Sách "Nguyễn Sinh Sắc, cụ Phó bảng xứ Nghệ, một nhân cách lớn" của tác giả Trần Nhu do NXB Văn Học ấn hành năm 2015, viết về cuộc đời nhà nho yêu nước Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi ra đời (1862) tại Nghệ An cho đến lúc cụ qua đời tại Đồng Tháp (1929).
Đọc suốt lượt cuốn sách, tôi không thể hiểu nổi đây là tác phẩm nghiên cứu lịch sử hay sáng tác văn học vì đó là một mớ hổ lốn, pha tạp. Tác giả viết về một nhân vật lịch sử nhưng sai sót rất nhiều về sự kiện lịch sử, gán ghép vào đấy sự cảm nhận chủ quan của mình, nhiều chỗ hư cấu theo kiểu tiểu thuyết, chưa kể nhiều đoạn tác giả "bê" cả giáo trình triết học cổ điển Trung Quốc vào.
Khoảng non 200 trang in nhưng có gần 60 chỗ sai, nhầm, thậm chí có nhiều chỗ tác giả sai kiến thức lịch sử rất sơ đẳng. Khi viết về phong trào kháng Pháp do vua Hàm Nghi khởi xướng sau khi cuộc phản công ở kinh đô Huế bị thất bại, tác giả đã nhầm lẫn rất ngô nghê: "Trong Nam, ngoài Bắc, miền Trung nơi nơi hưởng ứng phong trào cứu nước Văn Thân và sau đó là phong trào Cần Vương" (tr.16). Sự thật phong trào Văn Thân hoặc Cần Vương là một: Cuộc kháng chiến của toàn dân "tận lực vì vua" (Cần Vương) và do tầng lớp "trí thức sĩ phu Nho học lãnh đạo" (Văn Thân), nên gọi là phong trào Cần Vương hoặc Văn Thân đều đúng (tên gọi phong trào Cần Vương phổ biến hơn). Và phong trào Cần Vương chỉ diễn ra ở các tỉnh từ Trung Kỳ trở ra Bắc Kỳ mà thôi.
Một cuốn sách có nhiều sai sót nghiêm trọng. |
Tác giả viết về hoạt động của nhà yêu nước Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX có đoạn: "Phan tiên sinh sáng lập Phong trào Duy Tân, chủ trương Đông Du" (tr.36). Năm 1904, Phan Bội Châu lập tổ chức Duy Tân hội và khởi xướng phong trào Đông Du, còn phong trào Duy Tân là do Phan Châu Trinh và các nhà nho tiến bộ phát động từ năm 1905 xuất phát từ Quảng Nam. Có lẽ do thiếu hiểu biết nên tác giả nhầm tưởng Duy Tân hội và phong trào Duy Tân là một tổ chức vì giống nhau ở chữ Duy Tân (!?)
Tác giả cũng thể hiện sự thiếu hiểu biết về giáo dục, khoa cử thời nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX nên viết: "Khi ông Hoàng Xuân Cận lên chức Kép thì ông Nguyễn Văn Giáp đã là ông Mền (Thời ấy quy định đỗ Tú Tài lần thứ hai thì được lấy chức Kép; đỗ lần thứ ba nhận chức Mền và đỗ lần bốn được nhận chức Đụp). Ông Mền Hoàng Xuân Cận và ông Đụp Nguyễn Văn Giáp đều bị ách lại ở bảng Ất khoa Mậu Thân (1848), không đủ điều kiện để được dự kỳ thi cao hơn - thi Hội giành học vị Cử nhân" (tr.53).
Cử nhân và Tú tài là học vị ở khoa thi Hương được tổ chức tại các địa phương, người nào đỗ cả 4 kỳ là Cử nhân, 3 kỳ là Tú tài; còn thi Hội là khoa thi cấp quốc gia được tổ chức tại kinh đô Huế cho những người đã đỗ cử nhân tham dự để chọn tiến sĩ, phó bảng, chứ không phải "thi Hội giành học vị Cử nhân" như tác giả nhầm tưởng. Kép - Mền - Đụp là danh xưng dân gian để chỉ những người thi đỗ hai, ba, bốn lần Tú tài chứ không phải là chức vụ trong bộ máy nhà nước, cho nên tác giả dùng từ "lên chức Kép", "nhận chức Mền"… nghe thật... buồn cười.
Có những đoạn tác giả viết bừa bãi, không đúng sự thật, như: "Tại khoá thi Hương năm Giáp Ngọ (1894), Nguyễn Sinh Sắc đỗ cử nhân (kỳ thi này có 2000 thí sinh dự thi. Có 22 nho sinh đỗ cử nhân, trong đó Nam Đàn đậu 8 người, đứng đầu bảng là Nguyễn Sinh Sắc)" (tr. 62). Theo sách "Quốc Triều Hương Khoa Lục" của Thượng thư Cao Xuân Dục thì khoa thi Hương tại trường Nghệ năm Giáp Ngọ (1894), lấy đỗ 22 cử nhân, người đỗ Giải nguyên (Cử nhân Thủ khoa) là Hoàng Mậu - quê ở huyện Quỳnh Lưu; 8 người ở huyện Nam Đàn đỗ cử nhân, trong đó cụ Nguyễn Sinh Sắc được xếp thứ 12/22 trong số cử nhân tân khoa chứ không phải "đứng đầu bảng" như tác giả cường điệu.
Ở trang 63, tác giả tiếp tục phóng bút vô tội vạ: "Vào giữa thập niên 90 thế kỷ XIX, cụ Đào Tấn lần thứ hai được bổ chức Tổng đốc An Tĩnh. Dịp này ông Tổng đốc giàu lòng nhân ái và là người chính trực, đã nhận lời của Nguyễn Sinh Sắc cứu xét giúp Phan Văn San (tức Phan Bội Châu là bạn cùng quê thân thiết của vợ chồng Hoàng Thị Loan - Nguyễn Sinh Sắc) gỡ vụ phạm quy trong kỳ thi Hương ở xứ Nghệ cho nên bị án "chung thân bất đắc ứng thí" để tiếp tục dự kỳ thi Hương tại Nghệ An và kết quả được như ý!".
Điều dễ thấy là tác giả chả hiểu gì về lịch sử. Tổng đốc Đào Tấn chỉ là người đứng đầu một địa phương thì làm sao có đủ thẩm quyền để xoá án "chung thân bất đắc ứng thí" cho Phan Bội Châu? Sự thật lịch sử là năm 1897, sau khi bị án oan, Phan Bội Châu vào Huế làm gia sư để kiếm sống và tìm cách gỡ cái án này. Ở Huế, Phan thường lui tới nhà người bạn đồng hương xứ Nghệ là Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn đang làm việc ở Quốc sử quán.
Nghe danh tiếng của Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền - thời gian này cũng đang làm việc tại Quốc sử quán - Phan Bội Châu muốn Đặng Nguyên Cẩn giới thiệu, nhưng thấy bạn vẫn còn là một ông đồ bình thường, chưa có khoa danh nên Đặng Nguyên Cẩn có ý ngần ngại và khuyên chờ dịp khác. Dịp may đến: Trường Quốc Tử Giám ra đầu đề bài phú về sự tích "lạy đá" cho giám sinh làm, Đặng Nguyên Cẩn đem về đưa Phan. Phan làm bài phú "Bái thạch vi huynh" (lạy đá tôn làm anh). Đặng Nguyên Cẩn đưa cho Nguyễn Thượng Hiền xem.
Lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở thành phố Cao Lãnh. |
Bài phú quá hay, Nguyễn Thượng Hiền thích thú trao cho một số trí thức khoa bảng đang làm quan tại kinh đô đọc và đi tìm gặp Phan Bội Châu để làm quen. Sau đó, Nguyễn Thượng Hiền, Khiếu Năng Tĩnh (Tiến sĩ - Tế tửu Quốc Tử Giám) và một số trí thức danh tiếng khác cùng làm đơn gửi lên vua Thành Thái về trường hợp oan uổng của Phan Bội Châu. Vua Thành Thái xem xét đơn và đã tuyên bố xoá bỏ bản án cho Phan Bội Châu. Phan Bội Châu trở về quê và thi đỗ Giải nguyên tại trường Hương Nghệ An năm Canh Tý (1900).
Ở trang 73, tác giả, ngô nghê không kém: "…chúng dựng lên ông vua bù nhìn, lấy niên hiệu Đồng Khánh (1885-1888) như con rối của chúng làm cho nhân dân quá chán chường. Tiếp theo chúng phế Đồng Khánh như thay áo, đưa vua mới lên ngôi lấy niên hiệu Thành Thái (1888-1907). Ông vua này có tinh thần yêu nước, không cúi đầu nghe theo bọn giặc cai trị, do đó chúng gắn cho ngài mắc bệnh thần kinh và phế truất như ném một con vật thừa (rồi đưa con thứ hai Thành Thái lên ngôi, đặt niên hiệu Duy Tân, mà nhất định không chấp nhận hoàng tử Vĩnh San vốn rất có tinh thần dân tộc, chống ngoại xâm cai trị)". Sự thật lịch sử: Vua Đồng Khánh chết vào cuối năm 1888 chứ không phải bị phế truất, vua Duy Tân chính là hoàng tử Vĩnh San chứ không phải hai người khác nhau như sự nhầm tưởng của tác giả.
Thiếu kiến thức, pha vào những đoạn hư cấu, bịa đặt và hơn nữa là những đoạn xuyên tạc sự thật lịch sử, như: "Năm 1867, Phan Thanh Giản vốn là quan đầu triều nhà Nguyễn đương thời, vượt mặt cả ông vua hèn yếu (Tự Đức) ký văn bản dâng nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ cho thực dân Pháp (An Giang - Hà Tiên - Vĩnh Long)" (tr.116). Năm 1867, người Pháp đã lừa Phan Thanh Giản để chiếm thành Vĩnh Long một cách chóng vánh, dễ dàng, sau đó chiếm nốt An Giang và Hà Tiên; chứ làm gì có chuyện cụ Phan "ký văn bản dâng nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ cho thực dân Pháp" như tác giả đã viết.
Viết về Hà Nội, có lẽ tác giả là người duy nhất từ trước đến nay cho rằng: "...xứ Đông Đô mà Nguyễn Ánh - Gia Long đã chấp hành lệnh của Toàn quyền Pháp đổi thành thành Hà Nội" (tr.177). Theo sử sách thì năm 1831-1832, vua Minh Mệnh cho sửa đổi lại đơn vị hành chính trên cả nước; ở Bắc bộ đã bãi bỏ trấn Bắc thành và chia làm nhiều tỉnh. Lỵ sở Bắc thành (mà mỗi giai đoạn lịch sử có các tên gọi khác nhau: Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan…) được đặt tên mới là Hà Nội. Thật là oan cho vua Gia Long và cũng thật khôi hài: Thời gian này nước nhà còn độc lập thì làm sao có viên Toàn quyền Pháp ngự trị ở Việt Nam (?)
Cuốn sách có quá nhiều sai sót, giá trị học thuật yếu kém. Tác giả đã thể hiện sự thiếu kiến thức lịch sử ở mức sơ đẳng, vậy mà thấy trong sách giới thiệu là "Tiến Sĩ" thì thật ngạc nhiên quá; theo thiển ý của tôi - người viết bài này - phải gọi tác giả là "Lùi Sĩ" có lẽ đúng hơn.
Phú Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét