12 thg 12, 2014

Nhân chuyện cựu chủ tịch thành phố Hà Nội trả biệt thự. của Hành Thiện .



TNO - Nếu không có sự kiện ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ bị lên mặt báo vì chuyện nhà đất có sự bất minh khiến Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc thì liệu ông Hoàng Văn Nghiên có lá đơn gửi thành phố chấp thuận trả lại biệt thự? Phải chăng, bao năm dằng dai, ông vẫn hi vọng vào một chính sách nhà đất hay thay đổi?

Trước khi làm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Hoàng Văn Nghiên đã là một nhà quản lý doanh nghiệp với chức danh Chủ tịch Công ty điện tử Hanel. Công ty do ông gây dựng làm ăn phát đạt, nhưng nhiều năm ông vẫn ở một căn hộ bình dị thuộc khu tập thể 5 tầng ở phường Bách khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bởi ông vốn là một nhà giáo (chủ nhiệm Khoa) Đại học Bách khoa Hà Nội.


Dịp Tết năm ông mới nhậm chức chủ tịch TP.Hà Nội, dân Thủ đô bàn tán xôn xao chuyện ông âm thầm gửi trả Kho bạc nhà nước cả tỉ đồng mà các đơn vị, cá nhân đến thăm chúc Tết ông. Điều lạ ở chỗ không có một ai khẳng định hoặc phủ định thông tin này, mặc dù tôi đã hỏi khá nhiều vị có trách nhiệm. Song dù có chuyện đó hay không, sự thật là ông đã được người dân kỳ vọng sẽ đại diện cho lớp trí thức được tin tưởng, giao phó trọng trách làm kinh tế. Và thực tế, ông đã không rời khỏi căn hộ đó mãi cho tới gần lúc mãn nhiệm.

Điều khiến tôi thất vọng chính là khi xảy ra câu chuyện ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa (khoảng 400 m2), một con phố rất nhỏ nhưng nằm sát con đường lớn và đẹp nhất Thủ đô, mà ông được thành phố cho thuê. Báo chí đã chất vấn Hà Nội ngay sau khi ông thôi cương vị Ủy viên Trung ương Đảng và Chủ tịch UBND thành phố để nghỉ hưu. Ai ngờ đâu, câu chuyện ngôi biệt thự vẫn dây dưa từng ấy năm mà chưa ngã ngũ. Chẳng rõ vì sao, liệu có phải vì Hà Nội ngại đòi nhà thủ trưởng cũ hay do quên? Hay do còn nhùng nhằng gì đó, chưa thể dung hòa được cả hai bên?

Nếu không có sự kiện ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ bị lên mặt báo cũng vì chuyện nhà đất có sự bất minh khiến Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc thì liệu "bỗng dưng" ông Nghiên có lá đơn gửi thành phố ngày 20.11.2014, chấp thuận trả lại biệt thự? Phải chăng, bao năm dằng dai, ông vẫn hi vọng vào một chính sách nhà đất hay thay đổi? Vả chăng, trên thực tế, lớp cán bộ cao cấp như ông từng có nhiều người được mua ưu đãi nhà đất “vàng” thuộc sở hữu nhà nước.

Lâu nay, chúng ta đều biết quy định và chính sách cấp, chuyển nhượng nhà đất cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước còn thiếu nhất quán. Đây chính là căn nguyên gây biết bao so bì giữa các vị vốn là đồng chí, là cấp trên và có khi là cấp dưới của mình hồi nào, khiến cơ quan có trách nhiệm khó xử. Chúng ta cũng đã từng chứng kiến những đòi hỏi phi lý về chế độ nhà đất của một số vị lãnh đạo cao cấp, đặc biệt là vợ, con của họ.

Có vị vốn là quan chức cao cấp của Đảng, sau khi trả lại biệt thự công vụ, nhà nước cũng đã cấp cho gia quyến họ một ngôi biệt thự khác hoành tráng không kém ở một con phố thuộc loại đẹp nhất của Thủ đô, nhưng gia đình không ở mà lại cho nước ngoài thuê kiếm cả chục ngàn USD mỗi tháng. Còn bà quả phụ nọ thì về ở với con cái, làm nhà báo xót xa khi tới thăm, cho rằng Đảng và Nhà nước ứng xử thiếu chu đáo... Chỉ đến khi báo nêu, thấy có thể ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, ngườt có trách nhiệm mới “được quyền tuyên bố" khiến mọi người ngã ngửa vì sự thật.

Hà Nội và TP.HCM thường là nơi các vị lãnh đạo ở sau khi nghỉ hưu nhiều nhất. Chắc chắn, quỹ nhà đất công nội đô hai nơi này không thể đáp ứng được nhu cầu trên, đặc biệt là nhiều năm tới lại càng khó hơn. Đã đến lúc Đảng, Chính phủ cần ban hành chính sách nhất quán về chế độ cấp nhà đất cho cán bộ cấp cao để sao cho không còn đối tượng nào có thể thắc mắc được. Chỉ có như vậy mới có thể tránh được chuyện người nọ tỵ người kia, thế hệ trước so bì với thế hệ sau về quyền lợi - hưởng thụ - cống hiến của mỗi người, mỗi thế hệ. Dù đã muộn, theo tôi vẫn cần phải làm và làm sớm bao nhiêu càng tốt hơn bấy nhiêu


HÀNH THIỆN  TNO.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog