20 thg 5, 2015

Đừng tưởng - thơ Bùi Giáng theo Bình Luận Án .Thứ Ba, ngày 19 tháng 5 năm 2015



Bùi Giáng

BLA: Đừng tưởng cứ nói là xây, dựng được chủ nghĩa xã hồi (hội) trong mơ! Đừng tưởng xuống phố biểu tình, chống bọn tàu khựa là phường phản đông (động). ... he he!

Thi sỹ Bùi Giáng, ông còn là một dịch giả xuất sắc 



Đừng tưởng cứ núi là cao 
Cứ sông là chảy cứ ao là tù 
Đừng tưởng cứ dưới là ngu 
Cứ cao là sáng cứ tu là hiền.

Đừng tưởng cứ đẹp là tiên 
Cứ nhiều là được cứ tiền là xong 
Đừng tưởng không nói là câm 
Không nghe là điếc không trông là mù 

Đừng tưởng cứ trọc là sư
Cứ vâng là chịu cứ ừ là ngoan 
Đừng tưởng có của đã sang 
Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây 

Đừng tưởng cứ uống là say 
Cứ chân là bước cứ tay là sờ 
Đừng tưởng cứ đợi là chờ 
Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần.

Đừng tưởng cứ mới là tân 
Cứ hứa là chắc , cứ ân là tình 
Đừng tưởng cứ thấp là khinh 
Cứ chùa là tĩnh, cứ đình là to .

Cứ già là hết hồ đồ 
Cứ trẻ là chẳng âu lo buồn phiền 
Đừng tưởng cứ quyết là nên 
Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua.

Dưa vàng đừng tưởng đã chua 
Sấm dền đừng tưởng sắp mưa ngập trời 
Khi vui đừng tưởng chỉ cười 
Lúc buồn đừng tưởng chỉ ngồi khóc than .....! 

Đừng tưởng cứ nốc là say
Cứ Hứa là Thật, cứ Tay là Cầm
Đừng tưởng cứ giặc – ngoại xâm
Cứ Bè là Bạn, cứ Dân là Lành

Đừng tưởng cứ trời là xanh
Cứ Đất và Nước là thành Quê Hương
Đừng tưởng cứ Lớn là Khôn
Cứ Bé là Dại, cứ Hôn… là Chồng

Đừng tưởng chẳng có thì không
Chẳng trai thì gái, chẳng ông thì bà
Đừng tưởng chẳng gần thì xa
Chẳng ta thì địch, chẳng ma thì người

Đừng tưởng chẳng khóc thì cười
Chẳng lên thì xuống, chẳng ngồi thì đi
Đừng tưởng sau nhất là nhì
Gần quan là tướng, gần suy là hèn

Đừng tưởng cứ sáng là đèn
Cứ đỏ là chín, cứ đen là thường
Đừng tưởng cứ đẹp là thương
Cứ Xấu là Ghét, cứ Vương là Tình
Đừng tưởng cứ ghế là vinh
Cứ tiền là mạnh, cứ dinh là bền

Đừng tưởng cứ cố là lên
Cứ lỳ là chắc, cứ Bên là Gần
Đừng tưởng cứ đều là cân
Cứ đông là đủ, cứ ân là nhờ

Đừng tưởng cứ vần là thơ
Cứ âm là nhạc, cứ tờ là tranh
Đừng tưởng cứ vội thì nhanh
Cứ Tranh là Được, cứ Giành thì Hơn

Đừng tưởng Giàu hết Cô đơn
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo
Đừng tưởng cứ bến là neo
Cứ suối là lội, cứ đèo là qua

Đừng tưởng chồng mẹ là cha
Cứ khóc là khổ cứ la là phiền
Đừng tưởng cứ hét là điên
Cứ làm là sẽ có tiền đến ngay
Đừng tưởng cứ rượu là say

Cứ gió là sẽ tung bay cánh diều
Đừng tưởng tỏ tình là yêu
Cứ thơ ngọt nhạt là chiều tương tư
Đừng tưởng đi là sẽ chơi
Lang thang dạo phố vào nơi hư người

Đừng tưởng vui thì sẽ cười
Đôi hàng nước mắt lệ rơi đầm đìa
Đừng tưởng cứ mực là bia
Bút sa gà chết nhân chia cộng trừ…

Đừng tưởng cứ gió là mưa
Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
Đừng tưởng cứ hạ là ve
Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn…

Đừng tưởng thu là lá tuôn
Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu.
Đừng tưởng cứ Thích là Yêu
Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay

Đừng tưởng tình chẳng lung lay
Chỉ một giấc ngủ, chẳng may … có bầu.
Đừng tưởng cứ cầu là hên,
Nhiều khi gặp hạn, ngồi rên một mình.

Đừng tưởng vua là anh minh,
Nhiều thằng khốn nạn, dân tình lầm than.
Đừng tưởng tìm bạn tri âm,
Là sẽ có kẻ mạn đàm suốt đêm.

Đừng tưởng đời mãi êm đềm,
Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.
Đừng tưởng cười nói ân cần,
Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương.

Đừng tưởng trong lưỡi có đường
Nói lời ngon ngọt mười phương chết người
Đừng tưởng cứ chọc là cười
Nhiều khi nói móc biết cười làm sao ?!!!

Đừng tưởng khó nhọc gian lao
Vượt qua thử thách tự hào lắm thay
Đừng tưởng cứ giỏi là hay
Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần

Đừng tưởng cứ quỳnh là thơm
Nhìn đi nhìn lại hóa ra cúc quỳ
Đừng tưởng mưa gió ầm ì
Ngày thì đã hết trời dần về đêm

Đừng tưởng nắng gió êm đềm
Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng
Đừng tưởng góp sức là chung
Chỉ là lợi dụng lòng tin của người

Đừng tưởng cứ tiến là lên
Cứ lui là xuống, cứ yên là mằn (mần, làm)
Đừng tưởng rằm sẽ có trăng
Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu

Đừng tưởng cứ khóc là sầu
Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng
Đừng tưởng cứ nước là trong
Cứ than là hắc, cứ sao là vàng

Đừng tưởng cứ củi là than
Cứ Quan là Có, cứ Dân là Nghèo_
Đừng tưởng cứ khúc là eo
Cứ lúc là mạc, cứ Sang là Giàu

Đừng tưởng cứ thế là khôn!
Nhiều thằng khốn nạn còn hơn cả mình
Đừng tưởng lời nói là tiền
Có khi là những oán hận chưa tan
Đừng tưởng dưới đất có vàng
Vàng đâu chả thấy phí tan cuộc đời

Đừng tưởng cứ nghèo là hèn 
Cứ sang là trọng , cứ tiền là xong 
Đừng tưởng quan chức là rồng 
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì .

Đời người lúc thịnh lúc suy 
Lúc khỏe , lúc yếu , lúc đi lúc dừng 
Bên nhau chua ngọt đã từng 
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau .

Ở đời nhân nghĩa làm đầu 
Thủy chung sau trước , tình sâu nghĩa bền 
Ai ơi nhớ lấy đừng quên .........

---------------------

Vài nét về nhà thơ Bùi Giáng

Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Cha ông là Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con đầu của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiền, nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.

Năm 1933, ông bắt đầu đi học tại trường làng Thanh Châu.

Năm 1936, ông học trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê Trí Viễn.

Năm 1939, ông ra Huế học tư tại Trường trung học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh.

Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành chung.

Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh.

Năm 1950, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Từ Quảng Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, nhưng khi đến nơi, thì ông quyết định bỏ học để quay ngược trở về quê, để đi chăn bò trên vùng rừng núi Trung Phước.

Năm 1952, ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương. Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Tuy nhiên, theo T. Khuê thì sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy lại, ông quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.

Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông.

Năm 1969, ông "bắt đầu điên rực rỡ" (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông "lang thang du hành Lục tỉnh" (chữ của Bùi Giáng), trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc...

Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn cho đến khi qua đời. 

Thi sĩ Bùi Giáng mất chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998, sau một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM, Sài Gòn cũ) sau những năm tháng sống "điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang" (chữ của Bùi Giáng). và:

Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi
Đi lên đi xuống đã đời du côn! 

Ông được chôn cất tại nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Tác phẩm

Theo thống kê chưa đầy đủ, tác phẩm của Bùi Giáng gồm (tạm phân theo thể loại):

Tập thơ

Mưa nguồn (1962)
Lá hoa cồn (1963)
Màu hoa trên ngàn (1963)
Ngàn thu rớt hột (1963)
Bài ca quần đảo (1963)
Sa mạc trường ca (1963)
Sa mạc phát tiết (1969)
Mùi Hương Xuân Sắc (1987)
Rong rêu (1995)
Đêm ngắm trăng (1997)
Thơ Bùi Giáng (Montréal, 1994)
Thơ Bùi Giáng (California, 1994)…
Mười hai con mắt (2001)
Thơ vô tận vui (2005)
Mùa màng tháng tư (2007)

Nhận định

Nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan
Nhận xét về Lục Vân Tiên
Nhận xét về Chinh phụ ngâm và Quan Âm Thị Kính.
Nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần.
Tất cả đều được xuất bản năm 1957.

Giảng luận

Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Giảng luận về Chu Mạnh Trinh
Giảng luận về Tôn Thọ Tường
Giảng luận về Phan Văn Trị
Tất cả đều được xuất bản năm 1957-1959.

Triết học

Tư tưởng hiện đại (1962)
Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại I và II (1963)
Sao gọi là không có triết học Heidgger? (1963)
Dialoque (viết chung, 1965)

Tạp văn

Các sách xuất bản năm 1969, có:.

Đi vào cõi thơ
Thi ca tư tưởng
Sa mạc phát tiết
Sương bình nguyên
Trăng châu thổ
Mùa xuân trong thi ca.
Thúy Vân

Các sách xuất bản năm 1970, có:

Biển Đông xe cát
Mùa thu trong thi ca.

Các sách xuất bản năm 1971, có:

Ngày tháng ngao du
Đường đi trong rừng
Lời cố quận
Lễ hội tháng Ba
Con đường ngã ba-Bước đi của tư tưởng…

Sách dịch

Các sách xuất bản năm 1966, có:

Trăng Tỳ hải
Cõi người ta
Khung cửa hẹp
Hoa ngõ hạnh
Othello

Các sách xuất bản năm 1967, có:

Bạo chúa Caligula
Ngộ nhận
Kim kiếm điêu linh

Các sách xuất bản năm 1968, có:

Con đường phản kháng
Mùa hè sa mạc
Kẻ vô luân

Các sách xuất bản năm 1969, có:

Nhà sư vướng luỵ
Ophélia Hamlet
Hòa âm điền dã

Các sách xuất bản năm 1973 và 1974, có:

Hoàng Tử Bé (1973)
Mùa xuân hương sắc (1974)...

Hiện nay, nhiều tác phẩm của ông đã và đang được tái bản và xuất bản trong và ngoài nước.

(Theo Wikipedia)

1 nhận xét:

Tìm thông tin blog