28 thg 5, 2015

Bài học về undo của Nhạc sĩ Tuấn Khanh .


 
Trong một giờ học về trách nhiệm với cộng đồng, bà giáo già nói với các học sinh rằng hãy trả lời các câu hỏi bằng cách cẩn thận viết ra trên máy tính – nhưng sai thì cứ để nguyên và viết lại – chứ đừng dùng chức năng sửa hoặc undo.

Đó là một trong những câu chuyện giáo dục đem lại thật nhiều điều để ngẫm nghĩ. Bà giáo già người Mỹ dạy kèm cho các học sinh đủ màu da, nói rằng bà muốn tập cho thế hệ mới thói quen chín chắn, quyết định và hành động có trách nhiệm hơn là lười biếng dựa vào phần undo để nhanh chóng sửa chữa sai lầm của mình.
“Cuộc sống thật không có chuyện undo, khi sai lầm thì người ta phải đối diện và chịu trách nhiệm với nó”, bà giáo nói. Quả vậy, buổi học về ý thức xã hội đó cho thấy thế giới ảo rất khác với đời thật. Cuộc sống thật khắc nghiệt hơn nhiều, đầy đủ các mặt giá trị phải chấp nhận mà không phép màu nào có thể bôi xoá.
Undo trong ngôn ngữ điện toán, được dịch là hoàn tác vụ. Ý nghĩa là con người có khả năng thay đổi, sửa sai tức thì – cũng như giấu đi phần vừa thất bại của mình. Trong đời sống, không phải sai lầm nào cũng có thể giấu đi, nhất là sai lầm được ghi nhận trong lịch sử con người.
Mới đây, trang ntd.tv cho biết, hoa hậu Canada, người gốc Trung Quốc là Anastasia Lin đang bị chính quyền Trung Quốc gây áp lực với gia đình còn đang ở trong đại lục, vì cô có những quan điểm bảo vệ tự do và nhân quyền. Trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, đây rõ là phần không thể undo, và là một vết nhơ thật khó tả.
Ngày 16/5, ngay khi có tin Anastasia Lin nhận giải Miss World Canada tại Torornto ở tuổi 25, điều đầu tiên làm người ta ngạc nhiên là sự tức giận của chính quyền Trung Quốc. Ngay lập tức, hệ thống công an mạng đã rầm rập ra quân, ngăn chận tin tức và hình ảnh của Anastasia Lin không cho đến với người dân Trung Quốc.
Nguyên nhân của chuyện oái ăm này, là do Anastasia Lin đã tham gia đóng trong một vài bộ phim, mà nội dung thì chính quyền Trung Quốc không vui. Trong đó có một phim về đề tài động đất ở Tứ Xuyên năm 2008. Nhân vật chính mà Lin thể hiện, là một nạn nhân trong việc chính quyền tham nhũng khiến các toà nhà cao tầng yếu ớt đổ sụp nhanh chóng, chôn vùi hàng ngàn người. Dù đây là chuyện có thật được kể lại, nhưng Lin bị xem là thành phần phản động khi chỉ trích nạn tham nhũng ở Trung Quốc.
Vài bộ phim khác cũng khiến cô vào “sổ bìa đen” của chính quyền Bắc Kinh, là những phim nói về nạn buôn bán nội tạng bất hợp pháp tại Trung Quốc (The Bleeding Edge, Destined) và gần đây là phim Red Lotus, nói về nạn đàn áp và giết hại các học viên Pháp Luân Công. Ngoài việc là một cô gái Châu Á xinh đẹp nên dễ nhận được vai diễn, Anastasia Lin còn là sinh viên về ngành quan hệ quốc tế nên ý thức về xã hội, đất nước… hình thành trong cô rất rõ. Dù di dân đến Canada khi chỉ vừa 13 tuổi, nhưng bản thân Anastasia Lin luôn ngóng về quê hương, kêu gọi việc bảo vệ con người, xây dựng một Trung Quốc tốt đẹp hơn. 
Thật trớ trêu, nhiều nhóm công an chìm đã đến nhà cha của cô Anastasia Lin, đe doạ và nói nếu gia đình không ngăn cấm Lin đóng phim hay tuyên bố về quyền con người, cha của cô sẽ phải bị triệu tập và hứng chịu các cuộc đấu tố không khác gì thời cách mạng văn hoá.
Điều khó tin là ở thời đại này, chính quyền Bắc Kinh không những muốn đàn áp con người trong nước, lại còn muốn vươn tay dài hơn để hăm doạ phần còn lại của thế giới. Tấn công Anastasia Lin hay ráo riết đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam tại biển Đông cũng chỉ là một sách lược được nhân rộng của một hệ thống không còn màng đạo nghĩa, dù chính nơi đó là vùng đất từng sản sinh ra các luận thuyết cao quí nhất về đạo nghĩa. 
Dĩ nhiên, như một máy tính hư hỏng không còn khả năng undo, Bắc Kinh đang đi sâu vào con đường hầm tăm tối của họ. Theo yêu cầu của Tập Cận Bình, trong 3 năm tới, nước này sẽ chi hơn 180 tỉ USD, nhằm kiện toàn một hệ thống internet, theo tuyên bố của Tập Cận Bình nhằm chống lại “các thế lực thù địch phương Tây” và giới bất đồng chính kiến. Chỉ riêng trong năm 2015, sẽ có 70 tỉ USD được Trung Quốc chi ra nhằm hoàn thiện tường lửa, kiểm duyệt trên mạng – một hệ thống mà các chuyên gia tin học gọi tên đó “Great Firewall” (Vạn lý Hoả Thành) vì sự tinh vi và chằng chịt ngăn cấm, truy đuổi danh tính người dùng… Con số 70 tỉ này có được từ tiền đóng thuế của nhân dân Trung Quốc, và dùng để chống lại những con người Trung Quốc, như Anastasia Lin.
Dường như bài học nhỏ về nhân cách và trách nhiệm với cuộc đời mà bà giáo già dạy cho lũ trẻ nhỏ, chưa bao giờ được áp dụng với những người lãnh đạo ở Trung Quốc. 
Không ai có thể dát vàng được lịch sử của mình, nhưng ít nhất cũng đừng tự làm nhơ nhuốc vì sự gian trá và chống lại con người. Và chống lại con người như với Anastasia Lin hay những ngư dân Việt Nam, sẽ mãi là những điều không thể nào xoá nhoà được trong lịch sử Trung Quốc hay của cả thế giới.
Một chính quyền như vậy, sao có thể là bạn? Quá khứ của những ai chọn kẻ ác làm bạn, sẽ không thể có khả năng xoá đi hay undo về lựa chọn sai lầm làm mãi mãi thương tổn bộ nhớ của dân tộc mình.
Nhạc sĩ TUẤN KHANH .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog