Ông Nguyễn Minh Đào (Tư Đào) nguyên Bí thư Thị Xã Ủy TX Châu Đốc, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang, CT.MTTQ.Tỉnh là anh ruột của ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị) nguyên CT.UBND Tỉnh An Giang.
Chúng ta nói và
nghe nói nhiều phải đổi mới, cải cách, hoặc thay đổi… để tồn tại, phát triển thoát ra thực trạng
nầy của đất nước, nhưng bằng con đường nào êm đẹp và xây dựng thể chế
chính trị - xã hội theo mô hình nào ưu việt, không “do sự tác động từ bên ngoài và khiến
đất nước biến đổi mọi thứ theo hướng có lợi cho những lực lượng bên ngoài đó” như điều anh Lê Kiến Thành và người
dân lo sợ và không đưa đất nước lâm vào thãm kịch như một số nước ở Trung Đông,
Bắc Phi hiện nay, khiến cho cuộc sống người dân đã khốn khó càng khốn khó và
không bình yên! Tôi lo sợ điều nầy nếu xảy ra, người dân hứng chịu tai ương và
những người “bên thắng cuộc”, trong đó có tôi có nguy cơ là nạn nhân của sự trả
thù, phục hận rất khủng khiếp! (N.M.Đ)
Gần tám mươi năm sống
trên đời từ thời mồ ma “phong kiến - thực dân”, qua các chế độ chính trị - xã
hội khác nhau, tôi nếm trải khá đủ hương vị cuộc đời. Nhiều Tết cổ truyền in
đậm trong tôi những ký ức vui buồn không thể nào quên! Tết Giáp Ngọ là cái Tết
buồn đối với tôi! Buồn vì trong cuộc sống riêng gia đình tôi có những chuyện
khó có thể chia sẻ với ai, nhưng cùng với thời gian dần dà rồi sẽ qua! Một nỗi
buồn khác thấm đậm trong lòng chưa biết bao giờ mới nguôi và chắc rằng không ít
người cùng tâm trạng như tôi: Buồn vì đất nước sắp bước vào năm thứ 40 từ ngày
hòa bình thống nhất, mà lòng người phân ly từ trong các cuộc chiến vẫn chưa “hòa
giải – hòa hợp”! Thảm trạng nầy đến bao giờ chấm dứt và trách nhiệm thuộc về
ai?!
Vết thương đau
trong lòng người “bên thua cuộc” và với đông đảo nguòi dân không thuộc bên nào
còn chưa liền sẹo, thì phát sinh vết thương mới trong lòng người “bên thắng cuộc”,
trong đó không ít “công thần” của chế độ, hay nhân sĩ, trí thức, văn nghệ
sĩ tên tuổi bất bình trước hiện tình đất nước, kiến nghị với Đảng sửa đổi chủ
trương, chánh sách không hợp lòng dân nhưng không được lắng nghe! Với tầng lớp
dân cư đông đảo nhất trong xã hội thuộc“giai cấp công nhân lãnh đạo” và “nông
dân chủ lực quân cách mạng”, cuộc sống ngày càng khó khăn, cơ cực, mâu thuẫn
lợi ích với Đảng và chánh quyền ngày càng gay gắt…Trong khi đó kinh tế
suy thoái, tham nhũng tràn lan, xã hội suy đồi, tội ác lộng hành, người chết do
tai nạn giao thông không có điểm dừng…
Những ngày tết buồn,
tôi lướt các trang mạng quen thuộc phát hiện bài ghi cuộc “Trò
chuyện với con trai cố TBT Lê Duẩn – TS Lê Kiến Thành” của phóng viên Lan
Hương, nội dung đề cập những vấn đề nóng bỏng của đất nước, càng đọc tôi càng
thấy buồn! Tôi chỉ biết anh Lê Kiến Thành qua báo chí, lẽ ra anh làm
“thái tử đảng” nối nghiệp bố như những “con ông cháu cha” ta thấy, nhưng anh
chọn con đường làm nhà doanh nghiệp và qua ý kiến thẳng thắn của anh trong cuộc
trò chuyện, tôi hiểu anh là nhà doanh nghiệp và là một trí thức chân chính. Tôi
chia sẻ những vấn đề gai góc anh nói ra từ gan ruột mình.
Trong cuộc sống đời
thường sau khi nghỉ hưu, tôi có dịp mở rộng quan hệ nhiều người, nghe những
chuyện tham nhũng, mua quan bán chức, kết bè kết cánh… trong nội bộ tổ chức
Đảng, chánh quyền nơi nầy, nơi nọ tôi rất ngỡ ngàng không tin đó là sự thật,
nhưng nghe nhiều người nói qua một thời gian dài nhận thêm thông tin từ những
nguồn tin cậy, tôi không thể không tin, cùng những vụ án tham nhũng động trời được
phanh phui như vụ Dương Chí Dũng mới đây, làm cho tôi đau buồn, thất vọng về
chế độ xã hội mà mình đã góp phần với hàng triệu người một thời xả thân hy sinh
chiến đấu tạo dựng nên với tất cả niềm tin và hy vọng sẽ là một xã hội tươi đẹp
trong tương lai, nhưng ngày nay niềm tin và hy vọng cạn kiệt dần! Tôi
không “vơ đũa cả nắm”, vẫn biết trong bộ máy cầm quyền những việc làm
tốt, những con người tốt nơi nào, lúc nào cũng có, nhưng những điều tệ hại đó
lại không còn là cá biệt và đang lây lan nguy hiểm!
Phóng viên hỏi về
vụ án Dương Chí Dũng “…nếu như
vụ án đó lại chìm xuồng và đi vào im lặng thì điều gì sẽ xảy ra với lòng dân?”,
anh Lê Kiến Thành nói: “Tôi
chỉ sợ người dân sẽ nghĩ rằng đương nhiên nó phải thế và họ chấp nhận nó, thì
đây sẽ là thảm họa…”. Sự thật
ngày nay trong nhân dân, số người quan tâm đến thời cuộc không nhiều, phần đông
người dân còn nghèo khó, tất bật lo cơm áo, gạo tiền trong cuộc sống thường
nhật đã bở hơi tai, họ đâu cần biết gì ngoài những thứ đó và ngay cả người có
cuộc sống khá giả, mối bận tâm của họ cũng đâu dành cho những chuyện như vậy!
Sự thờ ơ, lãnh đạm của đông đảo người dân bình thường trong xã hội trước hiện
tình đất nước dưới cái nhìn của tôi là một sự thật đáng buồn, anh Lê Kiến Thành
nói là thảm họa chẳng sai!
Phóng viên hỏi về “… nền tảng văn hóa của dân tộc đang
bị lung lay…?”, anh Lê Kiến Thành dẫn dụ những sự việc cụ thể chứng minh:“…rằng
chúng ta đang bị “biến dạng” một cách tổng thể mà văn hóa chỉ là một
phần…”. Sách báo, hay trên các diễn đàn người ta nói nhiều về hiện trạng
văn hóa xuống cấp, đạo đức xã hội suy đồi, kỷ cương phép nước không nghiêm, tội
ác lộng hành… nhưng ít khi nghe phân tích, mổ xẻ căn nguyên, cội nguồn phát
sinh hiện trạng nầy! Phải chăng có điều gì đó khó nói?!
Anh Lê Kiến Thành nói
về tham nhũng, dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “tham nhũng là ghẻ…”, theo anh “…ghẻ của chúng ta là cái ghẻ từ
trong nội tạng…” và anh nói:
“… không thể vứt nội tạng của
chúng ta đi, mà phải làm cái gì đó để thay đổi gốc rễ của căn bệnh”.
Nói đến tham nhũng, tôi
nghĩ đến chuyện xưa, những năm sau 1975 ở thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh
thành khác cũng thế, nhà đất thuộc diện Nhà nước tịch thu, trưng thu nhiều vô
kể lại không được quản lý, sử dụng chặt chẽ, đúng đắn, một phần đáng kể phân
phối cho cán bộ có chức có quyền theo hình thức “hóa giá” như cho không, nhiều
người không sử dụng, hay sử dụng một thời gian bán đi thu vào hằng trăm, thậm
chí cả ngàn lượng vàng làm giàu một cách bất chính nhưng rất “hợp pháp”. Đó là
một trong những việc làm từ buổi đầu sau ngày hòa bình lập lại, tạo tiền đề tệ
đặc quyền đặc lợi và sự bất bình đẳng trong nội bộ phát sinh - mẹ đẻ của nạn
tham nhũng. Trong chiến tranh, Đảng rất coi trọng việc giáo dục rèn luyện đạo
đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên rất nghiêm khắc, thậm chí có phần
cực đoan, nhưng khi sống trong môi trường hòa bình đầy rẫy cám dỗ vật chất lại
không còn quan tâm! Cùng với những chủ trương, chánh sách sai lầm và xuất hiện
tệ kiêu binh, thói kiêu căng, tự mãn của kẻ chiến thắng… làm trầm trọng thêm tệ
tham nhũng, tiêu cực là điều dễ hiểu!
Sau cùng, anh Lê Kiến
Thành đề cập lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đến sự tồn vong của chế độ,
theo anh “tức là nói đến khái
niệm sống và chết. Làm thế
nào để chọn con đường sống chứ không phải là chết …và phải “…tự thay đổi để chọn con
đường sống…”.
Chúng ta nói và nghe nói nhiều phải đổi mới, cải cách, hoặc thay đổi… để tồn tại, phát triển thoát ra thực trạng nầy của đất nước, nhưng bằng con đường nào êm đẹp và xây dựng thể chế chính trị - xã hội theo mô hình nào ưu việt, không “do sự tác động từ bên ngoài và khiến đất nước biến đổi mọi thứ theo hướng có lợi cho những lực lượng bên ngoài đó” như điều anh Lê Kiến Thành và người dân lo sợ và không đưa đất nước lâm vào thãm kịch như một số nước ở Trung Đông, Bắc Phi hiện nay, khiến cho cuộc sống người dân đã khốn khó càng khốn khó và không bình yên! Tôi lo sợ điều nầy nếu xảy ra, người dân hứng chịu tai ương và những người “bên thắng cuộc”, trong đó có tôi có nguy cơ là nạn nhân của sự trả thù, phục hận rất khủng khiếp!
Tôi tin Ban lãnh đạo cấp cao đất nước có đủ tài trí, bản lĩnh chọn lựa con đường thay đổi có lợi, vượt qua khủng hoảng với bước đi phù hợp và bình yên. Tôi chỉ lo các vị không muốn thay đổi, những mô hình xây dựng đất nước phát triển bền vững, hợp lòng dân, hợp xu thế thời đại trên thế giới không thiếu như Nhật, Hàn Quốc, các nước Bắc Âu…các vị hãy vì lợi ích dân tộc và tiền đồ Tổ quốc khách quan xem xét tham khảo chọn lựa mô hình xây dựng phát triển đất nước hợp lòng người, hợp xu thế thời đại./-
Mồng
Bảy Tết Giáp Ngọ - 2014
NGUYỄN MINH ĐÀO
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 6-2-14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét