Nên nhớ rằng trước đây Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn từng thốt lên rằng cái Bộ Văn thể du đó chỉ giỏi hát karaoke (7), chứ quảng bá hình ảnh và văn hoá VN ra ngoài thì họ hoàn toàn thất bại. Bây giờ thì mới thấy lời của bác Sơn quá chính xác.
Thế là sau khi tác giả Nguyễn Thị Oanh đăng tải những hình ảnh nhếch nhác của gian hàng Việt Nam trong triển lãm Milan Expo 2015 (1), phía Nhà nước đã có phản hồi. Có một bài báo trên infonet.vn cho biết rằng trong số 145 gian hàng tham dự Expo, gian hàng (đúng hơn là công trình) VN "được CNN bình chọn xếp thứ 12 trong top những thiết kế ấn tượng nhất" (2). Tuy bài báo không có dẫn nguồn, nhưng một Google cũng tìm ra (3). Và, khi đọc xong bài báo trên CNN, tôi mới thấy bài báo của infonet.vn là không đúng. Lại một lần nói sai sự thật.
Sự thật là CNN chẳng có bình chọn hay xếp hạng công trình kiến trúc nào thuộc thứ hạng nào cả. Bài báo trên CNN (3) của tác giả Jacopo Prisco, "Expo 2015: Countries face off in an architecture feast", chỉ nói rằng Expo 2015 là một dịp để các quốc gia có cơ hội phô bày những công trình kiến trúc và văn hoá ẩm thực. Theo kí giả này thì công trình nhà tre của Việt Nam được xem là một trong những kiến trúc thú vị (interesting design). Đó là cảm nhận của một cá nhân, và chỉ thế thôi. Hoàn toàn chẳng có xếp hạng gì cả. Cũng chẳng có bình bầu gì cả. Các bạn có thể xem qua các hình ảnh trong bài báo để thấy những công trình kiến trúc tân kì của các quốc gia khác như Mã Lai, Thái Lan, Tàu, Nam Dương, Nhật, và vài nước "hoành tráng" như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Mĩ, Estonia, Anh, v.v. để thấy những nét hay và đẹp của người ta.
Trong thực tế thì có những "bình chọn" dân gian, tức là người ta đếm xem gian hàng nào có nhiều người tham quan. Theo ArchDaily (một tờ báo về kiến trúc) thì trong Expo 2015, có 5 ngôi nhà được xem nhiều nhất, theo thứ tự là: Anh, Áo, Ba Tây (Brazil), Ả Rập, và Hàn Quốc (4). Còn tranggizmag.com thì có xếp hạng 10 ngôi nhà hàng "top" trong Expo 2015, đó là: Anh, Ba Tây, Thuỵ Sĩ, Tàu, Đức, Hàn Quốc, Úc, Liên Hiệp Quốc, Ả Rập, và Ý (5). Phải công nhận là nhìn qua những ngôi nhà do gizmag.com chọn, tôi thấy quả là những công trình kiến trúc độc đáo và tinh tế, hơn hẳn và hơn xa công trình của Việt Nam.
Quả thật nhìn qua công trình của VN và những bày biện bề ngoài, tôi thấy nó mang tính giả tạo và gượng ép. Công trình tre thì thấy hay và thân thiện với môi sinh. Nhưng cái cổng vào nhà lại có hình múa nước, vài cái lu ngầm, và con trâu, xem nó "sao ấy". Đó không phải là căn nhà truyền thống Việt Nam. Chẳng có ai trưng bày mấy thứ đó trước nhà cả, dù là nhà trong quê. Tôi chẳng biết gì về kiến trúc, nhưng nhìn qua cảm nhận cá nhân là đã thấy sự gượng ép, cải lương, và giả tạo.
Thật ra, có người cho rằng mô hình nhà VN ở Milan Expo 2015 là bắt chước mô hình Gardens by the Bay của Singapore (xem hình). Tôi không có kết luận gì, chỉ thấy hai mô hình quả thật rất giống nhau. Nếu lấy motif của người ta mà không ghi nhận thì quả là quá tệ, vì đó là một sự đạo ý tưởng. Càng tệ hơn nếu đạo ý tưởng mà lấy đó làm cái của mình để đi phô trương cho cả thế giới, thì chẳng khác gì bôi tro vào mặt người Việt.
Còn phía trong thì chúng ta đã thấy là chẳng có gì đáng kể. Chưa nói đến những bộ quần áo Tàu giả làm trang phục truyền thống Việt Nam (không thể tha thứ được), những trái cây lèo tèo như chợ bán trái cây về chiều, những hàng thủ công mà tôi đoán là nhập từ Tàu (lại Tàu!), v.v. Nói chung, những bất cập đó rất xứng đáng để VN bị loại ra khỏi những gian hàng độc đáo và thú vị.
Trang phục truyền thống Việt Nam là đây chăng? (Ảnh của Nguyễn Thị Oanh)
Trang phục truyền thống Việt Nam là đây chăng? (Ảnh của Nguyễn Thị Oanh)
Trái cây Việt Nam mà lèo tèo thế này? (Ảnh của Nguyễn Thị Oanh)
Bia Việt Nam và nước của Ý (Ảnh của Nguyễn Thị Oanh)
Văn hoá ẩm thực Việt Nam là đây chăng? (Ảnh của Nguyễn Thị Oanh)
Đồ lưu niệm Việt Nam? (Ảnh của Nguyễn Thị Oanh)
Phía Nhà nước còn cho 2 quan chức ra trả lời nhận xét của tác giả Nguyễn Thị Oanh và vài người khác có nhận xét tương tự (6). Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (thuộc Bộ Văn thể du) đổ thừa rằng công trình của VN đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt, chứ ông không tự ý làm. Rồi ông “khẳng định những thông tin mà du khách nào đó phản ảnh là không đúng. Nhưng tôi chỉ có ý kiến nếu là một ý kiến của cá nhân thì không thiện chí" (6). Phải nói là hết sức mất lịch sự và ... láo cá. Người ta có tên có họ đàng hoàng (Nguyễn Thị Oanh), tại sao không xướng tên người ta đàng hoàng, mà nói "du khách nào đó"? Thái độ ta đây, làm như người dân không đáng để ông ta đề cập đến tên. Làm văn hoá mà thật là vô văn hoá.
Thật là buồn cười cho lời khẳng định trên! Cái note của bà Oanh được minh hoạ bằng hình ảnh và nhận xét của chính bà, vậy mà ông Cục này nói là không đúng? Rất khó hiểu nổi sao ông có thể nói một cách trơ trẽn như thế? Ông Cục này hoàn toàn không trưng bày bất cứ một chứng cứ nào để độc giả có thể kiểm chứng lời ông nói. Thật ra, bài báo trên TT có trích lời một ông giám đốc Expo 2015 tên là Trần Văn Tân thừa nhận những gì bà Oanh phản ảnh là đúng, nhưng cách lí giải của ông rất nực cười và thể hiện tư duy tiểu nông: “Quần áo, vật kỷ niệm bán bên trong Nhà Việt Nam không thể có đồ đặc sắc vì như vậy giá rất cao, khách khó mua. Thức ăn phải tính đến các món chế biến công nghiệp nhanh... để tiện cho khách” (6). Như vậy thì chúng ta phải kết luận rằng ông Cục kia nói bừa, và bà Oanh phản ảnh đúng sự thật. Quả thật, không chỉ bà Oanh, mà còn có ít nhất 2 người khác từng đến đó và cũng chụp hình, và có những nhận xét như bà Oanh.
Nên nhớ rằng trước đây Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn từng thốt lên rằng cái Bộ Văn thể du đó chỉ giỏi hát karaoke (7), chứ quảng bá hình ảnh và văn hoá VN ra ngoài thì họ hoàn toàn thất bại. Bây giờ thì mới thấy lời của bác Sơn quá chính xác.
Như vậy thì các bạn đã thấy rằng báo chí VN, một lần nữa, lại nói sai sự thật. Gian hàng hay ngôi nhà Việt Nam ở Milan Expo 2015 không phải "được CNN bình chọn xếp thứ 12 trong top những thiết kế ấn tượng nhất". Ngược lại, ngôi nhà đó không lọt vào các thiết kế được bình chọn là hấp dẫn và độc đáo trong Expo 2015. Thật khó hiểu nổi tại sao trong thời đại internet ngày nay mà "báo chí triều đình" lại nói dối hoài. Tôi nghĩ cá nhân người viết bài chắc khổ tâm lắm, vì nhà báo dù sao cũng có chút suy nghĩ, mà phải viết những bài sai sự thật như thế thì phải biết nội tâm bị dằn dặt như thế nào. Cũng như trước đây về vụ danh nhân văn hoá, tượng đài Chủ tịch HCM ở nước ngoài, vụ này lại một lần nữa cho thấy việc nói dối có vẻ như là một biểu hiện rõ nhất của căn bệnh mãn tính mang tên "tuyên truyền".
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét