3 thg 12, 2015

Lý luận “hàng tôm hàng cá” Tác giả: Theo FB VinhhuyLe / theo Kim Dung Kỳ Duyên..

Lý luận “hàng tôm hàng cá”Tác giả: Theo FB VinhhuyLe

.KD: Đây là bài viết rất hay, có thể coi là phản biện lại bài phóng sự của nhóm PV báo Lao động. Xin đăng lên để bạn đọc, và cả các bạn đồng nghiệp Lao động, biết đâu quan tâm tới Blog KD/ KD có thể đọc và rút kinh nghiệm.
Trong một cái comment của chủ Blog, hôm qua trả lời một còm sĩ, mình cũng rất ngạc nhiên. Xin trích đăng: “Chả hiểu sao báo LĐ chịu khó làm p/s tới 4 kỳ. Mà câu hỏi của nhà báo thì cũng lởm khởm chẳng kém ông “sư hinh” này. Chắc để câu hit chăng?”
———————
Từ ngày 27/11/2015, báo Lao Động đăng loạt bài phóng sự của một “nhóm phóng viên” về hai nhà sư trụ trì thuộc Văn Giang (Hưng Yên).
Thay vì thực hành chức năng nhà báo là chỉ tường thuật sự thật khách quan, để độc giả tự kết luận, thì ở đây “nhóm phóng viên” lại tỏ ra sân si, để quá nhiều cảm tính xen vào.
su chuaBuồn cười nhất là bài kỳ 4 trong chuỗi “phóng sự” kể trên, họ chạy cái title: LÝ LUẬN KIỂU “HÀNG TÔM HÀNG CÁ” CỦA SƯ TRỤ TRÌ NGÀY NÀO CŨNG SAY.

Trong loạt bài này, không chỉ xâm phạm đời tư một cách không cần thiết (đăng ảnh kèm lời chú thích “Mặc quần cộc, cởi trần quét dọn chùa, không ai nghĩ đây lại là một vị sư trụ trì” – làm như thể sư trụ trì thì không thể làm công việc quét dọn, hoặc sư trụ trì khi quét dọn thì không thể cởi trần?), mà các phóng viên còn nhiều lần cố tình đặt những câu hỏi có ý khiêu khích đòn xóc hai đầu để soi mói, bươi khoét chuyện xích mích giữa hai vị trụ trì.
Đặc biệt trong bài “Hàng tôm hàng cá”, nhóm phóng viên có cách đặt câu hỏi ngây ngô, khiến nhà sư có cớ “bật” lại. Về việc nhà sư dùng món mặn chẳng hạn, thay vì căn cứ thanh qui giới luật nhà Phật để chất vấn thì phóng viên lại dựa vào… cái nhìn trong dân mà hỏi.
Trích ra đây vài đoạn nhà sư đốp chát thẳng thừng:
“Ai cấm đâu? Đấy là anh chị tưởng thế thôi. Tôi không muốn nói trên khái niệm và quan điểm, tôi nói trên mặt định chế và pháp luật. Nếu không cấm đi ngược chiều thì tôi cứ đi chứ. Đấy là chuyện bình thường mà”.
“Tu hành là chuyện tu hành. Ông Phật ông ấy có cấm không, ở dòng bao nhiêu, trang bao nhiêu, quyển sách nào”
“Nếu mà chùa S nó bảo là chúng tôi ăn chay nên chúng tôi hơn người khác, thì tôi sẽ gọi là trại bò S chứ không phải trại người S. Vì Đức Phật còn không ăn chay, đúng không, thế chúng mày ăn chay, thì khác gì trâu bò, đúng không? Tôi có con bò, có bao giờ nó ăn thịt đâu, nó không những ăn chay, mà còn ăn chay từ kiếp nọ đến kiếp kia”.
“Thế tôi hỏi anh chị nhá, tại sao người ta lại gọi anh chị là người Việt Nam? Tại sao người ta lại gọi đất nước này là Việt Nam? Chẳng qua là người ta gọi nó thế thôi. Chứ hồi xưa người ta gọi là Đại Ngu cũng được chứ sao. Việt Nam (là cái tên) sau này người ta mới đặt cơ mà. Cho nên đấy là khái niệm, đúng không? Bây giờ anh chị tên là Hoa, nhưng anh chị có phải là Hoa không, chẳng qua là bố mẹ anh chị gọi thế để phân biệt với cái đứa tên là Lá thôi. Lâu dần người ta cứ gọi anh chị Hoa ơi, thì anh chị tưởng anh chị là Hoa, chứ anh chị có phải là Hoa đâu… Tất cả đều là do người ta đặt ra và gọi thế, mà đa số những cái mà người ta vẫn dùng là sai. Bản chất nó chỉ là những khái niệm mơ hồ”.
Tất nhiên, đó đều là những lời ngụy biện, hay nói đúng hơn, là lý sự cùn. Nhưng lối ngụy biện đó có hàm ý chửi bới, xúc phạm người đối thoại – ở đây là “nhóm phóng viên” – đâu, sao lại nhận định nhà sư là “hàng tôm hàng cá”?
* * *
Trong lịch sử, từng có một lối ngụy biện y chang vị hòa thượng trụ trì kia, tôi muốn nhắc Tuệ Trung thượng sĩ:
Tuệ Trung thượng sĩ (1230-1291), tên thật Trần Tung, tước Hưng Ninh vương. Ông là anh ruột Trần Quốc Tuấn. Ông đi tu từ nhỏ, có thể là sau khi người cha (tức An Sinh vương Trần Liễu) gây họa chống lại triều đình.
Có lần, hoàng hậu Thiên Cảm (em gái Tuệ Trung) mời ông vào cung ăn tiệc. Trên bàn có những món mặn và món chay, ông đã gắp thức ăn một cách không phân biệt.
Hoàng hậu hỏi:
– Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?
Ông cười đáp:
– Phật là Phật, anh là anh; anh không cần thành Phật, Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát “đó sao?
Lần khác, Trần Nhân tôn hỏi ông:
– Bạch thượng sĩ, chúng sinh quen cái nghiệp ăn thịt uống rượu thì làm thế nào mà thoát khỏi tội báo?
Tuệ Trung đáp:
– Nếu có người đang đứng xây lưng lại, thình lình vua đi qua sau lưng, người ấy không biết, cầm một vật gì ném nhằm vua. Thử hỏi: người ấy có sợ không, ông vua có giận không? Nên biết hai việc ấy không dính líu gì với nhau vậy.
* * *
Rõ ràng, cả Tuệ Trung xưa lẫn sư trụ trì chùa N.T nay đều đã lẫn tránh, lý luận vòng vo để khỏi trả lời thẳng vào câu hỏi. Nhưng một đằng là “tiền nhân”, dòng dõi họ Trần tôn quý, nên lời Tuệ Trung thì được thế gian xúm vào bàn luận tâng bốc, khiến đó thành “yếu lĩnh” của phái “thiền Yên tử”, là lý giác ngộ siêu việt. Còn sư Thích Thanh Th., lại bị qui cho là “hàng tôm hàng cá”!
Chuyện nhà sư ngả mặn, thế gian chẳng thiếu gì. Cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, có ông Lương Sĩ Hằng tự xưng thiền sư kiêm Phật sống, người lập ra phái “Thiền Vô vi” rất có thanh thế thời bấy giờ, còn bảo rằng mình ăn mặn là vì từ bi tâm, ăn thịt con nào là độ con đó vào Niết Bàn. Định luận thị phi vụ này hãy để giáo hội Phật giáo phân xử (mà nói thiệt, tôi cũng không dám tin là trong Phật giáo quốc doanh có vị nào đủ tư cách và phẩm hạnh để công khai lên tiếng bình phẩm chuyện này, thế mới đú he he!)
Còn “nhóm phóng viên” cùng tờ báo kia, không cần biết động thái đăng loạt phóng sự nọ nhằm mục đích gì, nhưng đã đánh giá sư là “hàng tôm hàng cá”, thì phải trưng ra được bằng cớ hòa thượng đã văng tôm cá vào mặt các vị, bằng không, các vị đã phạm tội nói xấu nhà sư: Các vị cần phải xin lỗi và chịu phạt nặng để làm gương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog