu nguồn nên suối rất hẹp, ít nước, chắc hẳn lội qua dễ như không, nhất là vào mùa cạn này.
Tôi đã từng đặt chân đến nhiều nơi thâm sơn cùng cốc nhưng lạ thay, khi đến những nơi giáp biên như thế này bao giờ cũng có một cảm giác rưng rưng rất lạ. Dù nói ra hay không, trong lòng vẫn dâng lên cảm xúc của áng hùng văn Lý Thường Kiệt nghìn năm trước “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế cư…” . Nhìn sang bên kia, vẫn là núi rừng, vẫn một màu xanh nhạt chìm trong sương khói, chả có đặc điểm gì khác lạ nhưng đó lại là lãnh thổ của Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa, một đất nước chiếm đến 1/6 quả địa cầu, có hằng tỉ dân, chưa kể rải rác khắp hành tinh. Chính thế mà Thái Sinh và Quốc Hồng bảo dừng xe lại…chụp ảnh! Tôi phì cười, nghĩ bụng, “đúng là tâm hồn các nhà báo pha nghệ sĩ!”. Bởi với con mắt nhiếp ảnh thì chụp những cảnh này đến thánh cũng không thể lột tả được đó là biên giới, trừ khi có một thứ máy ảnh chụp được… tâm hồn con người! Đâu cũng là núi rừng, cũng là đất, trời, mây gió…cả, chẳng có gì khác nhau, làm sao máy ảnh chụp được cái biên giới này! Cái ranh giới tự nhiên được quy ước bởi con suối Lũng Pô thì bị khuất lấp dưới đáy thung rồi…
Nhà báo Thái Sinh say sưa chụp ảnh. |
Có người bảo, người Hà Nhì ở Y Tý và một số nơi ở Lai Châu hiện nay có nguồn gốc từ Vân Nam Trung Quốc di cư sang từ nhiều thế kỷ trước. Song lại có người nói, nếu xét về mặt lịch sử thì những nơi họ xuất phát ra đi, thời ấy cũng đã từng thuộc nước Nam, nên cũng chỉ là di cư từ vùng nọ sang vùng kia trong một quốc gia. Mà cái vùng đất ấy, do biến động của lịch sử, bây giờ thuộc Trung Quốc, nên người ta bảo người Hà Nhì có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng, điều đó chả quan trọng gì, miễn là người Hà Nhì ở Y Tý (Lào Cai) và Lai Châu xưa nay và mãi mãi là một trong 54 tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Trong lúc nghỉ giải lao cho hai nhà báo chĩa ống kính sang núi rừng Trung Quốc chụp ảnh thì Ly Giờ Có ngắt ở bên đường một cành hoa rất đẹp: lá xanh sẫm, hoa vàng rực rỡ. Anh chìa ra trước mặt mọi người và giới thiệu: Đây là cây lá ngón, một thứ cây dại mà người Mông dùng nó để quyên sinh mỗi khi có chuyện bức xúc, không muốn sống nữa. Nhìn sang vệ đường, cây lá ngón mọc rất nhiều, thành bụi. Ai ngờ thứ hoa lá đẹp như thế lại là một loài cây giết người! Nghe nói, những cây lá ngón này người Mông không hủy diệt nó mà để “nuôi” làm vật cảnh báo cho mọi người trong cuộc sống đầy mâu thuẫn phải biết kiềm chế, nhường nhịn nhau, sống hòa thuận, chớ gây ra cho nhau những bức xúc, giận hờn…Bởi chỉ cần một cơn giận chẳng đâu vào đâu, người ta có thể vặt một chiếc lá ngón xanh lét kia bỏ vào mồm là đủ để đưa linh hồn “du tiên nơi cực lạc”! Cái cây lá ngón thật là lợi hại. Nó giống như một cái Luật bất thành văn treo trên đầu, khiến người ta phải luôn tìm cách tạo ra cuộc sống êm ấm, hòa thuận trong gia đình, làng xóm. Tuy nhiên, đàn dê thả rông trên đường cứ đua nhau ăn cây lá ngón như thưởng thức một món đặc sản mà chẳng con dê nào chết cả…Trong khi đó thịt dê, đến lượt nó lại là món đặc sản của con người, càng ăn càng khỏe re… Thiên nhiên quả là kỳ diệu!
Một cành Lá ngón |
Cây Lá ngón mọc đầy ven đường |
Một góc bản Hồng Ngài bên Y Tý (Lào Cai) |
Xóm Hồng Ngài bên kia biên giới |
Có một điều hơi lạ: Bên Việt Nam là bản Hồng Ngài, thì phía Trung Quốc đối diện cũng là xóm Hồng Ngài. Hỏi, người dân chỉ trả lời: “Không biết. Mình Hồng Ngài, họ cũng Hồng Ngài, ai cũng gọi thế từ xưa rồi.” Chỉ cách nhau một con suối nhỏ nên hai bên thường qua lại, chơi bời, đôi khi cùng nhậu nhẹt với nhau, say bí tỉ mới về. Vì đều là dân, hơn nữa lại cùng dân tộc Mông, cùng nói một thứ tiếng, phong tục tập quán giống nhau, nên họ không có khái niệm bên kia suối với bên này là hai quốc gia, quốc thể khác biệt, không hình dung được cái con suối nhỏ ti này lại là một đường ranh giới quốc gia, mà về nguyên tắc, nếu bước qua đó là phải có hộ chiếu (!). Những người dân này chưa bao giờ biết đến cái gọi là hộ chiếu, visa… Quả vậy, nếu chỉ thuần túy là dân với dân thì chẳng riêng gì Việt Nam – Trung Quốc mà khắp hành tinh này dân đều là dân cả. Dân với dân chẳng có oán thù, chẳng có tranh giành đất đai, tài nguyên khoáng sản, chẳng có phân biệt sắc tóc, màu da dẫn đến những cuộc chiến tranh đầu rơi máu chảy. Chiến tranh hay hòa bình… xét cho cùng đều do giới cầm quyền cả. Một khi cái máu tham chất chứa trong con người cầm quyền nước lớn thì nó biến thành xung đột kiểu cá lớn nuốt cá bé…
Hỏi về đời sống của người dân hai bên có gì khác nhau không, Vàng A Sáo cho biết: “Cũng thế cả thôi. Bên họ cũng có người nọ người kia, người giầu, kẻ nghèo, mức sống cũng không hơn gì bên mình...”. Ngày trước dân ở đấy cũng trồng thảo quả như mình, nhưng bây giờ họ trồng chuối để cung cấp cho xứ ôn đới từ phía bắc tỉnh Vân Nam trở lên. Hiện thôn Hồng Ngài Y Tý có 54 hộ dân người Mông, do xa xôi nên chưa có điện lưới tới được. Tuy vậy cuộc sống của bà con cũng không đến nỗi nào. Chỉ có 10 hộ nghèo. Đại đa số có nương thảo quả, thu nhập 40-50 triệu / năm, riêng nhà ông Dủa thu được 2 tấn/ năm, bán được 300 triệu đồng.
Sấy Thảo quả |
Thảo quả đã sấy khô |
Thảo quả đóng bao chuẩn bị xuất bán |
Trạm Biên phòng ở cạnh Phân hiệu Trường Tiểu học Y Tý 2 |
Thái Sinh & Quốc Hồng |
Bữa trưa, chúng tôi trải chiếu, ngồi quây tròn ngay tại Trạm biên phòng Hồng Ngài, liền kề ngay Trường Tiểu học Y Tý 2 - phân hiệu Hồng Ngài. Dường như đã rất quen, tất cả 6 anh chị em giáo viên cùng sang tiếp khách với những những người lính mang quân hàm xanh và khách phương xa mới đến Hồng Ngài. Các bạn giáo viên đều thuộc lớp 8 – 9X, người có gia đình, người chưa, trẻ lắm, đều từ miền xuôi lên đây công tác. Nhưng khi hỏi, ở đây các cháu có buồn không thì cô giáo Phượng trả lời ráo hoảnh: “Không, ở đây vui lắm bác ạ!” Không biết cô giáo nói thật hay bỡn, nhưng nhìn vào ánh mắt họ thì không thấy ai buồn. Bữa cơm có thịt ngan, gà, rau cải, rượu… đều do các chiến sĩ biên phòng tự sản xuất được. Ấn tượng và lạ lùng nhất là món củ thảo quả thái chỉ xào lòng gà, gần 70 tuổi, lần đầu tiên tôi mới được thưởng thức món ăn này.
Ánh mắt những đứa trẻ vùng biên |
Khi những cụ già, những chị em phụ nữ, những đứa trẻ vùng biên với đôi mắt tròn ngây thơ, những thày cô giáo, những chiến sĩ biên phòng… họ vẫn thấy vui trong cuộc sống ở nơi này, một vùng đất hẻo lánh rất dễ bị lãng quên, thì một người có tuổi như tôi tin rằng, vùng biên cương ấy hẳn sẽ được giữ gìn vững chắc. Quả thật, có đến tận nơi mới thấy, lãnh thổ quốc gia có được toàn vẹn, biên giới có được giữ vững hay không là nhờ ở thế biên phòng toàn dân, mà biểu tượng là những bức tường rào đá của người Mông, là những ngôi nhà vuông trình tường bằng đất của người Hà Nhì truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác ở nơi núi cao vực thẳm này.
Từ trái qua: Thái Sinh, Nguyễn Ngọc Dương & Trường bản Vàng A Sáo |
Những con người nơi đây, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ vẫn như những “cột mốc sống” cắm vào biên giới quốc gia, góp phần giữ vững nền độc lập dân tộc của Tổ Quốc Việt Nam thân yêu”./
Tháng 11/2015 NGUYỄN NGỌC DƯƠNG .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét