6 thg 8, 2015

Lại suy nghĩ về tượng đài – như là một cách tuyên truyền của GS Nguyễn Văn Tuấn 05-08-2015

Tôi nghĩ tượng đài là một phương tiện tuyên truyền. Trong một thể chế toàn trị, người đứng đầu đảng hay Nhà nước (hay nói chung là lãnh tụ) là hiện thân của chế độ; yêu thương lãnh tụ cũng là yêu thương chế độ toàn trị. Để làm cho quần chúng yêu thương lãnh tụ, cần phải kiểm soát trái tim và đầu óc của họ. Việc kiểm soát phải qua bộ máy tuyên truyền. Mà, một phương tiện tuyên truyền hữu hiệu là kích thích thị giác, làm cho đám đông nhất trí với lí tưởng của nhà cầm quyền. Do đó, xây tượng đài lãnh tụ là một chiến lược rất “nhân văn” để kiểm soát tâm và trí của quần chúng.

Có lẽ chính vì thế mà các nước toàn trị và độc tài rất thích dựng tượng lãnh tụ. Chẳng những dựng tượng mà còn treo ảnh của họ trong phòng học và hội trường. Tiêu biểu nhất có lẽ là Bắc Hàn, nơi mà bác Kim Nhật Thành và con cháu bác ấy xuất hiện khắp nơi, và chỗ nào có tượng bác ấy là có người dân đến cúi đầu. Kế đến là các nước XHCN cũ, với tượng Lenin, Stalin, Nicolai Ceascu, v.v. được dựng khắp nơi. (Bây giờ thì các tượng này đều bị kéo sập và đập phá). Kế Việt Nam là Tàu, nơi mà tượng Mao Trạch Đông được cắm rất nhiều nơi, với motif giông giống như tượng của đồng nghiệp ông là Hồ Chí Minh. Trong khối XHCN, hình như chỉ có Cuba là ngoại lệ, vì tôi có đọc đâu đó nói rằng Fidel Castro không muốn đúc tượng. Chẳng biết đúng hay sai?
Suýt quên nữa là các nước độc tài tân thời như Iraq, Turkmenistan, Uganda, Trung Phi, v.v. các lãnh tụ cũng rất thích tạc tượng. Chúng ta từng thấy tượng Saddam Hussein, Bokassa, và Idi Amin được chính họ cho xây dựng. Nhưng nổi nhất có lẽ là Berdymukhamedov (tổng thống Turkmenistan) cho tạc tượng ông bằng vàng. Một điều rất thú vị là các nhà độc tài trên đều nói rằng họ muốn được suốt đời phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc!
Nhưng như thế cũng chưa thuyết phục, vì nói theo khoa học là tôi mới trình bày “case”, mà chưa có nhóm chứng (control). Tôi nghĩ nhóm chứng tốt nhất là nhìn vào các nước tư bản, hoặc các nước mà chúng ta quen gọi là tự do, dân chủ. Các nước này cũng có tượng đài, nhưng rất ít, và họ không phải tự xây dựng, mà có người khác tặng. Họ cũng chẳng làm tốn ngân quĩ quốc gia. Chẳng hạn như Mĩ, các tượng đài như Nữ thần Tự do là do Pháp tặng, còn tượng Washington là do một nhà hảo tâm chủ trương làm. Ở Úc, tôi không thấy tượng đài của một thủ tướng nào cả, có lẽ họ cần thuyết phục, chứ không cần phải kiểm soát tâm trí dân chúng.
Thành ra, tôi nghĩ ở các nước mà cơ chế điều hành thiếu minh bạch và thiếu tự tin, họ phải tìm cách để kiểm soát quần chúng qua tuyên truyền. Một phương tiện tuyên truyền bằng thị giác rất tốt là dùng tượng đài để hiện thân hoá chế độ, và làm cho đám đông kính yêu lãnh tụ hơn kính yêu cha mẹ. Người Hoa có câu một bức hình có giá trị hàng vạn chữ viết. Tương tự, một bức tượng có giá trị hàng chục vạn chữ viết. Đó có lẽ là một trong những lời giải thích tại sao VN đang rộ lên phong trào xây tượng đài. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu nói bất hủ của George Orwell: “Cách thức hữu hiệu nhất để tiêu diệt con người là tẩy xoá sạch kiến thức sử của chúng.”
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog