26 thg 8, 2015

Liều, kiểu gì cũng không tốt, trừ liều… yêu của Lưu Trọng Văn Theo FB Lưu Trọng Văn.





kynangsongDư luận đang ầm ĩ chuyện NXB GD vừa cho phát hành cuốn sách giáo khoa “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” trong đó có bài học của một cô bé tên là An đi trên thảm thủy tinh vỡ. Nhiều thầy, u phẫn nộ vì cho rằng bài học kỹ năng sống này rất nguy hiểm cho thằng cu, con hĩm của họ.
Chơi dại.
Thế rồi các bố, các mẹ các ông, các bà đua nhau lên diễn đàn có bán hay diễn đàn cho… không, nói, chửi. Hết ráo trò chơi rồi à sao cho trẻ chơi trò lò cò trên thủy tinh thế?

Thế rồi các chuyên gia giáo dục ào ào xông … trận. Người khen, kẻ chê.
Đổi mới giáo dục phải thế, đột phá giáo dục phải thế.
Ối giời, học đi trên thủy tinh, đi trên đinh, đi trên lửa, rồi sẽ học tiếp đi trên… cứt bò nữa à?
Thế rồi các tác giả bộ sách nhẩy ra thuyết trình.Tiến sĩ Phan Quốc Việt chủ biên cuốn kỹ năng sống này tuyên bố như đinh đóng cột:
“Tôi đã trải nghiệm nhiều lần, thậm chí cõng học sinh đi qua thảm thủy tinh và không hề việc gì. Quản trị cảm xúc không thể thuộc lòng được mà phải trải qua thực tế”.
Ông tiến sĩ họ Phan này từng đi quảng bá những bài học về kỹ năng sống trong đó theo ông một kỹ năng rất cần rèn cho trẻ từ thơ bé là không được sợ hãi. Không sợ hãi tức là dũng cảm.
“Dũng cảm là khi gặp sự cố bất trắc phải làm chủ được cảm xúc, nếu không thì sẽ không bao giờ có thể vượt khó được”.
Thế rồi đích danh bác bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng xốc tới. Lệnh khẩn, yêu cầu NXB GD gửi ngay tường trình vì sao làm dậy sóng dư luận như thế.
Thế rồi cả gã nữa, một học sinh lớp một từng có hạnh kiểm rất tốt đó là có hành động rất dũng cảm… yêu một con bé xấu nhất lớp, mà thằng nào cũng sợ… yêu, cũng chĩa mồm chọc ngoáy, báo cáo bộ trưởng, chúng em làm vậy để dư luận quên béng cái chuyện kỳ thi đại học hai trong một đang chĩa vào bộ trưởng đó ạ.
Hừ, các đồng chí rất có kỹ năng… dũng cảm.
Ầm ĩ, ầm ĩ, tranh luận, luận tranh làm gã cười cái toẹt.
Gã tính điện thoại cho Phan Quốc Việt tiến sĩ toán từ lò Lômônôxôp nổi tiếng, ông bạn khá thân của gã, cùng tuổi với gã, nhưng ria mép cấy thưa hơn ria mép của gã vì nói tía lia hơn gã chứ không phải vì hôn nhiều nàng Natasa xinh đẹp, hơn gã.
Việt ơi, ông thay vì dậy lũ trẻ lớp một kỹ năng sống thì nên chuyển ngay qua dậy các bậc phụ huynh với các bác có vế có vai trong ngành giáo dục kỹ năng sống ấy.
Chính vì các bậc bề trên ấy thiếu kỹ năng sống (vì xưa nay chưa bao giờ được học chăng) nên trước một sự kiện trẻ đi trên thủy tinh chả biết nhòm vào đâu mà tính cho đúng.
Cứ ầm ĩ cả lên.
Nào, nếu có kỹ năng sống tối thiểu thì có quái gì mà ầm ĩ nào?
Nghe thế chắc ông tiến sĩ sẽ toét cười vì… sướng.
Sướng ư? Tạm thời cho thế đã.
Nào, người có kỹ năng sống trước sự cố này trước tiên phải làm là việc gì nhể?
Dễ ợt.
Phải hỏi những đứa trẻ có thích với bài học trải nghiệm này không? Có dám đi như bé An không? Và đã thử đi chưa? Thấy thế nào nào?
Tiến sĩ Phan Quốc Việt và Trung tâm Tâm Việt của chàng trước khi cho ra bài học này đã cho thử nghiệm chán chê dê ngỗng ở rất nhiều trường học.
Các em đều đồng thanh: Thích ạ.
Lúc đầu nhiều đứa sợ. (Sợ hãi vốn là bệnh di truyền nhiều thế hệ ở nước gã rồi).
Xuất hiện một chàng đầu trọc nào đó dũng mãnh đi trước.
Mày đi được, tao đi được.
Rồi cười.
Rồi hãnh diện.
Gã từng trực tiếp đi trên thảm thủy tinh vài lần của trò chơi thử lòng… dũng cảm này. Chả mất tẹo máu nào.
Nhưng quan sát kỹ thì gã phát hiện ra các mảnh thủy tinh trên thảm này đều có kích cỡ lớn, được sắp đặt khoảng cách rộng, các đầu nhọn, cạnh sắc đã được các nhà tổ chức sự kiện gia công mài… phẳng lì ráo.
Gã buồn cười khi nhớ lại lúc mình chân trần hùng dũng bước qua bãi thủy tinh ấy mặt vênh lên trong tiếng vỗ tay khen ngợi của mấy em, mấy cô, để rồi hụt hẫng khi biết cái… sự thật kia.
Buồn.
Gã thú thật, chuyện gã đi trên thảm thủy tinh khá lâu rồi nhưng gã dấu kín bấy lâu, vì không dám… khoe.
Gã bảo chàng tiến sĩ sướng… tạm thời là vì cái lẽ đó đó.
Thực tiễn trong cuộc sống thì mảnh bóng đèn, mảnh kính vỡ không hề được “gọt rũa, mông má” cho màn “trình diễn”  vô cùng nguy hiểm với bất cứ ai vô tình dẫm đạp lên nó đấy. Không tin cứ trải nghiệm thử xem!
Vậy thì, rất nghiêm túc rằng, trong bài học kỹ năng sống rất thú vị và hấp dẫn trẻ này, nhà biên soạn sách và những người hướng dẫn dứt khoát phải nói hết các trường hợp nguy hiểm khi gặp mảnh thủy tinh vỡ.
Kỹ năng sống cần thiết cho một đứa trẻ ngoài lòng “dũng cảm” còn phải có “trí”, tức sự hiểu biết nữa đấy các bác ơi.
Nhiều em bé rất dũng cảm nhẩy xuống sông cứu bạn chết đuối đã bị chết đuối theo, chính vì không được dậy đầy đủ kỹ năng của sự hiểu biết để từ đó đưa ra hành động nào thích hợp nhất.
Liều khác với dũng cảm.
Liều kiểu gì cũng không tốt, gã chân thành khuyên vậy, trừ liều… yêu.
25.8.2015.
Gã phải nói thêm cho rõ là chuyện gã liều… yêu từ lớp một là có thật đấy. Gã còn nhớ cô bé mà gã mê tên là Sơn, nhà ở đường Nam Bộ gần đường tàu hỏa ấy.
Hồi lớp một gã học ở nhà 30 Nguyễn Thái Học ( chủ nhà là nhà nhiếp ảnh Đỗ Huân rất nổi tiếng Hà Nội xưa) sớm nào đi trực nhật trước khi cầm chổi quét lớp gã cũng ngồi đúng cái chỗ mà nàng tên Sơn kia ngồi cho tới khi nóng… đít thì thôi.
Ối giời, ông Phan Quốc Việt ơi từ hồi đó mà có sách dậy “kỹ năng yêu” cho bọn trẻ lớp một thì chắc chắn gã sẽ không bao giờ có trò tỏ… tình nhảm nhí như thế.
L.T.V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog