25 thg 5, 2015

Những chuyện cũ [thêm] đau lòng lắm người ơi của Giáo sư NGUYỄN VĂN TUẤN Saturday, May 9, 2015


Xin mượn một câu nhạc [sến] cũ để nói lên cảm tưởng nhân đọc vài thông tin chung quanh buổi hội thảo kỉ niệm 100 năm ngày sinh của học giả Nguyễn Đổng Chi. Thật ra, chỉ có hai chuyện thôi. Một chuyện liên quan đến tờ "giấy thông hành" của học giả, và một chuyện liên quan đến … Biển Đông.



Tuần vừa qua, ở Sài Gòn diễn ra một buổi hội thảo do Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TPHCM, Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên và NXB Trẻ đồng tổ chức (1). Đó là một việc làm đẹp và có ý nghĩa. Ông Nguyễn Đổng Chi, với cá nhân tôi, là một học giả nổi tiếng thời còn đi học. Gia đình tôi có một bộ sách do Ba tôi sưu tầm. Bộ sách gồm nhiều truyện Tàu như Tam Quốc Chí, Thuỷ Hử, Hán Sở Tranh Hùng, v.v.. Đặc biệt là cuốn Kho Tàng Truyện Cổ Tích của Nguyễn Đổng Chi. Có thể nói tôi lớn lên với những truyện trong cuốn đó. Ngày ngày đi học về, tôi ngấu nghiến đọc những truyện trong đó và tha hồ .. tưởng tượng. Ôi, một thời thiếu niên thật thần tiên với những truyện con sam, sự tích cái chổi, ông bình vôi, cái chân con chó, v.v. Văn chương giản dị, nhân cách hoá sự vật làm cho mình rất gần với sự vật, cộng với minh hoạ (chỉ vẽ tay) làm cho cuốn sách là một cuốn không thể thiếu được trong tủ sách gia đình.

Vậy mà sau này tôi lại có duyên với gia đình ông. Chẳng nhớ cơ duyên nào mà tôi quen anh Nguyễn Huệ Chi. Nhớ hôm ghé thăm nhà anh Huệ Chi, tôi thấy ấn tượng ngay cái thư viện của ông, và đặc biệt nhiều sách và kỉ vật liên quan đến cụ Đổng Chi. Hỏi ra mới biết anh chính là con trai của ông cụ Đổng Chi! Qua sách báo, tôi loáng thoáng biết rằng trong thời Nhân văn Giai phẩm, ông cụ Đổng Chi cũng bị lọt vào dòng xoáy của cơn lốc dã man đó. Dưới áp lực của đảng, ông viết bài chỉ trích và vu khống cụ Phan Khôi, một học giả nổi tiếng khác. Nhưng cụ Đổng Chi là người đàng hoàng và nhà văn hoá lớn, nên ông có chối lại cho con trai (tức là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi) giải oan cho cụ.

Thành ra, tôi thấy một hội thảo về đóng góp và sự nghiệp của một học giả đáng kính như thế là rất cần thiết. Nhưng những gì mà bạn bè kể lại thì hình như buổi hội thảo xảy ra với vài … lắt léo. Một người bạn (tạm gọi là HO) viết trên fb như sau:

Để hội thảo có thể tiến hành được thì Ban tổ chức (Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM, Nhà xb Trẻ, Tập đoàn truyền thông Thanh Niên) không được đăng tham luận của nhà văn Nguyên Ngọc vào kỷ yếu hội thảo, không được mời nhà văn Nguyên Ngọc; ông con Nguyễn Huệ Chi không được phát biểu cám ơn và những người tham dự hội thảo mà phải giao cho cô út, muốn trao đổi với các ý kiến tham luận thì đứng dưới hội trường chứ không được lên bục diễn giả, và nhiều chuyện khác ...”

Thật khó tưởng tượng nổi đến thế kỉ 21 mà vẫn còn những hành xử kém văn hoá như thế! Người bạn trên nói là “chuyện bên lề”, nhưng tôi thì thấy đó là chuyện quan trọng. Quan trọng là vì những câu chuyện như thế nói lên một sự thật là có những thế lực cố tình gây cản trở cho tự do học thuật. Và, thế lực này không từ bỏ một tiểu tiết nào, cho dù là rất thấp, để đạt được mục tiêu của họ. Do đó, không ngạc nhiên khi OA tự hỏi: “Nền tự do như vậy mà lại đi 'giải phóng' một nơi tự do khác”.

Học giả làm ruộng

Trong hội thảo có nhiều chứng từ và di bút về học giả Nguyễn Đổng Chi. Một trong những chứng từ tôi thấy rất "thú vị" là tờ “Giấy thông hành” cấp cho ông vào ngày 24/5/1955 (tức thời Cải cách ruộng đất). Tờ giấy ghi nghề nghiệp của ông là “làm ruộng”, nhưng phía dưới ghi mục đích của chuyến đi là “gặp Ban nghiên cứu Văn Sử Địa”. Vui thật! Một anh nông dân mà có việc gì phải đi gặp một cơ quan nghiên cứu?! Mà còn nghiên cứu văn sử địa!



Đọc qua thì thấy một kiểu "dấu đầu lòi đuôi", nhưng cũng có thể giải thích một cách khác có lẽ thích hợp hơn. Thời đó (Cải Cách Ruộng Đất), những người như cụ Nguyễn Đổng Chi dĩ nhiên được xem là thành phần trí thức, tức là nằm trong nhóm bị “Đào tận gốc, trốc tận rễ”. Cho nên, ông quan chức công an Hà Tĩnh mới thương tình cho ông cái nghề rất hiền lành là “làm ruộng” cho an toàn trên đường đi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội. Nếu để là "học giả" thì chắc gì ông may mắn ra khỏi được Hà Tĩnh. Dù gì đi nữa thì cái tờ giấy thông hành là một chứng từ cho một thời tăm tối.

Tây Sa, Nam Sa

Trong buổi hội thảo còn có một chứng từ rất quan trọng nói lên tầm nhìn của quan chức VNDCCH thời đó. Nhưng trước khi nói về chứng từ đó, tôi nhắc lại là chúng ta -- người Việt -- gọi tên Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này thì ai cũng biết. Nhưng bạn nghĩ sao nếu chính phủ Việt Nam gọi theo người Tàu là “Tây Sa” và “Nam Sa”? Ấy thế mà đó là cách gọi trên giấy trắng mực đen của Bộ Ngoại giao VNDCCH! Đó là một văn bản của Bộ Ngoại giao VNDCCH gửi cho học giả Nguyễn Đổng Chi vào ngày 22/1/1974. Nguyên văn như sau:

BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Số LS/BG Độc lập Tự do Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 22 tháng 1 năm 1974

Kính gửi: Đ/c Giám đốc Thư viện nhà nước
Đ/c Giám đốc Thư viện Khoa học xã hội
Đ/c Cục trưởng Cục Lưu trữ
Đ/c Viện trưởng Viện Sử học

Thủ tướng Chính phủ cần tư liệu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Tây sa và Nam sa.

Đề nghị đồng chí bố trí cán bộ làm việc trong mấy ngày tết sưu tầm gấp các tư liệu, bản đồ về vấn đề này để trong vài ba ngày kịp trình lên đồng chí Thủ tướng. Chúng tôi xin cử cán bộ đến trực tiếp trình bày với các đồng chí để nói rõ thêm vấn đề này.

KT/BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
Thứ trưởng
Hoàng Văn Tiến

Để đặt cái công văn này trong bối cảnh, chúng ta cần phải nhớ rằng Tàu cộng đánh chiếm Hoàng Sa từ VNCH vào ngày 19/1/1974. Trong trận hải chiến đó (do VNCH nổ súng trước) có 75 lính hải quân VNCH hi sinh.

Ba ngày sau, Bộ Ngoại giao VNDCCH mới gửi công văn này đến học giả Nguyễn Đổng Chi để … “sưu tầm tài liệu” trình Thủ tướng. Nói cách khác, VNDCCH có vẻ chẳng biết chủ quyền hai quần đảo đó là thuộc Việt Nam! Chuyện khó tin nhưng có thật. Chuyện càng khó tin khi Bộ Ngoại giao VNDCCH mà dùng danh xưng của Tàu cộng để chỉ 2 quần đảo của Việt Nam! Nhưng nhìn chung, cái công văn đó cho thấy khi Tàu cộng đánh chiếm Hoàng Sa của VNCH, phía VNDCCH … không biết nói gì. Nói cách khác, họ mù mờ về sự thật lịch sử.

Trước đây, tôi vẫn bán tín bán nghi khi Tàu cộng chúng rêu rao rằng VNDCCH từng tuyên bố rằng Hoàng Sa thuộc về Tàu. Chúng tung tài liệu nói rằng "Ngày 15/6/1956, trong khi tiếp đại diện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Lý Chí Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói với ông rằng: ‘Theo dữ liệu của Việt Nam, quần đảo Tây sa và quần đảo Nam Sa về mặt lịch sử là một phần lãnh thổ của Trung Quốc’" (2). Tuyên bố này có thật, vì cuốn sách "Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" của ông Lưu Văn Lợi do Nhà xuất bản Công an Nhân dân Hà Nội phát hành năm 1995, xác nhận.

Trong một bài viết mới đây, Gs Vũ Cao Đàm (ĐHQG Hà Nội) có nói đến quan điểm của ông Lê Duẩn lúc Tàu cộng đám chiếm Hoàng Sa từ VNCH như sau:

"Còn khi Tàu Cộng chiếm Hoàng Sa thì mấy ông tuyên huấn của Bác Duẩn lại báo tin mừng cho chúng tôi biết, là 'bạn' đã giúp ta lấy lại Hoàng Sa 'từ tay quân ngụy'. […] Hỏi quân ngụy là ai mà dám chiếm đóng Hoàng Sa, thì mới tá hỏa ra là bọn họ cũng là người Việt Nam, đang cầm súng chiến đấu bảo vệ đảo của nước ta" (3).

Câu chuyện trên đây do bác Vũ Cao Đàm kể lại, cùng với chứng từ "Tây Sa, Nam Sa" của Bộ Ngoại giao VNDCCH, và phát biểu của ông Ung Văn Khiêm tiết lộ một cách khá nhất quán rằng thời đó mấy quan chức và lãnh đạo cao cấp ngoài Bắc rất mơ hồ về chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa. Do đó, ngày nay khi những người nối nghiệp họ và chúng ta phải gặp khó khăn lớn khi đương đầu với những chứng từ do chính họ sản sinh.

Khó khăn đó là thật. Viết đến đây tôi nhớ lại một sự việc hai năm trước. Lúc đó, một bài báo khoa học của Tàu cộng đăng bản đồ với đường 9 đoạn, và chúng tôi viết thư phản đối, nên tập san Nature phỏng vấn tôi về việc này. Một phần bài phỏng vấn được công bố và gây ảnh hưởng rất tốt. Nhưng có ít nhât 5 tác giả Tàu (tôi đoán là từ Tàu, vì khó nói về địa chỉ email) viết email đến tôi chửi bới khá thô tục, nhưng lá thư nào họ cũng nói rằng chính Chính phủ VNDCCH công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Tàu. Dĩ nhiên, loại phản ứng vô văn hoá đó tôi chẳng trả lời, mà chỉ gửi cho Nature để họ đọc … giải sầu. Nhưng quả thật, những chứng từ bất lợi như thế sẽ còn ám ảnh chúng ta. Bởi thế, tôi mới nói nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi.

Giáo sư NGUYỄN VĂN TUẤN.


====



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog