17 thg 4, 2016

Tản mạn về chuyện xấu hổ của Trịnh Kim Thuấn/PNTB


Hình minh họa
Theo Từ điển Tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội 1977, do Văn Tân chủ biên, “Xấu hổ là 1. Cảm thấy hổ thẹn với lương tâm vì không thực hiện được đầy đủ những quy phạm đạo đức của xã hội mà mình được giáo dục/ 2. Cảm thấy ngượng nghịu, e thẹn.”  Người Nambộ thường hay dùng từ Mắc cỡ. Từ này cũng được định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt:  “Mắc cỡ là xấu hổ - một tính từ”. Tuy cho đến nay nội hàm những từ trên có thay đổi chút ít, nhưng cơ bản vẫn là biết hổ thẹn, biết ngượng với lương tâm khi làm những điều sai trái…

Con người ta một khi làm những điều sai trái với đạo lý, thậm chí làm những điều trái với chính những lời hay ý đẹp của mình vẫn nói trước mọi người…thì phải biết xẩu hổ. Xấu hổ là một động thái nhận ra lỗi lầm để mà tránh, để mà xây dựng nhân cách của mình tốt hơn. Nói cách khác, biết xấu hổ là người có nhân cách và ngược lại… Khi không biết xấu hổ sẽ bị người đời đánh giá là loại người “mặt trơ trán bóng, mũi mạ kền!”…

Xin kể một chuyện xấu hổ, mắc cỡ trong đời thường:

Anh Nhan Thanh Hồng (Mười Hồng) nguyên Thiếu tá, Chính ủy Trung đoàn 2, Sư 330, nay đã mất. Trong một lần đi nhậu, đột nhiên anh hỏi: “Mấy cha hồi nhỏ đến lớn có ai biết mắc cở không vậy ta?” Câu hỏi đột ngột khiến mọi người khó trả lời.

Anh Mười Hồng kể: Hồi 30/4/1975, anh từ Chiến khu ra thành phố Cần Thơ, mang cấp bậc đại úy, chưa vợ. Đến khoãng năm 1980 anh mới xây dựng gia đình và rồi chị Mười nằm cữ (bể bầu). Anh Mười nghỉ phép về nuôi vợ sanh. Một buổi trưa đang dạo xóm, nghe tin có cô Lan (đã thay tên), là bạn gái của vợ đến thăm. Anh Mười như “múa tay trong bị”. Anh uống rượu canh chừng đến giờ cơm, về nhà chào hỏi khách và mang cơm cho vợ tiếp khách. Anh bảo, lúc ấy chỉ mong cho trời chóng tối…

Nhà anh Mười Hồng, phòng khách là bộ bàn ghế dài kê ở  giữa, một bên là một bộ ngựa (phản), một bên là cái chỏng, cô Lan nằm. Khoãng 8 giờ tối soạn lại bếp than dưới giường (thời ấy sản phụ phải nằm cạnh đống than củi), đặt thêm than vào, giữ làm sao cho bếp than cháy đều đến sáng. Xong xuôi anh lên  bộ ngựa giả vờ ngủ. Khoãng chừng hơn nửa tiếng, thấy im ắng cả, anh nhẹ nhàng vén mùng tụt xuống đất. Anh bò rất nhẹ, như con mèo hay chuột, chui vào mùng cô Lan…

Đúng lúc ấy chị Mười kêu: “Anh Mười ơi, em lạnh quá, để thêm than cho em đi…” . Anh giật thót mình, không dám trả lời và nghĩ: “Quái lạ, bếp than vẫn cháy tốt kia mà?”. Chị Mười vẫn gọi… Anh Mười vén mùng, nhẹ nhàng tụt xuống đất, rồi nhẹ nhàng bò trở lại vị trí cũ, giả vờ ngáy. Chị Mười gọi nữa ... Anh làm ra vẻ ngái ngủ, ngáp một cái thật dài rồi bước vào gần giường của chị Mười, cúi xuống xem bếp than. Quả nhiên bếp vẫn cháy tốt. Anh vén mùng chị Mười hỏi: “Gì vậy em ?”  Chị Mười ngồi bật dậy, ghé tai nói rất nhỏ chỉ đủ anh nghe thấy: “Đặc công bò giỏi quá ta! Em phục anh sát đất!”

Lúc ấy anh mới biết là đã bị bể mánh. Hóa ra, từ đầu hôm bả vẫn thức, vẫn theo dõi!...

Anh Mười Hồng kể tiếp: “Nghe bả nói, tôi mắc cỡ quá trời, cả người chết trân luôn!. Theo cách mạng từ thuở 14 - 15 tuổi, trời đất không sợ, chết không sợ mà giờ đây sợ chính bà xã nhà mình! Sợ quá, sợ đến mật xanh mật vàng! Xét cho cùng, hình như không phải sợ bà xã, mà là sợ sự thật, sợ lẽ phải... Bởi, nhận ra mình đã sai, đã thua, thua đau nữa chứ. Để gỡ tội, tôi lẹ làng chui vào mùng của vợ, định ngủ tiếp, nhưng xấu hổ quá, mắc cỡ quá không thể chợp mắt lại, không thể lì lợm mà ngủ lại được. Sáng ra, làm cơm đãi khách mà lòng dạ ngổn ngang, không sao nuốt nổi!...

Ghi lại chuyện nầy, khi đứa con gái đầu lòng của anh Mười đã có gia đình, cháu ngoại 2 đứa. Nay anh Mười đã mất, xin hương hồn anh thứ lỗi. Đôi khi tôi đến nhà anh chị chơi, nhắc lại chuyện cũ, chị Mười cười cười nói: “Tôi ưng lấy ổng bởi tính trung thực của ổng. Tất nhiên, đàn ông trước sắc đẹp đôi khi khó cưỡng lại, như kẻ đói khát trước món ăn ngon. Nhưng với tôi, tôi trị được ổng mà. Tất nhiên phải mềm dẻo, khôn khéo, tế nhị… không thể thô bạo, “già néo đứt dây” có ngày…

Chỉ một việc ngoại tình không thành mà mắc cỡ đến muốn chui xuống lỗ nẻ.

Nghe nói bây giờ do bà con dùng nhiều thuốc diệt cỏ nên cây Xấu hổ, loài cây có hoa tím mọc hoang cũng chết hết cả. Hình như nó cũng là điềm báo rằng, tính Xấu hổ, Mắc cỡ trong xã hội bây giờ cũng không còn mấy. Người ta chai lỳ trước những hành động trái đạo đức, trơ trẽn với những lời nói giả dối, những lời hứa ‘đánh trống bỏ dùi’, hay những hành vi vi phạm đạo đức không thể chấp nhân… Nhưng không biết xấu hổ, mắc cỡ là gì.

Nhiều lắm, nhiều vô kể. Nhưng chỉ xin nhắc lại mấy vụ điển hình:

Ông Sầm Đức Xương hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Giang, cưỡng ép các em học sinh gái phải bán dâm cho các quan chức đầu tỉnh, mà dẫn đầu là ngài Nguyễn Trường Tô Chủ tịch tỉnh. Báo chí hồi ấy gọi ông là “ông Tô hô”! Sầm Đức Xương ra Tòa, kéo theo cả các cháu nữ sinh ra Tòa. Kết quả là các cháu nữ sinh, nạn nhân của vụ việc cũng lãnh án tù, Ông “Tô hô” hạ cánh an toàn. Qua vụ này, việc ông Tô và ông Hiệu trưởng SĐX không biết xấu hổ đã đành, điều đáng nói là, theo dư luận, cả những người xử vụ nầy cũng không biết xấu hổ, khi họ làm trái với lương tâm?

Ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Nhà nước, sau khi về hưu xây dựng một biệt phủ nguy nga, lộng lẫy… Khi báo chí vào cuộc, ông bảo nhờ “lao động thối cả móng tay” mà có. Rồi hàng loạt nhà đất được cấp không đúng chính sách phải nôn ra, trả lại. Ở vị trí của một quan Thanh tra, lẽ ra phải thanh liêm nhất, nhưng ông lại không. Nếu một người có nhân cách, ông phải xấu hổ lắm mới phải…

Trong mỹ học có phạm trù Cái Hài. Cái hài được định nghĩa nôm na là Cái Xấu không đành phận xấu, hoặc Cái Xấu bị che đậy, bỗng chốc bị bại lộ bất ngờ, bật ra tiếng cười cho thiên hạ. Cho nên người xưa nói, làm gì thì làm, đừng để người khác cười cho. Cười ở đây đồng nghĩa với chê, nên chữ cười thường đi liền với chữ Chê, thành Chê cười.

Khi dư luận, báo chí chê cười thì không có gì xấu hổ bằng. Càng ở ngôi cao, càng phải thấy xấu hổ


TKT/PNTB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog