16 thg 10, 2013

DÒNG DÕI CAO BÁ ĐẠT (CAO BÁ QUÁT) - CAO BÁ HẤN CỦA TRỊNH KIM THUẤN - TRẦN GIA LẠC.




CAO BÁ HẤN (1922-1957)

NGUỒN GỐC CAO BÁ HẤN :

Cứ theo ghi chép về tộc phả của ông Cao Bá Hấn, thì ông là dòng dõi họ Cao ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc ngoại ô thành phố hà Nội.

Khi Cao Bá Quát theo Lê Duy Cự chống lại triều đình nhà Nguyễn đời vua Tự Đức năm 1854, chuyện không thành bị tru di tam tộc. Cha Cao Bá Nhạ là Cao Bá Đạt anh em sinh đôi với Cao Bá Quát cũng bị liên lụy, trên đường bị giải về kinh , ông đã tự sát .


Lúc bấy giờ danh sĩ Nguyễn Văn Siêu có làm câu đối, để tưởng nhớ hai anh em ông :
                 
 Thương thay ! Tài điệu tốt vời, khó anh khó em, một cặp cùng sinh lại cùng thác. 
 Thôi nhĩ ! Sự cơ đến vậy, đáng thương đáng ghét, nghìn năm dây xấu cũng dây thơm.

Con là Cao Bá Nhạ trốn thoát, nhưng thời gian sau bị phát hiện và bị bắt giải về triều đình. Năm lần, bảy lượt. Cao Bá Nhạ bị đưa đến nhiều cơ quan để tra hỏi. Ở Tự Tình Khúc, ông có ghi nhớ :

                            “ Nay phò xuống Đông Thành tạm trú.
                               Mai truyền sang Bắc Lộ ruỗi ra,
                               Thân sao như gánh hàng hoa,
                               Sớm qua chợ sớm, chiều qua chợ chiều “

                                     Gông ba thước , ai bày nên nợ.
                                     Củi một gian khéo giở ra trò.
                                     Mới qua là kẻ văn nho,
                                     Bỗng nay đổi dạng tù đồ, bởi đâu ? “

Bài Tự Tình Khúc đến vua Tự Đức, là một vị vua thích thơ văn, nên đồng cảm với một tài hoa, không nỡ giết bỏ. Sau đó Cao Bá Nhạ được tha tội chết, bị phát vãng đến Lãnh Nam giữ ngựa. Người đọc Tự Tình Khúc tự nhiên có một mối hoài cảm, man mác thương tâm :

                                    “ Tấm thân rạng chiếu quan hà .
                                       Nỗi niềm tâm sự, trăng già biết hay.
                                       …………………………………
                                       Ta xin nhắn nhủ thế thường.
                                       Ai ơi ! Xin chớ ngâm chương mộng hùng “

Không biết bằng cách nào, Cao Bá Nhạ vào Nam và sanh sôi nẩy nở ra gánh họ Cao ở ấp Phước Hòa, xã Thành Triệu, tổng Bảo Ngãi, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nhưng vẫn còn sợ sự truy tầm của triều đình nên đổi lại họ Nguyễn. Mãi đến thời Pháp thuộc, có một số người lấy lại họ Cao, nhưng là Cao Tấn …..Cao Thanh …. Cao Phát …. Duy có gánh của ông Trứ là cha của ông Hấn, lấy lại đúng gia phả của mình là Cao Bá.

Ông Cao Bá Hấn sớm mồ côi mẹ, không rõ trình độ học lực, nhưng rất hiếu học, nên biết Pháp, Hoa, Anh và Nhật ngữ, giỏi nhất là tiếng Nhật. Khi ở Sài Gòn trong hiệu buôn của người bà con , ông âm thầm học võ và cũng có lúc làm phóng viên thể thao thời Ducuro (Pháp).

Khi Nhật đảo chánh Pháp, Cao Bá Hấn đã có mặt và làm thông dịch viên cho Nhật.

Ông có thân hình cao ốm, miệng rộng, có tiếng thư, tiếng hùng (trống mái), ông ưa cười, thường chau mày, nhưng khi nổi cơn thịnh nộ thường hít vào một hơi dài và trừng trừng mắt nhìn. Phần lớn ông thường chống chế người quyền thế và giàu có, nhưng bản thân ông là con nhà giàu.

Ông qui y đạo Phật Giáo Hòa Hảo, có đạo hiệu là Phước Hùng, ông sinh năm 1922 (Nhâm Tuất), qua đời đêm 13 tháng 5 1957 (Đinh Dậu) tại vùng An Hòa Tự, do nhóm người có tư thù với ông khi chúng khuyến dụ ông theo chúng, nhưng bị ông vạch trần âm mưu, thi hài ông được chôn cạnh chùa , gần mộ Giáo sư- Nhà văn Nguyễn Văn Hầu. (mời tìm đọc TÌM VỀ CÕI PHẬT của Trần Hoàng Chính, có đăng nhiều kỳ trên báo An Giang).

Sau biến cố Đốc Vàng, ông về hầu cận Dức Ông (thân phụ Đức Thầy).

VÀI GIAI THOẠI VỀ CAO BÁ HẤN :

1/- Không nghe Cao Bá Hấn bàn nói chuyện thiên cơ, dường như các tướng lãnh của PGHH thời bấy giờ không mấy hợp với ông.

Một hôm, tại nhà chú Ba Lâm Thơ Cưu tại Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới – An Giang), tổ chức một buổi tiếp đãi Thứ trưởng thời vua Bảo Đại là ông Lê Công Bộ, ông nầy là anh em bạn rễ với ông Cưu.

Bữa đó có các vị khách cùng đến với ông Lê Công Bộ gồm các ông Trung tướng Trần Văn Soái (Năm Lửa) và số khách mời khác. Bỗng ông Thứ trưởng thấy Cao Bá Hấn với bộ đồ bà ba đen, đầu trần, chân đất (sở dĩ ông Hấn có mặt ở đây vì ông là bạn thân với Thạch, con trai thứ 4 của chú Cưu, hai người nầy thân với nhau lúc ở trong tù), ông Hấn cũng theo Thạch gọi ông Thứ trưởng bằng Dượng) Mọi người đều biết ông Hấn cháo chang, nhất là tướng Trần Văn Soái đã từng về hầu Đức Thầy và lần nào cũng gặp Cao Bá Hấn.

Ông Thứ trưởng nói với Cao Bá Hấn : - Nay Thầy đã vắng bóng rồi, Bá Hấn về làm Đổng Lý Văn phòng của Dượng đi !

Với giọng trống mái, ông Hấn đưa tay lên khoát khoát rồi nói : - Thôi, thôi, lưng tôi đã rửa sạch rồi, Dượng đừng làm dơ nó .

Giọng nói cương quyết, trịch thượng của Bá Hấn làm ông Thứ trương cụt hứng. Nói xong Bá Hấn ung dung bước ra cửa cái, sau khi chào mọi người , ông đi lên Vàm Nao.

Ca dao có câu :                  Cái vòng danh lợi cong cong .
                                           Kẻ thì bước thẳng, người mong đi vào .

2/-  Đức Ông (thân sinh của Đức Thầy), bảo Cao Bá Hấn :

Biết con trước hầu cận Đức Thầy và cũng là người có nhiều đóng góp cho đạo, nay Đức Thầy vắng bóng, thôi thì ở đây, con cần gì ta giúp cho .

Thưa Đức Ông ! con cần một chiếc xuồng và một giàng câu cá lớn .

Thế là hôm sau Đức Ông cho Hấn một chiếc xuồng và một giàng câu cá có đủ cả mùng, mền, chiếu gối, nồi niêu, đèn dầu …. Nói chung là đầy đủ tiện nghi của một xuồng câu quí phái.

Đức Ông thấy Bá Hấn đã đi hơn nửa tháng, chưa thấy về, nên nhớ, Ông hỏi người nhà : - Có nghe thấy Bá Hấn ở đâu không ? Câu kéo gì mà đi cho cực, tội nghiệp vắng Thầy, nó đi lang thang làm gì, chẳng ra gì !

Trong số hầu cận Đức Ông có người thưa : - Dạ con thấy anh Ba ở Vàm Nao, con có hỏi ảnh câu ra sao ? Ảnh trả lời : - Có câu gì đâu, thấy người bạn biết câu, đống con nheo nhóc, vợ bệnh hoài,  chiếc xuồng câu tôi cho nó rồi. Con có hỏi :bây giờ anh đi đâu ? ảnh trả lời : đi xuống Thăm Buông. Con hỏi : chừng nào anh về nơi Đức Ông. Ảnh trả lời tỉnh queo : chưa biết chừng nào .

Đức Ông nghe xong thở dài, vuốt chòm râu bạc, nhìn từng giọt mưa rơi tí tách ngoài sân nhà .

Biết bấy nhiêu, viết bấy nhiêu, mong các nhà sưu tầm về Cao Bá Hấn sẽ viết nhiều hơn, cũng mong chẳng nên thêu dệt, tiểu thuyết hóa về anh, nhất là đối với người vô cầu sở đắc như anh thì khen chê cũng không làm cho anh nhỏ lại hoặc lớn hơn.

28/9/2013      TRỊNH KIM THUẤN – TRẦN GIA LẠC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog