7 thg 10, 2013

PHẢI NHẬN RÕ TRẠNG HUỐNG "BÌNH DÂN" Ở XỨ TA của PHAN BỘI CHÂU



“Giai cấp bình dân”, “văn chương bình dân”, “chủ nghĩa bình dân”, vài năm nay chúng ta thường nghe tiếng hô hào ấy, hô hào một cách vang động.

Ở trong một xứ theo chính thể chuyên chế và chế độ phong kiến như ở nước Tàu đã mấy ngàn năm, hạng bình dân là hạng “bạch đinh thập phẩm”, thuở nay không ai thèm đếm xỉa đến, xem như dê rô(1). Mà ngày nay nhân phong triều chung trên thế giới lần lượt tràn vào, đã có người biết đến địa vị, giá trị và thế lực bình dân trong xã hội, điều ấy đáng khiến cho công chúng để ý mà lần lần giác ngộ.


Những hạng quý phái thuở nay ngồi không ở nể, bụi không đến chân, mồ hôi không ra khỏi lỗ chân lông mà ăn sung mặc sướng, chiếm cả lạc thú của nhân sinh, ấy là nhờ bọn bình dân cung cấp cho. Nếu không có hạng chân lấm tay bùn da chì mặt nám, thì phái sang kia đâu có cảnh sung sướng đó!
Thuở nay hạng bình dân đầu tắt mặt tối, bán sức nuôi thân, trăm điều bị bóc lột, không có học hành, không giao thiệp với giai cấp khác, ngoài cổng làng và nồi gạo ra, không biết trên đường sống của loài người còn có những gì. Nay nhân phong trào NHÂN QUYỀN xô động, cùng hoàn cảnh sinh hoạt thúc giục bên chân, mà họ tỉnh giấc mê mộng, không khác nào trong buồng kín mà có tia sáng lọt vào, lần lần nhìn biết địa vị mình có quan hệ với xã hội.

Vậy theo sở kiến hẹp hòi của kí giả, nên theo chỗ thông thường trên đường sống hiện tại mà chỉ dẫn cho họ, như chuyện xảy ra trong xứ mà tiếp xúc mật thiết với sự sống của họ, chuyện phù thu lạm bổ trong hương thôn, lạm quyền trái phép của kẻ thừa hành công việc và những tấn kịch lường công bớt gạo của bọn tư sản. Chỉ vạch cho họ giác ngộ, sau mới dẫn tiến lên đường mới. Nếu không chăm vào chỗ cần thiết đó mà đem những học thuyết cao xa đó kêu gào hàng ngày, nói gần bình dân mà kì thực cách xa họ đến muôn ngàn dặm!

» Phan Bội Châu

Theo trào lưu dân tộc cạnh tranh ngày nay, một dân tộc, một quốc gia thịnh suy, còn mối quan hệ tại phần đa số, mà không phải tại số ít, đại đa số tức là hạng bình dân.

Đấy, địa vị và giá trị của thế lực bình dân trong xã hội ngày nay là thế. Dầu cho ai ngoan cố như thế nào, cũng phải công nhận mà không thể xem là “dê rô” như ngày trước được nữa.

 Tuy vậy, nói chung thì thế, mà nói riêng từng bộ phận, từng xứ sở thì đồng là bình dân mà vị trí, trình độ có chỗ không đồng đều nhau. Nói đại khái như bình dân ở xứ văn minh cường thịnh với bình dân xứ dã man ngu dốt, bình dân của nước chinh phục với bình dân của nước bị chinh phục v. v… cũng như đi trên một con đường mà kẻ thì đi xe hỏa, xe điện, mà người thì đi võng, xe tay, xe ngựa huặc đi bộ. Theo con mắt duy vật mà xem, không cho là trình độ hơn kém khác nhau không được.

Nói hơn kém, không phải nói mình kém thì không đáng đi con đường phải đi đó đâu. Song cốt phải nhìn biết bước đường của mình mà đi cho khỏi lạc, hay nói cho đúng là từ chỗ thực địa, từ chỗ mình đứng chân mà bước đi, hơn là ngồi tính dặm đường hay nghe chuyện đường xa mà khiến cho phần đông sinh ngợp, sinh chán.

Trong sự “ngợp chán” đó, thì học thuyết cao xa đối với bình dân ta là một điều đáng bàn luận.
Bình dân ta phần đông ra thế nào? Nói học thức thì 100 phần đến trên 90 mấy phần trăm mang cái nạn mù chữ. Nói về sinh kế, thì quanh năm trọn tháng, tuôn mồ hôi nước mắt đổi lấy bát cơm, tấm áo mà không rồi, gia dĩ cái nạn tham nhũng, bóc lột trăm đường… chỉ chuyện thông thường làm xâu nộp thuế mà còn bị phù thu lạm bổ, cho đến viết cái thư không thông, trông chờ vào tờ Mandat(2) hay bức điện tín như ngó vào rừng rậm, trừ một ít thanh niên có cái hân hạnh lúc nhỏ có theo học được năm ba năm, còn biết chuyện ngoài đôi chút. Cũng còn là con số ít. Ngoài ra chỉ lo ứng phó với sự sống hàng ngày mà không xong, như vậy đem những thuyết cao xa như xã hội học, biện chứng pháp và những danh từ mới, phô cho họ nghe, bảo nghe thế nào chớ?

Vậy theo sở kiến hẹp hòi của kí giả, nên theo chỗ thông thường trên đường sống hiện tại mà chỉ dẫn cho họ, như chuyện xảy ra trong xứ mà tiếp xúc mật thiết với sự sống của họ, chuyện phù thu lạm bổ trong hương thôn, lạm quyền trái phép của kẻ thừa hành công việc và những tấn kịch lường công bớt gạo của bọn tư sản. Chỉ vạch cho họ giác ngộ, sau mới dẫn tiến lên đường mới. Nếu không chăm vào chỗ cần thiết đó mà đem những học thuyết cao xa đó kêu gào hàng ngày, nói gần bình dân mà kì thực cách xa họ đến muôn ngàn dặm!

Nghe lời nói trên, xin ai chớ tưởng là nói ngoa, hãy xem sách báo ngày nay mà nói đến việc xã hội, kinh tế, tự xưng là đem đường chỉ lối cho bình dân, rõ là nói với hạng bình dân của Âu Mỹ đâu đâu, chớ không phải nói với đại đa số bình dân ở xứ ta. Vì trên đường sống hiện tại của bình dân, phần đông không chịu xét chỗ thực tế mà chỉ rao suông trên mặt giấy: phấn đấu! tiến thủ!

Phải, ở đời cạnh tranh sinh tồn này phải phấn đấu tiến thủ mới sống được, nhưng bước đi ngả nào?

Kìa! Ông Lý bắt xâu, thầy Chánh thúc trích lục, trống mõ làng rầm rầm kia, mà trong nhà gạo đã kiệt, trẻ con đường đòi cơm, biết làm sao?

Nói đến hai chữ “Bình dân” xứ ta, nên nhận rõ tình cảnh ấy.
(Tiếng Dân ngày 11-4-1936)

Chú thích:
(1) Dê rô: tiếng Pháp Zéro: số không
(2) Mandat: tín phiếu gửi qua bưu điện

==============
Theo trang 497-499, tập 7, Phan Bội Châu toàn tập, NXB Thuận Hóa  (theo Blog Đông Hải Long Vương)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog